Nhìn lại một năm sắp qua, nếu điểm lại những trào lưu trên mạng xã hội, có thể nói 2023 là năm của những concert, lời xin lỗi, nông sản bản địa, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) và đầu tư chất xám để hướng đến nội dung sáng tạo, chuyên môn cao và xác thực.
Trong năm qua, những trào lưu như trà mãng cầu, gỏi gà măng cụt... đã khuấy đảo các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok... và ít nhiều nói lên được những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng. LeLa Journal điểm lại những sự kiện nổi bật và những bài học kinh tế từ những xu hướng "hot trend" trên mạng xã hội năm 2023.
Một trong những trào lưu "làm mưa làm gió" từ TikTok đến Facebook là "flexing" – một thuật ngữ xuất phát từ văn hóa đường phố để chỉ hành động khoe khoang gia thế, thành tích và tài sản một cách lộ liễu.
Trào lưu này nhanh chóng lan rộng tại Việt Nam trong khoảng đầu đến giữa năm nay, được cả những người nổi tiếng hưởng ứng mạnh mẽ. Các thành tựu mà người dùng flex trải dài từ tài sản, thành tích học tập, giải thưởng quốc tế, con cái, cho đến những thứ không thể dễ dàng có được như "dòng dõi vua chúa", các cuộc gặp giới thượng lưu hoặc giới chính khách...
Trong hai bài viết Khoe sao cho khéo, flex sao cho khôn và Trào lưu khoe "flex đến hơi thở cuối cùng": Khi flex mà không... "fake", LeLa Journal đã phân tích về cơ chế tâm lý đằng sau trào lưu flexing này. Flexing là một hình thức kết nối giữa những người có cùng cấp bậc hoặc địa vị xã hội. Thế nên, niềm khao khát "được đặt cạnh người (nổi tiếng) khác" được xem như một chiến lược tự trấn an và vươn lên về mặt vị thế trong xã hội.
Bên cạnh đó, "flexing" còn chỉ ra sự bám víu của chúng ta với những chủ thể gắn bó an toàn, cụ thể ở đây là khái niệm về thành công và thành tựu trong đời.
Ngoài flexing, "pressing" và "check VAR" cũng là hai cụm từ phổ biến khác cần nói đến. Hai thuật ngữ này được cho là xuất phát từ cộng đồng người hâm mộ bóng đá Việt. Hiểu một cách đơn giản, pressing là gây sức ép lên người khác bằng cách tạo ra áp lực đồng trang lứa, thậm chí là bằng sự khoe mẽ (flexing) vừa nêu trên.
Từ đó, "thoát pressing" được dùng để chỉ hành động tránh né hoặc vượt qua áp lực không đáng có, đặc biệt là từ những người đang flexing. Trong khi đó, "check VAR" mang hàm ý kiểm tra độ chính xác và tính tin cậy của thông tin được đưa ra. Việc trào lưu này trở nên phổ biến cũng phần nào nói lên sự chú trọng của giới trẻ đối với tính chân thật của thông tin trong thời đại ngập tràn tin tức giả và tin đã bị "xào nấu" bởi AI.
Cà phê muối vốn đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, được cho là bắt nguồn từ thành phố Huế. Song, khoảng giữa năm 2023 mới là giai đoạn bùng nổ trào lưu tiêu thụ cà phê muối, cũng như các loại nước uống có kem muối khác như trà kem muối, trà sữa kem muối...
So với các thức uống hiện tượng mạng khác như trà dâu, trà chanh giã tay... cà phê muối dường như có tiềm năng trở thành thói quen tiêu dùng lâu dài, chứ không đơn thuần chỉ là một cơn sốt nhất thời. Lý do là bởi nguyên liệu làm ra cà phê muối đơn giản và rẻ, nhưng lại tạo ra được hương vị rất hài hòa. Bản thân cà phê cũng là lựa chọn đồ uống hằng ngày của nhiều người, không như những thức uống giải khát trào lưu khác.
Bài học về thành công của "trend" cà phê muối chính là lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng.
Trái với cà phê muối, các món ăn, thức uống tạo trào lưu khác như gỏi gà măng cụt, trà chanh giã tay, bánh đồng xu phô mai chảy... có thời gian "bắt trend" ngắn ngủi hơn vì chi phí đầu vào cao, trong khi nguyên liệu và khẩu vị lại không thân thuộc với thói quen ăn uống của người Việt.
Các món "hot trend" này trở thành cơn sốt trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nhanh chóng bão hòa và thoái trào. Chính vì vậy, việc kinh doanh chạy theo các mặt hàng này thường không bền vững và thiếu sáng suốt. Thực trạng cho thấy những người đầu tư muộn vào máy làm bánh đồng xu đến nay vẫn chưa thể lấy lại vốn vì đối tượng tiêu thụ chính – những người trẻ tuổi – đã không còn hứng thú (1).
Sử dụng nguyên liệu thuận tự nhiên và bản địa để phát triển kinh tế là một trong những xu hướng nổi bật trong năm nay. Tương tự như trường hợp của cà phê muối, việc sử dụng trái mãng cầu đúng mùa để làm tăng hương vị cho trà – thức uống phổ biến với hầu hết người Việt – đã nhắc lại bài học về hành vi tiêu dùng.
Song, cái tên đáng chú ý hơn cả là mì ăn liền thanh long Caty với bài hát viral "Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm..." cho thấy sự khéo léo của doanh nghiệp trong việc nắm bắt thói quen sử dụng mạng xã hội của người dùng hiện nay. Với việc nội dung nhanh và marketing đa kênh (omnichannel) đang trở nên thịnh hành, thương hiệu mì thanh long Caty đã lựa chọn tiếp cận khách hàng mục tiêu bằng video ngắn. Cách làm này vừa đem tới sản phẩm giải trí, vừa giải quyết được vấn đề nông sản được nhiều người quan tâm.
Bên cạnh đó, mì thanh long Caty còn sử dụng kỹ thuật nhân cách hóa thương hiệu thành "khủng long đỏ Caty" và kể những câu chuyện gần gũi với người dùng, từ đó tạo nên sự thành công ngoài mong đợi của thương hiệu này. Trong thời đại nội dung nhanh, người dùng thường quan tâm tới câu chuyện thú vị và chất lượng. Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung kể những câu chuyện về thương hiệu xa lạ mà bỏ qua diễn ngôn hằng ngày thì sẽ khó tạo được sự đồng cảm.
Có lẽ 2023 cũng là năm của những lời xin lỗi khi tần suất người nổi tiếng đăng đàn xin lỗi công chúng đã liên tục diễn ra. Đây cũng là bài học lớn về việc xử lý khủng hoảng và làm thương hiệu cá nhân (personal branding).
YouTuber có 2 triệu follower JVevermind từng làm clip tổng hợp các hình thức xin lỗi kém hiệu quả của người nổi tiếng, tóm gọn về hiện trạng "văn hóa xin lỗi" ngày nay.
Trong một bài viết về xin lỗi, LeLa Journal có điểm qua một vài dấu hiệu nhận biết lời thật lòng và cách để bày tỏ sự chân thành trong lời xin lỗi. Theo đó, bài viết "Văn hóa" xin lỗi: Vì sao xin hoài mà vẫn còn lỗi?" chỉ ra 6 yếu tố cấu thành một lời xin lỗi chân thành, bao gồm:
Không chỉ bùng nổ trên thế giới, ChatGPT nói riêng và các AI tạo sinh (generative AI) nói chung đã nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán khắp các diễn đàn mạng xã hội tại Việt Nam. Tiêu biểu, Từ điển Collins đã chọn "generative AI" là Từ của năm (Word of the Year – WOTY).
Trí tuệ nhân tạo gây sốt đến vậy là vì công nghệ này cho phép doanh nghiệp giảm chi phí và tăng hiệu suất, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn. Nhờ việc tinh gọn bộ máy nhân sự thông qua việc trực tiếp cải thiện năng suất và khả năng đa nhiệm của con người, AI đang là giải pháp thực tế giúp doanh nghiệp đối phó với suy thoái.
Song song đó, hình thức marketing bằng nhân vật có tầm ảnh hưởng (influencer marketing) cũng lên ngôi trong năm nay, nhờ vào độ hiệu quả cao và ít tốn chi phí hơn so với các chiến dịch truyền thông hay TVC đắt đỏ. Trong tương lai, công nghệ sao chép nhân diện còn cho phép tạo ra các KOL ảo (virtual influencer), hứa hẹn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và cải thiện hiệu suất hơn nữa.
Các buổi trình diễn của Maroon 5, Westlife, Blackpink, Alan Walker, Katy Perry, Charlie Puth, CL, Super Junior... cho thấy Việt Nam đang dần trở thành thị trường tiềm năng và đủ tiêu chuẩn tổ chức các chương trình giải trí tầm cỡ quốc tế.
Các concert này đem lại nguồn thu lớn cho nền giải trí Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề để các đơn vị sản xuất mạnh tay đưa thêm nhiều nghệ sĩ quốc tế tới biểu diễn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?