Phương pháp giáo dục Montessori tại nhà cho trẻ là gì?
Phương pháp Montessori giờ đây đã không còn quá xa lạ với các bậc phụ huynh trong nước nhờ sự phổ biến toàn cầu và những giá trị mà nó mang lại. Mặc dù vậy, do sự đặc trưng trong việc thiết kế không gian và các dụng cụ học tập khiến cho phương pháp này chỉ được tiến hành bởi một vài thầy cô được đào tạo bài bản. Điều này gây khó khăn cho các phụ huynh quan tâm đến việc tự mình thực hiện phương pháp Montessori tại nhà trong việc giáo dục trẻ.
Ban đầu, phương pháp Montessori được sử dụng như một cách đặc biệt trong việc nuôi dạy những đứa trẻ chậm phát triển. Tuy nhiên theo thời gian, phương pháp này ngày càng được đông đảo cộng đồng giáo dục quan tâm khi mang lại nhiều giá trị tích cực trong việc phát triển toàn diện cho trẻ em trên toàn thế giới. Các nghiên cứu khoa học đã kiểm chứng và chỉ ra những lợi ích của phương pháp Montessori như sau:
Thúc đẩy thành tích học tập và tăng cường phát triển trí não (1).
Cải thiện chức năng điều hành (executive function) (5).
Cách áp dụng phương pháp Montessori tại nhà để giáo dục trẻ
"Giáo dục không phải là đổ thông tin và kiến thức vào đầu của trẻ, mà là giúp chúng khám phá thế giới bên trong cũng như bên ngoài". Lời khẳng định của bác sĩ Montessori đã trở thành "kim chỉ nam" cho rất nhiều nhà giáo dục trên thế giới. Và các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nuôi dạy con cái theo phương pháp này thông qua việc hỗ trợ trẻ học tập và phát triển.
Hiệp hội Montessori Quốc tế (AMI) và Tổ chức Montessori Hoa Kỳ (AMS) là những tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với mục đích phổ biến phương pháp độc đáo này cho nhiều bậc cha mẹ trên thế giới. Các chương trình đào tạo đã được xây dựng nhằm hỗ trợ cho phụ huynh trên con đường trở thành những "nhà giáo dục tại nhà" toàn diện cho trẻ. Điểm mấu chốt của việc này là nắm vững các nguyên tắc cơ bản, chú ý về thời gian học tập và xây dựng một lộ trình hợp lý.
1. Phương pháp Montessori đòi hỏi những kỹ năng cơ bản gì?
Tôn trọng và tin tưởng: Bác sĩ Montessori cho rằng trẻ em có tính độc lập, sở thích riêng cùng những tiềm năng đặc biệt và rất nhạy cảm. Người lớn phải học cách tôn trọng những điều này bằng việc không áp đặt những suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề của mình cho trẻ. Ngoài ra, mỗi khi trẻ đặt câu hỏi và tò mò về thế giới xung quanh, phụ huynh cần thẳng thắn và thành thật trả lời. Không chỉ vậy, phụ huynh còn phải thận trọng khi khen thưởng cũng như trừng phạt trẻ bởi những quan điểm truyền thống như la mắng hay so sánh trong việc giáo dục đã trở nên không còn đúng đắn.
Học cách quan sát: "Điều quan trọng trong giáo dục không phải là truyền đạt cái gì, mà là làm thế nào để kích thích trí tò mò và khám phá của trẻ". Đó là lời khuyên của bác sĩ Montessori dành cho các bậc làm cha làm mẹ. Theo bà, mỗi đứa trẻ cần những mốc thời gian khác nhau cho quá trình tiếp xúc và học hỏi từ thế giới bên ngoài, chúng ta không thể vội vàng thúc ép hoặc làm thay trẻ, mà thay vào đó, hãy học cách quan sát cặn kẽ từng cử chỉ, hành vi, phản ứng... của trẻ. Việc này cho phép người lớn hiểu rõ hơn về nhu cầu và khả năng của con em mình, từ đó giúp tạo ra môi trường phù hợp để trẻ phát triển theo tiến độ riêng của từng bé. Người lớn hãy học cách luôn quan sát, đánh giá và tạo điều kiện không chỉ trong trường lớp mà còn trong môi trường gia đình và xã hội, khu phố cộng đồng... để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.
Phát triển trẻ toàn diện: Theo Montessori, phát triển toàn diện (holistic development) của trẻ em là quá trình phát triển của tất cả các khía cạnh con người bao gồm trí tuệ, thể chất, cảm xúc và tâm hồn. Phụ huynh có thể hỗ trợ trẻ bằng cách cung cấp môi trường và công cụ phù hợp để trẻ có thể phát triển các kỹ năng và khả năng của mình một cách tự nhiên và thoải mái nhất có thể.
2. Lưu ý về thời gian và các hoạt động theo từng độ tuổi: Hầu như ban ngày chúng ta gửi trẻ đến trường, do đó ban đêm hoặc cuối tuần mới là thời gian để vừa học vừa chơi theo phương pháp giáo dục tại gia Montessori. Phương pháp này có thể được áp dụng cho trẻ từ 0 đến 18 tuổi, tuy nhiên, phần lớn tập trung vào việc giáo dục cho trẻ từ hai đến sáu tuổi.
Với trẻ dưới hai tuổi: Phương pháp Montessori trong giai đoạn này bao gồm các hoạt động thực tế trong cuộc sống hằng ngày như dạy bé ăn uống, vệ sinh... Tập trung vào các kỹ năng đơn giản như cầm, nắm, thả, xếp, lật trang sách, tìm hiểu hình dạng, màu sắc, kích thước và âm thanh. Vì đây đều là những sinh hoạt thiết yếu và thường trực nên trẻ có thể được đắm chìm cả ngày trong không gian "Montessori".
Đối với trẻ từ hai đến sáu tuổi: Sau khi trẻ trở về từ trường mẫu giáo, các phụ huynh nên lưu ý về những hoạt động mà bé được thầy cô giao ở trường để kết hợp với việc giáo dục ở nhà sao cho hiệu quả trong khoảng từ hai đến ba giờ đồng hồ mỗi ngày. Các hoạt động Montessori trong độ tuổi này bao gồm: các hoạt động vật lý (xếp hình, ghép hình, lắp ráp, vận động nâng đồ vật) để giúp trẻ phát triển khả năng tư duy và tập trung, hoạt động ngôn ngữ (luyện ngữ âm, ghép từ và câu, học chữ cái, đọc và viết) để giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp, hoạt động toán học như tính toán đơn giản để giúp trẻ phát triển kỹ năng toán học và tư duy logic, hoạt động xã hội (chơi cùng bạn bè, học cách chia sẻ và hợp tác) để giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội và kỹ năng sống.
Với trẻ lớn hơn sáu tuổi: Thời gian sử dụng phương pháp Montessori có thể giảm xuống và trở thành một phần trong việc kèm cặp trẻ làm bài tập về nhà.
3. Chuẩn bị lộ trình cho phương pháp Montessori tại nhà bao gồm:
Xây dựng môi trường học tập: Chuẩn bị một khu vực học tập riêng biệt cho con, với bàn học, ghế ngồi và các đồ chơi giáo dục phù hợp với độ tuổi và sở thích. Đây chính là một điểm mạnh của việc giáo dục tại nhà vì không thầy cô nào có thể hiểu đứa trẻ của mình bằng cha mẹ. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo khu vực này luôn gọn gàng, sạch sẽ để trẻ biết cách tôn trọng và nghiêm túc với khoảng thời gian rèn luyện tại không gian này.
Chuẩn bị các đồ chơi giáo dục: Các đồ chơi này là một phần quan trọng trong phương pháp Montessori. Chúng được thiết kế để giúp trẻ phát triển các kỹ năng cơ bản như tư duy logic, khả năng vận động và phát triển ngôn ngữ, chẳng hạn như bộ lắp ráp, bộ xếp hình, bộ đồ chơi nâng cao khả năng toán học hoặc kỹ năng vận động như xoay khối rubik, xếp lego, cắt dán...
Hình thành thói quen học tập: Phương pháp Montessori khuyến khích trẻ học tập một cách tự nhiên và không bị ép buộc. Hãy giúp trẻ xây dựng thói quen học tập thường xuyên, tạo sự hứng thú và cảm giác thỏa mãn mỗi khi trẻ hoàn thành một điều gì đó.
Phụ huynh nên thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, đồng thời học hỏi từ những phụ huynh khác. Giáo dục tại nhà cho trẻ bằng một phương pháp mới chắc chắn sẽ mất thời gian và gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên nếu ngày càng có nhiều phụ huynh tham gia "cộng đồng Montessori" và cùng chia sẻ cho nhau những bí quyết của mình thì hành trình gian nan này sẽ trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?