Với sự phát triển của Internet, thông tin ngày nay được truyền đi với một tốc độ chóng mặt, đặc biệt là những vấn đề tiêu cực và dễ gây hoang mang dư luận. Câu chuyện của đậu nành cũng vậy, từ một nguyên liệu được chế biến và sử dụng rộng rãi, đậu nành lại bị gán cho một số tác dụng phụ làm nhiều người e dè, kiêng cữ khi sử dụng.
Có một thời gian, đậu nành bị cho là "gây suy giảm sức khỏe nam giới". Lời đồn này bắt nguồn từ một báo cáo cho rằng "đậu nành làm tăng hàm lượng của estrogen vốn là hormone sinh dục nữ, qua đó làm giảm đi sự nam tính của các quý ông". Kết quả là có rất nhiều chị em nội trợ vì lo ngại cho sức khỏe sinh lý của chồng mình mà ngưng chế biến món này trong bữa cơm gia đình và hầu hết cánh mày râu cũng loại bỏ món này khỏi thực đơn hằng ngày.
Các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng vào cuộc và đính chính lại rằng thông tin này là không đúng sự thật. Thực ra, đậu nành không chứa estrogen mà chứa isoflavone, vốn là phytoestrogens - hợp chất từ thực vật có cấu trúc tương tự như estrogen nhưng yếu hơn estrogen rất nhiều lần (1).
1. Isoflavone không làm giảm lượng testosterone: Một nghiên cứu năm 2022 trên 417 trường hợp đã kết luận rằng lượng isoflavone không ảnh hưởng đáng kể đến mức độ testosterone và estrogen ở nam giới (2).
2. Phải sử dụng một lượng cực kỳ lớn đậu nành mới gây hại: Các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra một thanh niên 19 tuổi ở Nhật Bản sau khi tiêu thụ lượng isoflavone tương đương 360mg mỗi ngày. Kết quả là anh chàng này bị rối loạn cương dương, mức testosterone và ham muốn tình dục cũng giảm xuống (3). 360mg isoflavone tương đương với một lượng đậu nành cực kỳ lớn, gấp hai mươi lần lượng tiêu thụ trung bình mà chúng ta thường sử dụng trong các món ăn, thức uống có chứa đậu nành hằng ngày.
Rau chân vịt (spinach) cũng từng bị "kỳ thị" khi đem nấu chung với đậu hũ (thành phần chính từ đậu nành). Nguồn tin "nghe đồn đâu đó" cho rằng đây là sự kết hợp nguy hiểm cho thận và dạ dày vì đậu nành có chứa nhiều canxi, khi kết hợp với axit oxalic có nhiều trong rau chân vịt sẽ tạo thành chất kết tủa không tan là canxi oxalat gây nên sỏi thận. Nhưng thực ra đây là một tin "giả khoa học", bởi vì ba lý do sau:
1. Chúng không gây kết tủa trong dạ dày: Rau chân vịt và đậu hũ dù có "gặp nhau" trong dạ dày cũng rất khó xảy ra hiện tượng kết tủa. Ngoài ra, trọng lượng của các chất kể trên là rất ít nên chúng cũng bị đào thải nhanh qua đường tiêu hóa (hàm lượng axit oxalic trong 100 gram rau chân vịt là 500mg và mức canxi trong 100 gram đậu hũ là 130mg) (4).
2. Không dễ hình thành sỏi: Quá trình hình thành sỏi thận (canxi oxalat) không diễn ra theo cách lý giải của lời đồn, vì sỏi thận được hình thành trong thận chứ không phải trong dạ dày. Lượng axit oxalic có trong thực phẩm cũng đã bị giảm khi chế biến ở nhiệt độ cao và bị đào thải gần hết qua đường tiêu hóa (5).
3. Lập luận thiếu cơ sở khoa học: Chưa kể đến việc trong đậu nành vốn đã vừa chứa sẵn canxi lẫn axit oxalic, nên lý luận về sự kết tủa khi kết hợp với rau chân vịt lại càng trở nên vô lý (6).
Nếu bạn là người bị sỏi thận thì lời khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng là cần nấu chín và không nên ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều axit oxalic như rau chân vịt, đại hoàng, cám gạo, kiều mạch, hạnh nhân và miso (7).
Đậu nành không ngại "va chạm" với các loại thực phẩm nào cả, chúng ta có thể sử dụng đậu nành để chế biến chung với rất nhiều nguyên liệu khác nhau mà không làm giảm đi chất lượng hay gây ra tác dụng phụ như lời đồn.
Một số thông tin truyền tai nhau rằng đậu nành không tốt khi dùng với trứng, hành lá và các chất khác. Điều này cũng tương tự như lời đồn về rau chân vịt vậy, đó là những kiến thức "giả khoa học" và chưa được kiểm chứng.
Bên cạnh những lợi ích sẵn có của đậu nành đã được "minh oan", LeLa Journal cũng có bài viết về Tempeh - món ăn siêu dinh dưỡng từ đậu nành lên men để bữa ăn hằng ngày thêm bổ dưỡng và lạ miệng, quý vị có thể đọc thêm tại đây.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Ăn Uống?
Bài viết về rượu vang, trà, cà phê, địa điểm ăn uống và đầu bếp tài năng.