Đối với nhiều người, cà phê đã trở thành thức uống không thể thiếu để bắt đầu một ngày mới và có thể uống đến 3-4 ly cà phê mỗi ngày. Tuy nhiên, có những người lại không thể uống dù chỉ một giọt cà phê. Thay vì giúp họ tỉnh táo, cà phê khiến họ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, tim đập mạnh cùng nhiều triệu chứng khác mà chúng ta gọi chung là "say cà phê".
Vậy tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Làm thế nào để biết cơ thể bạn có nhạy cảm với cà phê hay không? Chúng ta cần làm gì khi cơ thể phản ứng quyết liệt với loại thức uống thông dụng này? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó.
Một vài người khi uống cà phê thường gặp một số triệu chứng như tim đập nhanh, cơ thể bồn chồn (1). Họ sẽ nghĩ rằng mình dị ứng với cà phê. Trên thực tế, đó không hẳn là triệu chứng của dị ứng. Nếu bạn dễ bị say cà phê thì nhiều khả năng bạn đang gặp phải các triệu chứng do sự gia tăng hormone adrenaline mà caffeine gây ra trong cơ thể.
Những người nhạy cảm với caffeine (say cà phê) chủ yếu là do phản ứng với adrenaline mà caffeine gây ra, trong khi những người dị ứng caffeine lại có phản ứng histamine (một trong những chất có liên quan mật thiết tới tình trạng sốc phản vệ, phản ứng viêm, dị ứng, dẫn truyền thần kinh và sự bài tiết dịch vị) với chính caffeine.
Một nghiên cứu trên tạp chí Dị ứng Châu Á Thái Bình Dương cũng chỉ ra rằng phản ứng phòng vệ do dị ứng caffeine là rất hiếm. Còn lại thì đa phần các phản ứng say cà phê do sự nhạy cảm của cơ thể đối với caffeine xảy ra khoảng 20 phút sau khi uống cà phê.
Theo lời tiến sĩ Ross Perry, bác sĩ chuyên khoa và giám đốc y tế của Cosmedics, nếu bạn uống quá nhiều cà phê trong một ngày, và cơ thể bắt đầu lên tiếng, bạn chỉ cần cắt giảm lượng caffeine. Đối với những người chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ đến khiến cơ thể cảm thấy hơi run, khó chịu ở bụng, có khả năng bạn không thể dung nạp caffeine. Thông thường điều này phụ thuộc vào sự trao đổi chất, nếu cơ thể trao đổi chất nhanh thì bạn sẽ ít bị nhạy cảm với caffeine (trừ trường hợp uống quá nhiều). Ngược lại, những người có sự trao đổi chất chậm thường dễ bị ảnh hưởng hơn.
Jenaed Brodell, chuyên gia dinh dưỡng tại Nutrition và Co cho biết thêm rằng sự nhạy cảm với caffeine có thể do nhiều yếu tố gây ra, chẳng hạn như giới tính, tuổi tác và cân nặng cũng như sự biến đổi gen của một cá nhân và mức độ chuyển hóa gan.
Độ nhạy caffeine phụ thuộc vào mức độ cảm nhận caffeine của mỗi người. Mặc dù không có thử nghiệm cụ thể nào để đo độ nhạy cảm với caffein, nhưng các chuyên gia đã tạm phân chia thành ba loại dựa trên mức độ chuyển hóa caffein trong cơ thể (2).
1. Độ nhạy bình thường
Hầu hết mọi người thuộc loại nhạy cảm với caffeine ở mức độ bình thường. Điều này có nghĩa là họ có thể tiêu thụ tới 400 miligam caffeine (khoảng 4-5 tách cà phê/ngày) mà không gặp phải các tác dụng phụ. Đây là lượng caffeine được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị và dường như là an toàn cho hầu hết người lớn khỏe mạnh.
2. Độ nhạy thấp
Những người có độ nhạy cảm thấp với caffeine có thể dùng liều lượng caffeine cao hơn nữa mà không gặp phải tác dụng phụ. Họ cũng có thể tiêu thụ caffeine trước khi đi ngủ mà không bị ảnh hướng đến giấc ngủ. Đối với những người thuộc nhóm này, cơ thể chuyển hóa caffeine một cách nhanh chóng. Một nghiên cứu ước tính rằng khoảng 10% dân số mang gen liên quan đến độ nhạy thấp.
3. Độ nhạy cao
Những người có độ nhạy cảm với caffeine cao sẽ chuyển hóa chất kích thích chậm hơn. Họ có thể gặp phản ứng dữ dội với liều lượng nhỏ caffeine, chẳng hạn như mất ngủ, tim đập nhanh...
Những dấu hiệu nhận biết cơ thể bạn nhạy cảm với cà phê bao gồm: nhức đầu, lo lắng, chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc không đều, bồn chồn và run rẩy, mất ngủ hoặc khó ngủ, lợi tiểu, bụng khó chịu, lo giật cơ bắp, mặt đỏ bừng...
Các triệu chứng này có thể mang đến cho bạn một số trải nghiệm không mấy vui vẻ với cà phê, nhưng chúng thường không gây hại hoặc nghiêm trọng. Các triệu chứng này sẽ biến mất khi lượng cafeine trong cơ thể được tiêu biến dần. Vì vậy, cách tốt nhất để đối phó với cơn say cà phê là nên uống nhiều nước khi cơ thể bắt đầu “biểu tình”. Cà phê hòa tan trong nước, do đó khi uống nhiều nước, caffeine sẽ được đào thải ra ngoài nhanh chóng hơn.
Các nhà khoa học cho rằng có một số yếu tố đóng một vai trò trong việc xác định cách cơ thể phản ứng với caffeine.
1. Chuyển hóa gan
Caffeine được chuyển hóa (bị phân hủy) trong gan bởi một loại enzyme có tên là CYP1A2. Gen liên kết với enzyme này giúp xác định trước mức độ nhạy cảm của một người với việc tiêu thụ caffeine. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cơ thể những người có độ nhạy cao với caffeine thường không sản xuất được nhiều CYP1A2.
2. Thuốc men
Một số loại thuốc và chất bổ sung có thể tương tác với độ nhạy cảm caffeine. Điều này có thể làm cho các tác dụng phụ của caffeine trở nên dữ dội hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn như theophylline và echinacea (một loại thảo dược bổ sung giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh) có thể làm tăng tác động của caffeine trong cơ thể. Vì thế, hãy trao đổi với dược sĩ nếu bạn nghĩ rằng thuốc mình uống có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu caffeine của cơ thể.
3. Di truyền học
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cấu tạo gen của người có liên quan rất nhiều đến cách họ phản ứng với caffeine. Ngoài enzyme CYP1A2 nói trên có ảnh hưởng đến mức độ phân hủy caffeine, một gen khác được gọi là ADORA2A tác động đến hệ thống thần kinh trung ương, phản ứng với sự kích thích của caffeine. Những người có biến thể của gen ADORA2A cũng có độ nhạy caffeine cao.
Thay vì uống cà phê, bạn nên cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể hoặc có thể lựa chọn một số loại nước ép trái cây, rau củ, trà bạc hà... Trong trường hợp bạn muốn kiếm một thứ đồ uống nào đó giúp bạn có nhiều năng lượng cho ngày mới, bạn có thể thử trà trắng. Trà trắng chỉ chứa 6-55 mg caffeine trong mỗi ly 250ml, so với trà xanh có khoảng 30-70 mg/ly và trà đen, có 47-90 mg/ly.
Có một sự thật thú vị là dù matcha chứa hàm lượng cafein lên đến 18.9 đến 44.4 mg/gram, trong khi đó cà phê chỉ chứa 10–12 mg caffeine/gram hạt cà phê, nhưng trong matcha có chứa rất nhiều theanine – một loại amino acid có tác dụng làm giảm căng thẳng - khi kết hợp với caffeine lại có thể làm giảm tốc độ hấp thụ caffeine của cơ thể.
Yerba mate là một loại trà thảo mộc có chứa caffeine tự nhiên được làm từ lá khô của cây nhựa ruồi Nam Mỹ. Một cốc (237 ml) chứa khoảng 78 mg caffeine, tương tự như hàm lượng caffeine trong một tách cà phê trung bình. Yerba mate cũng chứa nhiều hợp chất như chất chống oxy hóa. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy yerba mate có thể chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn so với trà xanh.
Trà Chai Ấn Độ (còn gọi là trà Masala Chai) là một loại trà đen pha cùng các loại thảo mộc khác. Mặc dù trà Chai chứa ít caffeine hơn (48 mg) so với cà phê, các nghiên cứu cho thấy rằng lá trà đen trong đó vẫn có thể cải thiện sự tỉnh táo của tinh thần. Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe, trà Chai có vị mạnh mẽ và mùi hương dễ chịu.
Ngoài ra, bạn có thể chuyển sang những loại decaf, tức là cà phê đã loại bỏ gần như hoàn toàn cafein hoặc trộn cà phê decaf với cà phê thông thường để pha loãng nồng độ caffeine.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Ăn Uống?
Bài viết về rượu vang, trà, cà phê, địa điểm ăn uống và đầu bếp tài năng.