Ghen tị không phải là điều mọi loài vật đều có vì nó đòi hỏi một sự nhận thức phức tạp về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng chó cũng biết “ghen” khi cảm thấy không được quan tâm đầy đủ như một thành viên mới trong gia đình hoặc một chú chó mới. Làm sao nhận diện khi nào chó cảm thấy ghen tị? Chủ nhân có thể làm gì để hỗ trợ chó nhà mình?
Trong thời gian dài, chúng ta tin rằng con người là loài duy nhất có khả năng nhìn ra sự bất công và thể hiện những hành vi ghen tị. Điều đáng ngạc nhiên là, những con chó cũng có nhận thức về vấn đề công bằng và sẽ trở nên bực bội nếu chúng cảm thấy một con chó khác đang được đối xử tốt hơn (1). Một nghiên cứu đến từ Đại học California đã chỉ ra, chó thể hiện nhiều hành vi ghen tị khi chủ có cử chỉ thân mật với một con chó nhồi bông biết sủa và vẫy đuôi. Những chú chó này đã lao vào và đẩy thú nhồi bông ra, cố gắng chen vào giữa chủ nhân và con chó giả (2).
Suzanne Hetts, chủ tịch Hiệp hội Hành vi Động vật (Animal Behavior Associates) cho biết: “Đây chính xác hơn là một tình huống cạnh tranh, trong đó vật nuôi cùng cạnh tranh với một cá thể khác như người, chó, mèo… để thỏa mãn mong muốn của nó”.
Dù những chú chó có trải qua một số cảm xúc cơ bản như sợ hãi, tức giận, vui mừng và ngạc nhiên, nhưng vẫn còn ít kết luận về việc chúng có thể cảm nhận những cảm xúc phức tạp hơn như xấu hổ, tội lỗi hoặc ghen tị (3). Trên thực tế, hành vi trông như là “ghen tị” thật ra bắt nguồn từ hai yếu tố bản năng trong tính cách của chó, đó là tìm kiếm sự chú ý (attention seeking) và bảo vệ tài nguyên (resource guarding).
Theo chuyên gia huấn luyện động vật Brandon McMillan, tìm kiếm sự chú ý và bảo vệ tài sản ở chó có thể giống như biểu hiện của sự ghen tị, nhưng động cơ tâm lý của hai hành vi này là khác nhau.
Đây là một dạng tìm kiếm sự kết nối qua việc cố gắng thu hút ánh nhìn của chủ nhân. Các chú chó sẽ nhảy, huých, rên rỉ, sủa, đánh rơi đồ trước mặt bạn, cắn quần áo của bạn hoặc lấy trộm đồ để bạn tương tác với chúng. Hành vi này thường thể hiện sự vui tươi, nghịch ngợm và nó trông giống như “ghen tị” trong trường hợp chó thấy bạn dành thời gian cho một chú chó hoặc một người khác.
Bảo vệ tài nguyên thực chất là bản năng thừa hưởng từ tổ tiên hoang dã của loài chó, thời mà chúng phải cạnh tranh nhau để bảo vệ những thứ quý giá như thức ăn. Nó thể hiện qua các hành động hung hăng như gầm gừ, cắn, đớp không khí… Chính vì đang cảm thấy lo lắng và đe dọa nên đây hoàn toàn không giống với sự đùa giỡn. Thông thường, chó sẽ bảo vệ tài nguyên bằng cách canh giữ thức ăn, đồ chơi, xương, giường ngủ (môi trường sống) và thậm chí là những người nó yêu thích.
Mặc dù bảo vệ tài sản là một đặc điểm tự nhiên của loài chó, đôi khi nó có khả năng gây ra nguy hiểm nếu người chủ chưa biết quản lý đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý cần làm nếu chó nhà bạn có nhiều biển hiện hung hăng thường xuyên.
Tránh lấy các vật dụng của chó: Chó có xu hướng bảo vệ đồ vật một cách bảo thủ hơn nếu chúng bị lấy đi các tài sản quý giá nhiều lần. Tránh lấy những vật dụng không nguy hiểm khỏi chó khi không cần thiết và cho phép chó ăn hết thức ăn của mình mà không bị gián đoạn giữa chừng. Nếu chó đang giữ một thứ gì đó nguy hiểm hoặc có giá trị, chúng ta nên trao đổi bằng cách đưa cho chúng đồ ăn vặt.
Tránh thử nghiệm xem chó phản ứng thế nào: Việc canh giữ tài sản tạo cho chú chó rất nhiều lo lắng và căng thẳng, nên khi chủ nhân cố tình kích hoạt hành động này - dù là với mục đích kiểm tra xem chó phản ứng thế nào hoặc đã thay đổi hành vi chưa - chó sẽ liên kết chúng ta với sự đe dọa, từ đó giảm mất niềm tin vào người chúng yêu thích nhất.
Biết chó thích bảo vệ những gì: Nên ghi chú lại những món đồ/những người chú chó muốn bảo vệ và chia sẻ thông tin này với bất kỳ ai chơi đùa cùng chó của bạn, như thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc người dắt chó đi dạo. Khi đã biết chó dễ cảm thấy tức giận nếu bị tước đoạt thứ gì, chúng ta sẽ tránh kích hoạt hành động này hơn, ví dụ như cho chó ăn trong phòng riêng, khay đồ ăn riêng để chúng không cảm thấy bị đe dọa.
Nắm được ngôn ngữ cơ thể của chó: Học về ngôn ngữ cơ thể của cún cưng giúp chúng ta xác định các tín hiệu cảnh báo về hành vi hung dữ trước khi bị cắn hoặc làm tổn thương. Một số dấu hiệu tinh tế bao gồm: liếm môi, quay đầu, ngáp và “mắt cá voi” (mở to mắt, để lộ tròng trắng)...
Huấn luyện trước khi có “nhân vật” mới: Chủ nhân cần huấn luyện trước cho chó bằng những phương pháp bài bản trước khi ngôi nhà có thêm người ở hoặc một động vật khác. Điều này sẽ giúp cún cưng học cách tin tưởng, sống chung với nhân vật mới trong nhà và không còn xem đây là mối đe dọa.
Các hành vi tìm kiếm sự chú ý thường chỉ khiến chủ nhân khó chịu chứ không gây nguy hiểm, nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện một số biện pháp để quản lý đặc điểm này ở chó.
Tạo thói quen: Tập cho chó quen dần với một thời gian biểu rõ ràng sẽ giúp chó biết trước chúng cần phải làm gì và nhận được gì từ người chủ, từ đó hạn chế các hành động bộc phát. Hãy đặt các mốc thời gian cố định trong ngày để cho chó ăn, đi dạo và chơi đùa cùng chúng.
Tương tác thay vì phớt lờ: Nên để ý đến chú chó những lúc chúng cần sự quan tâm, thể hiện nhiều hành vi nhằm thu hút sự chú ý của bạn. Bất kỳ hành động tương tác nào cũng đều tốt hơn phớt lờ chó hoàn toàn, kể cả khi bạn la mắng chúng. Chỉ nên ngừng quan tâm khi đã “đáp ứng” đầy đủ nhu cầu của chúng trong ngày.
Khiến chó cưng “bận rộn” với một thứ gì đó: Nếu bạn bè sang chơi hoặc bạn đang làm gì đó cần đến sự tĩnh lặng, hãy đưa cho chó thứ gì đó để nó tập trung, ví dụ như một khúc xương để gặm hoặc món đồ chơi yêu thích. Bạn cũng có thể dùng dây xích chó lại để hạn chế các hành vi tìm kiếm sự chú ý trong những tình huống quan trọng.
Khen thưởng hành vi tốt: Nếu chú chó đến gần bạn để tạo sự chú ý nhưng không khiến bạn khó chịu, hãy thưởng cho chúng một vài hành động thể hiện tình cảm tích cực như vuốt ve hoặc cho đồ ăn vặt. Củng cố các hành vi tốt ở chó sẽ động viên chúng tiếp tục thể hiện sự “điềm tĩnh” (như việc nằm yên lúc khách đến nhà) và không làm phiền chủ nhân khi họ đang bận.
Trên hết, dành thời gian nhiều hơn cho chó vẫn là cách giúp chúng cảm thấy được yêu thương và quan tâm nhất, nhờ đó giảm được những hành vi không mong muốn để tạo sự chú ý hoặc bảo vệ tài sản. Nếu những biểu hiện này gây trở ngại nhiều trong đời sống hằng ngày của cả chó và bạn, hãy cân nhắc liên hệ với bác sĩ thú y để loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn nếu có.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.