Không như những bộ phim ngôn tình, chàng tặng nàng một chú cún con trong hộp quà bất ngờ, rồi cặp tình nhân cùng nhau chăm sóc "bé cưng" hạnh phúc mãi mãi về sau, mà việc nhận nuôi một chú chó vừa khỏe mạnh, vừa hòa hợp với cuộc sống gia đình cần rất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị từ trước.
Bài viết này sẽ là kim chỉ nam lý tưởng để hướng dẫn bạn chuẩn bị chắc chắn từng bước một, từ việc tìm nơi phối giống có trách nhiệm, chuẩn bị cho căn nhà ra sao trước khi mang chó con về, đến những tuần, những tháng đầu tiên, người chủ cần huấn luyện và chăm sóc chú chó như thế nào để nó mau hòa nhập, trở thành người bạn đồng hành trung thành của cả gia đình. Mời bạn cùng tìm hiểu cần chuẩn bị những gì trước khi nuôi cún con.
Đầu tiên, bạn nên mua chó con từ trại phối giống uy tín. Người phối giống chó có trách nhiệm sẽ đặt yếu tố sức khỏe thể chất, sức khỏe thần kinh và nét đẹp của chó con cao hơn mục đích kinh doanh. Chó con thường có nguy cơ mắc loại bệnh di truyền từ cha mẹ mà chỉ người phối giống mới biết tình trạng này. Rất nhiều loại bệnh di truyền chỉ có thể phát hiện khi chó con lớn lên, nên bạn sẽ không chủ động biết được trừ khi chủ trại thẳng thắn chia sẻ về tình trạng của chó cha hoặc chó mẹ. Những trại chó tốt sẽ không để các con chó mang mầm bệnh được sinh sản thêm, bằng cách triệt sản hoặc tách biệt khu nuôi chó đực và chó cái. Bạn có thể đọc thêm về cách chọn nuôi chó con tại đây.
Xác định vị trí chó được phép đi vệ sinh là công việc đầu tiên bạn cần thực hiện trước khi đón "người bạn nhỏ bốn chân" về nhà.
Chất thải của chó có thể chứa ký sinh trùng, với khả năng gây ra ngộ độc thực phẩm hoặc các căn bệnh giun sán cho người. Không gian dành cho chó đi vệ sinh có thể là phòng tắm không sử dụng, một góc nhỏ trong kho chứa đồ, vườn cây hoặc ban công.
Nếu không gian sống không có chỗ để chó con đi vệ sinh, bạn cần xem xét việc nhận nuôi chó lớn hơn một tuổi. Vì ở độ tuổi này, chó có thể nhịn và chờ bạn dẫn ra ngoài để giải tỏa.
Tiếp theo, bạn có thể mua sắm tã lót sàn, nước khử mùi Nature's Miracle và nước khử khuẩn Dettol để tiện lau dọn căn nhà. Tã lót sàn là sản phẩm giúp bạn hạn chế chất thải của chó ở trong nhà. Khi chó được huấn luyện đi vệ sinh trên tã, việc lau dọn sẽ giảm đi. Nếu trong vài ngày đầu, chú cún lỡ đi vệ sinh sai chỗ, bạn hãy dùng nước khử mùi Nature's Miracle để đánh bay hoàn toàn mùi nước tiểu và phân chó. Loại sản phẩm này dùng enzyme để tẩy mùi, giúp chú chó không thể tìm ra mùi tại vị trí đã đi vệ sinh sai, từ đó tìm đúng chỗ mà bạn cho phép. Sau khi khử mùi, bạn hãy lau sàn với nước khử khuẩn Dettol. Đây là sản phẩm thân thiện với da của người, hạn chế dị ứng. Ngoài tác dụng khử khuẩn, Dettol còn có khả năng đánh bay mùi tanh tự nhiên của chó mà những sản phẩm lau sàn thông dụng không thể làm được.
Tìm thức ăn phù hợp là công việc tiếp theo cần chuẩn bị trước khi đón chó con về nhà. Bạn có hai sự lựa chọn, bao gồm thức ăn công nghiệp và thức ăn tự nhiên. Khi mua thức ăn công nghiệp, bạn chỉ cần lựa chọn sản phẩm phù hợp cho độ tuổi của chú cún. Nếu chó còn nhỏ và chưa có khả năng nhai hạt khô, hãy pha một ít nước vào phần ăn để hạt thức ăn mềm ra để cún dễ ăn hơn.
Thức ăn tự nhiên cũng là sự lựa chọn hoàn hảo với cún cưng. Với thực phẩm tự nhiên, bạn hãy cho chó ăn cơm trắng, nước canh, thịt và nội tạng gia cầm, gia súc luộc. Ngoài thịt và nội tạng thì chó con cần bổ sung canxi. Nguồn canxi tự nhiên có thể đến từ sụn non, hoặc từ xương bò tươi sống. Lưu ý không cho chó ăn thực phẩm chiên rán. Chó cũng có thể ăn rau xanh và trái cây nếu được tập ăn ngay từ bé.
Dạy chó đi vệ sinh đúng chỗ là công việc quan trọng nhất nên thực hiện trước khi đào tạo chó những mệnh lệnh khác. Chó con sẽ đi vệ sinh 30 phút sau khi ăn, và đi tiểu hai giờ một lần. Bạn có thể đặt chuông báo để tiện theo dõi quá trình đào tạo này. Cứ đến đúng giờ, bạn hãy dẫn chó tới vị trí được phép đi vệ sinh và chờ nó giải tỏa. Nếu chú cún chưa có nhu cầu giải tỏa, bạn hãy thử lại sau mười phút. Việc chó con ngửi sàn thường là biểu hiện của nhu cầu cần đi vệ sinh. Nếu thấy hành động này, bạn nên nhanh chóng đưa nó đi vệ sinh.
Cho chó con khám sức khỏe, tẩy giun và tiêm chủng đầy đủ cũng là công việc quan trọng trong tuần đầu tiên. Chó con cần được bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe để sớm phát hiện những bệnh về da, tai mũi họng, mắt, đường ruột... Chó con sống chung với bầy có thể lây nhau những căn bệnh nhẹ, nhưng nếu phát hiện sớm thì sẽ có khả năng chữa trị dứt điểm, tránh rủi ro về sau.
Ngồi yên, không, và nhả ra là ba mệnh lệnh cần được dạy trong tháng đầu tiên khi chó vừa "nhập gia tùy tục". Chó con rất hiếu động và thường nhảy lên vồ chụp chân người. Hành vi này dễ làm phiền khách thăm nhà, hoặc gây nguy hiểm cho bạn khi đang phải mang vác những đồ dùng cồng kềnh, nặng nề. Trong những tình huống này, mệnh lệnh "ngồi yên" và "không" sẽ giúp bạn dễ dạy dỗ cún cưng nghe lời.
Ngoài ra, chó con từ hai đến 12 tháng tuổi thường cắn đồ vật trong nhà và chiếm đoạt những vật đó để sở hữu. Khi xảy ra những trường hợp này, mệnh lệnh không và mệnh lệnh nhả ra sẽ giúp bạn kiểm soát tốt chú cún.
Dẫn chó đi dạo bộ và "giao lưu" với nhiều người và các con vật khác là điều quan trọng cần thực hiện ngay từ khi chó còn bé để hạn chế rủi ro chó cắn người hoặc cắn thú lạ. Khi chó chỉ ở trong nhà và chỉ quen với vài người trong gia đình, nó sẽ mặc định những người khác là kẻ xâm phạm lãnh thổ "tự nhiên" của nó. Đây là hành vi hoàn toàn bình thường trong thiên nhiên vì chó là động vật sống theo bầy đàn, chúng sẽ ngăn mọi động vật khác xâm phạm lãnh thổ để bảo vệ chó con, bảo vệ thức ăn và bảo vệ lẫn nhau.
Vì thế, để chó con không định hình bản năng bảo vệ này, bạn nên cho chúng giao lưu với nhiều người ngoài gia đình và nhiều con chó khác trong xóm. Việc này sẽ không làm ảnh hưởng đến bản năng bảo vệ người lạ tấn công chủ, hoặc người lạ xâm nhập vào nhà.
Dạy cún cưng đi dạo với dây dắt chó cũng giúp bạn kiểm soát hành vi của chúng. Khi được đào tạo bài bản, chó sẽ không giật và kéo dây, cũng sẽ không vồ hoặc tấn công những con chó khác trên đường. Tùy vào giống chó mà chúng sẽ thừa hưởng tính kỷ luật khác nhau, nhưng thông thường, chó sẽ thuần thục kỹ năng đi dạo với dây dắt chó trong 30 ngày. Bạn có thể đọc chi tiết về cách hướng dẫn chó đi dạo với dây dắt chó tại đây.
Sau khi đã hoàn thành các công việc nêu trên, bạn có thể dành thời gian huấn luyện chú chó những mệnh lệnh khác như: nằm, lăn, lạy, chui, nhảy qua chướng ngại vật,... Đây là những mệnh lệnh khuyến khích thêm tình thân giữa chủ và chó, đồng thời cũng giúp chú chó gây ấn tượng với khách thăm nhà.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.