Thiền vốn đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước và đang tiếp tục được khoa học công nhận vì những lợi ích đặc biệt đối với sức khỏe tinh thần và thể chất con người. Không khó hiểu khi ngày càng có nhiều người đi tìm sự bình yên trong tâm trí thông qua thiền định. Thế nhưng, chúng ta vẫn còn nhiều hiểu lầm xoay quanh liệu pháp này - khiến thiền trở thành một điều khó khăn và xa vời để thực hiện.
Nhiều bậc thiền sư có chung nhận xét rằng, chúng ta thường chạy trốn khỏi chính mình vì sợ phải đối diện với những cảm xúc đau khổ, khó chịu và không thể giải quyết, tồn đọng ngày qua ngày. Tuy nhiên, chạy trốn bằng cách né tránh hay cố tìm thứ gì khác hời hợt để lấp đầy lại không phải là cách để vơi bớt đau khổ.
Nhiều người cho rằng thiền là trốn thoát khỏi thực tại, khi bạn chỉ ngồi một mình và không để ý đến ai. Tuy nhiên, thiền cần đến sự can đảm, nỗ lực nghĩ cho bản thân và người khác để bắt đầu tự tĩnh lặng, đối diện với những suy nghĩ, cảm xúc từ hạnh phúc đến đau khổ của chính mình. Nhận thức này cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về lý do cùng cách thức ta suy nghĩ, cảm nhận, hành động, dẫn chúng ta đến một góc nhìn bình tĩnh, sáng suốt hơn để đối đãi tử tế với những người xung quanh cũng như hài lòng hơn về bản thân.
Thiền giống một bài tập cần đến sự kiên nhẫn nhưng mang lại hiệu quả tích tụ mạnh mẽ cho tâm trí. Khi bạn đã trải nghiệm được trạng thái quan sát tâm trí trong lúc thiền, bộ não sẽ tự động làm quen với tình trạng này. Qua thời gian được rèn giũa, khả năng quan sát tâm trí, suy nghĩ trước khi phản ứng và không bị nhấn chìm trong cảm xúc sẽ biểu hiện rõ ở cách ta đối mặt với những tình huống thử thách hàng ngày.
Trước khi nghĩ rằng thiền quá khó hoặc “xa xỉ” để chúng ta đưa vào đời sống, hãy tìm hiểu về những cách nhìn nhận sai phổ biến về phương pháp này dưới đây (1), (2). Chúng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất của thiền.
Ngồi tĩnh lặng và theo dõi hơi thở không đồng nghĩa với việc tâm trí phải ngừng lại mọi tiếng nói. Suy nghĩ sẽ tiếp tục đến và đi. Trên thực tế, việc suy nghĩ liên tục là một đặc điểm tiến hóa bắt nguồn từ tổ tiên chúng ta, khi con người luôn không ngừng tìm kiếm các tín hiệu nguy hiểm từ môi trường xung quanh để tồn tại. Mục đích của thiền không phải để “xóa bỏ” ý nghĩ, làm trống đầu óc, dù đôi khi đó là điều tốt - mà là ngồi chung với tâm trí, nhận diện và cảm thấy thoải mái với những suy nghĩ đến và đi, thay vì phản ứng, né tránh, phán xét hay bị chúng cuốn đi.
Đây là một trong những lý do lớn nhất khiến mọi người không bắt đầu thiền và cũng là nguyên nhân chính cho việc từ bỏ, họ nghĩ rằng mình không giỏi thiền vì nhiều ý nghĩ cứ tự nhiên xuất hiện. Nên hiểu rằng suy nghĩ, cảm xúc khởi lên là điều bình thường, chúng ta chỉ cần chấp nhận chúng đang có mặt và nhẹ nhàng để chúng tự qua đi. Điều này giống như một người đang ngồi quan sát những chiếc xe đi qua lại, có xe mở còi to “inh ỏi”, có xe chỉ lướt nhẹ qua, nhưng chúng đều đến và đi mà không thực sự là những điều quan trọng mà ta phải bám chấp vào.
Để thông cảm và chấp nhận được những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, chúng ta còn cần đến một điều quan trọng, đó là tình thương đối với chính mình. Khi đã hiểu, thương và chấp nhận toàn bộ con người mình, ta sẽ giảm bớt được những phê phán chỉ trích.
Một kỹ thuật thiền hiệu quả giúp chúng ta nhận diện suy nghĩ tốt hơn chính là ghi nhận (noting meditation). Khi bị phân tâm bởi nhiều suy nghĩ và quên mất tập trung vào hơi thở (hoặc bất kỳ công việc nào đòi hỏi sự tập trung chú ý), hãy nhẹ nhàng ghi nhận mình vừa bị phân tâm. Chúng ta cũng có thể đặt tên cho những gì vừa diễn ra trong đầu, chẳng hạn như “cảm xúc”, “suy nghĩ”, "vui", "buồn", "hạnh phúc"... Không nhất thiết phải chú ý đến từng suy nghĩ, chỉ cần nhận diện lúc nào bạn bị phân tâm, từ đó tạo ra một khoảng cách để buông bỏ ý nghĩ đó và quay trở về với hơi thở. Khi đó, ta có thể nhận diện trong đầu rằng "tôi đang hít vào", "tôi đang thở ra" và tiếp tục quan sát các nhịp thở của mình.
Một số người vẫn nghĩ chỉ cần ngồi xuống, nhắm mắt lại thiền, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc và bình yên ngay lập tức. Nhưng cách tiếp cận tốt hơn có lẽ lại là “thiền chỉ vì thiền thôi”, không phải vì sự kỳ vọng sẽ đạt được một trạng thái tích cực nào đó. Việc đặt kỳ vọng này vô tình khiến ta không chấp nhận được các cảm xúc khó chịu (như ý nghĩ đau khổ hay cảm giác tê mỏi ở tay chân) vốn chắc chắn sẽ luôn xuất hiện. Nó cũng giống việc học kỹ năng mới trong bất kỳ lĩnh vực nào, chỉ khi chấp nhận và tiếp tục với sự khó chịu, chúng ta mới có thể thực hành được lâu dài.
Điều đó nghĩa là, đôi lúc khi thiền chúng ta sẽ mỉm cười, đôi lúc chúng ta sẽ khóc, và như vậy đều không sao cả, chỉ cần quan sát mà không phán xét. Bạn không làm sai mà chỉ đang ý thức hơn về những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Khi đã ý thức rõ ràng, ta sẽ buông bỏ được chúng.
Sống trong một thế giới luôn kết nối và có nhịp độ nhanh chóng, sẽ khá khó để chúng ta dành thời gian ngồi yên hoàn toàn với tâm trí. Và tâm trí cũng sẽ “viện cớ để không ngồi”, chẳng hạn như: quá bận rộn, mệt mỏi, bồn chồn, quá bấp bênh hay thậm chí quá nhàm chán… Cần biết rằng thiền không phải một kỹ năng có thể thành thạo ngay lập tức, nó cần đến sự thực hành kiên trì, nhất quán.
Tin tốt là thiền không tốn nhiều thời gian như chúng ta vẫn tưởng. Chỉ cần 10 phút thiền mỗi ngày đã đem lại một số lợi ích nhất định (3). Tần suất thiền cũng được chứng minh quan trọng hơn thời lượng thực tập - chỉ 10 phút mỗi ngày, hay 70 phút một tuần sẽ có lợi hơn việc dồn lại 70 phút một ngày (4). Nếu là người mới bắt đầu, chúng ta có thể thử thiền 2-5 phút để tạo thói quen từ từ.
Ngoài ra, 3 lưu ý sau đây sẽ giúp người tập thiền đi đúng hướng hơn khi thực hành:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.