Mới ra mắt cuối năm 2023 nhưng tour đêm Văn Miếu đã là một trải nghiệm "hot hit" với các bạn trẻ thủ đô, hấp dẫn không kém tour "Đêm Thiêng Liêng" tại Nhà tù Hỏa Lò... Vậy điều gì đã thu hút nhiều người trẻ cứ trở lại Văn Miếu để thưởng thức tour đêm độc đáo này?
Cuối năm 2023, Hà Nội đã "trình làng" 15 dịch vụ thuộc mô hình tour đêm, trong nỗ lực giới thiệu một cách tiếp cận du lịch mới mẻ, bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế đêm khá phổ biến trên thế giới (1).
Trong đó, tour đêm Văn Miếu ra mắt công chúng từ ngày 1/11/2023 đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách khi đem đến một không gian đậm chất "tinh hoa đạo học", kết hợp với công nghệ trình chiếu tân tiến. Trong bài viết này, người viết và LeLa Journal sẽ review trải nghiệm độc đáo này, để đem thêm lựa chọn trong danh sách những hoạt động trải nghiệm "must-try" cho các bạn trẻ và gia đình trong thời gian tới.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ lâu vẫn thường xuyên đón chào du khách trong và ngoài nước đến để tham quan, đặc biệt là vào những dịp gần đến các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp, thi đại học... để các sĩ tử cùng phụ huynh gửi gắm hy vọng đỗ đạt.
Từ ngày 1/11 trở đi, du khách bắt đầu được trải nghiệm một hình thức thăm quan rất thú vị mang tên "Tour đêm Văn Miếu" (Văn Miếu night tour).
Khác với vẻ trầm mặc, cổ kính mà nơi đây mang đến vào ban ngày, ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam trở nên sống động, đầy màu sắc trong những ánh đèn và hoạt cảnh theo chủ đề "Tinh hoa đạo học". Điểm nhấn của lần này chính là sự đầu tư thiết bị, công nghệ và sự sáng tạo trong kịch bản hoạt động của Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Đặc biệt, Show 3D Mapping mang tên Tinh hoa đạo học được trình chiếu vào 5 khung giờ, kể từ 7g30 tối. Đây được coi là điểm nhấn thu hút du khách trẻ và các gia đình có con nhỏ đến với tour đêm Văn Miếu.
Dù mới chỉ ra mắt công chúng trong một tháng, tour đêm Văn Miếu đã cho thấy thành công bước đầu của ngành du lịch thủ đô khi ứng dụng công nghệ vào việc quảng bá cho các địa điểm danh thắng nước nhà.
Trước tiên là ở khâu mua vé, ngoài việc đến tận cổng để mua vé vào trực tiếp như các tour ban ngày, du khách từ nay đã có thêm lựa chọn mới là mua vé qua hotline. Chỉ cần gọi điện đến số máy của Ban tổ chức, bạn sẽ được hướng dẫn tận tình cách sử dụng vé điện tử: Nhận mã QR của vé qua Zalo/Email, thanh toán trực tuyến, quét mã vé tại cổng soát vé...
Phần lớn du khách đến với tour đêm Văn Miếu sẽ muốn theo dõi Show 3D Mapping Tinh hoa đạo học. Tuy nhiên, show chỉ diễn ra trong 5 khung giờ nhất định trong ngày.
Bạn cần lưu ý rằng nếu đến sát giờ trình diễn mà mới mua vé thì có rủi ro cao là đã hết suất vé. Bạn có thể chỉ mua được vé cho phiên trình diễn kế tiếp (45 phút tính từ phiên gần nhất). Lý do là bởi lượng người mua vé ngay tại địa điểm tương đối đông, khiến vé ở các phiên gần nhất được bán hết trước khi show bắt đầu.
Người viết gợi ý rằng bạn nên đặt vé qua hotline trước tối thiểu là 3-4 tiếng đồng hồ, lý tưởng nhất là từ sáng ngày dự kiến thăm quan, để nhận mã vé QR từ sớm.
Hình thức mua vé trực tuyến cũng khá tiện lợi khi bạn mua cho nhóm/đoàn khách, vì dễ dàng tra cứu lịch sử mua vé, lịch sử sử dụng, tra cứu hóa đơn và lưu trữ vé dưới nhiều hình thức linh hoạt, tránh được trường hợp mất vé như vé cứng. Nhưng tất nhiên, vì vé chỉ là một chiếc mã QR nên bạn hãy bảo đảm mã được giữ cẩn thận, cũng như chuẩn bị thiết bị phù hợp để đưa mã cho nhân viên xác nhận nhé. Ví dụ, hãy cố gắng tránh trường hợp tới nơi mà máy lại... hết pin và không đưa mã QR ra được.
Còn nếu chưa có dự định mua vé sớm, bạn hoàn toàn có thể xếp hàng tại quầy và nhận vé cứng như bình thường với mức giá 199.000 đồng/vé.
Lưu ý rằng: Trẻ em cao dưới 1m được miễn phí vé vào cửa.
Khi vào Cổng Văn Miếu, du khách sẽ được nhân viên lễ tân đeo cho một chiếc vòng phát sáng, với mỗi màu của vòng tương đương với một khung giờ xem show 3D. Nhân viên bên trong sẽ căn cứ vào màu của vòng để chỉ dẫn bạn vào vị trí xem show gần sát với thời gian trình diễn.
Đây là cách làm khá hiệu quả để hạn chế việc nhầm lẫn về thời gian và địa điểm của show.
Bạn cũng có thể dễ dàng nắm được thông tin về các phân khu trình diễn khi theo dõi màn hình điện tử ngay lối vào. Thông tin được viết bằng song ngữ tiếng Việt – tiếng Anh, phù hợp để khách nước ngoài chủ động tra cứu.
Từ Cổng Văn Miếu đến Cổng Đại Trung, bữa tiệc thị giác của tour đêm lần này sẽ khiến bạn phải trầm trồ.
Nếu như lối đi chính được chiếu đèn với các họa tiết mang chủ đề dân tộc thay đổi liên tục 5 giây/lần, như là hoa sen cách điệu, dòng chữ "Tinh hoa đạo học"... thì hai lối đi bên trái và bên phải lại kể câu chuyện sống động về tình mẫu tử. Lời ru "Công cha – Nghĩa mẹ" và thước phim được trình chiếu trên phông nền là thân cây đa hàng trăm năm tuổi.
Dù qua hình chụp, đèn trông lóa mắt, nhưng thực tế thì khu vực này lại được các bạn trẻ check-in khá nhiều vì mê mẩn trước các hiệu ứng hình ảnh.
Từ Cổng Đại Trung đi vào Khuê Văn Các rồi Cổng Đại Thành, bạn sẽ choáng ngợp trước sự trang hoàng đầy mới mẻ sau khi tour đêm Văn Miếu đi vào hoạt động, vì nơi đây đã được bố trí hệ thống đèn chiếu ở quanh Giếng Thiên Quang, dọc lối đi và bốn khu vực đặt bia Tiến sĩ ở hai bên trái – phải. Những hiệu ứng đèn thay đổi linh hoạt, uyển chuyển tạo nên một không gian lung linh nhưng vẫn trầm mặc cho cảnh quan cổ kính nơi đây, nhìn ánh sáng từ đèn mà ngỡ như ánh nến vậy.
Đặc biệt, có một bia đá được chọn làm bảng thông tin ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI). Tại đây, thay vì chỉ đọc các dòng chữ chú thích đơn điệu như trước, du khách có thể tìm hiểu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám bằng cách đeo tai nghe, đặt câu hỏi để cơ sở dữ liệu tiếp nhận và đưa ra câu trả lời tương ứng hiển thị trên màn hình. Theo Ban tổ chức, tại thời điểm ra mắt, công cụ AI này có thể trả lời khoảng 300 câu hỏi cơ bản, và cơ sở dữ liệu sẽ được cập nhật liên tục trong thời gian tới để giải đáp thắc mắc ở mức độ sâu rộng hơn. Đây cũng là góc thu hút đông đảo du khách cao tuổi vốn ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ cao.
Không chỉ du khách lớn tuổi, hoạt động hỏi đáp AI "Talk" với cụ rùa cũng được các bạn nhỏ đặc biệt yêu thích. Ở bên đối diện, một bia đá khác có gắn màn hình LED hiển thị thông tin về quá trình tham gia khoa cử của các sĩ tử thời xưa, các dạng bài thi... bằng song ngữ cũng khá hấp dẫn.
Bước qua Cổng Đại Thành để vào Khu Điện Thờ, bạn sẽ nhận thấy rõ hơn sự chuyển đổi số trong tour đêm Văn Miếu. Nhìn sang hai bên Tả Vu – Hữu Vu, các cột trụ không còn là những khối đá lừng lững, mà đã được thiết kế hệ thống đèn chạy dọc, tạo hiệu ứng rồng – phượng, chim muông kết hợp với hoa cỏ đầy sống động.
Chưa hết, khu điện thờ trở thành địa điểm "ăn khách" nhờ hoạt động viết thư pháp đậm chất… Metaverse.
Bạn sẽ đeo kính thực tế ảo VR và thao tác theo hướng dẫn của nhân viên phụ trách để viết những chữ Hán – Nôm. Hình ảnh chữ viết của bạn cũng đồng thời được hiển thị trên màn hình. Do đây là một trải nghiệm mới lạ và thú vị, các bạn trẻ thường xếp hàng dài để có dịp thử hóa thân thành "nho sinh thời 4.0" với mỗi lượt chơi kéo dài 3-5 phút.
Ngoài các hoạt động số hóa, tour đêm văn Miếu còn phục vụ các trải nghiệm miễn phí gồm vẽ thư pháp hiện đại, bài trí khu vực lều chõng của sĩ tử thời xưa... để du khách có thể thư thả ghé vào thăm quan, chụp ảnh.
Sau khi dạo quanh khuôn viên Văn Miếu, đã đến lúc khám phá tiết mục đặc biệt nhất của tour đêm Văn Miếu: Show 3D Mapping Tinh hoa đạo học diễn ra tại Sân Thái Học. Bạn sẽ được nhân viên trong sân hướng dẫn ra khu vực khán giả qua Cổng Khải Thánh trước giờ trình chiếu khoảng 15 - 20 phút.
Trung bình mỗi show thu hút 150 – 200 du khách theo dõi, nếu vào cuối tuần, số lượng khán giả còn đông hơn nhiều. Để đón tiếp lượng khách này, Sân Thái Học được chia làm hai phần, nửa phía trước dành cho việc xem show, nửa phía sau là khu vực ngồi của du khách với cách bố trí 5 ghế ghép với 1 bàn.
Nếu đi cùng bạn bè và gia đình, bạn có thể chọn một bàn riêng hoặc ghép bàn với những người ngồi trước nếu muốn, song cần đảm bảo ngồi kín các hàng từ trên xuống dưới để người vào sau cũng có chỗ ngồi và không có ghế nào bị bỏ trống giữa các bàn. Mỗi bàn được phục vụ 5 ly nước (thường là nước lá dứa, sâm sen) có gắn logo Văn Miếu và 1 đĩa kẹo lạc – những món ăn vặt mộc mạc rất phù hợp với bối cảnh trình diễn theo hơi hướng truyền thống tại đây.
Đến đúng giờ, tất cả đèn chiếu trong sân sẽ được tắt, nhường "spotlight" cho nhân vật chính là Show 3D Mapping Tinh hoa đạo học. Diễn ra trong 20 phút ngắn ngủi nhưng show diễn này như đúc kết tinh thần hiếu học của cha ông ta trong hơn 1000 năm lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám theo phong cách time-lapse trên nền kỹ xảo 3D.
Màn diễn tấu ở 10 phút đầu tiên diễn ra trên nền trình chiếu những biểu tượng trường tồn như long – lân – quy – phụng, cá chép vượt long môn... câu truyện về truyền thống hiếu học của các thế hệ cha ông ta hiện lên đầy tự hào và xúc động hơn cả.
Tiếp theo đó, du khách sẽ được theo dõi những hiệu ứng hình ảnh mãn nhãn mô tả lại ý niệm của người xưa về sự thành danh – vinh hiển trong khoa cử xuyên suốt cuộc đời của một hiền tài trong 10 phút sau cùng.
Một điểm cộng của Show 3D Mapping nằm ở việc màn trình diễn này tiếp cận khán giả với lối biểu đạt song ngữ: Phần lời thoại hào hùng, trầm lắng nhưng cũng không kém phần tự hào bằng tiếng Việt được phát song song với phần hoạt cảnh có phụ đề tiếng Anh đã được dịch chỉn chu, đảm bảo yếu tố "tín – đạt – nhã" trong từng lời thuyết minh.
Dù màn trình diễn này chỉ mới ra mắt công chúng khoảng một tháng nhưng đã có rất nhiều du khách nước ngoài đến đây trải nghiệm. Có thể nói, việc tham quan ngôi trường đại học đầu tiên ở Việt Nam theo phong cách "tân – cổ giao duyên" này vừa là cách ngành du lịch nước nhà lưu giữ được giá trị truyền thống, vừa song hành với công cuộc chuyển đổi số trên toàn cầu.
Kinh tế đêm đang trở thành hướng đi mới của nhiều quốc gia có tiềm năng du lịch, đem lại lợi nhuận dài hạn đáng mơ ước tại nhiều mô hình đã thành công.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch đêm đã giúp nước Pháp thu được gần 157 tỷ USD (hơn 3,8 ngàn tỷ đồng) vào năm 2019, trong khi con số này ở Thái Lan là 63 tỷ USD (hơn 1,5 ngàn tỷ đồng) vào năm 2019 và tại Nhật Bản là 21 tỷ USD (hơn 508 tỷ đồng) vào năm 2018... (2). Sau khi kinh tế thế giới quay trở lại đà phát triển vào năm 2022, Việt Nam mới bắt đầu thúc đẩy mô hình du lịch đêm tại một số địa điểm sôi động như Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM... Đối với thủ đô Hà Nội, việc ra mắt 15 hoạt động tour đêm là một nỗ lực rất lớn để đổi mới ngành du lịch.
Trước mắt, chúng ta có thể thấy được rằng tour đêm Văn Miếu bước đầu đã "lấy lòng" du khách trẻ yêu thích trải nghiệm.
Được biết, các nhân viên hậu cần phụ trách công tác kỹ thuật (trình chiếu 3D Mapping buổi tối) công tác tại Văn Miếu gần như làm việc 18 tiếng/ngày để kịp thời phục vụ du khách chu đáo từ khi tour đêm tại đây đi vào hoạt động.
Để biết thêm thông tin về tour đêm Văn Miếu, độc giả có thể tham khảo:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?