Với xu hướng sống độc lập và tinh thần tự do, mèo thường "cứng đầu", ít khi nghe theo lời và không dễ để huấn luyện. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng người bạn này có khả năng bắt chước hành động, thậm chí chúng còn mang những đặc điểm tính cách của chủ.
Từ trước đến nay, chỉ có cá heo, vẹt, vượn, chó và cá voi sát thủ được biết đến với khả năng bắt chước con người. Giờ đây, danh sách này được mở rộng thêm với sự góp mặt của loài mèo. Những năm trước, các nhà khoa học cho rằng mèo không có đủ khả năng nhận thức để bắt chước hành vi của chủ nhưng nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một điều ngược lại. Loài vật tưởng chừng như "chống đối xã hội" này lại thường xuyên chú ý và học hỏi hành động của người chăm sóc (1). Chúng sử dụng hành vi bắt chước như một công cụ giao tiếp và gắn kết.
Claudia Fugazza - nhà nghiên cứu tại Đại học Eötvös Loránd (Hungary) - đã nghiên cứu khả năng nhận thức của loài chó trong gần 10 năm bằng cách sử dụng phương pháp huấn luyện "Do as I Do". Theo đó, người huấn luyện sẽ thực hiện mẫu một số động tác và yêu cầu chú chó của họ lặp lại. Kết quả thử nghiệm cho thấy loài chó có thể nhớ và thực hiện các hành động phức tạp của con người (2). Sau đó, phương pháp này được Fumi Higaki - một nhà huấn luyện chó ở Ichinomiya (Nhật Bản) thử nghiệm cho loài mèo và cũng cho ra kết luận tương tự (3).
Dĩ nhiên, mèo không có khả năng thực hiện những hành vi phức tạp của con người nhưng chúng vẫn có thể phân tích và bắt chước một số động tác đơn giản như mở ngăn kéo, chạm vào đồ vật, nằm xuống hay cắn sợi dây… với hiệu quả lên đến 81%.
Mèo thường lặp lại hành vi của "con sen" để thiết lập một thói quen. Điều này không có nghĩa là bất kỳ thay đổi nhỏ nào trong thói quen hằng ngày của bạn sẽ khiến mèo rơi khỏi những vòng lặp thân thuộc. Mèo được biết đến với khả năng thích nghi cao. Chính vì vậy chúng có thể dễ dàng điều chỉnh các thói quen và môi trường mới, ngay cả khi không bắt chước.
Nhiều loài động vật học qua quan sát, bằng cách nhìn và bắt chước theo hành vi của con người, bao gồm cả mèo. Khi làm như vậy, mèo có thể có được các kỹ năng mới mà không cần hướng dẫn.
Khi mèo theo dõi hành vi của chủ hoặc những con mèo khác, chúng có thể "học lỏm" được những kỹ năng mới mà bình thường chúng không biết. Bằng cách đó, người bạn lắm lông này có thể nhanh chóng thích nghi và tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau.
Là động vật xã hội, mèo sử dụng khả năng bắt chước để củng cố mối quan hệ của chúng với con người cũng như đồng loại. Điều này càng đúng đối với mèo con và người chăm sóc, chúng sẽ phát triển mối quan hệ thân thiết với chủ ngay từ thuở lọt lòng.
Bên cạnh đó, khả năng sao chép của mèo không chỉ để gắn kết khăng khít với chủ mà còn để tạo nên một "hiệp hội" với những chú mèo khác trong gia đình. Bằng cách lặp lại các tư thế, tiếng kêu và ngôn ngữ cơ thể của nhau, mèo củng cố sự gắn kết và thiết lập mối quan hệ đồng loại bền chặt hơn.
Từ khả năng bắt chước hành vi này, mèo hình thành nhiều đặc điểm tính cách tương tự chủ của chúng. Điều đó càng thể hiện rõ hơn khi bạn là người đầu tiên chúng tiếp xúc và là người chúng ở cạnh mỗi ngày. Một con mèo con sao chép ngôn ngữ cơ thể và cách phát âm của mèo mẹ như một hình thức học tập quan sát. Nếu bạn nuôi mèo từ khi chúng còn nhỏ, chúng sẽ tưởng bạn là "mèo mẹ". Chúng sẽ bắt đầu theo "mẹ" đi khắp nhà, ngồi xuống bên cạnh, chạy nhảy hay ngủ cùng "mẹ".
Điều này khá giống với việc lối sống và thói quen của cha mẹ ảnh hưởng đến tính cách trẻ (4). Tất nhiên, tính cách của mèo cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, chẳng hạn như giống, gene và các tác nhân từ môi trường bên ngoài.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.