Ngoài việc chào hỏi và bắt chuyện với người lạ, chúng ta còn có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể để tăng tính tích cực trong giao tiếp. Không chỉ làm cho bản thân trở nên tinh tế, mà nó còn giúp cho việc kết nối với mọi người dễ dàng hơn bao giờ hết.
Ở bài viết trước, LeLa Journal đã chia sẻ về 4 quy tắc lịch sự cần nhớ trước khi đi dự tiệc, thì trong bài viết này sẽ đề cập tới những nguyên tắc căn bản trong giao tiếp tại buổi tiệc như là: trò chuyện về chủ đề gì, có những cử chỉ, hành xử ra sao để gây ấn tượng với người đối diện...
Ấn tượng đầu tiên này rất quan trọng trong việc giao tiếp. Nó giúp cho người đối diện nhận xét bạn có phải là người lịch sự và thân thiện hay không.
Ngay khi vừa đến nơi, bạn cần phải chào hỏi chủ tiệc (hoặc người tổ chức) và gửi lời cảm ơn gia chủ vì đã mời mình đến chung vui. Tuy nhiên, cũng đừng nên tán gẫu quá nhiều vào luc này, vì còn để cho họ có thời gian đón tiếp những vị khách khác.
Một số lưu ý về lời chào hỏi (1):
Chào hỏi những người lớn tuổi trước những người nhỏ tuổi: Ở châu Á và châu Phi, điều này thể hiện sự kính trọng với người đối diện, cũng là nét văn hóa “kính lão đắc thọ”. Ở Philippines, người dân địa phương có một cách đặc biệt để thể hiện sự tôn kính của họ là họ sẽ nắm lấy bàn tay của một người lớn tuổi và đặt nhẹ lên trán. Ở Ấn Độ, khi tham dự tiệc, khách mời cũng chạm vào chân người già để thể hiện sự tôn trọng.
Bắt tay luôn là cử chỉ thân thiện được lựa chọn đầu tiên: Đối với Nhật Bản, cúi đầu chào thể hiện sự tôn trọng. Hôn nhẹ lên má ở những nước như Pháp, Ý, Tây Ban Nha cũng là lời chào hỏi thân thiện. Nên đừng quá ngạc nhiên nếu có một anh chàng ở Paris hôn bạn ngay từ lần đầu gặp gỡ nhé.
Hãy làm quen với những người có mặt tại bữa tiệc. Giới thiệu tên và ghi nhớ tên của họ, sau đó hãy gọi tên họ khi trò chuyện. Đây là một cách tạo ấn tượng tuyệt vời đã được nhiều tác giả như Dale Carnegie (sách Đắc Nhân Tâm) hay Ziglar (sách Nghệ thuật bán hàng bậc cao) ứng dụng và khuyên dùng.
Nghiên cứu tâm lý cho thấy khả năng nói về một câu chuyện có liên quan đến người nghe sẽ luôn tạo được tâm lý tích cực (2), từ đó giúp bạn dễ dàng gây ấn tượng với họ. Điều này giúp người đối diện nhanh chóng nhận thấy bạn có khả năng kết nối, từ đó khiến họ dễ dàng mở lòng với bạn hơn.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác tại trường đại học McMaster (Canada) cũng cho thấy một câu chuyện có nhân vật luôn chiếm được sự quan tâm của người nghe hơn là một câu chuyện chỉ có tình huống (3). Vì vậy, bạn nên lựa chọn những nhân vật quen thuộc của địa phương hoặc quốc gia để bắt đầu cuộc trò chuyện.
Một số lời mở đầu để tăng thiện cảm, như:
Đặt một số câu hỏi mở hoặc những câu hỏi để đối phương có thể dễ dàng chia sẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng lời khen để bắt đầu: “Chiếc đồng hồ này có vẻ xịn đấy, bạn mua ở đâu thế?” Và sau khi đối phương trả lời, hãy hỏi tiếp về chủ đề đó như giá thành, màu sắc, có chống nước hay không…
Còn khi bạn trò chuyện với chủ tiệc, bạn có thể để lại ấn tượng bằng cách để lại những lời nhận xét tích cực và chi tiết. Bởi vì những lời “xu nịnh ít khi thành công với những người hiểu biết và có khả năng phân biệt sâu sắc giữa nịnh hót với lời khen ngợi và cảm ơn chân thành”, điều này được Dale Carnegie viết trong sách Đắc Nhân Tâm. Thế nên, một lời khen chân thành chính là nền tảng để hai cá nhân xây dựng lòng tin vào nhau.
Nghiên cứu thần kinh học cho thấy khi được người khác thực sự quan tâm, não bộ của con người sẽ sản xuất ra hormone oxytocin. Đây cũng chính là hormone kích thích sự đáp trả, vì vậy hai người này sẽ bắt đầu tin tưởng nhau (4), (5).
Một vài gợi ý:
Nếu dự tiệc tại nhà riêng, hãy hỏi xem gia chủ có cần giúp đỡ gì hay không và cùng chuẩn bị tiệc giúp họ.
Trong “Cuốn sách hoàn hảo về ngôn ngữ cơ thể”, tác giả Allan & Barbara Pease gợi ý những bí quyết khiến bản thân tích cực và lịch sự trong mắt người khác.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.