Khi học một điều gì mới, có bao giờ bạn cảm thấy khó nhớ thông tin dù đã cố gắng đọc đi đọc lại nhiều lần? Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể là do chúng ta chưa thực sự suy nghĩ đủ lâu và đào sâu vấn đề, dẫn đến tình trạng dễ quên.
Việc ghi nhớ kiến thức đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ ai cần tích lũy kiến thức, từ các bạn học sinh - sinh viên, đến những người trưởng thành muốn nâng cao học vấn. Để tiếp thu thông tin hiệu quả, chúng ta cần tập luyện phương pháp suy nghĩ sâu hơn và lâu hơn về các kiến thức mới. Điều này mang lại ích lợi to lớn, kể cả với các lĩnh vực khác ngoài giáo dục. Bởi những mục tiêu, mơ ước và ý tưởng tuyệt vời đều có thể hình thành chỉ trong khoảnh khắc nhờ vào sự suy nghĩ thấu đáo và tập trung.
Vậy suy nghĩ sâu diễn ra như thế nào và thực hiện ra sao? Hãy cùng LeLa Journal đến với những chỉ dẫn cụ thể từ Jim Heal, Tiến sĩ ngành Giáo dục Lãnh đạo của Havard Graduate School of Education và Rebekah Berlin, Giám đốc cấp cao tại tổ chức Deans for Impact (1).
Thử tưởng tượng chúng ta đang cần đào một cái giếng. Nếu chỉ dành ra 5 phút đào một hố đất nông và xem như đã hoàn thành công việc, liệu có hiệu quả bằng việc dành trọn công sức để đào thật sâu cho đến khi thấy mạch nước? Điều này cũng giống với cách chúng ta ghi nhớ. Dựa trên lĩnh vực khoa học nhận thức, chúng ta biết rằng càng suy nghĩ lâu và càng bỏ công sức để tư duy về một vấn đề nào đó, kiến thức càng được lưu trữ lâu bền trong não bộ và cũng dễ hồi tưởng hơn. Càng dành nhiều thời gian cho việc "đào hố ban đầu", chúng ta càng dễ thấy "nước" và có thể quay lại “giếng” để tìm kiếm một thông tin cụ thể trong tương lai.
Để minh họa cho vấn đề này, hãy tự đặt cho mình hai câu hỏi sau đây, trong đó một câu không giúp người học nhớ kiến thức hiệu quả, trong khi câu còn lại tạo điều kiện để chúng ta đào sâu suy nghĩ:
Dù người học biết chính xác ngày tháng hay không, quá trình tư duy đòi hỏi để trả lời dạng câu này vẫn ngắn và chỉ thoáng qua, có nghĩa là thông tin sẽ không được lưu trữ lâu dài trong tâm trí.
Câu hỏi này vừa giúp người học biết được ngày tháng cụ thể khi sự kiện diễn ra, vừa yêu cầu họ dành nhiều thời gian nghĩ sâu và kỹ hơn để tìm ra những chi tiết đặc biệt. Chủ động tư duy theo hướng này chính là cách giúp chúng ta khai thác được nhiều khía cạnh của vấn đề, đồng thời ghi nhớ thông tin hiệu quả.
Giả sử bạn là nhà khảo cổ và cần chuẩn bị cho chuyến đi khám phá cổ vật. Vì có quá nhiều thứ cần tìm nên bạn thiết kế một hệ thống thẻ tên gọi để nhận biết các cổ vật khác nhau, tùy theo đặc tính của chúng. Ví dụ như, thay vì chỉ gọi một vật là “thìa”, chúng ta sẽ gắn thẻ cho nó là “một chiếc thìa sắt với hoa văn nhỏ, được làm cho trẻ con dùng”. Việc quan sát chi tiết và ghi nhớ những đặc điểm này sẽ giúp ta kết nối chúng với những kiến thức sẵn có trong não bộ, hoặc với những gì chuẩn bị học trong tương lai. Khi một mẩu thông tin được gắn với càng nhiều thẻ chi tiết, chúng ta càng có nhiều cơ hội để hiểu, ghi nhớ và kết nối với những chủ đề khác.
Tương tự, hãy tự đặt các câu hỏi sau đây để thấy một câu mang tính liên kết rời rạc và một câu có khả năng giúp kết nối đa dạng hơn:
Câu hỏi này chỉ cung cấp một thông tin rằng nhện có tám chân. Điều này khiến người học có ít dữ liệu để liên kết với những kiến thức liên quan trong tương lai, từ đó làm giảm khả năng suy luận các vấn đề.
Hỏi theo hướng này gợi mở cho chúng ta nhiều thông tin và liên kết tiềm năng hơn. Người tiếp nhận kiến thức sẽ đưa ra so sánh như: nhện có tám chân trong khi côn trùng chỉ có sáu, hoặc nhện chỉ có hai phần cơ thể chính trong khi côn trùng có ba. Khi tiếp cận với các chủ đề tương tự trong tương lai, như là phân loại động vật không xương sống, chúng ta sẽ có nhiều hướng để truy xuất thông tin (số lượng chân và các bộ phận cơ thể). Nó giúp ta hiểu sâu hơn về nhện, côn trùng và có khả năng tìm ra các điểm khác biệt, khiến việc ghi nhớ trở nên lâu bền.
Nhìn chung, khi học một thứ gì đó, chúng ta cần động viên bản thân dành ra một khoảng thời gian tập trung để tâm trí tĩnh lặng và suy nghĩ rõ ràng về thứ cần được tiếp thu. Có thể đây sẽ là một việc khó khăn khi Internet ngày nay có quá nhiều thông tin và cuộc sống liên tục đưa ra những thứ khiến chúng ta phân tâm. Tuy nhiên, việc đào sâu suy nghĩ sẽ mang lại giá trị rất lớn về mặt tư duy cho con người, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh, đòi hỏi chúng ta cần phải liên tục học thêm các kỹ năng và kiến thức để đổi mới và thích nghi.
Ngoài các câu hỏi ví dụ nêu trên, bạn cũng có thể tự hỏi mình một số vấn đề mang tính kích thích tư duy sâu sắc về cuộc sống, chẳng hạn như:
Càng đầu tư thời gian nghĩ về điều gì đó một cách sâu sắc, bạn càng có khả năng ghi nhớ điều đó lâu dài. Càng khám phá ra nhiều khía cạnh của một vấn đề, một ý tưởng, bạn càng dễ kết nối nó với những chủ đề khác.
Xin nhớ cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, nơi mọi thứ đều kết nối với nhau để tồn tại và phát triển, cũng như không có sự vật, hiện tượng nào có thể hiện diện riêng lẻ. Vì lẽ đó, học cách ghi nhớ và liên kết thông tin là kỹ năng cần thiết để kiến thức của ta ngày một sâu rộng.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.