Sake - loại rượu ủ truyền thống của Nhật có từ 300 năm trước Công nguyên đang ngày càng được người Việt ưa chuộng, chính nhờ hương vị đặc biệt (sự pha trộn hài hòa giữa cảm giác ngọt, chua, cay, đắng), có nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe và khả năng kết hợp đa dạng với các món phương Tây cũng như món Việt.
Một trong những câu hỏi phổ biến đối với người yêu thích ẩm thực Nhật và muốn thử loại rượu làm từ gạo lên men có mùi thơm nhẹ nhàng này là khi nào nên uống sake nóng, khi nào nên uống lạnh? Và chúng ta có thể kết hợp sake với những món ăn đặc trưng nào của Việt Nam? LeLa Journal đã trò chuyện với chị Lê Thu Hương, một trong những chuyên gia về rượu hàng đầu Việt Nam để giải đáp những câu hỏi này.
Rượu sake (hay Nihonshu) được ví như là quốc tửu của đất nước Mặt trời mọc, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Mặc cho sự du nhập của rất nhiều loại rượu nổi tiếng thế giới, người Nhật Bản vẫn giữ thói quen thưởng thức sake trong những lễ hội tôn giáo, ngày Tết hay các sự kiện đặc biệt như lễ đính hôn, lễ khánh thành, lễ kỷ niệm... Loại rượu có tuổi đời 2.000 năm này không chỉ là món đồ uống đơn thuần, đây còn là biểu tượng văn hóa, tượng trưng cho mối quan hệ gắn kết giữa con người với con người và giữa con người với thần linh.
Qua nhiều thế kỷ, phương pháp sản xuất rượu sake vẫn được lưu giữ theo truyền thống như một nét văn hóa không bị pha trộn. Sake được lên men từ gạo đã xay xát, đánh bóng để loại bỏ cám. Quá trình lên men sake khá phức tạp, không giống như lên men rượu vang mà gần giống với lên men sản xuất bia. Chỉ khác ở chỗ bia sử dụng men từ chính đại mạch để chuyển hóa tinh bột thành đường, còn sake lại cần một loại men gốc đặc biệt tên là Koji.
"Người Việt rất thích uống rượu sake, đơn giản vì sake gần giống với rượu nếp Việt Nam và thích hợp với đa dạng món ăn chứ không chỉ có món Nhật. Rượu sake còn là công cụ mở đầu câu chuyện, không cần có dịp mới uống mà được dùng thường xuyên. Người ta cũng thích chọn các loại rượu sake cao cấp để tiếp khách hoặc làm quà tặng" - chuyên gia về rượu Lê Thu Hương cho biết.
Theo chuyên gia Lê Thu Hương, sake có thể được ví như một loại rượu vang trắng: nhẹ nhàng, thân thiện và tinh khiết, vì vậy nên khá tốt cho sức khỏe. Những lợi ích điển hình của sake bao gồm kích thích vị giác, tăng cảm giác ngon miệng, tốt cho hệ tiêu hóa; giữ ẩm, tránh tình trạng khô da, giúp da mềm mịn; tăng cường lưu thông máu. Ngoài ra, một số nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy, rượu sake còn có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh như loãng xương, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não và giảm nguy cơ ung thư (1).
Rượu sake uống nóng, lạnh hay dùng ở nhiệt độ phòng còn tùy thuộc vào thời tiết, món ăn và loại rượu. Dưới đây là một số cách thưởng thức sake phổ biến của người Nhật:
Thông thường, rượu sake được rót vào các bình sứ dung tích khoảng 180ml hoặc 300ml để hâm nóng hoặc làm lạnh, sau đó cho vào các chén nhỏ bằng gốm/sứ để thưởng thức. Vào các dịp lễ, người ta thường dùng cốc gỗ hình vuông (Masu cup) để đựng rượu sake. Ngoài ra, sake ướp lạnh nên dùng bằng ly thủy tinh như ly uống rượu vang.
"Tôi thích uống rượu sake hơi ấm một chút. Ở các nhà hàng tại Việt Nam, chúng ta thường làm nóng sake bằng lò vi sóng, nhưng làm vậy sẽ khiến rượu mất đi mùi thơm đáng quý của nó và đôi khi làm bỏng môi của khách. Những nhà hàng cao cấp thường có máy làm nóng sake để hâm rượu sake đủ nóng, đúng nhiệt độ tiêu chuẩn mà không làm mất đi hương thơm, thao tác lại nhanh" - chuyên gia Lê Thu Hương nhận định.
Theo chuyên gia Lê Thu Hương, một số dòng rượu sake cao cấp như sake vảy vàng, collagen, umeshu uống lạnh sẽ ngon hơn, tất nhiên điều này còn tùy thuộc vào món ăn đi cùng.
Ở Việt Nam, sake nóng hoặc lạnh có thể kết hợp với món ăn theo những gợi ý sau đây:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Ăn Uống?
Bài viết về rượu vang, trà, cà phê, địa điểm ăn uống và đầu bếp tài năng.