Đôi mắt của chúng ta rất nhạy cảm với nguồn ánh sáng không liên tục, đặc biệt khi sản phẩm chiếu sáng xảy ra hiện tượng nhấp nháy, thường do nguồn cấp điện không ổn định.
Ánh sáng vàng có bước sóng trung bình khoảng 580 nano mét. So với ánh sáng trắng, bước sóng của ánh sáng vàng dài hơn, vì thế mắt người có thể cảm nhận được đèn chớp sáng hoặc nhấp nháy ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy hiện tượng này. Nhiều nghiên cứu trên bệnh nhân mất thị giác cũng chỉ ra rằng những tế bào cảm quang (giúp chuyển hình ảnh thành tín hiệu điện tử để gửi về não bộ thông qua dây thần kinh thị giác) vẫn có khả năng phát hiện ánh sáng, với dẫn chứng những bệnh nhân mù có bệnh đau nửa đầu sẽ bắt đầu cảm thấy đau đầu khi tiếp xúc ánh sáng (1).
Tùy vào công nghệ sản xuất đèn mà hiện tượng đèn nhấp nháy sẽ xảy ra thường xuyên hay thi thoảng. Vì thế, lựa chọn sản phẩm đèn chiếu sáng phù hợp sẽ giải quyết được triệu chứng nhức mắt và nhức đầu khi làm việc vào ban đêm dưới ánh sáng vàng.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sản phẩm chiếu sáng không thể giải quyết vấn đề. Vì khi tiếp xúc ánh sáng nói chung, một số ít người sẽ cảm thấy khó chịu. Những nhà nghiên cứu gọi tình trạng này là nhạy cảm ánh sáng.
Nhạy cảm ánh sáng có mối liên hệ trực tiếp đến những căn bệnh như thoái hóa võng mạc, thoái hóa tế bào cảm quang, nhức nửa đầu, viêm màng não và chấn động não. Tùy vào loại bệnh mà mức độ khó chịu sẽ thay đổi khi tiếp xúc màu và bước sóng ánh sáng khác nhau.
Một nghiên cứu cho thấy người bị chứng loạn dưỡng võng mạc di truyền (Inherited retinal dystrophy) sẽ nhạy cảm với ánh sáng có bước sóng ngắn, ví dụ như ánh sáng xanh dương và tím. Nghiên cứu này cũng chỉ rằng rằng sự thoái hóa của các tế bào cảm quang cones và rods khiến con người cảm thấy khó chịu với ánh sáng có bước sóng trung bình, ví dụ như ánh sáng vàng (2).
Với những người bị chứng đau nửa đầu, mức độ nhạy cảm với ánh sáng không đồng nhất ở mọi tầng sóng ánh sáng và màu ánh sáng (3). Nghiên cứu cho thấy người bị nhức nửa đầu thường cảm thấy khó chịu nhiều nhất khi tiếp xúc với ánh sáng xanh dương và ánh sáng đỏ, nhưng triệu chứng sẽ giảm đi khi tiếp xúc với ánh sáng có màu hổ phách và màu xanh lá cây (4).
Nếu bạn là người nhạy cảm với ánh sáng thì hãy liên hệ ngay bác sĩ để được điều trị phù hợp.
Một nghiên cứu trên 50 sinh viên theo học tại trường Đại học Cologne ở Đức cho thấy khả năng sáng tạo sẽ tốt hơn dưới ánh sáng vàng (nhiệt độ 3.000K) so với dưới ánh trắng (từ 4.500K đến 6.000K). Tuy nhiên, sinh viên sẽ tập trung tốt nhất dưới ánh sáng xanh có nhiệt độ 6.000K (5).
Một nghiên cứu khác trên 147 người làm công việc văn phòng cho thấy đèn ánh sáng xanh và ánh sáng vàng ngả đỏ có khả năng tăng động lực cho nhân viên khi sử dụng đúng mục đích (6).
Đèn vàng ngả đỏ giúp tạo ra một môi trường thân thiện cho những cuộc đàm thoại thân mật đồng thời hỗ trợ khả năng chia sẻ khó khăn trong công việc, hoặc tạo ra những ý tưởng mới. Trong khi đó, đèn xanh mô phỏng ánh sáng tự nhiên của Mặt trời giúp mọi người tập trung hơn trong các cuộc đàm thoại, từ đó cũng giúp họ dễ nảy ra ý tưởng sáng tạo.
Thế nên, tùy vào tính chất công việc mà bạn cần khéo léo lựa chọn màu đèn phù hợp cho không gian sống và làm việc xung quanh mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Không Gian Sống?
Nhà đẹp, vườn xinh, và những góc sống đẹp