Bạn muốn tập thể dục nhưng không có người đồng hành? Để LeLa Journal mách cho bạn biết có một "người bạn" đáng tin cậy luôn sát cánh và không bao giờ bỏ tập chính là... chú cún cưng. Bảo đảm sau khi tập xong 5 bài tập này, bạn sẽ trở thành người chủ nuôi 10-điểm-không-có-nhưng.
Hiếm ai yêu thích việc luyện tập thể thao hơn người bạn chó bốn chân đáng yêu. Nếu không tin, hãy cùng thử một vài giờ vận động cùng chú chó yêu và bạn sẽ nhận ra rằng chúng là bạn đồng hành tuyệt vời, khiến những buổi tập luyện thú vị hơn bao giờ hết.Một nghiên cứu của Đại học Bang Michigan đã chỉ ra rằng 34% những người sở hữu chó cưng thường có khoảng 150 phút vận động mỗi tuần, lịch trình này nhiều hơn hẳn những người không nuôi chó (1).
Ngoài việc dắt chó đi dạo, có rất nhiều hoạt động khác mà bạn và chú chó cưng của mình có thể tập cùng nhau giúp xây dựng mối liên kết. Vậy hãy cùng thử ngay 5 bài tập dưới đây sau khi đã tham khảo ý kiến chuyên gia nhé.
Yoga cho chó còn được gọi là "Doga" (từ ghép của "dog" và "yoga"). Đây là sự kết hợp giữa yoga và chú chó cưng, vì Doga giúp thỏa mãn thói quen giãn cơ thể của chó. Bộ môn này được ra đời nhằm giúp chủ và chó gần gũi nhau hơn. Annie Appleby, một chuyên gia yoga với 25 năm kinh nghiệm, đã mở các lớp yoga cho chó tại phòng tập YogaForce ở Vùng Vịnh San Francisco, chia sẻ rằng: "Yoga cho chó có thể giúp chúng bình tĩnh, giống như yoga dành cho con người. Ngay cả với những con chó hiếu động nhất cũng sẽ thấy thoải mái khi kết thúc lớp học". Appleby cũng nói thêm rằng cả chủ và chú chó đều có thể kết nối với nhau nhiều hơn qua từng buổi tập vì họ thường xuyên nhìn vào mắt nhau (2).
Chú chó của bạn có thể làm theo các tư thế yoga, như là nhìn lên trên, nhìn xuống ngực, nhìn về phía mỗi vai... hoặc chỉ đơn giản là ngồi và thở cùng bạn. Nếu không tìm thấy các lớp học Doga ở gần, bạn vẫn có thể tìm những video trực tuyến và thử tập cùng chú chó cưng (3).
Bài tập này phù hợp với những chú chó năng động và có nhu cầu tập thể dục cao. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bài tập này không nên áp dụng cho chó con, chó thừa cân, chó có vấn đề về khớp hoặc chó mặt phẳng, đầu ngắn (4). Chạy bộ với chú chó của bạn là một cách tuyệt vời để bạn thư giãn đầu óc và đốt cháy năng lượng dư thừa của cả hai. Một số con chó có thể thích chạy nước rút, trong khi những con khác sẽ thích chạy bộ chậm bên cạnh bạn. Nên bắt đầu chạy trong khoảng thời gian ngắn và nâng dần thời gian chạy bộ lên, có thể tới 30 phút, bao gồm 5 phút khởi động, 20 phút chạy bộ và 5 phút thả lỏng cơ thể.
Cần đặc biệt lưu ý rằng chó không đổ mồ hôi theo cách như con người, nên bạn hãy tránh chạy vào những thời điểm có nhiệt độ cao trong ngày.
Việc để chó chạy tự do hay buộc dây là tùy thuộc vào khả năng nghe lời của chó và sự an toàn của môi trường xung quanh, nhưng tốt hơn hết, bạn nên xích chúng lại sau khi chạy xong để đảm bảo an toàn. Cũng với lý do này, hãy cân nhắc thật kỹ việc chạy vì nhiều khu dân cư yêu cầu thú nuôi phải được rọ mõm, nhưng nếu chạy có rọ mõm khi trời nóng thì lại dễ gây nguy hiểm tới sức khỏe của chó.
Nếu còn đang phân vân về việc chạy bộ thì đây chính là phương án hợp lý cho bạn. Còn gì tuyệt vời hơn việc vừa tập luyện vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên. Những ai đam mê đi bộ đường dài có thể cân nhắc luyện tập môn thể thao này với chú chó cưng của mình. Đi bộ đường dài được coi là một môn thể thao và đòi hỏi thể lực từ chủ cũng như chú chó. Để tăng sức bền, bạn hãy bắt đầu từ mức độ vừa phải rồi mới tăng thời gian đi bộ thường ngày, cho cả hai làm quen với địa hình và môi trường.
Nếu đi bộ vào mùa hè, hãy chọn thời điểm nhiệt độ mát hơn để tránh bị say nắng. Bạn cũng nên hẹn gặp bác sĩ thú y để đảm bảo rằng chú chó của bạn có sức khỏe tốt. Hãy nghỉ ngơi lâu một chút hoặc ngừng đi bộ đường dài nếu thấy chó của bạn mệt hoặc có biểu hiện bị đau.
Hãy thử ngâm mình trong làn nước mát cùng cún. Bơi lội là một bài tập thể dục gần như kết hợp được tất cả trong một, đặc biệt có ích cho người và chó bị bệnh viêm khớp. Bơi lội còn giúp các nhóm cơ khác nhau hoạt động, cải thiện sức chịu đựng và tăng cường tim, phổi...
Hãy chọn bể bơi, hồ hoặc bãi biển cho phép chó bơi. Bạn cần duy trì các buổi bơi ngắn khoảng 10 - 15 phút để tránh chó của bạn phải bơi lội quá sức.
Lau khô thật kỹ sau khi chó lên bờ, đặc biệt là các nếp gấp trên da và tai để tránh nhiễm trùng (5). Tốt nhất, bạn hãy chú ý quan sát thật kỹ cún cưng trong suốt thời gian bơi lội nhé.
Không phải con chó nào cũng thích bơi lội, nên bạn cần bắt đầu thật chậm để kiểm tra, xem xét trước. Bạn có thể sử dụng đồ chơi hoặc thức ăn nhẹ để khuyến khích chó xuống nước, còn nếu chó của bạn thực sự không thích, hãy tìm một bộ môn khác thay thế.
Parkour dành cho chó là một hình thức kết hợp các yếu tố parkour của con người và sự nhanh nhẹn của chó để tạo ra một hoạt động dễ tiếp cận cho cả hai. Chó được làm quen với hoạt động nhảy, leo trèo, giữ thăng bằng, bò và vượt qua các chướng ngại vật khác nhau. Parkour giúp chó tự tin và vượt qua nỗi sợ hãi, nhưng đồng thời, đây cũng là hoạt động đầy thách thức đối với bất kỳ "vận động viên" chó nào (6).
Parkour có thể được thực hiện ở bất cứ đâu. Giống như parkour của con người, parkour cho chó là sử dụng các chướng ngại vật trong môi trường theo phương pháp huấn luyện "làm theo y chang", chỉ cần bảo đảm được sự đơn giản và độ an toàn khi luyện tập.
Chẳng hạn, khi đi ngang qua ghế đá công viên, thay vì ngó lơ thì bạn hãy nhảy lên đó và khuyến khích chó làm cùng... Hãy thử sáng tạo để có thêm những khoảnh khắc đáng giá cùng chó cưng của bạn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.