Mình thích cách chính phủ Nhật quản lý giá cả, mình thích tắm onsen, nhất là vào mùa đông...
Tại bất kỳ cửa tiệm nào, người bán hàng cũng sẽ thối tiền đầy đủ, chính xác dù chỉ là 1 yên (tương đương tiền lẻ mệnh giá 200 đồng ở Việt Nam). Tâm Bùi cho biết anh đã đi du lịch qua nhiều nơi nhưng rất thích sự rõ ràng và tôn trọng khách hàng tuyệt đối này ở Nhật. Vì dù giá trị không đáng bao nhiêu, nhưng cảm giác bị ép nhận tiền thối bằng kẹo ở một số nơi có thể gây khó chịu cho nhiều người.
Tâm Bùi cũng rất thích cách chính phủ Nhật Bản quản lý giá cả. Giá một sản phẩm nhất định sẽ luôn được niêm yết bằng nhau, dù được bán ở bất kỳ nơi đâu. Một ví dụ dễ thấy là chai nước suối ở sân bay cũng không mắc hơn chai nước mua trong siêu thị ven đường.
Ngoài ra, khi đến Nhật, du khách có thể tìm thấy máy bán nước tự động ở khắp nơi. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ vì bất ngờ của Tâm Bùi là khi leo đến đỉnh núi Phú Sĩ vẫn thấy chiếc máy bán nước được đặt sừng sững trên này.
Những ga tàu điện đông đúc ở Tokyo là một dấu ấn khó phai cho bất kỳ ai đến Nhật. Người Nhật có hệ thống tàu cao tốc Shinkansen chạy với tốc độ 320km/h vòng quanh đất nước nên di chuyển rất thuận tiện. Muốn đi đâu thì chỉ cần ra ga tàu mua vé. Ngồi tàu rất êm ái, mát mẻ, không phải chờ đợi như đi máy bay. Trên tàu lại được ăn uống thoải mái. Thông thường, người Nhật hay mua cơm hộp bento bán ở ga rồi mang lên tàu ngồi ăn để tranh thủ thời gian di chuyển.
Ở ga tàu điện ngầm Shibuya tại trung tâm Tokyo còn có một bức tượng đá đặt trước ga để tưởng nhớ về chú chó Hachiko trung thành với chủ. Mỗi ngày, Hachiko đều tiễn chủ của mình đi làm ở ga tàu này. Nhưng đến một ngày, ông chủ cứ đi mãi mà không thấy trở về. Kể từ đó, mỗi ngày Hachiko đều ra ga tàu để đợi, ngày này qua tháng nọ cho tới lúc nó kiệt sức và gục chết. Câu chuyện truyền miệng của cư dân đô thị dù đã bạc màu thời gian nhưng bức tượng Hachiko đặt tại ga tàu vẫn còn đó, như thể đang chứng kiến người qua lại tất bật mỗi ngày để ngóng chờ một hình dung thân quen của ông chủ cũ quay về.
Nhật Bản là quốc gia có đến 2/3 diện tích là rừng - một điều khá hiếm có trên thế giới. Tâm Bùi cho biết anh rất thích những chuyến đi đến Nhật chỉ để trekking trong rừng vài ngày, gọi là tắm rừng. Tắm rừng giúp giải tỏa căng thẳng, tăng cường sức đề kháng, giúp ngủ ngon hơn. Vì vậy người ta cũng sẽ khoẻ khoắn và thêm yêu đời. Chưa kể, nếu đi "tắm rừng" vào mùa xuân, đúng dịp hoa anh đào nở rộ thì càng lý tưởng, vì bản thân cây hoa này rất thiền vị. Mùa xuân ở Nhật thời tiết mát mẻ, thi thoảng có một làn gió thổi qua, ta sẽ được đắm mình trong cơn mưa hoa anh đào lả tả rơi rụng.
Tâm Bùi có một sự so sánh liên tưởng giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó Tokyo có nét của Hà Nội, Kyoto giống Huế và Osaka là Sài Gòn. Dễ thấy, ở Nhật Bản hội tụ đủ yếu tố thiên nhiên hài hòa cùng nhịp sống đô thị, và nét cổ điển vẫn trường tồn sánh đôi cùng sự hiện đại phát triển bậc nhất của quốc gia hàng đầu châu Á này.
Minh chứng rõ ràng nhất những ngôi đền Thần đạo (Shinto) nằm sâu trong rừng hoặc trên núi cao. Các đền được làm bằng gỗ, mỗi 20 năm người ta sẽ xây cất lại một lần. Trong đền chẳng thờ một pho tượng nào cả, vì Thần đạo tin rằng mọi vật đều có linh hồn từ cỏ cây, hoa lá, ngọn núi hay dòng sông. Để cầu nguyện, chúng ta donate tiền đồng vào một thùng nhỏ, rung chuông rồi đập tay 2 cái để thần nghe được lời cầu nguyện của mình.
Bên cạnh sake thì một nét ẩm thực đặc trưng của Nhật có lẽ chính là rượu mơ (hay còn gọi là umeshu). Đó là một loại nước trái cây lên men, uống rất ngon. Tuy nhiên uống nhiều cũng say như thường. Nếu ăn sushi kèm một ít rượu mơ pha đá thì càng làm tăng mùi vị món ăn và dễ tiêu hoá hơn. Nếu đến Nhật bằng hãng hàng không Japan Airlines, tới giờ ăn, du khách có thể yêu cầu rượu mơ có sẵn trên chuyến bay.
Bài & Ảnh: Tâm Bùi
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Du Lịch?