Ở Việt Nam hiện nay đang có hai quan điểm trái chiều về thời gian học bảng chữ cái ở trẻ. Một số cho rằng việc này nên bắt đầu khi trẻ lên năm hoặc sáu tuổi, và đa số các trường mẫu giáo trong nước cũng đang thực hiện việc này. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu khoa học lại chỉ ra rằng độ tuổi từ hai đến bốn tuổi mới là "thời điểm vàng" để trẻ học hỏi. Vậy đâu mới quan điểm hợp lý để các bậc phụ huynh tham khảo cũng như làm thế nào để áp dụng vào việc giáo dục con trẻ? Hãy cùng Lela Journal đi tìm câu trả lời xác đáng cho vấn đề này.
Nghiên cứu của hai tác giả Dorothy S. Strickland và Shannon Riley-Ayers phát hiện ra rằng những đứa trẻ có nền tảng vững chắc về bảng chữ cái và kỹ năng đọc viết sớm trước bốn tuổi sẽ thể hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra về đọc viết sau này (1). Thông qua việc đọc hiểu sớm hơn, trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển các kỹ năng bổ ích khác.
Một số nghiên cứu độc lập của Elizabeth Sulzby và William H. Teale cũng ủng hộ quan điểm trên. Những nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp xúc sớm với bảng chữ cái đối với các kỹ năng đọc & viết trong tương lai của trẻ. Điều đáng chú ý là những nghiên cứu này cho thấy lợi ích của việc bắt đầu học sớm, nhưng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu dạy bảng chữ cái và khuyến khích niềm yêu thích học tập ở trẻ (2).
Quan điểm về việc cho trẻ học bảng chữ cái sau năm hoặc sáu tuổi bắt nguồn từ nhiều ý kiến nhận định rằng: Trẻ em ở độ tuổi này có nền tảng vững chắc hơn về các kỹ năng ngôn ngữ cơ bản và khả năng ghi nhớ thông tin mới tốt hơn.
Một số quan điểm tiêu cực hơn có thể tìm thấy ở các bài báo trước đây khi cho rằng trẻ học chữ cái sớm là đang phát triển lệch lạc và không đúng với tự nhiên. Các quan điểm này chủ yếu dựa trên niềm tin rằng trẻ trước 4 tuổi đang phát triển óc sáng tạo và nếu chúng ta can thiệp thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng này. Ngoài ra những người này cũng cho rằng phương pháp dạy trẻ học chữ cái không đúng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tư thế và thói quen của trẻ khi lớn lên.
LeLa Journal cho rằng rất khó để phân biệt đúng sai trong cách giáo dục con trẻ ở các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên việc hiểu về lý do cho những sự khác biệt đó sẽ giúp chúng ta chọn được cách phù hợp hơn để nuôi dạy trẻ.
Sau khi đã có một cái nhìn khách quan nhất về việc học bảng chữ cái của trẻ, nếu phụ huynh nào vẫn có ý định tự dạy cho trẻ ở nhà thì LeLa Journal xin giới thiệu một số phương pháp, giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy cũng như giúp khoảng thời gian vừa học vừa chơi trở nên ý nghĩa hơn với cả trẻ con lẫn người lớn.
1. Học từ các bài hát: Âm nhạc luôn là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc giáo dục, nhất là đối với trẻ từ hai đến bốn tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ em rất háo hức và tò mò khi khám phá thế giới xung quanh, thế nên, âm nhạc với nhịp điệu bắt tai và ca từ ngộ nghĩnh có thể thu hút sự chú ý của chúng. Có rất nhiều bài hát thiếu nhi liên quan đến bảng chữ cái bằng tiếng Việt cho bé có thể kể đến như: A con cá sấu (536 triệu lượt xem trên YouTube), ABC Song (149 triệu lượt xem trên YouTube), Abc Song… Hoặc phụ huynh có thể tự tìm hiểu để chọn bài hát phù hợp với cả mình lẫn trẻ.
2. Vừa học vừa chơi: Nếu có thể tạo ra những trò chơi thú vị và vui vẻ, trẻ có thể sẽ chịu học bất cứ thứ gì chứ không riêng gì bảng chữ cái. Các trò chơi mà phụ huynh có thể tham khảo đó là:
3. Học bằng những đồ vật trong và ngoài nhà: Một cách học rất hiệu quả mà những người học ngoại ngữ thường áp dụng đó là gắn thẻ gọi tên lên từng đồ vật mà chúng ta thường tiếp xúc. Bằng việc nhìn chúng mỗi ngày, trẻ sẽ nhớ lâu và học thuộc lòng bảng chữ cái nhanh hơn.
4. Học qua các phần mềm. Trên các ứng dụng và website hiện này có khá nhiều phần mềm hỗ trợ việc học bảng chữ cái rất tốt như Piano Kids, VKids, Viet Kids... Phụ huynh có thể tham khảo nhưng hãy cân nhắc về thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ.
Trên hết, việc học những điều mới mẻ phải là một quá trình tự nguyện, vui vẻ và không căng thẳng. Khi còn nhỏ, trẻ em chủ yếu học hỏi từ cha mẹ, vì vậy hãy sử dụng giai đoạn này như một khoảng thời gian để quan sát và cùng trẻ khám phá những điều thú vị xung quanh. Hãy kiên nhẫn, hỗ trợ và động viên các em vì giai đoạn tiếp thu kiến thức ban đầu sẽ có tác động rất lớn đến thái độ học tập của trẻ sau này.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?