Vài năm trở lại đây, một số phương pháp làm đẹp như nắn cơ mặt (myofunctional therapy/facial fitness) "nở rộ" trên khắp các phương tiện truyền thông. Vài phương pháp được chứng minh là có hiệu quả về mặt khoa học, còn số khác thì bị cho là ngụy khoa học và phản tác dụng. Vậy thực hư của những phương pháp này ra sao? Liệu nắn cơ mặt không can thiệp có phải là phương pháp hiệu quả?
Trong giới hạn của bài viết, người viết chỉ tập trung vào 3 phương pháp phổ biến là mewing, liệu pháp Golki nắn cằm V-line, liệu pháp massage mặt thải độc tố Gua Sha.
Mewing là phương pháp điều chỉnh góc cạnh cho hàm bằng cách đẩy lưỡi lên vòm miệng trong khi khép răng hai hàm sát vào nhau, sao cho lưỡi không chạm vào răng cửa hàm trên và răng hàm dưới nằm phía sau hàm trên, rồi khép dần miệng lại. Tập mewing cần duy trì tư thế đó trong thời gian dài để biến nó thành tư thế nghỉ ngơi mới của lưỡi và hàm. Phương pháp này được đặt tên theo bác sĩ John Mew, người tự gọi phương pháp này bằng thuật ngữ "orthotropics" (tạm dịch là "phương pháp điều chỉnh cấu trúc gương mặt") (1). Về lý thuyết, mewing thuộc quan điểm của Tư thế học (posturology), tức là ngành học và nghiên cứu về hệ thống tư thế con người (2).
Phương pháp điều chỉnh cấu trúc gương mặt hay mewing tập trung vào việc thay đổi khung xương hàm và dáng mặt bằng cách điều chỉnh tư thế miệng thông qua các bài tập về vị trí lưỡi và hàm.
Những người thực hành và tin vào kỹ thuật mewing cho rằng nó có thể giúp làm đẹp khuôn hàm, điều chỉnh tư thế cằm và mũi. Song, hiện chưa có bằng chứng khoa học, ca lâm sàng hay báo cáo dịch tễ học để chứng minh về độ hiệu quả, hay chính xác là phương pháp mewing chưa được chứng thực về mặt khoa học.
Thậm chí, cha đẻ của phương pháp này, John Mew, cũng bị Hội đồng Nha khoa Tổng quát (Anh Quốc) thu hồi bằng nha sĩ vì những phê bình của ông về phương pháp điều chỉnh cấu trúc gương mặt truyền thống, cũng như phương pháp thực hành chưa được cấp phép của ông (3).
Hiện tại, những ghi nhận về mức độ hiệu quả của phương pháp nắn hàm mewing này đến từ truyền thông, mạng xã hội – chỉ là những trường hợp đơn lẻ. Những bằng chứng báo cáo đó chỉ mang là dẫn chứng giai thoại (anecdotal evidence), không phải bằng chứng khoa học đã được chứng minh (scientifically proven evidence), hay bằng chứng lâm sàng (clinical evidence) (4), (5).
Những video về thay đổi trước và sau mewing (before – after) có thể không đáng tin cậy vì sai phương pháp, thời gian thực hành ngắn và có thể đã dựa trên... lời tiên tri tự ứng nghiệm, tức là thực hành xong mà bạn tin là mình đẹp hơn thì đúng là... bạn đã đẹp hơn rồi (6).
Một trong những lời phê bình chính để chống lại phương pháp mewing có liên quan tới "thời gian thử nghiệm ngắn và sai cách thức". Việc tư thế sinh hoạt theo thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp là có thật (7), (8), nhưng việc thay đổi cấu trúc xương thông qua vài bài tập không can thiệp không phải là chuyện mà chúng ta tập một vài tháng là được.
Có thể nói rằng mối liên hệ giữa tư thế và hệ thống miệng hàm (stomatognathic system), cũng như tính hiệu quả của việc điều chỉnh cấu trúc gương mặt (orthotropics) như là phương pháp mewing vẫn còn gây nhiều tranh cãi bởi thiếu bằng chứng khoa học.
Các chuyên gia lưu ý rằng, với những cá nhân có vấn đề bẩm sinh hay khiếm khuyết về hàm-miệng thì nên tìm đến các phẫu thuật can thiệp thay vì tự tập mewing, vì vấn đề có thể trầm trọng hơn.
Timothy Caulfield, Giám đốc Nghiên cứu về Luật và Chính sách Y tế (Canada) chia sẻ rằng: yếu tố cốt lõi quyết định dáng hàm là cấu trúc xương, chứ không phải tác động đến cơ mặt như phương pháp mewing theo đuổi. Ông nói rằng trình độ can thiệp thẩm mỹ hiện nay có thể giúp bệnh nhân thay đổi cấu trúc hàm theo ý muốn chẳng hạn bằng cách tiêm canxi hydroxylapatite. Thế nhưng, những thủ thuật này vô cùng đắt đỏ (9).
Thậm chí, theo một số quan điểm, nếu tập mewing sai cách (trong khi phương pháp này vốn dĩ đã chẳng đúng khoa học) thì bạn có thể vô tình khiến cơ hàm thêm mỏi, mắc chứng nghiến răng và mòn răng (10).
Nếu bạn có ý định tập mewing, hãy thử tham khảo ý kiến với bác sĩ chuyên môn, hoặc tìm đến các phương pháp đã được chứng thực khác như phẫu thuật hàm.
Tương tự như phương pháp mewing, phương pháp Golki là độc quyền của trung tâm Yakson House có trụ sở tại Singapore. Được quảng cáo là phương pháp điều chỉnh khuôn hàm không xâm lấn, cơ sở khoa học của phương pháp Golki chỉ dựa trên nghiên cứu duy nhất của Đại học Seoul. Tuy nhiên, công trình đó vốn lại dựa trên một nghiên cứu đã "lỗi thời" của bác sĩ giải phẫu người Đức, Julius Wolff về việc xương có thể thích ứng và được củng cố dưới áp lực.
Nói một cách khái quát, liệu pháp Golki nói rằng xương cốt có thể uốn nắn được thông qua các phương pháp massage và bấm huyệt. Liệu trình của liệu pháp Golki kéo dài trong khoảng 10 - 20 buổi nắn xương, được mô tả là "vô cùng đau đớn", với một khoản phí không hề rẻ so với phẫu thuật hàm - hơn 3.000 CAD (tương đương hơn 54 triệu đồng) (11).
Đối với phương pháp Golki, ta dễ nhận thấy còn quá nhiều lỗ hổng về mặt nghiên cứu, lý thuyết và thực nghiệm.
Trên thực tế, có tồn tại nhánh massage xương khớp nhằm mục đích thư giãn gân cốt và điều chỉnh tư thế, nhưng không tồn tại thuyết nắn xương dựa trên massage, vì cấu trúc xương được quy định bẩm sinh bởi gen.
Toàn bộ cơ sở luận của phương pháp massage nắn xương này dựa trên lý thuyết-định luật của Wolff. Luật này nói rằng việc kích thích cơ học lên xương sẽ tạo áp lực lên vùng xung quanh, từ đó, máu đổ dồn về vùng này và làm tăng lượng canxi trong máu dồn về vùng xương đó.
Vùng xương nhận được lượng canxi nhiều, theo thuyết này, sẽ tăng mật độ và dày hơn — tức xương sẽ to hơn, không phải thon gọn lại (12), (13).
Nghiên cứu về điện sinh học (bioelectricity) của tiến sĩ Robert O. Becker có lý giải về tính hiệu quả của luật Wolff (14). Theo đó, kích thích vật lý khiến các electron ở những vùng khác trong xương bật ra khỏi màng nguyên tử, di chuyển về vùng bị kích thích và tích tụ dần. Kết quả là các cation (điện tích dương) canxi, bao gồm canxi photphat và canxi oxalat, bắt đầu đi về phía vị trí các electron điện tích âm đang tập trung, từ đó làm tăng mật độ xương (13). Chúng ta có thể liên hệ lý thuyết này với những trường hợp về tục bó chân ở Trung Quốc, hoặc vận động viên tennis có mật độ xương dày hơn 20% so với người thường (15).
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu những buổi massage đau đớn, đầy áp lực và ngắt quãng đó có thực sự làm xương nhỏ lại, hoặc thậm chí là gãy xương. Đổi lại, chúng ta cũng có thể đặt ra câu hỏi rằng: Nếu áp lực massage mặt của các liệu pháp này không đau đớn như khi gãy xương thì liệu có tạo ra tác động đáng kể nào không, khi mà xương người vốn rất dày đặc và cứng?
Một lý do khác khiến liệu pháp nắn cằm V-line Golki vẫn chưa được công nhận là bởi tính độc quyền và không minh bạch trong nghiên cứu. Để trở thành chuyên gia Golki, bạn chỉ có thể được đào tạo và công nhận bởi chính trung tâm Yakson House Singapore – cũng là nơi tự áp dụng "công nghệ" này dựa trên một nghiên cứu chỉ gồm 16 mẫu (16).
Tương tự như trường hợp của mewing, phương pháp Golki được công ty Yakson bán ra như một "câu chuyện" đánh vào tâm lý sợ đau khi làm phẫu thuật can thiệp của người dùng – chính là nỗi ám ảnh mang tên "vẻ đẹp tự nhiên".
Các bằng chứng về tính hiệu quả đưa ra chưa có tính đối chiếu trong thời gian dài, chỉ như những giai thoại. Trong khi đó, những báo cáo tiêu cực về mức độ hiệu quả ngắn hạn và đau đớn của những người từng thử nghiệm thì lại nhiều hơn (17).
Trên thực tế, sự tác động đến cấu trúc xương như phương pháp Golki này có thể xảy ra, nhưng để thực sự có thay đổi, người thực hiện buộc phải duy trì liệu pháp — tương tự như tục bó xương hoặc nong cổ, nong tai...
Bạn có thể tự gây tổn thương cơ, xương nếu chủ ý thực hiện những liệu pháp can thiệp đau đớn mà không có sự tham khảo với bác sĩ chuyên khoa từ trước. Nếu bạn muốn có một chiếc cằm chữ V hoàn hảo và hiệu quả lâu, hãy thử tìm hiểu về các phẫu thuật can thiệp. Nếu bạn vẫn quyết định thử liệu pháp Golki, hãy tư vấn với bác sĩ trước nhé.
Thêm một trào lưu khác vẫn duy trì được độ "hot" trong vài năm qua là phương pháp Guu Sha, nhằm làm thư giãn cơ mặt, chống lão hóa, sử dụng chai nhựa và ống hút sao cho không để lại nếp nhăn, nhất là rãnh cười.
\
Gua Sha là một phương pháp massage mặt bằng đá quý (hoặc mảnh nhựa) bắt nguồn từ một thủ thuật xa xưa của người Trung Quốc với công dụng được cho là thư giãn cơ mặt và chống lão hóa.
Có lẽ Gua Sha nổi lên sau khi những bộ phim cung đấu tạo nên cơn sốt từ nhiều năm trước.
Trong tiếng Hoa, "Gua" nghĩa là vết trầy xước và "Sha" nghĩa là những đốm nhỏ màu tím hoặc đỏ. Điều nay nghĩa là phương pháp Gua Sha xoay quanh hành động dùng đá quý để cạo da mặt như một hình thức massage. Người xưa tin rằng làm vậy thì khí huyết trên mặt sẽ được lưu thông, các "huyệt" được đả thông và giải phóng độc tố, cũng như kích thích dẫn lưu bạch huyết.
Nguyên lý của Gua Sha là kích thích, củng cố chức năng miễn dịch của làn da, thông qua việc gây áp lực hoặc làm tổn thương nhẹ vùng da mặt để lưu thông khí huyết và giãn cơ mặt (18).
Sự thật là Gua Sha có tác dụng như massage kích thích hệ bạch huyết (lymphatic drainage massage), cải thiện hệ miễn dịch, cải thiện tuần hoàn máu và giảm áp lực cơ mặt, hiện đã được một vài nghiên cứu chứng minh (19), (20), (21), (22), (23), (24). Song, xét về tác động chống lão hoá thì hiện chưa có nhiều nghiên cứu ủng hộ.
Như vậy là không như nhiều quảng cáo đồn thổi, Gua Sha cũng như nhiều phương pháp massage mặt khác, không thể cải lão hoàn đồng hoặc điều chỉnh gương mặt như phẫu thuật thẩm mỹ được.
Massage da mặt có tác dụng lưu thông máu và thư giãn cơ mặt, nhưng không có tác dụng "căng da" hay chống lão hóa.
Độ đàn hồi của da có "thời hạn", bởi càng lớn tuổi, collagen càng giảm. Song song đó, các bài tập massage mặt chỉ giúp căng cơ dưới da, có các sợi biểu bì thì không hoạt động như thế. Thậm chí, bất kỳ thao tác nào lên da cũng có thể khiến da dễ nhão hơn, giảm đàn hồi (25). Thế nên, các bài tập căng da hướng lên trên vốn không mang lai nhiều hiệu quả, vì da không lưu trữ "ký ức" cơ bắp như thế.
Việc thực hành Gua Sha để chăm sóc da mặt được coi là an toàn, nhưng vẫn có một số rủi ro tiềm ẩn cần lưu ý (26):
Do đó, nếu bạn muốn thử liệu pháp Gua Sha, hãy tham khảo ý kiến với bác sĩ về tình trạng da và lịch sử bệnh để được tư vấn, giám sát và được hướng dẫn một cách an toàn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?