Nhiều người thường cho rằng hành vi bám mẹ của trẻ là do bé muốn làm nũng hoặc phản ánh việc chiều con quá đà của phụ huynh. Thế nhưng các nhà khoa học đã chứng minh rằng trẻ bám mẹ (clingy kid) là hoàn toàn bình thường. Mặc dù vậy, sẽ có những trường hợp trẻ bám mẹ quá đà, dẫn đến bất tiện cho cả mẹ và bé trong cuộc sống hằng ngày.
Khi trẻ có biểu hiện "bám dính" lấy mỗi mẹ (hoặc bố), phụ huynh lúc đầu sẽ cảm thấy mềm lòng kèm theo chút hãnh diện vì con chọn mình để gắn bó. Tuy nhiên, càng về sau, cha mẹ có thể sẽ không còn thoải mái vì dù đi đâu hay làm gì cũng sẽ bị trẻ lẽo đẽo đòi theo. Hành vi bám mẹ này được Tiến sĩ Alan Sroufe - nhà nghiên cứu về sự gắn bó của Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) - coi là biểu hiện của sự tiến hóa. Ông cũng chia sẻ trên tờ Slate rằng: "Ở loài linh trưởng, đặc biệt là các loài linh trưởng di cư thì bám mẹ là một hành vi quan trọng cần có" (1), (2). Trong bài viết này, LeLa Journal gọi chung hành vi này là "bám mẹ", dù cho trẻ có thể lựa chọn gắn bó, bám theo bất cứ người chăm sóc gần gũi nhất nào (bố mẹ, ông bà, vú em...)
Tiến sĩ Tali Shenfield - chuyên gia Tâm lý học lâm sàng tại Đại học Toronto (Canada) - cho rằng bám mẹ là điều hoàn toàn bình thường. Khoảng 7 đến 24 tháng tuổi, hầu hết trẻ em sẽ trải qua "giai đoạn gắn bó" - đó là khi chúng đối xử với những người chăm sóc thân thuộc như một chỗ dựa an toàn (3).
Trẻ ở độ tuổi này cho rằng việc khám phá thế giới xung quanh là an toàn nếu có bố hoặc mẹ ở cạnh, vì vậy chúng nghiễm nhiên muốn được ở gần bố mẹ hầu như mọi lúc. Một nghiên cứu năm 2001 đã chỉ ra rằng khi một đứa trẻ lớn lên trong mối quan hệ an toàn, chúng sẽ có nhiều cơ hội phát triển tốt hơn. Đầu tiên là về khả năng tư duy vượt trội (4), sau đó là phát triển trí tò mò, tự chủ và độc lập hơn, đồng thời có xu hướng trở thành những người trưởng thành kiên cường, có năng lực trong xã hội (5).
Mặt khác, những đứa trẻ không có sự gắn bó an toàn với cha mẹ hay người chăm sóc sẽ cảm thấy không thể dựa vào họ khi cần thiết. Nghiên cứu cũng cho thấy những đứa trẻ này sau đó sẽ trở nên ít dựa dẫm, không dám bám víu vào ai, kể cả trong những tình huống nguy hiểm cần sự hỗ trợ (6).
Khi phải rời xa những người thân yêu của mình, trẻ sẽ thấy lo lắng, bất an - đó gọi là lo âu chia ly (separation anxiety) (7). Đây là điều bình thường diễn ra ở trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 12 tháng, thậm chí còn được ghi nhận khi trẻ lên 3 tuổi và giảm dần sau đó. Những hành vi này sẽ biến mất khi đứa trẻ phát triển được ý thức tự chủ, có khả năng nhận thức cao hơn và hiểu ra rằng ba mẹ đi công việc hoặc vắng mặt rồi sẽ quay lại (8).
Trong trường hợp trẻ cảm thấy khó chịu một cách nghiêm trọng và cực đoan khi bị tách khỏi người chăm sóc thì có thể trẻ đang mắc chứng rối loạn lo âu chia ly (Separation Anxiety Disorder - SAD) (9).
SAD là chứng rối loạn lo âu ở trẻ em được chẩn đoán thường xuyên nhất, chiếm 50% số lượt điều trị sức khỏe tâm thần liên quan đến lo âu (10). SAD liên quan đến sự đau buồn khi đứa trẻ bị tách khỏi một người thân thiết, là sự "cường điệu" (exaggeration) của nỗi lo âu chia ly đã đề cập ở trên, biểu hiện dưới dạng quan tâm, lo lắng quá mức, thậm chí sợ hãi khi sắp phải rời xa người chăm sóc (11).
Việc đánh giá xem liệu trẻ có mắc hội chứng SAD hay không đều phải phụ thuộc vào các bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia Tâm lý, và dựa trên bộ khung DSM-V-TR (12) bao gồm các tiêu chí chẩn đoán sau:
Tiêu chí của hội chứng rối loạn lo âu chia ly (SAD) theo DSM-5-TR
1. Sự lo âu quá mức khi bị tách khỏi đối tượng mà trẻ gắn bó, được chứng minh bằng ít nhất 3 trong số những hành vi sau:
2. Các triệu chứng kể trên kéo dài ít nhất 4 tuần ở trẻ em và thanh thiếu niên, còn với người trưởng thành thì thường xảy ra từ 6 tháng trở lên.
3. Rối loạn gây ra sự suy giảm đáng kể về mặt lâm sàng ở một số chức năng quan trọng trong cuộc sống, từ học tập đến công việc và giao tiếp xã hội.
4. Các triệu chứng không được giải thích rõ ràng và phù hợp hơn bằng một định nghĩa về tình trạng tâm thần khác.
Tuy nhiên, cho dù trẻ không mắc hội chứng SAD thì việc bám mẹ nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển theo từng giai đoạn của trẻ. Vì theo Tiến sĩ Tali Shenfield, hành vi bám víu của trẻ sẽ trở nên đáng quan ngại hơn khi nó trở thành lý do khiến trẻ không muốn xa rời người chăm sóc và từ chối tham gia vào các hoạt động phù hợp với lứa tuổi - chẳng hạn như đi học (13). Đồng thời, điều này còn khiến phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc bé và chu toàn những khía cạnh khác trong cuộc sống.
Vậy làm sao để giảm thiểu các hành vi "bám mẹ" và giúp con tự lập nhiều hơn?
Theo Tiến sĩ Tali Shenfield, những "đứa trẻ bám mẹ" (clingy kid) rất cần sự hỗ trợ của người lớn để trở nên độc lập và tự chủ. Bà cũng chia sẻ một số phương pháp để giúp con giảm bớt các hành vi bám mẹ và phát triển tự lập hơn ở giai đoạn này, bao gồm 3 bước (13):
Thay vào đó, hãy giúp trẻ làm quen với những tình huống mới hoặc vấn đề vừa phát sinh một cách chậm rãi. Ví dụ, nếu con lo lắng về ngày đầu tiên đi học, phụ huynh nên bắt đầu bằng cách trao đổi mọi điều thắc mắc của con. Hãy để con tự do đặt câu hỏi về trường học cho đến lúc con nhận được câu trả lời hài lòng nhất và giải quyết thấu đáo các vấn đề của con. Sau đó, phụ huynh có thể cân nhắc đưa ra một lộ trình như:
Khi trẻ biểu hiện cảm xúc gắn bó của mình, cha mẹ đừng vội gạt bỏ hoặc cấm cản cảm xúc đó của con. Những hành động mang tính áp đặt dù vô tình này sẽ khiến trẻ tự vấn bản thân - điều này chỉ làm tăng thêm sự bất an mà con đang cảm nhận.
Mặt khác, thừa nhận cảm xúc của con sẽ giúp trẻ xử lý và giải phóng cảm xúc của mình. Một khi hiểu được gốc rễ lý do của thế giới nội tâm, con trẻ sẽ dễ dàng kiểm soát được những cảm xúc mạnh mẽ của bản thân.
Cha mẹ cũng chính là tấm gương cho con cái, đặc biệt là khi trẻ chứng kiến cách người lớn xử lý các tình huống lạ và đáng sợ. Thế nên, việc đầu tiên mà phụ huynh cần lưu ý là giữ bình tĩnh khi cùng con bước vào một môi trường mới, chẳng hạn như ngày đầu đưa trẻ đến trường hoặc khi cả gia đình dọn nhà, thay đổi chỗ ở.
Trải nghiệm của cha mẹ không nên đồng nhất với trải nghiệm của trẻ, do đó, đừng vội khẳng định sự lo âu của con trẻ bằng chính sự căng thẳng hoặc lo âu của bản thân phụ huynh. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dành chút thời gian để củng cố sự tự lập cho trẻ bằng cách nói rằng người lớn tin tưởng vào khả năng xử lý tình huống của con.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?