Giáo dục là nền tảng vững chắc để khuyến khích trẻ phát triển tiềm năng và tính cách ngay từ những ngày còn nhỏ. Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu hai phương pháp giáo dục giúp khơi gợi lòng ham muốn tìm hiểu và trí sáng tạo ở trẻ.
Montessori và Steiner là hai mô hình phổ biến trong giáo dục ngày nay. Bằng việc áp dụng các phương pháp trên, chúng ta có thể khuyến khích trẻ phát huy tiềm năng và trí sáng tạo một cách hiệu quả.
Phương pháp này có tên đầy đủ là Steiner Waldorf, được phát triển dựa trên những ý tưởng của nhà triết học Rudolf Steiner vào đầu thế kỷ XX. Mục đích trọng tâm của giáo dục Steiner là phát triển hài hòa giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành động ở trẻ. Điều đó giúp đặt nền tảng cho khả năng thích nghi, sự chủ động và sức mạnh tinh thần khi chúng trưởng thành. Trẻ sẽ nhận thức được nhu cầu về thể chất, cảm xúc cũng như trí tuệ của mình.
1. Tập trung vào các yếu tố thẩm mỹ và nghệ thuật
Chương trình giảng dạy của Steiner thường bao gồm nghệ thuật thị giác và các bộ môn thủ công, âm nhạc, kể chuyện, kịch… Trẻ em sẽ được tiếp cận mọi thứ một cách sáng tạo, nghệ thuật thay vì học thuật để được kết nối với đời sống tinh thần của chúng. Phương pháp Steiner cũng khuyến khích trẻ làm quen với màu sắc, tiếp xúc với các câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn nhằm trau dồi trí tưởng tượng (1).
2. Chơi trò chơi
Trò chơi được xây dựng từ những món đồ dễ kiếm như sỏi, lá cây, ruy băng… sẽ phát huy khả năng tư duy của trẻ khi chúng tìm cách ứng biến với những vật liệu đơn giản này. Chúng ta nên hạn chế đồ chơi bằng nhựa, thiết bị điện tử để giúp trẻ có những kết nối sâu sắc với thế giới tự nhiên xung quanh (2).
3. Đảm bảo nhịp sống của trẻ bằng các hoạt động đều đặn
Điều này được thể hiện qua lịch trình hoạt động hàng ngày, hàng tuần và hàng năm theo chu kỳ. Phụ huynh có thể thiết lập các thói quen hàng ngày cho trẻ như thắp một ngọn nến để kể chuyện, hoặc để cho một ngày của trẻ bắt đầu và kết thúc bằng những bài hát, câu chuyện. Cùng với đó, các trường học cũng tổ chức những lễ hội theo mùa để trẻ có ký ức tốt đẹp và thú vị (3).
4. Người lớn là tấm gương cho trẻ em
Các nhà giáo dục Steiner tin rằng những đứa trẻ mầm non nên được tạo điều kiện để tham gia vào các công việc hữu ích cho cuộc sống như làm việc nhà, nấu ăn, làm vườn, theo đuổi nghệ thuật… và qua đó hình thành các thói quen tốt. Trẻ em sẽ quan sát hoạt động của giáo viên, cha mẹ để học hỏi tính tổ chức và kỷ luật trong quá trình làm việc.
Mô hình giáo dục Montessori do bác sĩ Maria Montessori khởi xướng vào những năm 1900 tại Rome (Ý). Phương pháp giáo dục này lấy trẻ làm trung tâm, để chúng được giữ vai trò chủ động trong quá trình học tập theo tốc độ của riêng mình (4).
Trong quá trình tham gia lớp học Montessori, học sinh sẽ đưa ra giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề và giáo viên sẽ là người quan sát, hướng dẫn. Chúng ta có thể áp dụng các quy tắc Montessori tại nhà và trường học để giúp trẻ phát triển toàn diện. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn loay hoay chưa biết bắt đầu phương pháp này từ đâu.
Với Montessori, tất cả sự thay đổi đều bắt nguồn từ một tư duy: Trẻ em - ngay cả những đứa trẻ nhỏ nhất - cũng có nhiều khả năng hơn chúng ta nghĩ. Một khi nhận ra điều này, chúng ta có thể bắt đầu thực hiện một số thay đổi trong phạm vi gia đình để giáo dục trẻ thành công.
LeLa Journal đã có một bài viết chi tiết giới thiệu về phương pháp giáo dục này, bạn có thể đọc thêm tại đây.
1. Sắp xếp nhà cửa gọn gàng với các vật dụng đặt đúng vị trí
Bằng cách này các phụ huynh có thể dạy con có trách nhiệm với những món đồ chúng đã sử dụng. Ngoài ra, nhằm khơi gợi khả năng sáng tạo ở con cái, khi thiết kế phòng ngủ cho bé, cha mẹ nên sắp xếp một không gian đầy cảm hứng để trẻ làm bài tập về nhà, chơi và thư giãn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên sắp xếp lại đồ chơi và sách của bọn trẻ sau một thời gian. Điều này giúp kích thích sự tò mò của trẻ và hạn chế sự nhàm chán trong ngôi nhà mà bé tiếp xúc mỗi ngày (5).
2. Phát triển kỹ năng qua hoạt động ngoại khóa
Những hoạt động ngoại khóa cũng có thể giúp các em phát triển kỹ năng tìm tòi, khám phá. Trong phạm vi quanh nhà, phụ huynh có thể tạo điều kiện để trẻ trải nghiệm các hoạt động làm vườn, chăm sóc động vật, chơi trò chơi… Qua đó, trẻ sẽ được khơi gợi niềm say mê đối với thế giới xung quanh. Bác sĩ Maria Montessori cũng cho rằng khi bước ra ngoài vận động, trẻ sẽ có sự thôi thúc từ chính bên trong, khiến chúng càng muốn khám phá nhiều hơn về đời sống tự nhiên (6).
3. Tương tác xã hội
Các lớp học Montessori thường được thiết kế theo môi trường xã hội thu nhỏ để trẻ được hòa nhập và tương tác với nhau như trong một cộng đồng. Những đứa trẻ ở nhiều nhóm tuổi khác nhau được xếp chung một lớp học. Ở đó, trẻ được điều hướng cả về thể chất lẫn tinh thần thông qua các hoạt động hàng ngày. Bọn trẻ sẽ cần hợp tác để đưa ra giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động nhóm.
4. Tập trung vào động lực bên trong hơn là những phần thưởng
Phương pháp Montessori không khuyến khích chúng ta trao những phần thưởng vật chất như phiếu thưởng hoặc kẹo khi trẻ làm được điều gì đó. Thay vào đấy, có thể dùng nhiều lời khen có giá trị để kích thích động lực bên trong trẻ, khiến trẻ càng muốn làm tốt hơn ở những lần sau. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh, giáo viên nên giúp trẻ có được cảm giác vui sướng, tự hào khi học thêm những điều mới hay khi hoàn thành tốt một nhiệm vụ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?