Trước nay chúng ta vẫn biết rằng thụ tinh là cuộc chiến mà tinh trùng "thắng đường đua để tới đường đời" và trứng chỉ là một "phần thưởng thụ động". Tuy nhiên, phát hiện khoa học mới nhất về chủ đề này đã bác bỏ điều đó.
Đã từ lâu, giới khoa học đặt ra một nghi vấn rằng nếu tinh trùng thực sự tranh giành quyền tiếp cận trứng thì ắt phải dẫn đến một tỷ lệ xuất hiện cố định các tổ hợp gen của hợp tử. Tuy nhiên, qua quá trình quan sát tại phòng thí nghiệm, Tiến sĩ Joeseph Nadeau đã phát hiện có một số giao tử xuất hiện với tần suất nhiều hơn hẳn so với các giao tử khác. Sau khi loại bỏ những giải thích thay thế khả dĩ, Tiến sĩ Nadeau đã đi đến kết luận rằng thụ tinh không phải là một tiến trình ngẫu nhiên (1). Nghiên cứu của ông được công bố vào năm 2017 đã đưa ra giả thiết rằng trứng sẽ thu hút những tinh trùng có một số kiểu gen cụ thể và ngược lại (1).
Đây là một giả thiết trong luồng quan điểm của giới nghiên cứu sinh học rằng trứng vốn không phải là một tế bào thụ động và "ngoan ngoãn" như những nhận định trước đây. Hiện nay, các học giả đang dần nhìn nhận vai trò đồng đẳng và vị thế chủ động của trứng trong tiến trình thụ tinh.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng đồng ý rằng nghiên cứu giải phẫu sinh sản ở con cái vẫn khó khăn và còn nhiều bí ẩn, nhưng những nhận định mới về vai trò của con cái trong tiến trình thụ tinh đang dần mở rộng (2). Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu được thực hiện để kiểm nghiệm tiến trình thụ tinh ở động vật.
Kết quả cho thấy những tương tác giữa trứng và tinh trùng sau giao phối là một phương thức để con cái lựa chọn giao tử từ con đực (3), (4).
Một công bố khác chứng minh sự chủ động tham gia của trứng trong tiến trình thụ tinh trên người đã chỉ rõ những gì xảy ra khi trứng và tinh trùng tiến hành thụ tinh (5). Đây là một tiến trình có thể kéo dài từ hai đến bốn ngày, chứ không chỉ là một khoảnh khắc. Tinh trùng chưa hoàn toàn trưởng thành khi vừa mới được phóng ra, do đó chưa thể xâm nhập vào trứng ngay lập tức. Chức năng của tinh trùng chỉ được hoàn thiện khi tới ống dẫn trứng.
Tại thời điểm tinh trùng tìm thấy trứng và bám vào lớp vỏ ngoài của trứng, protein trên lớp vỏ sẽ tạo ra một phản ứng hóa học ở lớp màng tế bào tinh trùng. Khi tinh trùng đã gặp được màng tế bào trứng, màng tế bào của cả trứng và tinh trùng sẽ sáp nhập vào nhau, và nhân của tế bào tinh trùng sẽ dần tiến vào tế bào chất của tế bào trứng (5). Nhân tế bào trứng cần vài giờ để hoàn thành tiến trình giảm phân, sau đó, nhân của hai tế bào trứng và tinh trùng sẽ nhập vào nhau thành một. Lớp màng nhân sẽ tiêu biến và nhiễm sắc thể lập tức phân bào. Ở phôi thai người, bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội trong nhân không hề xuất hiện ở giai đoạn hình thành hợp tử, mà xuất hiện ở giai đoạn tế bào kép.
Do đó, có thể kết luận rằng ống dẫn trứng không chỉ thụ động chờ đợi tinh trùng, mà cả trứng và tinh trùng đều có vai trò chủ động trong tiến trình thụ tinh (5).
Một nghiên cứu khác đã được thực hiện tại Đại học Stockholm và được công bố bởi The Royal Society Publishing. Đối tượng nghiên cứu là những đôi đang trải nghiệm các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi tìm đến trứng, tinh trùng nhận được các tín hiệu từ trứng chưa được thụ tinh và/hoặc ống dẫn trứng, từ đó điều chỉnh hướng đi của mình.
Như vậy, tương tác hóa học giữa trứng và tinh trùng sau khi giao phối cho phép cơ thể nữ giới lựa chọn ra tinh trùng được phép thụ tinh với trứng của mình (6). Nếu như trước đây, các quan điểm truyền thống cho rằng vai trò chủ yếu của hóa-ứng-động chỉ là tăng tương tác giữa trứng và tinh trùng (7) thì những kết quả từ nghiên cứu này cho thấy tương tác hóa học giữa trứng và tinh trùng cũng có vai trò chọn lọc về mặt tính dục (6).
Tính chủ động của trứng trong tiến trình thụ tinh đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu, nhưng đến tận bây giờ, ý niệm về "cuộc đua" của tinh trùng vẫn còn nhận được sự công nhận từ nhiều người. Có lẽ nó ít nhiều đến từ định kiến về giới, rằng nam giới thì dũng mãnh, quyết đoán, và chủ động, còn nữ giới thì mỏng manh, dịu dàng, và thụ động (8), nhưng phát hiện nghiên cứu này có thể được coi như một cột mốc lớn, đánh dấu "quyền tự quyết" của giống cái trong tự nhiên.
Đây là một khởi đầu thú vị để con người hiểu hơn về cách cơ thể vận hành, song, vẫn cần nhiều công trình nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu rõ hơn về cách trứng lựa chọn tinh trùng. Riêng đối với kết quả này, vẫn còn là quá sớm để kết luận về giá trị mà nó mang lại cho việc nghiên cứu sinh học nói riêng lẫn đời sống con người nói chung.
Tuy nhiên, nếu mở rộng góc nhìn và tiếp cận nó theo quan điểm hiện sinh, liệu từ đây, chúng ta có thể dự báo được những câu hỏi hiện sinh mới? Rằng tại sao chúng ta lại tồn tại, không chỉ vì chúng ta đã vô tình "chiến thắng" trong cuộc đua thụ tinh, mà vì chúng ta đã "được chọn" để xuất hiện trong cuộc đời này?
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.