Từ quá trình nghiên cứu cho các bài viết trước thuộc chủ đề lòng hiếu thảo trong thời đại mới, cũng như từ việc trao đổi với các chuyên gia tâm lý học và xã hội học, LeLa Journal nhận ra rằng khi nói về chủ đề này vẫn còn khá nhiều ý kiến tranh luận để góp nên góc nhìn đầy đủ và toàn diện nhất. Nhân dịp Vu Lan năm nay (Rằm tháng Bảy âm lịch, nhằm ngày 30/8 dương lịch), LeLa Journal xin gửi tới các bạn một bài phóng sự tổng hợp mang tính đối thoại xã hội, gồm những ý kiến của các độc giả, cũng chính là những người đang sống trong xã hội hiện đại, đang thực sự trao và nhận giá trị trong mùa Vu Lan. Những ý kiến dưới đây xoay quanh câu hỏi rằng: Liệu vật chất có thể hiện sự hiếu thảo trong xã hội ngày nay?
Bài viết nối tiếp các bài Lòng hiếu thảo của trẻ được khơi nguồn từ đâu? và Đối thoại với trí tuệ nhân tạo: ChatGPT hiểu thế nào về chữ "hiếu"? cùng chủ đề.
Đã từ lâu, xã hội và khoa học đã đặt ra câu hỏi về biểu hiện của sự hiếu thảo và mối liên hệ với vật chất-tài chính-tiền bạc. Các cuộc đối thoại, tranh luận xoay quanh vấn đề này cũng không phải mới phát sinh.
Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia Á Đông khác, có một nền văn hóa mang tính tập thể cao, nghĩa là mỗi chúng ta, tuy không hoàn toàn tuyệt đối, đều có xu hướng cam kết làm thành viên của một nhóm, thường là trong các gia đình lớn, nhỏ (1).
Các nhà nghiên cứu về xã hội Trung Quốc, một quốc gia cũng có nền văn hóa tập thể, đã chỉ ra rằng xã hội cùng chia sẻ nỗi lo chung xoay quanh tình thế "tiến thoái lưỡng nan" 4-2-1, khi mỗi cặp vợ chồng phải "gánh" việc chăm lo cho bốn cha mẹ già và một đứa con (2). Tình thế gia đình-xã hội ở Trung Quốc tới từ chế độ một con tại quốc gia này, mà chỉ mới vừa chấm dứt vào năm 2016 (3). Điều này có nghĩa là vẫn sẽ còn nhiều cặp vợ chồng chịu ảnh hưởng bởi "nan đề" 4-2-1, kèm theo đó là những vấn đề vật chất-tiền bạc khi một hộ gia đình hạt nhân phải chịu rất nhiều trách nhiệm tài chính.
Quay trở về với quốc gia của chúng ta, dễ nhận thấy rằng nan đề này gần như không tồn tại như một vấn đề chung của xã hội, nhưng cũng từ đó, chúng ta dù là các nhà nghiên cứu hay người quan sát đời sống bình thường, cũng rơi vào tình trạng khó để "lượng hóa", đo đếm hoặc thậm chí chỉ là phân tích về mối liên quan giữa sự hiếu thảo và tài chính, bởi đó gần như là vấn đề riêng của từng hộ gia đình, với mỗi cây mỗi hoa-mỗi nhà mỗi cảnh.
Vậy, những người Việt trong đời sống, xã hội Việt Nam hiện đại nói gì? Thay vì đối thoại với AI như trong bài trước, lần này LeLa Journal sẽ gửi tới độc giả ý kiến từ các nhóm tuổi và ngành nghề khác nhau.
Theo bạn Thái An (17 tuổi), hiện là học sinh lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự hiếu thảo vẫn tồn tại rất rõ trong thời hiện đại. Dù sự hiếu thảo phụ thuộc vào khái niệm của mỗi người, nhưng nhìn chung, bạn cho rằng chúng ta vẫn có thể quy về lòng biết ơn dành cho cha mẹ.
"Sự hiếu thảo trong mắt mình" - Thái An chia sẻ - "chính là sự biết ơn về công lao mà bậc cha mẹ đã dành ra để sinh ra, và nuôi nấng minh trở thành một người tốt. Sự hiếu thảo là tình cảm, cũng như sự cảm kích đến những cố gắng, hy sinh âm thầm của cha mẹ mà đôi khi chính ta cũng không hề biết đến. Trong thời hiện đại này, sự hiếu thảo ấy có thể đã bị "vật chất hoá", và con người chúng ta đôi khi sẽ khó thể nào ra những lời chân thành vì nhiều lý do, nhưng sự biết ơn lớn lao ấy, mình tin rằng vẫn còn tồn tại rất rõ ràng hiện nay".
Thái An nhận thấy rằng hiếu thảo không phụ thuộc vào vật chất, nhưng nghĩ rằng vật chất đang ngày càng gắn liền với cách thế hệ mới thể hiện sự hiếu thảo. Theo bạn, vật chất có thể mang ảnh hưởng nhất định vào cách thể hiện lòng biết ơn của con người với cha mẹ, và sự hiếu thảo không thể được đánh giá bởi vật chất.
"Vật chất không quyết định sự hiếu thảo, nhưng ta lại ngày càng thấy vật chất được sử dụng như một cách để thể hiện sự hiếu thảo..." - Thái An cho biết.
"...Có thể sẽ có những người con dành ra một số tiền lớn để tặng những mòn quà cho cha mẹ, nhưng cũng sẽ có những người con không thể làm như vậy vì kinh tế của họ không cho phép. Có khi, vì vấn đề ấy, ta lại quên đi ý nghĩa thật sự của việc "hiếu thảo": đó chính là nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mình. Vật chất không khẳng định sự hiếu thảo, nhưng có thể, chúng lại chính là "món quà tinh thần" mà cha mẹ chúng ta lại cần trong những lúc này".
Dưới đây là một góc nhìn khác về chủ đề này.
Mạnh Trí (17 tuổi), học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn ở Quy Nhơn lại cho rằng vật chất góp phần vào sự hiếu thảo, vì điều kiện để chăm sóc, yêu thương cha mẹ gắn liền với vật chất. Vật chất ảnh hưởng nhiều đến điều kiện để ta bày tỏ sự hiếu thảo.
"Dù có vật chất hay không, sự hiếu thảo vẫn có thể được thực hiện thông qua việc thăm hỏi người thân hằng ngày và chăm sóc khi cần thiết… Có vật chất, con cháu có sẽ có khả năng để quan tâm và chăm sóc ông bà, cha mẹ một cách tốt nhất, đặc biệt là khi họ lâm vào cảnh bệnh tật. Nhưng khi không có vật chất, việc chăm sóc và đảm bảo điều kiện tốt nhất cho ông bà, cha mẹ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí, có nhiều bạn rơi vào tình trạng căng thẳng vì ông bà, cha mẹ cần hoặc yêu cầu sự chăm sóc vượt quá khả năng tài chính hiện có. Mặt khác, nhiều người phải bận làm việc để nuôi sống bản thân, do đó mà không có đủ thời gian để chăm sóc người thân trong gia đình".
Theo Mạnh Trí, sự hiếu thảo trong thời hiện đại đã được "cải hóa về mặt biểu hiện để phù hợp với sự phát triển của xã hội", tiêu biểu là khi thế hệ hiện đại được tự do quyết định nghề nghiệp, định hướng cuộc sống và thoải mái hơn trong việc thực hiện các lễ nghi tôn thờ.
Cô Mai Loan (47 tuổi), công chức tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Theo tôi sự hiếu thảo ở thời đại nào cũng vậy, lòng hiếu thảo luôn có một vai trò rất quan trọng đối với gia đình và xã hội. Về mặt gia đình, con cái hiếu thảo với cha mẹ, ông bà thì gia đình đó sẽ có mối quan hệ yêu thương, gắn kết, là một nhân tố quan trọng của một gia đình hạnh phúc. Về mặt xã hội, việc tiếp nối truyền thống hiếu thuận trong mỗi gia đình sẽ tạo ra một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn".
Khi bàn về mối liên hệ giữa vật chất và lòng hiếu thảo, cô Mai Loan có cùng quan điểm với các em học sinh, cho rằng "chữ hiếu" trong thời hiện đại đã có phần thay đổi. Khái niệm này dần có sự bình đẳng hơn và giữa hai thế hệ đã biết lắng nghe ý kiến của nhau, thế hệ sau không nhất thiết phải phụng dưỡng thế hệ trước.
Cô Mai Loan cho rằng vật chất vừa quyết định, vừa không quyết định sự hiếu thảo. Hiếu thảo xuất phát từ tâm của mỗi người chứ không phải từ quà cáp hay vật chất hữu hình. Tuy nhiên, cách bày tỏ lòng biết ơn với thế hệ trước thường là những hành động thiết thực đi kèm với vật chất. Cô cũng chia sẻ thêm: "Việc hiếu thảo ngày nay chú trọng vào tình cảm thực sự của con cái dành cho ông bà, cha mẹ, không câu nệ quá nhiều vào hình thức và quan niệm xưa cứng nhắc".
"Có thể nói vật chất không thể quyết định lòng hiếu thảo nhưng vật chất là điều kiện để thể hiện lòng hiếu thảo" - cô Mai Loan kết luận.
Còn theo cô Huệ Hương (44 tuổi), hiện là người mẹ có hai con đều đang trong độ tuổi teen, thì "vật chất có quyết định sự hiếu thảo". Cụ thể, cô cho hay rằng: "Hiếu thảo với ông bà cha mẹ có thể được quyết định thông qua vật chất. Ví dụ như lo cho cha mẹ cơm no áo ấm, nhà cửa sạch sẽ, thuốc thang đầy đủ khi đau ốm, tinh thần vui vẻ nhờ những chuyến đi chơi gần xa, ung dung tự tại không lo lắng về tiền bạc hay tinh thần. Khi ông bà cha mẹ không còn trong cuộc đời, hiếu thảo được thể hiện qua hình thức tổ chức ma chay, giỗ chạp, thắp hương và đặt hoa quả trên bàn thờ vào nhiều dịp trong năm".
Tuy nhiên, cô Huệ Hương cũng nói rằng với cô, đó không phải là tất cả, bởi lòng hiếu thảo vẫn có thể được bày tỏ qua việc "yêu thương kính trọng ông bà cha mẹ, vâng lời, học hành thật tốt, quan tâm chăm sóc..."
Chị Phan Diệu Huyền (32 tuổi), cán bộ Bộ Tài nguyên & Môi trường, đã làm phụ huynh của hai "thiên thần" còn trong độ tuổi nhỏ hơn các nhân vật học sinh kể trên, thì cho rằng vật chất không quyết định sự hiếu thảo, mà chỉ như một công cụ hay có thể gọi là một phương diện trong việc thể hiện sự hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ.
Ngoài vật chất, chúng ta còn có thể thể hiện sự hiếu thảo thông qua phương diện tinh thần, đó bao gồm cả việc bản thân phải sống tốt, sống đúng với những chuẩn mực của xã hội; biết tôn trọng, quan tâm và chăm sóc những người thân trong gia đình.
Theo chị Phan Diệu Huyền, tuỳ vào từng hoàn cảnh, từng điều kiện của mỗi người mà chúng ta có thể kết hợp cả hai phương diện [vật chất và tinh thần] này để thể hiện sự hiếu thảo của mình đối với bố mẹ ông bà trong gia đình.
Như vậy, có thể thấy rằng trong nhóm học sinh và phụ huynh kể trên, có những chia vật chất và tinh thần làm hai phương diện khác nhau, và cũng có những người gộp chung chúng vào, nhưng tựu trung lại, có thể thấy vật chất, lòng yêu thương, biết ơn... vẫn là những khái niệm "đi chung" với nhau.
Khi được hỏi về việc vật chất liệu có quyết định sự hiếu thảo trong xã hội hiện đại, giáo viên M. T - một cựu giáo viên môn tự nhiên tại một trường chuyên ở TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, hiếu thảo trong thời hiện đại không còn cứng rắn, cổ hủ như xưa.
"Vật chất không quyết định sự hiếu thảo lắm trong thời hiện đại" - giáo viên M. T chia sẻ - "vì thời đại này thái bình hơn thời chiến thời phong kiến, con người ít nhiều cũng được nhiều sự bảo hộ hơn từ chính quyền so với thời xưa, nên dù không phải thuộc diện giàu có thì người ta vẫn có thể tiếp cận được với những điều hay lẽ phải từ các nguồn, các kênh tri thức".
Quay về với biểu hiện của lòng hiếu thảo, vị giáo viên này kết luận: "Nói chung, có một "suy nghĩ cầm tù" con người là con cái phải hiếu thảo cha mẹ, phải biết báo hiếu. Suy nghĩ nguy hiểm đó dẫn đến nhiều căn bệnh tâm lý nặng nề cho nhiều người".
Trong một luồng quan điểm ít quyết liệt hơn nhưng cũng khá cởi mở, cô giáo Phạm Thị Vân Anh (30 tuổi), hiện đang công tác tại một trường THPT, đã đưa ra chia sẻ rằng vật chất cũng là một yếu tố giúp con cái thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, nhưng không phải là yếu tố quyết định.
Trong xã hội hiện đại, do sự bận rộn của công việc, nhiều người nghĩ rằng có tiền hoặc nhiều tiền sẽ giúp cha mẹ có cuộc sống đầy đủ, tiện nghi nhưng lại quên đi chuyện cha mẹ còn cần sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương, được lắng nghe, thấu hiểu, được quây quần bên con cháu. Mà những cái đó thì cần chúng ta dành thời gian và tình cảm chứ không đơn giản là vật chật.
"Hơn nữa, mình thấy nhiều bậc cha mẹ giờ tự chủ về vật chất lắm nên còn hỗ trợ lại con cái nữa" - cô giáo Vân Anh đưa ý kiến.
Bác Đào Mạnh Quý (63 tuổi), đã nghỉ hưu, cho biết rằng: Việc báo hiếu bằng vật chất vẫn còn tuỳ vào việc con cái có dư dả hay không.
"Con cái có kinh tế mà thiếu sự quan tâm hay ích kỷ không muốn biếu bố mẹ thì mới đáng trách; chứ người có muốn cho, muốn thể hiện sự hiếu thảo bằng hiện vật mà không có điều kiện kinh tế cũng khó" - Bác Đào Mạnh Quý nhấn mạnh.
Theo cô Nguyễn Thúy Huyền (50 tuổi), nhân viên kế toán Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, để nói về sự hiếu thảo thì không có vật chất vẫn hiếu thảo được. Sự chăm lo từng bữa cơm, viên thuốc, từng lời nói, cử chỉ hành động hằng ngày... dù không cần nhiều tiền để làm được những điều này, song nó vẫn thể hiện được tấm lòng của con cái dành cho bố mẹ.
"Nhiều đứa con không có khiếu ăn nói hay công việc của họ không "bằng anh bằng em" nhưng tấm lòng của con thì tốt, con vẫn chăm bẵm mọi việc một cách chu toàn thì cũng là báo hiếu rồi. Cái chính là cách bố mẹ cảm nhận sự hiếu thảo như thế nào thôi" - cô Nguyễn Thúy Huyền nhận xét.
Theo anh Hoàng Nhật Minh (38 tuổi), lập trình viên thì mối liên hệ này có thể được tóm tắt bằng câu: "Vật chất quyết định ý thức và ý thức cũng quyết định vật chất".
Cụ thể, theo anh Nhật Minh, vật chất chắc chắn có quyết định mức độ hiếu thảo trong bất kỳ thời kỳ nào, chỉ là mức độ nhiều hay ít, nông hay sâu mà thôi. "Thời đại này là thời đại của vật chất nên chẳng có lý nào vật chất lại không ảnh hưởng sâu và rộng trên mọi bình diện của cuộc sống. Ở thời đại mà vật chất là thước đo cho sự thành công của một con người thì lòng hiếu thảo cũng phần nhiều mà dựa trên những yếu tố đó để làm thước đo đánh giá".
Chị Trần Khánh Linh (30 tuổi), nhân viên văn phòng tại công ty du lịch, thì lại "tiết lộ" thêm về những trường hợp con cái ở xa cha mẹ.
"Với những đứa con ở xa bố mẹ như mình thì vật chất cũng là một trong những cách để thể hiện sự hiếu thảo, mặc dù cũng cố gắng sắp xếp thời gian để về nhà với bố mẹ, hoặc ngày nào cũng gọi video call về cho ông bà rồi. Có những thứ không quá đắt tiền mà ông bà có thể tự mua sắm được, nhưng khi được các con tặng ông bà lại thấy thích và tự hào hơn, đi khoe khắp nơi. Nên là mình có thể cố gắng thể hiện sự hiếu thảo bằng hiện vật, dù chỉ là một chút trong khả năng" - chị Khánh Linh cho biết.
Không thể phủ nhận được vai trò của vật chất trong cách bày tỏ lòng hiếu thảo, đặc biệt trong một xã hội ngày càng đổi mới và phát triển, nhưng cho rằng vật chất quyết định hoàn toàn sự hiếu thảo là không chính xác.
Ở góc độ chuyên môn về Tâm lý Trẻ em - Cha mẹ, Thạc sĩ Tâm lý Tú-Anh Nguyễn (36 tuổi) chia sẻ những suy nghĩ của chị như sau: "Khi tôi tham vấn tâm lý và tư vấn cho các bậc phụ huynh tại các khóa đào tạo nuôi dạy con tích cực, hầu hết chẳng có cha mẹ nào hỏi cách dạy trẻ hiếu thảo và biết phụng dưỡng cho cha mẹ khi về già. Đa phần phụ huynh trong các lớp Happy Parenting của tôi đều chỉ quan tâm đến việc giúp con trưởng thành một cách toàn diện, nghĩa là phát triển thể chất và tinh thần đầy đủ để sống một cuộc đời an vui sau này. Cá nhân tôi cũng chỉ đưa ra giải pháp giúp cha mẹ và con cái xây dựng mối quan hệ (relationship) với nhau - nghĩa là gầy dựng nên các nền tảng củng cố tình cảm. Chẳng hạn, ngoài việc chia sẻ vật chất thì chia sẻ tinh thần như trò chuyện, dành thời gian cho nhau cũng là một cách thức để phát triển một mối quan hệ lành mạnh - kể cả là tình cảm gia đình hoặc bất kỳ tình cảm nào khác".
Có nhiều phụ huynh thời hiện đại đã đi làm và tích lũy từ sớm để chuẩn bị cho cuộc sống về hưu, nên họ cũng không để tâm chuyện con cái có gửi tiền chu cấp hay không. Đối với họ, chuyện tiền nong chỉ là "món quà" thơm thảo, còn vấn đề quan trọng là con cái có dành thời gian cho mình hay không, có chịu lắng nghe và tâm sự với mình hay không.
Thạc sĩ Tú Anh khẳng định: "Thật ra, khi cha mẹ lớn tuổi, họ sẽ có nhu cầu được chia sẻ về tinh thần nhiều hơn. Trên hết, đứng từ góc độ nghiên cứu xã hội học và tâm lý học, tôi thấy Tháp Nhu cầu Maslow (nhu cầu về sinh lý, an toàn, tình cảm, được tôn trọng, được thể hiện bản thân...) cũng có sự chuyển dịch theo thời đại. Thế hệ cha mẹ thời xưa có thể chỉ cần "ăn no mặc đủ", còn thế hệ cha mẹ bây giờ đã tăng tiến nhu cầu thành "ăn ngon mặc đẹp" theo sự phát triển của thời đại. Thế nên, việc cha mẹ có nhu cầu được báo đáp về mặt vật chất "no đủ" có thể sẽ không còn đúng 100%, mà sẽ chuyển thành mong muốn được con cái báo đáp về mặt tinh thần".
Thông qua góc nhìn của những nhân vật thuộc nhiều độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau, mặc dù vẫn chưa thể phác họa bức tranh toàn cảnh về "chữ hiếu thời hiện đại" giữa cuộc sống đa sắc màu ngày nay, song đã phần nào nói lên được suy nghĩ của hai nhóm đối tượng đang trao và nhận tấm lòng hiếu thảo, hoặc thậm chí là cả hai. Phần lớn trong số họ đều từng đứng ở hai vai trò (là con cái nghĩ về trách nhiệm đối với cha mẹ, và bản thân họ khi trở thành cha mẹ đón nhận lòng hiếu thảo của con cái), từ đó giúp họ có cái nhìn đa chiều về việc báo hiếu. LeLa Journal hy vọng những chia sẻ này đã mang đến cho độc giả thêm góc nhìn thực tiễn về mối liên hệ giữa vật chất và lòng hiếu thảo - một câu chuyện không mới nhưng luôn là nan đề gợi nhiều suy nghĩ và trăn trở cho mỗi người con trong bất kỳ thời đại nào.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.