Trẻ em luôn chìm đắm trong thế giới của các siêu anh hùng biết bay, những phù thủy biết làm phép và đặc biệt hơn, trong đêm Giáng Sinh, trẻ sẽ trông chờ vào những chú tuần lộc chở Ông già Noel đến ống khói của từng nhà, mang theo nhiều món quà cho các bé ngoan. Còn với người lớn, vấn đề đặt ra là phải biết cách tìm ra giới hạn phù hợp để thế giới tưởng tưởng của con được phát triển lành mạnh, tích cực.
Từng có những ý tưởng cho rằng trẻ em chìm đắm vào thế giới tưởng tượng vì chúng không phân biệt được đâu là thật, vì chúng thấy khó khăn trong cuộc sống hay vì chúng đang trốn chạy để giải quyết các vấn đề của mình. Tuy nhiên những điều này không hề được khoa học chứng minh mà chỉ tồn tại như một sự áp đặt và suy diễn của người lớn (1).
Thực tế cho thấy ngược lại, những nghiên cứu khoa học nhận thức hành vi chỉ ra rằng: "Trẻ em thể hiện sự yêu thích đối với thế giới tưởng tượng vì chúng đang quá tập trung tìm kiếm sự thật và cảm thấy cuộc sống xung quanh đủ an toàn cho mình chuyên tâm làm điều đó" (2).
Theo đó, có thể thấy trẻ hoàn toàn có khả năng phân biệt thật giả và thế giới thực tại của một đứa trẻ thì cũng chẳng mấy khó khăn khiến chúng phải lảng tránh hoặc trốn chạy (ngoại trừ một vài trường hợp sang chấn tâm lý nhất định). Thế nên, việc trẻ có hứng thú với thế giới tưởng tượng là một điều tự nhiên trong quá trình phát triển thời thơ ấu. Nhưng, vai trò của thế giới tưởng tượng này là gì?
Trước tiên, chúng ta cần phân biệt hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn: đó là trí tưởng tượng (imagination) và thế giới tưởng tượng (fantasy world).
Theo từ điển Tâm lý học, trí tưởng tượng (imagination) là trải nghiệm mà một người có được khi đối mặt với thực tế hoặc cách họ đối phó với thực tế, trong khi những mộng tưởng (fantasy) là sản phẩm phụ không có thật của trí tưởng tượng đó (3). Hiểu một cách ngắn gọn hơn, trí tưởng tượng có thể đến từ những sự vật/sự kiện có thật, còn thế giới tưởng tượng thì không.
Trí tưởng tượng phong phú là một điều rất quan trọng đối với cả trẻ con và người lớn vì nó giúp chúng ta giải quyết các vấn đề phức tạp và đưa ra những giải pháp sáng tạo. Nhưng còn thế giới tưởng tượng thì chủ yếu lại xoay quanh trẻ em và thường bị gắn với một cái nhìn tiêu cực như “ngớ ngẩn, phù phiếm, không có thực, không có giá trị, lãng phí thời gian và xa rời thực tế”. Chẳng bậc phụ huynh nào muốn con em mình thuộc nhiều câu thần chú trong Harry Potter hơn bảng cửu chương, hay thức cả đêm để chờ ông già Noel mang quà đến thay vì đi ngủ sớm để dậy sớm đi học đúng giờ. Chúng ta có lý do chính đáng cho việc đó, vậy có nên lo ngại về sự tiêu cực của thế giới tưởng tượng mang lại cho trẻ em hay không?
Câu trả lời là Không! Tất cả sự tiêu cực trên chưa bao giờ được khoa học chứng minh cả. Nó chỉ tồn tại như một trí tưởng tượng của người lớn khi lo lắng về thành tích và kết quả học tập của con trẻ mà thôi (4).
Khi phố phường mùa cuối năm đang tràn ngập không khí Giáng sinh với những cây thông và những gói quà sặc sỡ, thì những đứa trẻ lại bắt đầu câu hỏi muôn thuở: “Ông già Noel có thật không?”, “Tối nay con có được ông già Noel tặng quà không?”.
Dù bạn có trả lời thẳng thắn hoặc lựa chọn cách "nói dối vô hại" như thế nào thì tác động của xã hội, văn hóa và câu chuyện cổ tích về ông già Noel vẫn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Phần lớn trẻ em vẫn sẽ tin có ông già Noel tồn tại cho đến những năm 8 tuổi. Sau đó, mặc dù nhận ra những điều về đêm Noel từ bấy lâu nay chỉ là hư cấu nhưng chúng vẫn sẽ đón nhận điều này một cách tích cực (5). Còn nếu bạn muốn bỏ ra một chút thời gian và công sức để giúp trẻ được đắm mình trong một thế giới tưởng tượng thì Lela Journal có vài gợi ý sau:
Cuối cùng, các bậc phụ huynh hãy nhớ rằng trẻ em sẽ tự tìm bằng chứng từ những điều thực tế xung quanh trên hành trình khám phá thế giới bao la. Nhiệm vụ của cha mẹ là khi trẻ tìm ra và nhận thức được sự thật, hãy cùng ở đó để giải thích và đồng hành với chúng trên một chặng đường mới.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?