Song song với chuyện học hành, trẻ vị thành niên cũng phải trải qua một hành trình phức tạp về việc khám phá những thay đổi cảm xúc của bản thân và người khác. Trong đó, trẻ không thể tránh khỏi sự hấp dẫn về mặt tình cảm đôi lứa. Từ những rung động đầu tiên đến những cơn say nắng của tuổi học trò trong sáng, tất cả đều góp phần vào sự hình thành tính cách và quan điểm sống của trẻ khi trưởng thành. Nhiều phụ huynh ngày nay, thay vì cấm cản, đang càng thấu hiểu và làm bạn với con, giúp đỡ con nhiều hơn trong hành trình phức tạp này. Tuy nhiên, không phải cha mẹ cứ cố thấu hiểu thì con cái chịu chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Thị Mai Liên từng chia sẻ trên LeLa Journal rằng việc "cảm nắng" của con trẻ là một điều bình thường. Với sự "bùng nổ" về hormone và sự thay đổi cảm xúc cũng như thể chất, tình yêu tuổi teen có thể giống như một "chuyến tàu lượn siêu tốc" - mang theo trên đó nhiều phấn khích và sợ hãi, tích cực có mà... tiêu cực cũng có.
1. Những tác động tích cực: Nhà tâm lý học phát triển nổi tiếng là Erik Erikson đã mô tả các mối quan hệ ở tuổi teen là một hình thức phát triển bản thân (1). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù các mối quan hệ này thường gặp nhiều thử thách nhưng việc tìm cách vượt qua trở ngại có thể mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như (2), (3), (4), (5):
2. Những tác động tiêu cực: Đi cùng với những lợi ích tiềm năng đó là những vấn đề đáng lo ngại mà con trẻ phải đối mặt vì đang trong giai đoạn chưa ổn định về thể chất và cảm xúc, bao gồm:
Giữa những lợi ích mối nguy tiềm tàng như vậy, phụ huynh cần nắm bắt được 3 giai đoạn cụ thể về tình yêu tuổi teen để hiểu hơn về những thay đổi xảy ra trong tâm-sinh-lý của trẻ.
Theo hai nhà tâm lý học Jennifer Connolly và Caroline McIsaac, 3 giai đoạn của tình yêu tuổi teen là bắt đầu thu hút và kết nối (entry into romantic attractions and affiliations), khám phá các mối quan hệ lãng mạn (exploring romantic relationships) và củng cố mối quan hệ tình cảm lãng mạn giữa hai người (consolidating dyadic romantic bond) (10).
1. Bắt đầu thu hút và kết nối (11 - 13 tuổi): Trong giai đoạn này, con trẻ gần như không tương tác trực tiếp với đối tượng mà chúng nảy sinh tình cảm. Nếu có, quá trình này cũng thường diễn ra trên nền tảng các mạng xã hội và dù có hẹn hò, chúng sẽ hẹn nhau gặp gỡ trong cùng một nhóm bạn.
Với sự phát triển của công nghệ, các bạn trẻ sẽ "follow" đối phương trên các trang mạng xã hội, tương tác với họ bằng cách xem story, thả tim, bình luận, cùng chia sẻ về những bài đăng liên quan.
Những điều này cũng khác với kiểu thầm thương trộm nhớ của thế hệ cha mẹ lúc xưa khi mới lần đầu chạm ngõ yêu thương. Tình thơ tuổi học trò thời trước thường được biểu hiện thông qua những rung động lén lút trong ánh nhìn, bồn chồn khi nghe chuyện kể về "người ấy", bí mật nhìn theo hoặc kiếm cớ đi chung đường về...
2. Khám phá mối quan hệ lãng mạn (14 - 16 tuổi): Trong giai đoạn này, có hai kiểu là hẹn hò ngẫu hứng (casual dating) và hẹn hò theo nhóm (dating in groups). Hẹn hò ngẫu hứng thường không kéo dài, mà chỉ diễn ra trong vài tuần và lâu nhất là vài tháng. Còn hẹn hò theo nhóm thường phản ánh vai trò của các nhóm bạn, vì bạn bè đóng vai trò như người ở giữa, thúc đẩy mối quan hệ tiềm năng, thường gọi là "gán ghép".
Chộn rộn và xao xuyến là cảm giác phổ biến của những bạn trẻ rơi vào giai đoạn này, đặc biệt là khi được chung tay cùng làm một hoạt động nào đó, được nghe bạn bè ghép đôi "chúng mình có nhau". Khi đã bước vào giai đoạn lãng mạn, không có sự khác biệt đáng kể giữa lứa trẻ thời này và cha mẹ, ông bà ngày trước, vì "tình yêu thời nào cũng đẹp".
3. Củng cố mối quan hệ lứa đôi lãng mạn (17 - 19 tuổi): Vào cuối những năm học cấp 3, những mối quan hệ lãng mạn của trẻ thường nghiêm túc hơn. Điều này được đặc trưng bởi "sợi dây" liên kết tình cảm mạnh mẽ, gần giống với những mối quan hệ lãng mạn ở tuổi trưởng thành. Tình cảm của trẻ lúc này có tính ổn định và kéo dài hơn những giai đoạn trước đó, thường kéo dài từ một năm trở lên.
Sau khi trải qua ba giai đoạn này, một cặp đôi có thể tiến tới hôn nhân (như nhiều cha mẹ và ông bà ngày trước) hoặc rơi vào khủng hoảng và chia tay (LeLa Journal từng đề cập về các giai đoạn này trong bài viết Định luật 3-6-9 trong tình yêu: 6 tháng hẹn hò đầu tiên chỉ là kỳ hạn "yêu thử" và 3 thời điểm "định mệnh" trong tình yêu: Khi nào yêu, sinh con và... chia tay?). Hai kết quả này vừa là cơ hội, vừa là những thách thức đầu đời mà con trẻ tuổi vị thành niên phải trải qua, cũng như cần tới sự đồng hành rất lớn từ cha mẹ.
Việc định hướng tình yêu tuổi teen sẽ dễ dàng hơn với sự đồng hành và lòng trắc ẩn của cha mẹ. Dưới đây là những cách để đưa ra lời khuyên hẹn hò cho thanh thiếu niên và giúp con em mình vượt qua "cơn bão lòng" trong các mối quan hệ.
1. Hãy luôn cho trẻ biết rằng chúng có thể nói chuyện với cha mẹ về bất cứ điều gì
Điều này rất cần thiết đối với trẻ vì trẻ vị thành niên thường rất ngại chia sẻ, bởi nỗi sợ không được thấu hiểu hoặc lo lắng bản thân đã làm sai điều gì đó (11). Thế nên, các bậc phụ huynh hãy chắc chắn chịu lắng nghe cặn kẽ và tránh phán xét hoặc thể hiện phản ứng gay gắt, ngay cả khi cha mẹ đang rất ngạc nhiên hoặc lo lắng. Nếu con hỏi những câu hỏi khiến cha mẹ khó chịu hoặc không biết câu trả lời, hãy tìm hiểu về điều này qua các nghiên cứu hoặc chuyên gia tư vấn.
Khi đưa ra lời khuyên hẹn hò cho thanh thiếu niên, cha mẹ cần gợi ý và khuyến khích thay vì đặt ra luật lệ về những gì chúng có thể hoặc không thể làm. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy việc phụ huynh "rao giảng đạo đức" cho con lại... làm tăng khả năng quan hệ tình dục sớm của trẻ (12).
2. Điều chỉnh cuộc trò chuyện của trẻ cho phù hợp với giai đoạn hẹn hò tuổi teen
Ba giai đoạn hẹn hò mà các nhà nghiên cứu đưa ra phía trên giúp ích rất nhiều cho phụ huynh trong việc nắm bắt được tiến độ hẹn hò của trẻ. Bởi lẽ, một số thanh thiếu niên thích thú và sẵn sàng "lao vào" chuyện tình cảm lãng mạn, trong khi những đứa trẻ khác có thể lưỡng lự hoặc lo sợ hơn. Thay vì cố gắng kiểm soát tốc độ hẹn hò, phụ huynh có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm sống của bản thân, nhưng đừng quá lấn át suy nghĩ của trẻ hoặc áp đặt ý kiến chủ quan của mình.
Quan trọng là cha mẹ đảm bảo được rằng trẻ biết mình không nên làm những điều mà chúng chưa sẵn sàng.
3. Giúp trẻ kết nối với bạn bè và trải nghiệm bên ngoài mối quan hệ
Một nghiên cứu cho thấy rằng việc thanh thiếu niên có bạn thân sẽ được bảo vệ khỏi những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần trong giai đoạn yêu đương mới chớm này (13). Hơn nữa, làm những việc trẻ yêu thích - cho dù đó là hoạt động sáng tạo, thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ... - đều sẽ giúp xây dựng lòng tự tôn (14). Từ đó, thanh thiếu niên cảm thấy được trao quyền nhiều hơn trong mối quan hệ của mình và ít phụ thuộc vào người khác về giá trị bản thân hơn.
4. Bảo vệ trẻ khỏi những mối quan hệ tuổi teen độc hại
Lưu ý những dấu hiệu cho thấy trẻ đang không được đối xử đúng mực trong mối quan hệ, bao gồm (15):
Nếu nhận thấy những dấu hiệu này, cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ trẻ, thông qua việc giải thích một cách rõ ràng và bình tĩnh. Cha mẹ cần có cách đối thoại phù hợp về lý do cha mẹ cảm thấy đây là một hành động không lành mạnh, đồng thời lắng nghe trăn trở từ phía con về những khúc mắc chưa được giãi bày về chuyện này.
Trong trường hợp không biết xử trí sao cho phù hợp, cha mẹ có thể tìm gặp chuyên gia để tham khảo cách đối thoại hiệu quả với con.
5. Nhắc trẻ rằng hẹn hò ngoài đời thực không giống như phim ảnh, sách vở hay trên mạng xã hội
Trẻ có thể ấp ủ những lý tưởng phi thực tế về sự lãng mạn và tình yêu, qua những câu chuyện, hình tượng tình yêu đẹp mà chúng thấy từ sách truyện, phim ảnh, mạng xã hội... (16). Sự thật là tình yêu không phải lúc nào cũng hoàn hảo và hào nhoáng. Tình yêu lành mạnh là cảm thấy tự do, được là chính mình, với tất cả những ưu-nhược điểm của bản thân, đồng thời chấp nhận con người thật của người khác.
6. Hãy ở bên trẻ nếu trái tim chúng "tan vỡ"
Hết yêu là chuyện bình thường khi yêu, nhưng trẻ mới "học yêu" rất khó để cảm nhận sâu sắc quan điểm này. Đây cũng là điểm dễ gây ra những rủi ro cho sức khỏe tinh thần của trẻ (8), (9). Vậy nên, cha mẹ cần ở bên cạnh để lắng nghe và tâm sự cùng con, hoặc nhiều khi, chỉ cần sự hiện diện của cha mẹ cũng đã là một nguồn động viên rất lớn cho trẻ.
Chẳng hạn, trong series nổi tiếng của Disney mang tên Wizards of Waverly Place (tạm dịch Pháp sư Xứ Waverly), khi nhân vật chính là cô gái tuổi teen Alex đang buồn rầu vì chuyện tình cảm, cha mẹ của cô đã tìm cách giúp cô vui lên. Sau khi thử nhiều cách không thành và thấy Alex thực sự chán nản vì thất tình, cha mẹ cô đã ôm con gái để cùng chia sẻ nỗi buồn đó.
Dưới đây là đoạn cắt của phân cảnh này (video tiếng Anh).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?