Sau khi được xướng tên trên bảng đề cử "Best Boxed or Special Limited Edition Package" Grammy 2024, Duy Đào là cái tên được tìm kiếm nhiều nhất. Vậy giải thưởng danh giá này tôn vinh điều gì? Cùng LeLa Journal tìm hiểu về lịch sử của giải thưởng này, cũng như điểm mặt các đối thủ mà Duy Đào cần vượt mặt nếu muốn "ẵm giải".
Giữa muôn vàn những cái tên danh giá, đề cử Grammy 2024 bỗng xuất hiện một cái tên Việt Nam đầy tự hào: Duy Đào – chỉ đạo nghệ thuật cho album Gieo của Ngọt band. Điều gì đã khiến nghệ sĩ Việt được chú ý và lọt vào mắt xanh của hội đồng chấm giải năm nay?
Theo thông báo chính thức vào ngày 10/11/2023 trên website Grammy của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Hoa Kỳ, danh sách đề cử cho mùa giải Grammy lần thứ 66 đã được công bố chính thức.
Bên cạnh 3 giải mới được thêm vào Grammy 2024 là Best African Music Performance, Best Alternative Jazz Album và Best Pop Dance Recording, điểm đáng chú ý năm nay là sự xuất hiện của nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên lọt vào bảng đề cử Grammy: Duy Đào với album Gieo của Ngọt band.
Duy Đào là chỉ đạo nghệ thuật (art director) kiêm trưởng nhóm thiết kế (design lead) cho album Gieo của Ngọt band. Hạng mục mà nghệ sĩ Việt được đề cử là giải Best Boxed or Special Limited Edition Package(tạm dịch: Giải thiết kế bao bì/hộp đựng album phiên bản đặc biệt), thuộc hạng mục thứ 76 của Grammy. Ngay khi biết tin, nhà thiết kế trẻ Duy Đào đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình và tin tức này nhanh chóng lan rộng.
Nhiều khán giả theo dõi giải Grammy và người hâm mộ Ngọt band rất vui mừng trước tin này. Song, vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về giải thưởng, rằng liệu Ngọt hay Duy Đào sẽ là người "rinh" tượng vàng nếu chiến thắng. Thêm nữa, để chiến thắng, nghệ sĩ Việt Nam sẽ phải "đối đầu" với những đối thủ nặng ký nào?
Bài viết này sẽ giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về giải thưởng Best Boxed or Special Limited Edition Package đặc biệt này của Grammy, cũng như điểm qua những gương mặt anh tài khác đang cạnh tranh cùng ứng cử viên từ Việt Nam.
Trong các hạng mục giải thưởng của Grammy có nhiều giải thưởng có tên gọi khá giống nhau, khiến nhiều người dễ hiểu nhầm. Chính vì vậy, không ít công chúng thắc mắc về sự khác nhau giữa giải Best Boxed or Special Limited Edition Package và giải Best Recording Package. Song, có sự khác biệt rất lớn giữa hai giải này.
Đầu tiên, giải Best Recording Package xuất hiện từ mùa Grammy đầu tiên vào năm 1959 dưới tên gọi Best Album Cover, nhằm vinh danh những album có thiết kế bìa xuất sắc.
Từ 1962 đến 1965, giải này được phân ra làm hai hạng mục nhỏ là Classical (dành cho nhạc cổ điển) và Non-Classical (dành cho các dòng nhạc không phải cổ điển). Riêng trong giai đoạn 1966 đến năm 1968, giải lại được chia thành hai hạng mục khác là Nghệ thuật đồ họa (Graphic Arts) và Ảnh chụp (Photography). Mãi cho đến năm 1974 thì giải được đổi tên thành Best Album Package, kể từ năm 1994 thì đổi thành Best Recording Package và dùng cho đến hiện tại.
Riêng giải Best Boxed or Special Limited Edition Package chỉ được bắt đầu triển khai từ năm 1995, sau khi lĩnh vực thiết kế hộp và bao bì đóng gói album tách hẳn thành một hạng mục nghệ thuật riêng và nhận được sự quan tâm nhất định từ công chúng.
Như vậy, có thể nói một cách ngắn gọn rằng giải Best Boxed or Special Limited Edition Package dành để tôn vinh thiết kế đóng gói của hộp album, còn Best Recording Package dành để biểu dương thiết kế bìa album. Một điểm đáng lưu ý khác, cả hai giải này đều dành riêng cho cá nhân giám đốc chỉ đạo nghệ thuật (art director), không dành cho nghệ sĩ trình diễn, trừ phi họ cũng tham gia vào khâu sản xuất, thiết kế bìa.
Như vậy, nếu hạng mục giải thưởng này gọi tên "Duy Đào", bản thân anh sẽ là người có tư cách lên nhận giải.
Thiết kế bao bì và hộp album Gieo của Ngọt do Duy Đào thực hiện phải nói là rất "ăn khớp" với chất nhạc và dòng nhạc mà Ngọt thể hiện trong album lần này.
Chất psychedelic với những gam màu nóng như tím, đỏ, cam, xanh lá và những họa tiết kỳ ảo rất đặc trưng trong "văn hóa thức thần" này.
Bản thân Album Gieo của Ngọt là một sự hoài niệm của nhạc rock thập niên 80 cùng sự phóng khoáng của cùng pop art và văn hóa hippie, với những liên tưởng có phần hóm hỉnh với The Beatles trong Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club.
Việc sử dụng lại giai điệu của loạt phim hoạt hình Hãy Đợi Đấy kết hợp cùng những hiệu ứng distortion làm gợi lên cảm giác của những chiếc đĩa than thập niên 90, hay việc album ra mắt đúng ngày 8/12 nhân kỷ niệm 42 năm ngày mất của John Lennon.
Hòa quyện với không khí về ý tưởng và màu nhạc của Ngọt, bao bì và thiết kế album của Duy Đào cũng hưởng ứng, khuếch tán và làm nổi bật cái màu sắc ấy.
Tin vui vẫn còn vang vọng, nhưng để thực sự chiến thắng, Duy Đào sẽ phải cạnh tranh với những cái tên lớn sau:
Một trong các ứng cử viên nặng ký phải kể đến Jeff Mangum, người từng chỉ đạo thiết kế album In The Aeroplane Over The Sea (1998) vô cùng thành công của nhóm nhạc Neutral Milk Hotel. Phiên bản boxset cho tuyển tập nhạc phẩm xuất sắc Neutral Milk Hotel lần này của Jeff Mangum bao gồm chiếc hộp kính thiên văn bằng gỗ 12 inches (30,48 cm). Bên trong boxset là tổng hợp những bìa album và tác phẩm đơn được in trên giấy bìa cứng để đảm bảo màu sắc trung thực, sống động.
Boxset ấn tượng đến từ bộ đôi Jeri Heiden & John Heiden lấy cảm hứng từ nhiều loài chim hoang dã. Hộp album được thiết kế như một tấm bìa hồ sơ, với "nội thất" bên trong là những "tệp" đĩa than được thiết kế bao bì và bìa riêng. Mỗi đĩa là một bức khắc về một loài chim hoang dã. Chiếc hộp tuyển tập đĩa than này không khác gì một vườn chim quốc gia sống động, được trình bày bằng những gam màu nóng ấn tượng.
Nghệ sĩ kiêm đạo diễn, biên kịch, nhà sáng tạo nội dung Bo Burnham hợp tác cùng chủ nhiệm nghệ thuật Daniel Calderwood và cho ra boxset đầy ấn tượng tổng hợp đầy đủ những ca khúc mà anh đã dùng trong loạt chương trình Inside ăn khách. Boxset bao gồm 3 bìa vinyl đôi có tay gấp xuyên thấu được in thành ba màu đỏ, xanh dương và xanh lá (RGB). Bên cạnh đó, album còn bao gồm 24 tập chép nhạc (lyrics book), thiệp ảnh 12x12 và 3 tấm phim decal chất lượng cao (window cling).
Album tuyển tập của Lou Reed được chủ nhiệm Masaki Koike sáng tạo lại dưới phong cách pop art đầy màu sắc giống như trong nhạc của ông. Album bao gồm đĩa nhạc 7 inches (17,78 cm) được đặt tay gấp được thiết kế theo phong cách die-cut, 1 quyển sách nhạc (lyrics book) 28 trang được đóng gáy chỉn chu, kèm ghi chú của Greil Marcus, Don Fleming và Jason Stern, và thư tay được phục hồi của Reed gửi cho Delmore Schwartz năm 1964.
Nhìn lại dàn đề cử cho giải năm nay, có thể thấy thiết kế album Gieo không hề kém cạnh tí nào so với bạn bè quốc tế. Sự xuất hiện của nghệ sĩ Việt năm nay chắc hẳn sẽ khiến sự quan tâm đến giải Grammy lần thứ 66 này sôi sục hơn tại Việt Nam.
Để biết kết quả ra sao, hãy cùng LeLa Journal theo dõi khi lễ công bố giải thưởng Grammy danh giá lần thứ 66 được tổ chức vào ngày 4/2/2024 (theo giờ địa phương) tại thành phố Los Angeles, Hoa Kỳ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?