Như câu "nhân chi sơ, tính bản thiện", sự đồng cảm (empathy) và lòng trắc ẩn (compassion) đều là yếu tố tồn tại sẵn trong bản tính con người mà cha mẹ có thể nuôi dưỡng cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Đây cũng chính là nền tảng để hình thành lòng hiếu thảo cho trẻ. Vậy chúng ta có thể làm gì để trẻ thêm đồng cảm và nhân từ với mọi người?
Theo định nghĩa của Hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), đồng cảm là thấu hiểu một người bằng khung tham chiếu của họ chứ không phải của bản thân, hoặc gián tiếp trải nghiệm trải nghiệm cảm xúc, nhận thức và suy nghĩ của họ, đặc biệt là đồng cảm không nhất thiết phải dẫn tới hành động giúp đỡ (1); trong khi đó, lòng trắc ẩn là cảm giác thông cảm mạnh mẽ với cảm xúc đau buồn và nỗi khổ đau của người khác, với mong muốn giúp đỡ và an ủi họ (2).
Đặc điểm của đồng cảm chính là khả năng nhận thức của ta về trải nghiệm cảm xúc của người khác, cũng như nỗ lực cảm nhận từ góc nhìn của họ, còn đặc điểm của lòng trắc ẩn là mong muốn hành động để giúp đỡ người khác (3), (4).
Sự đồng cảm | Lòng trắc ẩn |
Cảm nhận cảm xúc của người khác | Sự cảm thông và quan tâm cho người đang chịu khổ đau |
Dẫn tới việc thông hiểu người khác | Dẫn tới hành động để giúp đỡ |
Có thể dẫn tới một số cảm xúc tiêu cực | Có thể dẫn tới cảm xúc tích cực |
Có thể tạo ra phản ứng chối bỏ, rút lui/thu mình, đặc biệt là khỏi tương tác xã hội hiện có | Tạo nên động cơ vị xã hội (pro-social) |
Phản ứng cảm xúc trước khổ đau | Phản ứng vị tha trước sự khổ đau |
Một điểm quan trọng của sự đồng cảm và cũng là của lòng trắc ẩn, chính là sự chấp nhận mà không phán xét. Điều này có nghĩa là khi thấy một người mệt mỏi và khổ đau, bạn không đổ lỗi, trách móc họ về nỗi đau của chính họ. Bạn chỉ ngồi xuống và chấp nhận rằng họ đang chịu buồn đau.
Chẳng hạn, khi con nhận tin báo thi trượt, việc đầu tiên cha mẹ làm là đồng cảm với cảm xúc tiêu cực của con và chấp nhận rằng con đang buồn. Đây chính là biểu hiện của sự đồng cảm.
Sự đồng cảm cho phép cha mẹ và con cái kết nối với nhau ở mức độ cảm xúc và thêm hiểu về quan điểm của nhau, ví như cha mẹ cảm thấy thất vọng hoặc buồn bã khi con họ thua một trò chơi hoặc không đạt được điểm cao trong kỳ thi.
Lòng trắc ẩn giúp các thành viên trong gia đình ý thức thực sự về sự quan tâm, lòng tốt và đặc biệt là sẵn sàng hành động để giúp đỡ nhau.
Chẳng hạn, khi người em nhận điểm kém, người anh cảm nhận được cảm xúc buồn của em mình vì bản thân người anh cũng từng bị như vậy - đây là sự đồng cảm; kể từ đó, người anh hướng dẫn người em học để cải thiện điểm số – đây là lòng trắc ẩn.
Có thể thấy cả lòng trắc ẩn và sự đồng cảm đều quan trọng trong tương tác xã hội nói chung và trong cuộc sống gia đình nói riêng. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với sự đồng cảm là nó cũng có thể lan truyền cảm xúc tiêu cực nếu không được điều chỉnh. Chẳng hạn, khi trong nhà có tranh cãi, tâm trạng của những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực theo.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology, một người đang đồng cảm cần phân biệt rõ cảm xúc thực sự của bản thân và cảm xúc của người khác. Bởi nếu không, chúng ta có thể lây lan cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực (3).
Bằng cách đồng cảm với một người, một đứa trẻ có thể trải nghiệm động lòng trắc ẩn và mong muốn được giúp đỡ người đó.
Có thể nói lòng trắc ẩn vượt lên trên sự đồng cảm thông thường ở điểm là khi được nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, chúng ta quan tâm sâu sắc và mong muốn xoa dịu nỗi đau của người khác. Sự đồng cảm có thể đóng vai trò là nhiên liệu cho lòng trắc ẩn. Trái lại, người chỉ có khả năng đồng cảm cao mà không được nuôi dưỡng lòng trắc ẩn thì có thể có nguy cơ gặp các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống, bao gồm cả vấn đề sức khỏe (5).
Đặc biệt, cũng phải nói thêm rằng trong một số trường hợp, chúng ta cũng có thể động lòng trắc ẩn mà không cần tới khả năng đồng cảm. Chẳng hạn, bạn có thể không hiểu, không "cảm" được chuyện một người lại có suy nghĩ như vậy, nhưng vẫn muốn giúp đỡ họ.
Hay nói cách khác, chúng ta thường có hiểu mới có thương, nhưng đôi khi, chúng ta cũng có thể... không cần hiểu cũng thương, giống như cha mẹ có thể thương con mà không cần lý do.
Lòng trắc ẩn và sự đồng cảm vốn cùng tồn tại. Bạn có thể "biến" sự đồng cảm thành lòng trắc ẩn bằng cách "hiện thực hóa" cảm xúc của bản thân thành hành động (4). Chẳng hạn, bạn thấy một cụ già gặp khó khăn khi băng qua đường, bạn nhớ tới ông bà bạn cũng già yếu như vậy, rồi bạn đi tới giúp đỡ cụ già đó.
Hành động giúp đỡ như vậy là biểu hiện của lòng trắc ẩn.
Hoặc, nếu lúc đó, con bạn đang đi cùng và được chứng kiến bạn đưa ra hành động giúp đỡ, trẻ cũng sẽ được nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. Đây cũng là một cách để dần khơi nguồn lòng hiếu thảo trong trẻ (5).
Trẻ em "học" được lòng trắc ẩn qua nhiều trải nghiệm, bao gồm cả việc chăm sóc thú cưng trong gia đình. Theo Richard Weissbourd, nhà tâm lý học về trẻ em và gia đình người Hoa Kỳ, phụ huynh nên tạo cơ hội cho con em mình thực hành sự quan tâm và lòng biết ơn. Cụ thể, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ thường xuyên gìn giữ những đức tính tốt đẹp này trong tương tác với những người quan tâm đến trẻ, cũng như dạy trẻ nên đóng góp, hỗ trợ người khác (6).
Hãy cho trẻ thực hành lòng trắc ẩn từ những hành động nhỏ nhất.
1. Dạy từ sách báo, phim ảnh: Những câu chuyện cổ tích sẽ là một "kho tàng" để bạn dạy con về lòng trắc ẩn. Vừa đọc truyện cho trẻ trước khi ngủ, cha mẹ vừa giảng giải cho trẻ hiểu những điều tốt – xấu, thiện – ác...
Những chương trình truyền hình có tính nhân đạo trên tivi cũng là ý tưởng tốt để bố mẹ có thể chỉ bảo cho con về sự chia sẻ và khơi gợi lên lòng thương người trong trẻ.
2. Từ người thật việc thật: Hãy chỉ cho trẻ thấy những tấm gương trong đời thật, từ những việc trong gia đình như biết lễ phép với ông bà, giúp đỡ cha mẹ, biết nói cám ơn, xin lỗi… tới những hoạt động ngoài xã hội như giúp người lớn tuổi sang đường, nhường ghế cho người già, giúp đỡ bạn bị ngã… cũng sẽ là những bài học trực tiếp quý báu dành cho trẻ.
Tuy nhiên, song song với đó, cha mẹ hãy giúp con phân biệt rõ giữa giúp đỡ người khác và bảo vệ bản thân nhé.
3. Kịp thời giải thích khi con sai: Ngay khi con có nhận định sai trái, cha mẹ cần cố gắng phân tích, giải thích cho trẻ. Điều này giúp trẻ điều chỉnh được cách nhìn nhận của mình tốt hơn.
4. Khen ngợi lòng tốt của con: Song song với đó, nếu trẻ đang cố gắng làm những việc tốt để giúp đỡ người khác, như là để dành tiền tiêu vặt nhằm ủng hộ vùng thiên tai, nuôi tóc để hiến cho các bệnh nhân ung thư… thì cha mẹ nên khen ngợi trẻ. Lời khen ngợi này sẽ giúp cho trẻ tin tưởng vào hành động của mình là đúng đắn, tốt đẹp, được mọi người ủng hộ và trẻ sẽ cố gắng phát huy ngày càng nhiều hơn.
5. Là tấm gương để con noi theo: Cách tốt nhất để dạy trẻ chính là cha mẹ trở thành tấm gương cho trẻ noi theo, như ví dụ ở trên.
Theo Thuyết Học tập Xã hội của Albert Bandura, mà thường được biết tới với thực nghiệm Búp bê Bobo (Bobo doll), chúng ta có thể thấy rằng nếu trẻ thấy người lớn làm mẫu những hành vi bạo lực tồi tệ hoặc thấy người lớn làm gương những hành vi tốt đẹp, trẻ sẽ học theo những hành vi ấy (7).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?