Trong số những loài vật được con người thuần hóa trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử và văn minh nhân loại, mèo là loài động vật khá đặc biệt. Bởi vì chúng vẫn duy trì được bản năng săn bắt ngoài tự nhiên dẫu đã được con người nuôi dưỡng. Chính điều này dẫn đến thói quen ăn uống và "thực đơn" dành cho mèo nhà cũng khá khác biệt so với các loại thú cưng khác.
Loài mèo trở thành động vật được con người tiền sử thuần hóa cùng quá trình phát triển nông nghiệp. Khi ấy, con người đang dần chuyển sang nền văn minh trồng trọt, chăn nuôi với mong muốn dự trữ thực phẩm để dùng trong lâu dài. Nông sản lại thu hút động vật gặm nhắm và các loài côn trùng chuyên phá hoại - vốn là "kẻ thù không đội trời chung" của mèo. Do vậy, loài mèo cũng chủ động đến gần nơi cư trú của loài người để săn bắt con mồi. Phát hiện ở mèo khả năng loại trừ động vật gây hại cho nông sản, con người tiền sử bắt đầu cho mèo hoang ăn để dẫn dụ chúng ở lại. Qua thời gian, chúng mạnh dạn bước vào môi trường sống của con người, từ đó mèo tự thuần hóa được bản thân (1).
Tuy nhiên, khác với loài chó, mèo sau khi được thuần hóa vẫn duy trì bản năng săn bắt mà không cần con người đào tạo, rèn luyện. Do đó, động vật họ mèo được xếp vào loại "động vật ăn toàn thịt (obligate carnivor).
Nghiên cứu động vật học chỉ ra rằng mèo hoang (feral cats: loài mèo sinh ra và lớn lên trong tự nhiên) tiêu thụ 52% protein, 46% chất béo và chỉ khoảng 2% tinh bột từ thực phẩm chúng săn bắt được (2).
Trong khi đó, mèo nhà lại tiêu thụ 52% protein, 36% chất béo và 12% tinh bột từ thực phẩm do con người cho ăn (3).
Tại sao có sự khác biệt trong lựa chọn hàm lượng tinh bột? Vì mèo nhà đã tiến hóa để chung sống phù hợp với con người. Trước khi ngành công nghiệp thức ăn thú cưng phát triển, các gia đình nuôi mèo không phải lúc nào cũng có đủ thịt cho chúng ăn. Thế nên, mèo nhà được cho ăn tất cả những gì còn sót lại từ bữa ăn của chủ. Vì có sẵn thức ăn, mèo nhà không còn nhu cầu đi săn để tìm thức ăn, do đó hệ tiêu hóa của chúng cũng khác mèo hoang.
Nhà bác học Charles Darwin, trong một nghiên cứu xuất bản năm 1868, đã dẫn chứng rằng ruột mèo nhà dài hơn ruột mèo hoang, một dấu hiệu cho thấy cơ thể mèo nhà đã tiến hóa gần giống như động vật ăn tạp. Từ đó, chúng dần mất đi sự phụ thuộc vào protein và chất béo để làm nguồn cung cấp năng lượng duy nhất (4).
Các chuyên gia động vật học hiện đại cũng đồng ý với Darwin. Họ cho rằng loài mèo thuần chủng được phối giống sau này đã mất dần nhu cầu phải ăn thịt con mồi mặc dù chúng vẫn giữ lại bản năng săn bắt (5). Nghiên cứu của Hewson-Hughes cũng cho thấy nếu mèo nhà không được ăn đủ lượng protein thiết yếu, chúng sẽ tìm và ăn thêm tinh bột cao hơn mức 12% đã nêu nhằm cấp đủ năng lượng cho cơ thể, nhưng sẽ không ăn nhiều hơn 300 kilojoules tinh bột mỗi ngày, tương đương với 64 gram cơm trắng (6).
Dựa vào kết quả nghiên cứu động vật học, chúng ta có thể thấy protein là dưỡng chất quan trọng nhất trong chế độ dinh dưỡng của mèo, tiếp theo đó là chất béo và ít quan trọng nhất là tinh bột.
Ngoài ba dưỡng chất đa lượng nêu trên, mèo cũng cần vi chất như can-xi (Ca), phốt-pho (P), kali (K), muối (Na), magie (Mg), sắt (Fe), đồng (Cu) và kẽm (Zn) (7). Nhóm vi chất này dễ dàng tìm thấy trong thịt, cá và nội tạng gia súc gia cầm.
Nếu lựa chọn thức ăn công nghiệp cho mèo, hãy chọn những loại thực phẩm chứa nhiều protein nhất và được bổ sung đầy đủ nhóm vi chất nêu trên.
Nếu nấu ăn cho mèo, các thành phần trong món ăn nên được tách ra thay vì trộn lẫn để mèo tự do lựa chọn hàm lượng protein, chất béo và tinh bột phù hợp cho cơ thể của chúng. Chúng ta cũng nên cho mèo ăn các món nấu từ thịt gà, thịt bò, nội tạng gia súc, gia cầm và tất cả các loại cá có thể tìm thấy tại Việt Nam.
Nguồn tinh bột và chất xơ có thể đến từ cơm trắng, khoai tây, bí đỏ, các loại họ đậu và rau củ xanh như cải thìa. Như đã nói, cơ thể mèo không cần nhiều tinh bột, do đó chúng ta nên chú ý kiểm soát tinh bột ở mức thấp nhất, chỉ chiếm từ 2% đến 12% trong tổng lượng thức ăn. Vì nếu có sự lựa chọn, mèo hẳn sẽ chỉ chọn ăn thịt và cá vốn có hàm lượng protein và chất béo cao hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.