Củng cố nội lực để làm mới bản thân không nhất thiết cần đến một bước ngoặt thay đổi to lớn, một chuyến đi đâu đó xa xôi hoặc một thành tựu được nhiều người công nhận. Để giúp bạn chuẩn bị tinh thần tốt hơn cho năm 2023, LeLa Journal gợi ý một số cách đơn giản nhằm làm mới não bộ, giúp bạn “khởi động lại” tâm trí (reset yout mind) và sẵn sàng cho một năm phía trước.
Khi gặp một vấn đề khó khăn mà chưa tìm ra cách giải quyết, đi bộ sẽ giúp chúng ta động não và suy nghĩ thoáng hơn. Nghiên cứu cho thấy, những người đi bộ thường xuyên có thể suy nghĩ thông suốt, tạo ra ý tưởng mới và giải quyết vấn đề tốt hơn là ngồi một chỗ (1), (2).
Ngoài việc cải thiện tâm trạng cùng chức năng nhận thức của não, đi bộ còn làm giảm nguy cơ ung thư và là cách tuyệt vời để tăng cường sức khỏe tim mạch, kéo dài tuổi thọ (3), (4). Chính vì vậy, luyện tập thói quen đi bộ sẽ rất hiệu quả để bạn khởi động lại tâm trí trong kỳ nghỉ Tết và sẵn sàng tinh thần cho năm mới.
Suy tư về quá khứ và lo lắng tới tương lai thường dẫn đến việc giảm sút cảm giác hạnh phúc (5).
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thiền thực sự có thể thay đổi cấu trúc não: chỉ 8 tuần thực hành giảm căng thẳng dựa trên Mindfulness (MBSR) sẽ làm tăng độ dày vỏ não ở hồi hải mã (vùng não chi phối việc học và ghi nhớ) và một số nơi đóng vai trò điều chỉnh cảm xúc. Đồng thời, thiền cũng làm giảm khối lượng tế bào não ở hạch hạnh nhân - nơi chịu trách nhiệm phần lớn cho cảm xúc sợ hãi, lo lắng và căng thẳng (6).
Tuy nhiên, vẫn có một số hiểu lầm phổ biến xoay quanh phương pháp thiền khiến chúng ta không bắt đầu hoặc không thể duy trì được lâu, độc giả có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Thời điểm này trong năm, nhiều người thường cảm thấy căng thẳng vì phải sắp xếp công việc, chuẩn bị kế hoạch cho kỳ nghỉ Tết cùng vô số đầu việc khác. Những thứ đơn giản như mua quần áo mới, sắm quà biếu gia đình, chuẩn bị mâm cơm cúng hay mua vé máy bay sẽ trở thành quá tải nếu chúng ta không lên kế hoạch trước.
Viết ra giấy những thứ cần làm (lập to-do-list) sẽ giúp bạn bình tĩnh và hoàn thành công việc một cách chu toàn hơn. Chỉ riêng việc ghi xuống cũng khiến mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, dễ kiểm soát vì bạn đã "giải phóng" chúng ra khỏi đầu.
Nhà tâm lý học, Tiến sĩ David Cohen cho rằng: “Những danh sách như vậy giúp bạn giảm bớt lo lắng về bộn bề cuộc sống, cho bạn một cấu trúc, kế hoạch để tuân theo và là bằng chứng về những gì bạn đạt được trong ngày, trong tuần hoặc trong tháng” (7).
Bắt đầu những thói quen nhỏ tích cực hay việc cải thiện bản thân 1% mỗi ngày sẽ mang lại lợi ích cộng dồn giúp thay đổi cuộc sống trong dài hạn. Nếu đang muốn bỏ một thói quen không tốt trong năm mới, chẳng hạn như giảm việc sử dụng quá mức đường, caffein hay thực phẩm nhiều chất béo, chúng ta không cần đặt mục tiêu cho cả tháng mà hãy bắt đầu dễ dàng hơn, thử hạn chế tiêu thụ trong bảy ngày liên tục. Chỉ riêng việc nảy sinh ý định thay đổi theo chiều hướng tốt cũng sẽ làm hành vi trong tương lai của bạn trở nên khác biệt (8).
Một ý tưởng mới thay cho New Year’s Resolution (trào lưu viết ra quyết tâm cho năm mới nhưng thường bị bỏ dở giữa chừng) chính là tái khởi động vào mỗi thứ Hai - The Healthy Monday Refresh. Khi đó, mọi người không còn đặt ra mục tiêu cho mỗi dịp đầu năm mới mà lặp lại vào mỗi thứ Hai đầu tuần và duy trì quanh năm.
Ron Hernandez, người đại diện của chiến dịch làm mới này nhận định như sau: “Nghiên cứu chúng tôi thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia tại trường Johns Hopkins Bloomberg chỉ ra rằng, đầu tuần chính là thời điểm tối ưu để thúc đẩy các hành vi lành mạnh” (9). Thay vì đặt New Year’s Resolution mỗi năm chỉ có một lần, làm mới vào thứ Hai sẽ tạo ra 52 cơ hội để chúng ta trở nên tốt hơn trong suốt cả năm.
Nụ cười được khoa học chứng minh có thể mang lại hạnh phúc và tăng cường sức khỏe cho con người (10). Lợi ích ngắn hạn của tiếng cười bao gồm: gia tăng sản xuất endorphin (hormone giảm đau và căng thẳng cho cơ thể), kích thích tim, phổi và làm thư giãn cơ bắp. Lợi ích lâu dài của việc cười thường xuyên chính là cải thiện hệ thống miễn dịch, giảm lo lắng, trầm cảm và duy trì cảm giác hài lòng với cuộc sống.
Xem một bộ phim hài trên Netflix, tìm hiểu một sở thích mới, gặp gỡ những người bạn thú vị hoặc đơn giản là hành động tử tế với người lạ sẽ giúp bạn tạo ra nhiều niềm vui hơn mỗi ngày. Ngoài ra, chỉ bằng cách thể hiện nét mặt vui vẻ, bạn đã có thể “đánh lừa” tâm trí của mình để bước vào trạng thái hạnh phúc (11).
Giấc ngủ được xem là một trong những cách tốt nhất để phục hồi lại sức khỏe tổng thể. Khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, cơ thể trải qua một loạt thay đổi nhằm giúp não bộ nghỉ ngơi, hoạt động chậm lại và tham gia vào quá trình phục hồi, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hôm sau (12). Giấc ngủ tạo điều kiện để cơ thể và tâm trí nạp lại năng lượng, giúp bạn cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo khi thức dậy. Nếu không ngủ đủ, não bộ sẽ không hoạt động bình thường, dẫn đến việc mất tập trung, giảm khả năng xử lý ký ức và suy nghĩ rõ ràng (13).
Thời gian ngủ được khuyến nghị tùy theo nhóm tuổi, riêng người lớn nên ngủ khoảng 7-9 tiếng trong một đêm.
Detox (thanh lọc) tâm trí hay cai nghiện công nghệ là việc tạm dừng không sử dụng các thiết bị điện tử trong một khoảng thời gian nhất định. Chắc hẳn chúng ta đã gắn bó với chiếc điện thoại hay laptop của mình cả năm vì những bận rộn trong công việc hay yêu cầu từ xã hội. Khoảng thời gian cận Tết chính là thời điểm lý tưởng để bạn thực hiện một giờ, một ngày hoặc một tuần detox.
Bằng cách từ bỏ tạm thời các kết nối trực tuyến và thiết bị công nghệ, chúng ta sẽ trút bỏ được gánh nặng bắt nguồn từ việc kết nối liên tục, tạo ra khoảng trống cho tâm trí để làm mới chính mình. Đây là lúc để bạn tĩnh lặng nhìn lại một năm và tìm ra những mong muốn cho năm mới. Bên cạnh đó, việc tránh các thiết bị điện tử này cũng giúp chúng ta tập trung hơn cho những tương tác trực tiếp, tạo ra nhiều khoảnh khắc đáng nhớ với người thân trong ngày lễ.
Lòng biết ơn mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe và đóng góp lớn vào hạnh phúc tổng thể của mỗi người. Các quốc gia có xu hướng trân trọng sự biết ơn, biết đủ như Phần Lan, Thụy Điển thường là nơi đứng đầu về mức độ hạnh phúc trên thế giới. Mỗi khi trải nghiệm cảm giác biết ơn, não bộ của bạn sẽ sản sinh ra các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng, thúc đẩy cảm xúc vui vẻ và hạnh phúc (14), (15).
Thực hành lòng biết ơn không chỉ giúp ích cho mỗi cá nhân mà còn tạo nên “chu kỳ tử tế” kéo dài trong các mối quan hệ nhờ việc nhận ra những giá trị tốt đẹp của nhau. Chúng ta có thể viết 3 điều cảm thấy biết ơn trước khi bắt đầu hoặc kết thúc một ngày để hướng sự tập trung của tâm trí đến những việc tích cực trong cuộc sống. Điều quan trọng là nên có sự nhất quán, duy trì mỗi ngày để nhận thấy tâm trạng thay đổi ra sao sau một khoảng thời gian.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.