Không biết từ khi nào, chúng ta xem kim cương là biểu trưng cho sự bền vững, nên nhẫn kim cương được xem là vật định tình biểu trưng cho sự trường tồn của tình yêu. Và khi tỷ lệ kết hôn trong thời nay ngày càng giảm, các công ty kim cương buộc phải "phát minh" ra một huyền thoại mới để cứu vớt doanh số là... "kim cương hóa" tình bạn! Tuy nhiên, dù được "dán nhãn" định danh là tín vật cho rất nhiều tình cảm trong cuộc sống, kim cương vẫn luôn là "người bạn" mà ai cũng muốn "kết thân".
Chúng ta vẫn không thể quên được hình ảnh những quý bà lộng lẫy, chiếu sáng lấp lánh nhờ những bộ vòng kim cương như Nicole Kidman trong Moulin Rouge (2001), nữ hoàng nhạc pop Madonna trong MV Material Girl (1984).
Thế nhưng, sự thật không phải thế. Tiếc thay, kim cương không phải là bạn thân của phụ nữ, mà là của các tài phiệt, đặc biệt "trùm cuối" là tập đoàn kim cương De Beers.
De Beers (tên đầy đủ là De Beers Consolidated Mines) đã nắm giữ và thao túng thị trường kim cương quốc tế gần một thế kỷ qua. Không chỉ kiểm soát nguồn cung, kênh phân phối và danh sách các thị trường, De Beers còn quyết định giá thành và giá trị của kim cương toàn cầu.
Trong một quảng cáo cách đây hơn 100 năm của mình, De Beers đã bắt đầu nghĩ các chiến lược quảng cảo để gieo vào đầu công chúng quan niệm kim cương là giàu sang và quy gán kim cương gắn liền với sự trường tồn. Họ cho ra đời mẩu quảng cáo việc đàn ông phải cầu hôn vị hôn thê của mình trong một khung cảnh lãng mạn, sang trọng và phải có nhẫn kim cương thì mới chứng minh được tình yêu dành cho người phụ nữ của họ là bền vững. Chưa hết, việc Marilyn Monroe - một biểu tượng của văn hóa đại chúng - tuyên bố kim cương là bạn thân của phụ nữ cũng góp phần lan truyền quan niệm này.
Văn hóa đại chúng và các truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong cách xã hội nhìn nhận về nhẫn kim cương trong hôn lễ và sự vĩnh cửu. Các nhân vật nổi tiếng của công chúng đăng những chiếc nhẫn đính hôn với những viên kim cương khổng lồ như một cách thể hiện sự giàu có (và cả tình yêu). Chẳng hạn, chiếc nhẫn đính hôn của Jennifer Lopez được ước tính có giá trị ít nhất là 1,8 triệu USD (hơn 43 tỷ đồng), hay như chiếc nhẫn trị giá 2 triệu USD (hơn 48 tỷ đồng) của Paris Hilton và chồng cũ Chris Zylka.
Song song với cách tiếp thị đánh vào quan niệm và nhận thức, De Beers còn "đẻ" ra thêm công thức:
Giá trị của nhẫn đính hôn = ít nhất 1 tháng lương của người đàn ông (vào khoảng 1930)
= ít nhất 2 tháng lương của người đàn ông (vào khoảng 1982)
= ít nhất 2 tháng lương (vào khoảng XXI)
Do đó, nếu bạn thấy trong những bộ phim cũ, hoặc thậm chí là ngay trong những bộ phim hiện đại về đời sống tại Hoa Kỳ, khi người ta hỏi thông tin cụ thể về chiếc nhẫn kim cương và người phụ nữ giơ chiếc nhẫn ra thì đó không chỉ là khoe "sương sương". Đó thực chất là cuộc bàn luận về những "tháng lương" của người đàn ông.
Trong khi đó, mức lương trung bình tại Hoa Kỳ, tính theo thời điểm 2022 là 60.575 USD/năm (tương đương hơn 1,4 tỷ đồng). Tính theo công thức, một chiếc nhẫn kim cương nên có giá trị từ 10 - 15 nghìn USD (khoảng 243 tới 365 triệu đồng) - một áp lực tài chính khủng khiếp!
Theo The Knot, nguồn gốc của công thức xác định giá kim cương dựa trên thu nhập của đàn ông bắt nguồn từ thời kỳ Đại Suy thoái tại Hoa Kỳ, vào những năm 30 của thế kỷ trước. Khi đó, ngành công nghiệp kim cương điêu đứng vì kinh tế tuột dốc và họ không bán được viên kim cương nào. Điều quan trọng cần lưu ý là cho đến lúc này, kim cương chưa phải là tiêu chuẩn cho trang sức đính hôn (1).
Lúc này, để thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của thị trường (cũng như cải thiện cục diện tài chính), De Beers và một số nhà bán lẻ độc quyền khác (cartel) mới nghĩ ra một chiến dịch marketing đánh vào giấc mơ "một túp lều tranh, hai quả tim vàng cùng chiếc cà-rá hột xoàn".
Thông điệp xuyên suốt của họ là Kim cương là vĩnh cửu. Theo đó, nhẫn kim cương tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu và đàn ông phải dành ít nhất một tháng lương cho chiếc nhẫn định tình này.
Kết quả thu về ngoài mong đợi, theo Hội Đá quý Hoa Kỳ, chiến dịch này giúp họ tăng 50% doanh thu và đến cuối thể kỷ XX, gần như 80% nhẫn đính hôn đều có đính kim cương. Đến thập niên 80, để tối đa hóa lợi nhuận, De Beers thay đổi công thức thành 2 tháng lương, và cổ vũ phụ nữ cũng nên tặng ngược lại đàn ông nhẫn kim cương. Đến đầu thế kỷ XXI, công thức tăng lên 3 tháng lương.
Kim cương là bạn của truyền thông, văn hóa đại chúng và chủ nghĩa chuộng vật chất.
Nhưng liệu tình yêu có nhất thiết phải được "vật chất hóa"? Liệu rằng kim cương càng to thì tình cảm càng lớn? Ngày nay, nhiều bạn trẻ không còn nghĩ như thế, cũng như không xem kim cương như "minh chứng tình yêu" nữa.
Vậy, các nhà bán kim hoàn phải làm sao?
Theo báo cáo của Estate Diamond Jewelry năm 2022 trên 4.000 cặp đôi tại Hoa Kỳ, hơn 70% đôi mua nhẫn kim cương khi đang có nợ tài chính (2). Đa số những cặp đôi dùng nhẫn kim cương để làm minh chứng cho tình yêu đều ở mức thu nhập trung bình, nhưng khoản chi cho nhẫn cưới lại được ưu tiên hơn cả.
Bỏ qua áp lực xã hội, hơn phân nửa số người tham gia trả lời rằng họ chỉ rút hầu bao khoảng 500 - 2.500 USD cho nhẫn cưới - một con số cách xa rất nhiều so với công thức 3-tháng-lương. Theo tờ New York Times, trung bình người Hoa Kỳ thuộc tầng lớp bình dân hiện nay chỉ muốn chi khoảng 2 tuần lương cho nhẫn cưới (3).
Lý do người trẻ không chọn nhẫn kim cương làm trang sức đính hôn bởi vì sự lên ngôi của những vật liệu thân thiện môi trường hơn, có quy trình chế tác "đạo đức" hơn và ít bị "dò giá" như kim cương nhân tạo, hoặc các loại đá ít phổ biến hơn như hồng ngọc (ruby), lam ngọc (sapphire), ngọc trai (4).
Nguyên nhân thứ hai khiến nhẫn đính hôn kim cương không còn được ưa chuộng là vì... tỷ lệ hôn nhân giảm. Nhận thức về hôn nhân cũng như hành vi tiêu dùng của thế hệ Millennial và Gen Z không giống như các thế hệ trước. Họ không vung tiền cho những thứ mà họ nghĩ sẽ "chớm qua chóng tàn" như là hôn nhân. Số khác thì không có ý nghĩ kết hôn mà tập trung vào các mục tiêu lớn khác như mua nhà, chăm sóc bản thân, du lịch...
Nghiên cứu của Allen Downey tại Cao đẳng Olin trên 83.140 người Mỹ thuộc độ tuổi U30-U80 thấy rằng (5):
Xu hướng này càng đúng đối với các nước châu Á khi tỷ lệ thất nghiệp, giá nhà đất tăng phi mã và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn (6). Tại Việt Nam, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. HCM, độ tuổi kết hôn trung bình của người dân tại thành phố này đang tăng dần, chạm mốc 30 tuổi (7).
Khi nói về hôn nhân, nhiều người trẻ Việt chọn các giải pháp thay thế nhẫn kim cương đắt đỏ như hình xăm, nhẫn vàng truyền thống, kim cương nhân tạo.
Nguyên nhân thứ ba là kim cương ít hoặc thậm chí là không có giá trị đầu tư. Trái với những gì được truyền thông, kim cương không hề khan hiếm. Chưa hết, kim cương rất nhanh xuống giá và không giữ giá trị lâu. Kim cương được xem là tài sản có mức trượt giá ngang ngửa xe hơi (8), nên đây là một hình thức đầu tư "chỉ có lỗ".
Bên cạnh đó, hệ thống đánh giá kim cương 4C (màu sắc, mặt cắt, độ trong và kích thước) đôi lúc có nhiều sai lệch. Nếu bạn mua kim cương ở Hoa Kỳ, thì gần như chắc chắn bạn sẽ bị "chặt" với giá gấp đôi, trong khi viên kim cương chắc chắn bị "nâng" ít nhất 2 điểm theo thang đo 11 điểm của Viện Đá quý Hoa Kỳ.
Chính vì lẽ đó, giá kim cương toàn cầu đang có xu hướng rớt giá thảm vì người trẻ ngày càng ít mặn mà với loại đá chẳng hề quý hiếm như quảng cáo này (9), (10).
Từ thực tế đó, các nhà bán đã "platonic hóa" kim cương như một chiến thuật "bình cũ rượu mới".
Để bắt kịp xu hướng độc thân của thời nay, các cartel khai thác và chế tạo kim cương mới nghĩ ra một chiêu trò mới "lấy cảm hứng" từ quảng cáo năm 1982 của De Beers: lấy kim cương làm thước đo tình bạn.
Tình bạn kim cương thì phải được "đánh dấu" bằng kim cương, là xu hướng cũng như thông điệp mới mà các hãng trang sức đang cố gắng truyền thông. Như trong quảng cáo của công ty trang sức kim cương Jared dưới đây quay theo định dạng trắng đen, tình bạn kim cương cần phải có vật phẩm kỷ niệm tương xứng với sự lâu bền đó, và phải đủ sang trọng để thể hiện điều đó: Kim cương!
Song, điều trớ trêu là quảng cáo lại nhắm vào... kim cương hơn là ý nghĩa của tình bạn.
Jaya Saxena, phóng viên của tờ The Atlantic, nói rằng: "Bây giờ, việc đãi bạn bè một bữa trưa không còn đủ [để biểu trưng cho tình bạn]. Nếu bạn muốn biểu dương tình bạn, "tình chị em" trong hội nhóm, họ [các tay buôn và cartel kim cương] đang cố truyền tải thông điệp rằng mọi mối quan hệ đều nên được kỷ niệm bằng kim cương".
Câu trả lời là tùy bạn. Mình thích thì... mình thân với kim cương thôi.
Nếu có tài chính, bạn có thể thoải mái chọn nhẫn kim cương phù hợp với khả năng của mình. Nếu không, bạn có thể tham khảo một số lựa chọn khác đã nói ở phần trên như vàng, ngọc trai, kim cương nhân tạo, lam ngọc, hồng ngọc, ngọc lục bảo...
Bên cạnh đó, hãy cân nhắc về kích thước. Kim cương 0,9 carat có thể có mức giá khác xa 1 carat mà trông cũng khó phân biệt. Do đó, nếu bạn không muốn chi quá mạnh tay nhưng vẫn tối ưu hóa được khoản chi phí đó, hãy cân nhắc về kích thước của viên kim cương ở những nhà bán uy tín nhé.
Điều quan trọng khi bỏ ra một khoản tiền lớn để mua đá quý làm nhẫn kỷ niệm là cân đối chi phí và tránh nợ chồng chất nợ, cũng như cố gắng bỏ qua các công thức xác định giá trị nhẫn.
Để lên kế hoạch tài chính cho việc mua nhẫn đá quý, Ryan Marshall, chuyên gia kế hoạch tài chính được chứng nhận tại Tập đoàn Tài chính Ela, gợi ý bạn như sau:
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử công cụ ước tính giá thành nhẫn kim cương dựa trên thu nhập, lối sống và thói quen tiêu dùng cá nhân của Estate Diamond Jewelry ở bảng dưới.
Nguồn: Engagement Ring Calculator (Estate Diamond Jewelry)
Còn nếu bạn thực sự muốn chi mạnh cho một chiếc nhẫn đính hôn, bạn có thể cân nhắc biến nó thành một đồ gia bảo, vật gia truyền (heirloom), tức là con cháu bạn cũng có thể tái sử dụng khi cầu hôn trong tương lai. Theo cách này, chiếc nhẫn không chỉ mang ý nghĩa tình yêu hay gắn bó lứa đôi, mà còn có thể biểu trưng cho giá trị văn hóa gia đình, sự sung túc truyền thừa, cũng như sự hòa hợp giữa các thế hệ trong đại gia đình. Bạn có thể lựa chọn đặt riêng một chiếc nhẫn theo mẫu cổ điển, không dễ bị lỗi thời.
Bên cạnh các hình cắt phổ biến như tròn, vuông... bạn có thể tham khảo hình giọt nước - hay còn là hình cắt quả lê (pear cut) hoặc hình cắt hạnh nhân (marquise cut).
Tuy nhiên, hôn nhân, tình bạn hay bất kỳ mối quan hệ nào, đều không dựa trên vật chất mà cần dựa trên sự gắn bó cảm xúc, cũng như những trải nghiệm và kỷ niệm chung. Chúng ta không cần đến kim cương, hay vàng, hay đá quá để "định lượng" mối quan hệ.
Vậy nên, kim cương không phải là bạn của phụ nữ, càng không phải thuộc về các cartel. Kim cương dành cho tất cả những ai yêu thích loại "đá carbon cứng nhất tự nhiên" này.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?