Khí hậu nóng ẩm, nhà cửa san sát, bí bách là những điểm đặc trưng của đô thị Việt Nam. Điều này khiến cho mùa hè trở nên vô cùng nóng bức và làm nhiều người cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Vậy có những cách nào để chống nóng cho nhà ở đô thị hiệu quả?
Nhiệt độ trung bình tại các thành phố lớn ở Việt Nam đang ngày càng tăng cao, đặc biệt là vào mùa hè. Điều này gây ra nhiều khó chịu cho người dân, khiến họ phải sử dụng thêm các thiết bị làm mát, từ đó làm tăng thêm áp lực về hóa đơn điện nước hằng tháng.
Hiểu được điều đó, LeLa Journal gợi ý cho bạn những cách chống nóng hiệu quả cho nhà phố, nhà đất hay trong khu vực đô thị đông đúc.
Các biện pháp chống nóng mang tính tạm thời
Đóng cửa vào ban ngày: Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính khiến nhà cửa trở nên nóng bức. Do đó, bạn nên đóng cửa vào ban ngày để ngăn chặn ánh nắng chiếu trực tiếp vào nhà.
Sử dụng rèm cửa: Cửa kính hoặc tường hấp thụ bức xạ nhiệt và làm phòng nóng lên. Khi đó, rèm cửa là vật dụng cần thiết để cản bớt lượng nhiệt bức xạ vào phòng, giúp nhà cửa mát mẻ hơn. Bạn nên chọn loại rèm cửa có màu sắc sáng (vì màu tối sẽ lại hút nhiệt nhiều hơn) với chất liệu dày dặn nhưng thoáng khí để tăng khả năng chống nóng.
Hạn chế sử dụng các thiết bị điện không cần thiết: Các thiết bị điện như máy tính, tivi, tủ lạnh... đều tỏa nhiệt trong thời gian sử dụng. Chính vì vậy, khi không sử dụng, bạn nên rút phích cắm hoặc tắt nguồn bớt các thiết bị điện không cần thiết để giảm nhiệt độ cho nhà.
Sử dụng quạt và điều hòa thông minh: Những thiết bị điện lạnh giúp cuộc sống dễ chịu hơn, nhất là trong mùa oi bức. Song, bạn nên sử dụng quạt và điều hòa khi cần thiết để tránh cuối tháng áp lực vì tiền điện.
Mấu chốt của các biện pháp chống nóng lâu dài là lựa chọn vật liệu có khả năng cách nhiệt tốt như gạch, mái tôn, tường, keo chịu nhiệt... Nếu công trình đã hoàn thiện, bạn có thể can thiệp chống nóng bằng các biện pháp như dùng sơn cách nhiệt, sơn keo cách nhiệt, dùng tôn lạnh, xây thêm mái hoặc đập tường để làm thêm cửa sổ. Cụ thể như sau:
Đập tường, mở thêm cửa sổ: Cửa sổ giúp lấy gió và ánh sáng tự nhiên vào nhà. Đây là biện pháp hữu hiệu, bền vững, tiết kiệm chi phí mà lại cực kỳ hiệu quả, vì bạn không phải phụ thuộc vào vật liệu và thiết bị. Tuy nhiên, bạn vẫn cần chú ý đóng cửa vào lúc nắng gắt ban ngày.
Trồng cây xanh xung quanh và trong nhà: Cây xanh có tác dụng che chắn ánh nắng mặt trời, giúp nhà cửa mát mẻ hơn. Bạn có thể tìm mua các loại cây ưa nhiệt để trồng quanh nhà như bonsai, các loại hoa, cây phát tài, bàng Singapore...; cây dây leo trồng ban công hoặc sân thượng để giải nhiệt cho tường. Hoặc bạn cũng có thể chọn mua các cây ưa bóng râm như lan ý, trầu bà, lưỡi hổ, kim tiền… để trồng trong nhà.
Sơn cách nhiệt: Sơn cách nhiệt là một giải pháp chống nóng hiệu quả cho tường nhà. Loại sơn này có chứa thành phần có tác dụng phản xạ lại ánh nắng mặt trời, hạ nhiệt độ của vật liệu bên dưới lớp sơn xuống thấp hơn khoảng 10 - 15°C so với mặt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, loại sơn này cũng có đặc tính kháng nước và chống thấm cao.
Lợp thêm mái: Lợp thêm mái là một giải pháp chống nóng hiệu quả cho mái nhà. Bạn có thể sử dụng các vật liệu cách nhiệt như tấm panel cách nhiệt, tôn lạnh... để tăng khả năng chống nóng cho mái nhà. Việc sử dụng hai lớp mái (mái thật và một mái giả) sẽ giúp tản nhiệt cho ngôi nhà vì sự lưu thông không khí ở khoảng giữa hai mái sẽ giúp điều tiết nhiệt độ của ngôi nhà.
Đắp trần thạch cao: Trần thạch cao là biện pháp giá rẻ để cách nhiệt, giảm nhiệt độ trong phòng. Nhờ đặc tính cách nhiệt của mình, thạch cao ngăn nhiệt từ bên ngoài truyền vào trong hiệu quả hơn bê-tông thông thường.
Sử dụng tôn lạnh hoặc tôn cách nhiệt: Tôn xốp cách nhiệt là loại tôn có cấu tạo 3 lớp gồm: 2 lớp mạ kẽm và phần lõi là vật liệu cách nhiệt như PU, xốp, bông kháng… để tăng khả năng chống nóng, chống cháy, cách nhiệt và cách âm, chống ồn và làm mát không gian bên dưới. Sử dụng tôn cách nhiệt giúp nhiệt độ bên trong ngôi nhà thấp hơn từ 5 - 8 độ so với ngôi nhà sử dụng tôn thường (1).
Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và nhu cầu chống nóng mà bạn có thể lựa chọn các biện pháp chống nóng phù hợp. Nếu muốn tiết kiệm, bạn có thể thử áp dụng các giải pháp tạm thời. Còn nếu muốn hiệu quả lâu dài, bạn nên cân nhắc sử dụng các giải pháp dài hạn kể trên.
Với những giải pháp chống nóng trên, hy vọng bạn có thể lựa chọn được giải pháp ưng ý và phù hợp cho ngôi nhà của mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Không Gian Sống?