Những ngày cận Tết Quý Mão đang đến gần, hẳn bạn đã cảm nhận được phần nào không khí nhộn nhịp háo hức khi dạo qua các khu trung tâm. Thật vậy, TP.HCM đã, đang và chuẩn bị diễn ra một số sự kiện chào Xuân năm mới vô cùng thú vị dành cho các gia đình, hội bạn thân, các cặp đôi cũng như những ai độc thân yêu thích việc du Xuân ngắm cảnh.
Sau hai năm gián đoạn vì Covid-19, dịp Tết Quý Mão này người dân thành phố sẽ được thưởng thức pháo hoa vào đêm 30 Tết tại 6 địa điểm:
Sự kiện bắn pháo hoa mừng Tết Nguyên đán 2023 sẽ mang đến những giây phút chào đón năm mới rộn ràng, tươi vui và tràn ngập hạnh phúc cho người dân ở thành phố và các địa bàn ngoại thành. Bên cạnh đó, một loạt hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được tổ chức liên tục tại trung tâm TP.HCM và các quận, huyện TP. Thủ Đức, trong đó bao gồm: đờn ca tài tử, cải lương, chương trình sân khấu hóa kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa lịch sử và chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm ngày thành lập Đảng…
Để đánh dấu cột mốc 20 năm trở thành công trình văn hóa độc đáo của thành phố, Đường hoa Nguyễn Huệ 2023 do Saigontourist Group dày công thiết kế hứa hẹn sẽ là không gian trải nghiệm đáng nhớ cho tất cả người dân và du khách.
Với chiều dài hơn 600m, đường hoa Nguyễn Huệ năm nay được trang hoàng bằng 88 loại hoa, 18 loại lá, gần 100.000 chậu, giỏ hoa các loại cùng 300m² cỏ. Ban tổ chức đặc biệt sử dụng nhiều chất liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế. Ở cổng vào, khách tham quan có dịp chiêm ngưỡng lại toàn bộ 20 linh vật từng xuất hiện ở đường hoa trong suốt hai thập kỷ và chụp hình với con giáp của riêng mình.
Đường hoa 2023 trưng bày số lượng mai vàng từ Làng mai Bình Lợi nhiều gấp 3 lần năm trước. Hơn 60 cội mai vàng này sẽ góp phần tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ, khiến khách thưởng ngoạn có cảm giác lạc vào vườn mai tự nhiên với khung cảnh ngập tràn sắc vàng giữa lòng thành phố.
Lần đầu tiên, đường sách Tết Quý Mão được tổ chức trên tuyến đường Lê Lợi (đoạn từ Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang, quận 1, TP.HCM) - một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố.
Đường sách 2023 quy tụ hơn 20 đơn vị tham gia với gần 100.000 ấn phẩm trong quy mô không gian 8.600 m², được chia thành ba đoạn chính với nhiều khu trưng bày cùng triển lãm khác nhau, bao gồm:
Hội Hoa Xuân ở công viên Tao Đàn luôn là một trong những điểm đến đông khách nhất nhân dịp Tết đến Xuân về. Kể từ năm 1981 đến nay, Hội Hoa Xuân đã tổ chức hơn 40 lần và trở thành truyền thống văn hóa đặc sắc của người dân TP.HCM.
Với chủ đề "Xuân An Vui - Xuân Thịnh Vượng", Hội Hoa Xuân năm nay mang đến một sân chơi ngập tràn cảnh sắc mùa Xuân với các tiểu cảnh khác nhau như đoàn thuyền hoa kết từ loài lan hồ điệp mang ý nghĩa một năm mới thuận buồm xuôi gió; tháp tràm tượng trưng cho miền quê đất phương Nam; khu vườn Xuân ngập tràn hoa hướng dương và các ruộng rau, luống hoa, thuyền chở trái cây khác…
Đặc biệt, bà con và du khách đến với hội hoa sẽ được chiêm ngưỡng hàng loạt tác phẩm nghệ thuật độc đáo như Cửu Long Tranh Châu làm từ rễ cây nguyên khối lớn nhất Việt Nam, bộ đàn đá trọng lượng 6 tấn của một kỷ lục gia, nghệ nhân đàn đá nổi tiếng...
Ngoài hội hoa ở Tao Đàn, TP.HCM cũng tổ chức chợ hoa Tết ở một số nơi như: Công viên 23/9, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Gia Định, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chợ đầu mối Bình Điền, Đường hoa Phú Mỹ Hưng, khu vực Bến Bình Đông và đường Nguyễn Văn Của.
Có lẽ người dân TP.HCM đã không quá xa lạ với hàng mai vàng rực trải khắp cung đường bao quanh Nhà Văn hóa Thanh niên mỗi dịp đầu năm mới. Đây là nơi diễn ra Lễ hội Tết Việt - sự kiện thường niên thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là người trẻ đến chụp hình trong những tà áo dài rực rỡ, tham quan không gian văn hóa độc đáo cũng như trải nghiệm các hoạt động truyền thống tại đây.
Lễ hội Tết Việt 2023 diễn ra trong bối cảnh thành phố vừa trải qua giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 nên kỳ vọng sẽ thu hút lượng khách lớn hơn những năm trước. Sự kiện năm nay cũng được đầu tư chỉn chu và đẹp mắt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu người dân.
Cụ thể, lễ hội sẽ tái hiện "Phố Ông đồ" với gần 50 ông đồ cùng mực tàu giấy đỏ để du khách đến xin chữ, gửi gắm ước nguyện ngày Xuân. Không gian vườn mai ngày Tết với hơn 100 gốc mai được sắp xếp hài hòa, bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và sân 4A Nhà Văn hóa Thanh niên. Lễ hội Tết Việt cũng không thể thiếu các gian hàng dựng bằng lá dừa, cây đước từ các nhóm làng nghề, cùng với hàng loạt hoạt động dân gian ngày Tết để người dân thỏa sức trải nghiệm như: nặn tò he, làm tranh nghệ thuật xoắn giấy, khắc thủ công mỹ nghệ, vẽ tranh truyền thần, góc ẩm thực đèn dầu và gian hàng áo dài.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Shopping?