Vì sao một số người không thể hòa hợp với nhau? Vì sao lại có xung đột xảy ra trên thế giới?
Baden Euson cho biết, xung đột là kết quả của những bất đồng nhỏ và thường phát triển chậm theo thời gian. Những sự kiện này leo thang theo hình xoắn ốc (conflict spiral), bắt đầu từ mâu thuẫn nhỏ không dễ nhận biết cho đến khi hình thành bất đồng quan điểm công khai. Mâu thuẫn trải qua một số giai đoạn nhất định. Đầu tiên, chúng ta sẽ phải chịu đựng những điều khó chịu mà cuối cùng sẽ dẫn đến xung đột. Tiếp đến, sự khoan dung trong mỗi con người mất dần và kéo theo những tình huống trầm trọng hơn.
Vòng xoáy xung đột phát triển không ngừng sẽ đưa chúng ta đến một loạt vấn đề đi theo từng cấp độ, ví dụ như: gieo rắc tin đồn -> bất hợp tác -> trộm cắp, phá hoại -> cằn nhằn, than vãn -> đổ lỗi -> tranh cãi -> kéo bè phái -> khiêu khích -> bạo lực (đối với người khác hoặc bản thân).
Một khi mâu thuẫn vượt ngoài tầm kiểm soát, nó đưa đến những hậu quả như: gây ra cảm xúc khó chịu; gia tăng định kiến tiêu cực về người mà chúng ta đang không thích; giảm khả năng hợp tác giữa những người phải làm việc và sống cùng nhau, tạo điều kiện cho sự lãnh đạo chuyên quyền vì việc ra quyết định dựa trên thảo luận chung đã không còn. Mâu thuẫn cũng khiến chúng ta khó đứng dưới góc nhìn của người khác để đồng cảm.
Điều gì góp phần tạo nên xung đột? Euson phân tích một số nguyên nhân chính gây ra mâu thuẫn giữa chúng ta và người khác như sau:
Hai bên cùng mong muốn một điều, chẳng hạn những thứ nhỏ nhặt như chiếc áo độc nhất trong cửa hàng, chỗ đậu xe thoáng mát, chỗ ngồi gần cửa sổ cho đến tình cảm của một người khác, tài sản thừa kế, đất đai, hợp đồng kinh doanh, quyền kiểm soát chính trị của quốc gia… Khi một thứ gì đó không thể chia sẻ cho cả hai, mâu thuẫn có thể xảy ra.
Nền kinh tế suy thoái sẽ làm gia tăng căng thẳng. Những thời điểm khó khăn kiểu này có thể khiến một số cá nhân, cộng đồng hoặc quốc gia phát sinh xung đột nội bộ. Ví dụ, suy thoái kinh tế trong nước kết hợp với xung đột bên ngoài sẽ làm tình hình xung đột nội bộ ở cấp quốc gia trở nên tệ hơn.
Theo Euson, tất nhiên, giai đoạn khó khăn sẽ giúp một nhóm gắn kết hơn nếu các thành viên hiểu rằng sự hợp tác mới giúp xoa dịu tình hình và cùng nhìn nhận nghịch cảnh như là thách thức, chứ không phải thất bại (vì khi khó khăn trở nên “khó khăn”, mâu thuẫn sẽ vẫn tiếp diễn).
Chúng ta có thể hiểu sai một lời nhận xét/bình luận, xem đó là sự xúc phạm trong khi người kia không cố ý. Sự im lặng thường bị hiểu sai là thù địch, trong khi nó đơn thuần chỉ là im lặng. Những nhầm lẫn trong giao tiếp này sẽ dẫn đến mâu thuẫn và có khả năng bị đẩy lên cao nếu kỹ năng giao tiếp của chúng ta không giỏi.
Xuyên suốt lịch sử, con người đã quen với việc xem những người đến từ các chủng tộc, tôn giáo, giai cấp và khu vực khác là mối đe dọa (threats) hoặc đồng minh tiềm năng (potential allies).
Bên cạnh đó, chúng ta luôn nhìn nhận vấn đề theo những cách khác nhau. Ví dụ, cùng một câu chuyện nhưng mỗi người sẽ tập trung vào một khía cạnh/thông điệp, và góc nhìn của chúng ta thường phụ thuộc vào những gì bản thân quan tâm, những gì đã quen thuộc và những gì chúng ta xem là quan trọng.
Tính gây hấn, công kích có thể là một đặc điểm tiến hóa của con người. Các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học tiến hóa và xã hội học lập luận rằng, tổ tiên của chúng ta cần sự hung hăng để chống lại động vật hoang dã và tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Khi đó, những người cổ đại này đã gây hấn với nhau để tranh giành các nguồn tài nguyên khan hiếm như thức ăn và lãnh thổ.
Trong thời hiện đại, chúng ta có lẽ vẫn giữ những đặc điểm này mặc dù đang sống trong môi trường văn minh hơn và không mấy thiếu thốn. Nhân loại cũng có nhiều khả năng tiếp cận với "công cụ khuếch đại bạo lực" hơn (violence amplifiers), chẳng hạn như súng, bom, vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và sinh học.
Một số yếu tố khác như môi trường và sức khỏe cũng có thể góp phần gây ra xung đột. Thời tiết nóng hoặc đường phố đông nghẹt dễ khiến chúng ta nổi cáu. Những người thường xuyên ốm yếu, bệnh tật có ít khả năng chịu đựng các tình huống tranh chấp, mơ hồ hoặc biến đổi liên tục, dẫn đến việc dễ nảy sinh mâu thuẫn.
Mỗi người đều có cách phản ứng với xung đột khác nhau mà Euson gọi là conflict-handling styles (tạm dịch: phong cách xử lý xung đột). Có năm phong cách chính, đó là:
Mâu thuẫn không đem lại cảm giác dễ chịu và không dễ đối phó, nhưng đôi khi nó thúc đẩy chúng ta tạo ra những kết quả tích cực. Baden Euson cho rằng, khi những khó chịu ẩn chứa trong lòng cuối cùng cũng thể hiện ra ngoài, điều đó giải phóng chúng ta khỏi áp lực, khiến ta cảm thấy nhẹ nhõm và bình tĩnh xem xét lại vấn đề. Tranh cãi giúp chúng ta hiểu thêm về góc nhìn của những bên tham chiến và nhận ra một số thông tin hữu ích trong các quan điểm đối lập, cùng với đó là tìm ra góc nhìn mới cho chính mình.
"Mỗi người thậm chí có thể không nhận thức được quan điểm của bản thân, cho đến khi xảy ra tình huống xung đột buộc chúng ta bộc lộ những quan điểm đó. Đây cũng là lúc bạn nhận thức được điểm yếu cũng như sự không nhất quán trong ý tưởng của mình. Và điều này tiếp thêm động lực để chúng ta suy nghĩ và làm những điều mới lạ" - Euson nhận định (1).
Sự gắn kết trong nhóm có thể tăng lên khi các thành viên xích lại gần nhau hơn sau những căng thẳng bắt nguồn từ xung đột (và sự giải tỏa đi kèm khi đã giải quyết thành công xung đột đó). Mối liên kết giữa họ mạnh mẽ hơn chứ không yếu đi.
Nhà sinh vật học Charles Darwin cho biết, xung đột giữa các sinh vật sẽ giúp những loài có khả năng thích nghi nhất sống sót, do đó sự tiến hóa sẽ phụ thuộc vào xung đột. Cùng quan điểm đó, nhà kinh tế học Karl Mark lập luận rằng sự tiến bộ trong xã hội loài người phụ thuộc nhiều vào mâu thuẫn giữa các tầng lớp.
Hay như nhà viết kịch George Bernard Shaw đã diễn đạt theo một cách khác: "Người có lý sẽ tìm cách thích nghi với thế giới, người vô lý thì kiên trì cố gắng điều chỉnh thế giới theo chính mình. Vì vậy mọi tiến bộ sẽ phụ thuộc vào người vô lý" (2).
Trong Kỳ 2, LeLa Journal sẽ giới thiệu đến độc giả một phương pháp hóa giải xung đột tối ưu được áp dụng bởi nhiều chuyên gia, đó là đàm phán (negotiation). Và cụ thể hơn, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách làm thế nào để cả đôi bên cùng có lợi khi đang xảy ra mâu thuẫn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.