Những vị lãnh đạo giỏi - dù ở lĩnh vực nào - đều là những người có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của mọi người và giúp thế giới phát triển tốt đẹp hơn mỗi ngày. Vậy, thế nào là một nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn? Phải trau dồi những phẩm chất gì để trở thành một người lãnh đạo trong tương lai? Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra một số nhận định sâu sắc về cách để trở thành người dẫn dắt trách nhiệm, có khả năng kiến tạo một thế giới hòa bình và phát triển.
Sinh ra trong một gia đình không được học chữ ở một ngôi làng hẻo lánh, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phải rời bỏ quê hương và sống lưu lạc hơn nửa thế kỷ. Ông chưa bao giờ sở hữu một ngôi nhà, chưa từng có một chiếc xe hay thậm chí là khoản lương nào (1). Nhưng với trí tuệ uyên bác và lòng từ bi cao cả của mình, Đức Lạt Lai Lạt Ma trở thành nhà lãnh đạo tinh thần có ảnh hưởng nhất của Phật giáo Tây Tạng. Ông được trao tặng giải Nobel Hòa bình vào năm 1989 và được Phật tử Tây Tạng ví như một hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát (2).
Tiến sĩ Daniel Goleman - tác giả quyển sách Trí tuệ cảm xúc đã chia sẻ: “Đạt Lai Lạt Ma chưa từng được đào tạo như một chuyên gia, nhưng những gì ông biết lại có thể tác động lên mọi lĩnh vực khác. Ông đã tích lũy cho mình trí tuệ hơn là kiến thức đơn thuần”.
Trong gần 60 năm tiếp xúc với các vị lãnh đạo của nhiều đất nước, công ty và tổ chức khác nhau, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quan sát được xã hội phát triển và thay đổi như thế nào. Ngài đúc kết rằng: "Một thế giới tốt đẹp hơn chính là nơi mà mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn. Chúng ta cũng chỉ là những du khách may mắn được sống trên hành tinh này trong khoảng 90 hay 100 năm. Trong thời gian này, mỗi người nên nỗ lực để thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn” - Ngài chia sẻ.
Chúng ta cùng tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, cùng phụ thuộc vào nhau. Thói quen chia ra “tôi” và “họ” thường thấy hiện nay xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về mối tương quan giữa tất cả mọi người. Ông lấy ví dụ về những con ong, chúng không có hiến pháp hoặc được dạy về đạo đức, nhưng luôn làm việc cùng nhau để tồn tại. Trong khi đó, con người có hiến pháp và hệ thống luật pháp phức tạp, có trí thông minh phi thường và cả khả năng nuôi dưỡng tình thương yêu, nhưng dường như lại ít có khả năng hợp tác.
“Loài người cùng là động vật xã hội, nhưng chúng ta vẫn còn thiếu trách nhiệm với nhau. Tôi tin rằng việc tập trung mạnh mẽ vào phát triển vật chất và tích lũy của cải đã khiến chúng ta bỏ qua những nhu cầu cơ bản của con người, chẳng hạn như lòng tốt và sự quan tâm” - Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét (3).
Vậy lời khuyên của ông dành cho các lãnh đạo là gì?
Dưới đây là 3 phẩm chất chính mà Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng các nhà lãnh đạo nên nuôi dưỡng. Những thông điệp của ông được cho là giống với kết quả của một nghiên cứu kéo dài ba năm trên 35.000 lãnh đạo từ hơn 1000 công ty ở 100 quốc gia khác nhau (4).
Con người sở hữu trí thông minh phi thường cho phép chúng ta phân tích và lập kế hoạch tốt cho tương lai. Nhưng những cảm xúc như sợ hãi, giận dữ và lo lắng lại có thể che mờ đi khả năng này. Chúng tạo điều kiện cho sự phẫn nộ và bạo lực, trái ngược hoàn toàn với lòng tin tưởng hay sự ấm áp - những giá trị xuất phát từ một tâm trí thanh thản và an tĩnh. Khi phải chịu sự chi phối của tức giận, chúng ta không thể có một cái nhìn đầy đủ và thực tế về những gì đang xảy ra.
Chính vì vậy, nuôi dưỡng lối sống tỉnh thức sẽ giúp ta giảm được những nỗi lo sợ, từ đó bình an và quan tâm hơn đến hạnh phúc của người khác. Khi tâm trí tĩnh lặng, chúng ta có thể hành động lý trí, thực tế và quyết tâm hơn với những gì mình tin tưởng.
Điều này được xây dựng qua việc tập trung vào nhiệm vụ đang làm, có mặt ở hiện tại với một tâm trí rõ ràng, bình tĩnh và không bị phân tâm. Các bài tập tinh thần hữu ích như tập thở, tập thiền là những ví dụ về cách tăng cường khả năng tập trung của não bộ về mặt thần kinh, đưa sự tỉnh thức vào mọi hoạt động trong cuộc sống, tất cả là để rèn luyện sức mạnh não bộ của bạn.
Ý chí mạnh mẽ, sự tự tin đi cùng với thái độ khiêm tốn được Đạt Lai Lạt Ma xem là công thức điển hình của một nhà lãnh đạo có thể dẫn dắt và truyền cảm hứng cho mọi người. Những người đứng đầu biết kiềm chế cái tôi của mình sẽ phục vụ được lợi ích và tạo ra nhiều kết quả tốt hơn cho công ty. Có lòng vị tha không đồng nghĩa với việc dễ dãi. Đi cùng với sự tự tin, những người biết khiêm tốn, vị tha có khả năng tạo động lực và động viên mọi người cố gắng. Đây là cách để lãnh đạo vận hành công ty hiệu quả trong tương lai dài hạn.
Ông tin rằng, chúng ta cần nhấn mạnh vào sự hợp tác. Hợp tác thường đến từ tình bạn, tình bạn đến từ sự tin tưởng, sự tin tưởng bắt nguồn từ lòng tốt. Một khi bạn thực sự quan tâm đến ai đó, sẽ không có chỗ cho việc lừa dối, bắt nạt hay lợi dụng. Thay vào đó, chúng ta có thể trung thực và minh bạch trong những hành động của mình (3).
Lòng trắc ẩn cho phép chúng ta thấu hiểu và tiếp thu quan điểm, góc nhìn từ người khác. Nó khác với sự đồng cảm (empathy) ở chỗ, thay vì cũng cảm nhận các cảm xúc và nỗi đau từ ai đó, bạn giữ được sự bình tĩnh, lý trí và nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Bằng cách này, chúng ta sẽ hành động khéo léo hơn, vẫn giữ được tình thương nhưng không bị cuốn vào xúc cảm đa dạng từ mọi người.
Không phải chỉ những người mềm mỏng mới có lòng trắc ẩn, thực chất, nó cần đến sự can đảm và sức mạnh để nuôi dưỡng hành động từ bi. Đó có thể là, bắt đầu những cuộc trò chuyện khó khăn với thái độ tỉnh thức, đưa ra những quyết định không dễ dàng cho bạn nhưng phục vụ lợi ích lớn hơn cho cộng đồng.
Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, truyền thống Phật giáo đã mô tả về ba phong cách lãnh đạo từ bi như sau (3):
Đây là ba hướng tiếp cận khác nhau, nhưng điểm chung là sự quan tâm sâu sắc đến phúc lợi của những người được mình dẫn dắt.
“Thế giới không thể mong chờ sự thay đổi nếu chúng ta không hành động. Lòng tốt, lòng trắc ẩn và tình thương yêu thực sự là những yếu tố sống còn của chúng ta” - Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận định.
Cuối cùng, lời khuyên chân thành mà ông dành cho mọi người chính là, hãy bắt đầu bằng việc quản lý tâm trí và trái tim của chính mình. Sau đó, hướng ra bên ngoài từ một trạng thái cân bằng hơn trong nội tâm và suy nghĩ về những điều tốt đẹp mà chúng ta có thể làm.
Nhà lãnh đạo của chính giáo Tây Tạng kết luận rằng: “Đừng nản lòng trước những tin tức khủng khiếp mà bạn nghe được hằng ngày. Điều đó chỉ phản ánh một phần nhỏ trong câu chuyện về thế giới loài người. Bên dưới phần nổi của dòng sông băng đó là cả một kho chứa rộng lớn của lòng tốt và sự tử tế - thứ mà mỗi người chúng ta đều có khả năng tìm về và mở rộng”.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.