Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu cặn kẽ những lý do khiến cún cưng hắt hơi để hiểu rõ thời điểm nào chúng ta phải cần đến sự hỗ trợ của y tế.
Có nhiều lý do khiến chó hắt hơi, điều quan trọng là chúng ta cần phân biệt chó chỉ đang ham chơi và bị kích động hay đây là một dấu hiệu cho thấy bệnh tật tiềm ẩn nghiêm trọng.
Một trong những lý do phổ biến nhất khiến chó hắt hơi là hít phải hoặc dính phải những chất kích ứng đến từ môi trường bên ngoài. Khi đó, những hạt nhỏ li ti ấy sẽ mắc kẹt trong lỗ mũi hoặc cổ họng của chó, kích thích chúng hắt hơi để làm sạch đường thở. Vậy nên, những chú chó có xu hướng đánh hơi mọi thứ, nhất là giống chó săn đánh hơi (scent hound) như Beagle, Dachshund, Bloodhound... thường dễ bị hắt hơi khi hít nhầm những thứ gây dị ứng. Đấy là chưa kể đến có rất nhiều chú chó nhạy cảm với các chất kích thích như phấn hoa, bụi mịn, nến thơm, khói thuốc hay các hợp chất tẩy rửa.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chó thường xuyên hắt hơi trong khi chơi đùa. Đây là một hành vi thông thường giữa các chú chó, thể hiện rằng chúng đang có một quãng thời gian hạnh phúc và vui vẻ.
Kiểu hắt hơi này thường là một cái khịt mũi ngắn đi kèm với biểu cảm hào hứng, chứ không phải một cơn hắt hơi dài từ sâu bên trong cổ họng. Hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của chó khi hắt hơi để đảm bảo chúng chỉ đang vui vẻ chơi đùa.
Theo tạp chí National Geographic, hắt hơi còn là một cách thức giao tiếp giữa những chú chó để bày tỏ sự đồng thuận. Vào năm 2017, những nhà nghiên cứu phát hiện ra hành vi "bỏ phiếu" của một đàn chó hoang Châu Phi trước khi quyết định có đi săn mồi hay không. Càng nhiều tiếng hắt hơi xuất hiện trong cuộc "bỏ phiếu", khả năng những con chó đi săn sẽ càng cao. Điều này còn chứng tỏ loài chó có ý thức về thứ hạng trong bầy đàn. Ví dụ, nếu một trong những con đầu đàn bắt đầu cuộc "bỏ phiếu", nó chỉ cần ba lần hắt hơi để đưa cả bầy đi săn. Còn nếu đó là một "thành viên cấp thấp" trong bầy, nó cần đến 10 tiếng hắt hơi để có thể dẫn tới quyết định sau cùng (1).
Giống như con người, chó cũng có thể bị dị ứng. Các tác nhân phổ biến gây ra tình trạng dị ứng cho chó có thể kể đến là thực phẩm (thịt bò, bơ sữa, lúa mì, trứng, gà...) và một số yếu tố trong môi trường (phấn hoa, bụi mịn...). Ngoài việc hắt hơi liên tục, các dấu hiệu đi kèm chứng minh cho tình trạng sức khỏe xấu này còn có cào, gãi thân thể, chảy nước mắt nước mũi, thở gấp, tiêu chảy, nôn ói...
Khi có triệu chứng dị ứng, điều quan trọng nhất là phải tìm ra tác nhân gây dị ứng để loại trừ càng sớm càng tốt. Nếu chó vẫn tiếp tục có các triệu chứng nghiêm trọng như trên, hãy đưa chúng đến bác sĩ thú y để được chẩn đoán và điều trị một cách nhanh chóng nhất.
Khi chó bị nhiễm trùng đường hô hấp, chúng sẽ bắt đầu hắt hơi để cố gắng làm thông mũi. Một số dấu hiệu của chứng bệnh này là chảy dịch mũi, tiết dịch mắt, sốt, suy giảm cảm giác thèm ăn và khả năng vận động.
Một vấn đề khác có thể khiến chó nhà bạn hắt hơi là gặp vật cản ở trong lỗ mũi. Nếu chó nhà bạn hắt hơi ra máu hoặc chảy máu cam, có khả năng trong quá trình đánh hơi, chúng đã vô tình hít phải một số dị vật như gai nhọn, lông nhím... Thậm chí, các khối u ung thư mũi cũng gây nên tình trạng tương tự. Đây là một vấn đề khá nguy hiểm, nếu nghi ngờ chó bị tắc mũi do có vật cản, hãy đưa chúng đến thú y sớm nhất có thể.
Những loài chó có cấu trúc đầu ngắn (brachycephalic breeds) như French Bulldog, English Bulldog, Pug, Boston Terrier... thường gặp vấn đề về hô hấp (bao gồm hắt hơi) nhiều hơn do cấu tạo mõm bị cán phẳng và lõm vào trong hộp sọ của chúng. Theo The Spruce Pet, lý do cho sự "thiếu hụt về mặt giải phẫu" này là con người đã cố tình lai tạo chúng để có một hộp sọ ngắn hơn vì mục đích thẩm mỹ, mặc cho vô vàn vấn đề về sức khỏe có thể phát sinh. Vậy nên, chúng ta nên cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định nuôi dưỡng những chú chó này (2).
Tóm lại, hắt hơi là một hành vi phổ biến ở chó. Chúng ta không nên quá lo lắng nếu thấy "người bạn bốn chân" của mình rơi vào tình trạng như thế. Tuy nhiên, nếu tiếng hắt hơi đi kèm với những dấu hiệu sau đây, rất có thể chó nhà bạn đang gặp một số vấn đề về mặt sức khoẻ và cần sự trợ giúp của y tế:
Việc ngăn chặn chó hắt hơi sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nhìn chung, hãy đảm bảo tiêm cho chó đầy đủ các loại vắc-xin đang được khuyến nghị. Chúng ta cũng có thể hạn chế các chất kích ứng đến từ môi trường bằng việc hút bụi thường xuyên và hạn chế các loại máy dùng hoá chất như máy khuếch tán tinh dầu hoặc là nước xịt thơm phòng.
Ngoài việc hắt hơi do bệnh lý, không có nhiều lý do để chúng ta cố gắng tránh cho chó nhà mình hắt hơi. Nếu chú chó nhà bạn có thói quen hắt hơi trong khi vui chơi hay khi thấy bạn về nhà, có thể đây chỉ là một phương thức để chúng bày tỏ niềm hạnh phúc.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.