Đối với nhiều người, lãng phí thực phẩm đã vô tình trở thành thói quen hằng ngày mà họ không nhận ra, chẳng hạn như mua nhiều nguyên liệu hơn mức cần thiết cho bữa ăn, để mặc trái cây, rau củ hư hỏng trong tủ lạnh hoặc nấu nhiều hơn khẩu phần có thể ăn. Đây là một vấn đề phổ biến trên toàn toàn cầu và ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường sống - khi hơn ⅓ sản lượng lương thực đang bị thất thoát và lãng phí mỗi năm.
Tham khảo: https://www.wfp.org/stories/5-facts-about-food-waste-and-hunger
Số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói trên thế giới đã tăng lên 828 triệu người vào năm 2021 (tăng 150 triệu từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra) (2). Trong bối cảnh này, hơn 1,3 tỷ tấn lương thực sản xuất ra vẫn bị lãng phí. Nếu ví chất thải thực phẩm như một quốc gia, nó sẽ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hoa Kỳ (3).
Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), lượng thực phẩm bị thất thoát và lãng phí này có thể nuôi sống 1,26 tỷ người nghèo đói mỗi năm (4).
Theo một bài viết trên World Economic Forum (WEF), kể từ cuộc cách mạng công nghiệp vào những năm 1900, tình trạng lãng phí thực phẩm bắt đầu trở nên rõ ràng hơn (5). Trước đó, con người chủ yếu bảo quản thức ăn bằng cách ướp muối, gia vị, sấy khô… Đến khoảng những năm 1930, tủ lạnh ra đời giúp chúng ta bảo quản thực phẩm lâu hơn, nhưng cũng từ đó, quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp đã tăng cường việc sản xuất thừa (overproduction) để đáp ứng nhu cầu cung cấp thực phẩm cho nhiều người trong thời gian dài hơn. Điều này làm tăng dần lượng thực phẩm bị thất thoát và lãng phí.
Nếu thực phẩm thừa hoặc những thứ có thể phân hủy sinh học bị đổ vào bãi chôn lấp và thối rữa, chúng tạo ra khí metan (loại khí có khả năng giữ nhiệt trong khí quyển mạnh gấp 25 lần carbon dioxit, cắt giảm khí metan hiện đang là một chiến lược hiệu quả để giảm sự nóng lên toàn cầu) (6). Trong hai thế kỷ qua, nồng độ metan trong khí quyển đã tăng hơn gấp đôi, phần lớn là do các hoạt động liên quan đến con người. Các bãi chôn lấp và nước thải là một trong số đó, góp phần thải ra 67 triệu tấn metan (khoảng 20% tổng lượng khí metan) (7).
Thất thoát và lãng phí thực phẩm hiện đang chiếm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra - tương đương 4,4 tỷ tấn khí thải hằng năm (so với tổng số 50 tỷ tấn) (8), (9).
Khi lãng phí thực phẩm, chúng ta cũng đang lãng phí tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết như nước và năng lượng để sản xuất chúng (trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, đóng gói). Nông nghiệp chiếm đến 70% tổng lượng nước trên thế giới, vì vậy lãng phí thực phẩm là một sự hao hụt đáng kể đối với nguồn nước ngọt và nước ngầm (10).
Giả sử nếu vứt bỏ 2 kg thịt bò, bạn sẽ lãng phí 50.000 lít nước dùng để sản xuất thịt hoặc nếu bỏ đi một ly sữa, bạn đang đổ đi 1.000 lít nước sản xuất ra nó.
Khi dân số tiếp tục tăng, thách thức của thế giới không phải làm thế nào để tạo ra nhiều hơn, mà là nuôi sống nhiều người bằng cách tận dụng những gì chúng ta đã sản xuất, tức giảm lãng phí thực phẩm xuống mức tối thiểu. Bên cạnh các giải pháp của doanh nghiệp và chính phủ, chẳng hạn như biến thực phẩm thừa thành năng lượng tái tạo, tận dụng thức ăn bỏ đi để chăn nuôi gia súc, ủ phân làm chất dinh dưỡng cho đất và cây trồng…, mỗi cá nhân đều có khả năng tạo ra sự khác biệt đáng kể ở cấp độ người tiêu dùng.
Dưới đây là một số gợi ý giúp độc giả hạn chế lãng phí lương thực bằng những hành động nhỏ:
Nên lên danh sách mặt hàng cần mua và dựa trên đó để tránh mua sắm ngẫu nhiên. Một số người ưa chuộng mua hàng số lượng lớn, nhưng nghiên cứu chỉ ra cách chi tiêu này dẫn đến lãng phí thực phẩm nhiều hơn (11). Để không mua quá nhu cầu, hãy đến cửa hàng tạp hóa thường xuyên (vài ngày/lần) thay vì mua sắm số lượng lớn mỗi tháng.
Không nên đánh giá thực phẩm qua vẻ bề ngoài. Những loại trái cây, rau củ "xấu" thường bị vứt bỏ tùy tiện nhưng chúng có giá trị dinh dưỡng và hương vị như nhau. Khi ưu tiên rau củ hoàn hảo, các chuỗi cửa hàng sẽ chạy theo nhu cầu người dùng và chỉ lấy thực phẩm bắt mắt từ nông dân, dẫn đến số thực phẩm kia bị lãng phí.
Bảo quản thực phẩm đúng cách để tránh hư hỏng, chẳng hạn chỉ mua những gì bạn có thể ăn trong một tuần, giữ ngăn lạnh ở mức 5 độ C trở xuống, bảo quản thực phẩm tươi sống và các bữa ăn trong vòng 2 giờ sau khi mua hoặc đã nấu chín…
Một số loại rau quả như chuối, bơ, cà chua, dưa vàng, đào, lê, hành lá thải ra khí ethylene khiến thực phẩm gần đó hỏng nhanh hơn, hãy để tách chúng ra khỏi các loại khác. Nên di chuyển thực phẩm cũ ra phía trước tủ lạnh và đặt thực phẩm mới vào phía sau để biết nên dùng gì trước.
Nếu không ăn hết những gì mình nấu, hãy để tủ lạnh ăn sau hoặc dùng làm nguyên liệu sáng tạo món khác. Bảo quản thức ăn thừa trong hộp thủy tinh thay vì hộp nhựa mờ đục sẽ giúp chúng ta không bỏ quên thức ăn.
Bạn có thể tham khảo chương trình Best Leftovers Ever! trên Netflix để có thêm ý tưởng biến thức ăn thừa thành những món ngon tuyệt vời.
Bên cạnh đó, hãy gọi phần nhỏ hơn khi đặt đồ ăn hoặc ăn ở nhà hàng, ước lượng món ăn vừa đủ khi nấu để tránh bị thừa quá nhiều. Khi ra ngoài ăn, chúng ta có thể mang đồ thừa về nhà để thưởng thức.
Các phương pháp bảo quản như ngâm chua, lên men, sấy khô, đông lạnh… không chỉ thu nhỏ lượng khí thải carbon cá nhân mà còn giúp bạn tiết kiệm tiền nhờ duy trì thực phẩm lâu hơn. Hãy thử muối kim chi, dưa chua và làm thịt đông để đổi hương vị cho gia đình bạn. Trong trường hợp những đồ ăn dư thừa đã quá hạn và không thể ăn được, bạn có thể cân nhắc sử dụng chúng để ủ phân hữu cơ tại nhà.
Một số người thường bỏ vỏ rau củ quả hoặc da thịt gà khi chuẩn bị bữa ăn, nhưng điều này làm lãng phí nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Ví dụ, vỏ trái táo chứa chất chống oxy hóa có khả năng chống ung thư và một lượng lớn vitamin, chất xơ, khoáng chất (12). Da gà chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin B, protein, chất béo lành mạnh và selen (giúp chống viêm) (13).
Bằng cách mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm địa phương, chúng ta đang hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nhỏ trong cộng đồng và giúp giảm ô nhiễm môi trường nhờ rút ngắn khoảng cách giao hàng cho các phương tiện vận chuyển.
Quá trình sản xuất thịt nhân tạo in 3D giảm được nhiều chất thải thực phẩm hơn so với các phương pháp truyền thống nhờ chỉ tạo ra một lượng thịt nhất định, không sản xuất thừa. Thịt nhân tạo cũng làm từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật hoặc trồng trong phòng thí nghiệm nên sẽ giúp giảm tác động của lãng phí lương thực lên biến đổi khí hậu trong tương lai.
Một miếng thịt nhân tạo đang được "thiết kế" trực tiếp bằng các quy trình "in ấn" 3D (Ảnh: Redefine Meat).
Khi hàng trăm triệu người vẫn đang lo lắng về bữa cơm hằng ngày, những người có điều kiện ăn uống no đủ như chúng ta nên dành sự tôn trọng đối với thực phẩm bằng cách cắt giảm việc lãng phí.
Như đầu bếp người Pháp Adrien Guenzi đã chia sẻ với LeLa Journal: "Tôi không bao giờ bỏ phí thức ăn và cố gắng kiểm soát bằng cách chú ý hơn đến khẩu phần. Chúng ta chỉ cần nấu và ăn ở một mức vừa đủ. Đôi lúc tôi tình cờ thấy những người vô gia cư trên đường phố, họ rất gầy vì không đủ ăn. Tại các quốc gia ở châu Phi, điều này phổ biến hơn. Nhiều người thức dậy mỗi sáng chỉ có duy nhất mục đích tìm đủ thức ăn cho ngày hôm đó, làm sao để mua thực phẩm cho hôm nay và sống sót. Chúng ta lại có may mắn được ăn đủ mỗi ngày và có quyền lựa chọn thực phẩm mình mong muốn. Đây cũng là một phần lý do vì sao mình nên dành sự tôn trọng và biết ơn cho món ăn".
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.