Từ thuở hồng hoang, rất lâu trước khi phát minh ra chữ viết, con người đã biết kể lại những câu chuyện khi ngồi quanh đốm lửa. Có thể nói, kể chuyện chính là hình thức giao tiếp sơ khai nhất. Những câu chuyện được sử dụng để chia sẻ trí tuệ, niềm tin, giá trị, truyền thống và văn hóa... cũng như tiếp tục kế truyền cho đời sau. Đây là lý do tại sao việc đọc sách, kể chuyện đã ăn sâu vào mọi nền văn hóa và trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội ngày nay.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2010 cho thấy việc kể chuyện trực tiếp tạo ra các kết nối thần kinh giữa người kể và người nghe (1). Trong khi đó, con người không thể kết nối hai chiều cùng thiết bị điện tử. Bất chấp sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ và những sự phấn khích mà thiết bị điện tử tối tân mang lại, bộ não con người dường như đi trên một quỹ đạo tiến hóa chậm hơn so với tốc độ của công nghệ. Chúng ta chỉ có thể kết nối hoàn chỉnh và trọn vẹn khi mắt nhìn mắt, não bộ và nhịp tim đồng điệu, cũng như điều hòa, nâng đỡ cảm xúc cùng nhau. Bên cạnh đó, khi tiếp nhận các nội dung một cách tương tác trực tiếp, bộ não sẽ được kích hoạt để đi tìm các ý nghĩa khác sâu rộng hơn dựa trên trải nghiệm của từng cá nhân.
Những đứa trẻ, tự nhiên như hơi thở, cũng vận hành cuộc sống trẻ thơ xoay quanh những câu chuyện. Trẻ em lúc nào cũng kể chuyện, từ việc mô tả những gì đã xảy ra với con ở trường, những thứ con nhìn thấy ở công viên hoặc trong bữa tiệc sinh nhật của bạn bè... Thông thường, các con cũng chơi theo cách dựa trên một cốt truyện tưởng tượng nào đó trong suy nghĩ. Có thể nói, kể chuyện là khuynh hướng vô cùng tự nhiên của tâm trí con người ngay từ khi còn bé. Thế nên, việc đọc sách và tìm hiểu thêm về thế giới xung quanh để có thêm "chất liệu" thực tế cho những câu chuyện là điều vô cùng cần thiết.
Việc có một người lớn ở bên kể chuyện và đọc sách sẽ mang lại cảm giác thân thuộc, đồng cảm và hỗ trợ năng lực cảm xúc cho trẻ nhỏ. Tất cả những điều này đều vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ ngay từ những năm đầu đời.
Tâm trí con người yêu thích việc lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện. Những câu chuyện nuôi dưỡng trí tưởng tượng, giúp ích cho khả năng sáng tạo và khả năng ngôn ngữ của trẻ. Không chỉ vậy, khi người lớn biết cách làm cho những câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn bằng việc đặt câu hỏi mở sau khi hết truyện, chúng ta có thể khuyến khích trẻ tiếp thu bài học từ trang sách sâu sắc hơn và dạy trẻ biết bày tỏ ý kiến cũng như quan điểm của mình.
Những câu chuyện trong sách dạy trẻ cách xác định các loại cảm xúc khác nhau, từ đó mở mang kiến thức về thế giới cảm xúc đa dạng của con người. Bối cảnh lúc đọc sách cũng thường là không gian thoải mái, yên tĩnh, không bị tác động ngoại cảnh, nên trẻ cũng dễ dàng tiếp thu và đón nhận thông tin. Thông qua đó, trẻ cũng đồng thời phát triển được sự đồng cảm với một hoặc nhiều nhân vật trong câu chuyện.
Ở bên con và cùng con "chu du" vào những câu chuyện mới lạ, trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc từ kinh ngạc đến phấn khích, từ thích thú lẫn lo âu, các bậc cha mẹ có thể hỗ trợ bé trong chính những cảm xúc đó một cách dễ chịu và an toàn nhất. Đó chính là khởi đầu của việc phát triển năng lực cảm xúc (EQ).
Những câu chuyện không chỉ tạo ra sự kết nối giữa tâm trí của người kể và người nghe, mà còn tạo ra các kết nối từ trái tim đến trái tim. Khi ngồi chăm chú trước màn hình tivi hoặc thiết bị điện tử, đa phần các bộ phận trong cơ thể (trí não, mắt, tai…) và tâm lý của trẻ thường bị kích hoạt một chiều và dễ dẫn đến quá khích nhiều hơn là được thư giãn. Nhưng ngược lại, khi người lớn đọc sách và kể chuyện cho con, đứa trẻ sẽ được điều hòa cảm xúc và dễ dàng thư giãn, đồng thời được xoa dịu, trấn an tâm lý nhờ có người thân yêu bên cạnh.
Đây là lý do tại sao việc cha mẹ thường xuyên kể chuyện, đọc sách cho bé vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, vì nó tăng cường sự gắn bó và cảm giác an toàn về mặt cảm xúc. Bởi lẽ, trẻ em luôn khao khát thời gian và sự chú ý của cha mẹ, nên hãy xem thời gian kể chuyện như một cơ hội gắn kết với con.
Hầu hết trẻ em không có khả năng hoặc kiên nhẫn để tập trung quá lâu. Đây là lý do tại sao nhiều người lớn cảm thấy việc cần trẻ tập trung trong một khoảng thời gian dài là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, khi trẻ được nghe kể chuyện, chúng có xu hướng lắng nghe. Những câu chuyện dạy trẻ tập trung, lắng nghe để có thể hiểu được lời người kể. Từ đó, trẻ không chỉ học cách lắng nghe mà còn mở rộng tầm nhìn và bắt đầu nhìn thế giới từ quan điểm của người khác.
Các nền văn hóa khác nhau có những câu chuyện dân gian và thần thoại khác nhau, mang lại nhiều bài học và giá trị sống từ các nền văn hóa đa dạng, giúp gia tăng hiểu biết về thế giới. Do đó, kể chuyện cho trẻ sẽ đưa chúng đến những chân trời mới lạ của các nền văn hóa khác nhau. Điều này dạy trẻ thấu hiểu và đồng cảm cho người khác, cũng như chịu khó tìm hiểu về cách mọi người trên khắp thế giới thể hiện bản thân và niềm tin của họ. Kể chuyện cũng dạy trẻ về các phong tục và văn hóa khác biệt, nhờ đó trở thành một công dân toàn cầu biết tôn trọng và đánh giá cao những người bên ngoài môi trường xã hội và gia đình của trẻ.
Thạc sĩ Tâm lý Tú-Anh Nguyễn, với chuyên môn Tâm lý Trẻ em - Cha mẹ, là nhà thực hành tham vấn tâm lý, cung cấp các chương trình Đào tạo Cha mẹ Nuôi dạy con, Quản lý hành vi và giao tiếp, Cải thiện Năng lực cảm xúc và chất lượng tình cảm - gắn kết gia đình
Tốt nghiệp 3.97 GPA Thạc sĩ Tâm lý Trẻ em & Thanh thiếu niên tại trường The Chicago School of Professional Psychology.
Chứng chỉ sau Cao học về Giáo dục và Đào tạo Cha mẹ tại trường Adelphi University New York.
Parent Educator & Parent Counsellor: Tư vấn phụ huynh, hướng dẫn và giảng dạy các khóa đào tạo cha mẹ nuôi dạy con tích cực.
Nhà cung cấp các chương trình tư vấn - đào tạo cho các tổ chức và nhãn hàng.
Diễn giả cho các hội thảo với chủ đề nuôi dạy trẻ theo kỷ luật tích cực.
Nhà sáng lập dự án Happy Parenting.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?