Một trong những chủ đề quan trọng được nhắc đến thường xuyên trong giáo dục hiện đại chính là đào tạo một thế hệ "công dân toàn cầu". Trong bài viết này, LeLa Journal sẽ cùng độc giả phân tích một cách khái quát và toàn diện về ý nghĩa, mục đích của công dân toàn cầu, để hiểu được lý do tại sao đây chính là thế hệ sẽ xây dựng một thế giới đoàn kết hơn.
Khái niệm "công dân toàn cầu" (global citizen) không chỉ là tên gọi chung cho những người có đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng và giá trị để tham gia vào các hoạt động toàn cầu, mà còn dùng để mô tả tư duy, tinh thần chủ động và trách nhiệm trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Điều này bao gồm sự nhạy bén với nhiều vấn đề toàn cầu và sự phát triển bền vững, điển hình như các vấn đề về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và hòa bình thế giới.
Hơn hết, công dân toàn cầu cũng không hẳn chỉ bao gồm những người sở hữu cuốn hộ chiếu đóng nhiều con dấu của nhiều quốc gia.
Giáo dục về công dân toàn cầu đã trở thành một từ ngữ mà các tổ chức giáo dục quốc gia và các học giả đã sử dụng trong vài năm qua để định rõ sự quốc tế hóa ngày càng nổi bật trong giáo dục (1). Một trong những lời phê bình thường gặp về giáo dục công dân toàn cầu (GCE) là các khái niệm chính của nó chủ yếu chỉ gắn liền với các lý tưởng, giá trị, quan điểm của xã hội phương Tây (2).
Ngày nay, công dân toàn cầu được quan tâm ở hầu hết các nền giáo dục, thông qua các chương trình giáo dục quốc tế như IBDP, Cambridge (với môn Quan điểm toàn cầu), hoặc các chương trình giáo dục có chuẩn đầu ra đáp ứng các bộ kiến thức, kỹ năng, thái độ liên quan đến tư duy toàn cầu (3).
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), các khái niệm quan trọng liên quan đến công dân toàn cầu gồm: nhận thức, sự tham gia, trách nhiệm, sự đồng cảm trong bối cảnh đa văn hóa, thành tựu cá nhân và khả năng thích nghi linh hoạt trên phạm vi toàn cầu (4). Các công dân toàn cầu cần phát triển khả năng giao tiếp đa văn hóa, bằng ngoại ngữ, hiểu biết và nắm thông tin về các vấn đề liên quan đến thế giới và đặc biệt là chung sống hòa thuận trong bối cảnh khác biệt văn hóa.
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia giáo dục cũng tham luận về đề tài này. Theo anh Harry Bùi Khánh Nguyên - Anh Cá Heo - Diễn giả độc lập về giáo dục: "Một trong những ý thức quan trọng mà các em học sinh thuộc thế hệ công dân toàn cầu cần có là sự thấu hiểu và cân bằng giữa tinh thần quốc tế với tinh thần địa phương, dân tộc" (5).
Do có nhiều mục tiêu và nhu cầu toàn cầu hóa, phát triển bền vững, công bằng xã hội... có thể kết luận rằng công dân toàn cầu rất quan trọng trong thế giới ngày nay (6).
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công dân toàn cầu trong thế giới ngày nay, trong đó có 3 điểm đáng chú ý, bao gồm:
1. Đa văn hóa và tư duy phản biện: Một số nghiên cứu đã tập trung vào việc xây dựng nhận thức về các nền văn hóa và tôn trọng đa dạng văn hóa trong xã hội toàn cầu. Điều này giúp người dân hiểu rõ hơn về sự đa dạng và tầm quan trọng của việc chấp nhận và hòa nhập với người khác. Theo một kết quả nghiên cứu, có một mối quan hệ tích cực giữa tư duy biện luận, xu hướng tính cách đa văn hóa và quyền công dân toàn cầu (7).
2. Vấn đề bất bình đẳng toàn cầu: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự bất bình đẳng xã hội vẫn còn tồn tại ở khắp nơi trên thế giới, và công dân toàn cầu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này. Việc nâng cao nhận thức và hành động để giảm thiểu bất bình đẳng là một phần quan trọng của tư duy công dân toàn cầu (8).
3. Vấn đề biến đổi khí hậu: Công dân toàn cầu cũng đang đóng vai trò trong việc đối phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu về công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững đang giúp thế hệ ngày nay tìm kiếm giải pháp để bảo vệ môi trường và hành động bảo vệ hành tinh này.
Một nghiên cứu thực hiện bởi Đại học Reading (Vương quốc Anh) đã tìm ra mối tương quan giữa biến đổi khí hậu thông qua giáo dục công dân toàn cầu. Qua đó, cung cấp thông tin về cách giáo dục có thể thúc đẩy sự nhạy bén và hành động về vấn đề biến đổi khí hậu ở các thế hệ trẻ (9).
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia giáo dục cũng có những quan điểm khác nhau về công dân toàn cầu. Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, bốn chủ đề trọng tâm của năng lực toàn cầu gồm: nhận thức về bản thân-hay còn là tự thức (self-awareness), nhận thức về người khác (awareness about others), trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) và khả năng kết nối (bridges to others) (10).
Công dân toàn cầu không chỉ là một khái niệm trừu tượng mà còn là mục tiêu của mỗi cá nhân để tiến tới mục tiêu dài hạn và vĩ mô hơn. Nó đòi hỏi sự tham gia tích cực và hành động cụ thể từ từng người trong chúng ta. Mỗi người có thể đóng góp vào sự thay đổi tích cực trong thế giới này bằng cách tư duy và hành động như một công dân toàn cầu.
Theo Trường Cao đẳng Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, chúng ta đang sống trong một thế giới VUCA, viết tắt từ các từ "Volatile", "Uncertain", "Complex" và "Ambiguous", nghĩa là thế giới đầy biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ (11), mà có lẽ đại dịch COVID-19 chính là một ví dụ điển hình (12). Thế giới VUCA và công dân toàn cầu là hai khái niệm có sự tương quan mạnh mẽ.
Dưới đây là 5 yếu tố có liên quan tới mối liên hệ này, cũng như minh chứng cho sự quan trọng của việc giáo dục một thế hệ công dân toàn cầu.
1. Chấp nhận thế giới VUCA: Công dân toàn cầu cần phải sẵn sàng đối mặt, thậm chí là thích nghi với môi trường VUCA. Chúng ta cần hiểu rõ rằng các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và khủng bố đều có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người và cả thế giới, từ đó chuẩn bị tâm thế để thích ứng linh hoạt.
2. Thái độ linh hoạt và tư duy sáng tạo: Thế giới VUCA đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Công dân toàn cầu, thông qua việc tìm hiểu và tương tác với nhiều văn hóa và quốc gia đa dạng, có thể phát triển khả năng thích nghi và tư duy sáng tạo. Họ có đủ nguồn lực và khả năng để tạo ra các giải pháp mới và hiệu quả hơn với mọi vấn đề trong môi trường ngày càng thách thức.
3. Sự liên kết toàn cầu: Mối liên hệ đa quốc gia ngày càng trở nên quan trọng. Công dân toàn cầu cần có sự kết nối với nhau, từ nhiều quốc gia khác nhau, thông qua mạng xã hội, hợp tác trong các tổ chức quốc tế cũng như các sự kiện toàn cầu. Sự liên kết này có thể giúp các bạn chia sẻ thông tin, tài nguyên và kinh nghiệm trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu.
4. Đảm bảo công bằng và bình đẳng: Thế giới VUCA có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng và bất công xã hội. Công dân toàn cầu có trách nhiệm trong việc đấu tranh vì công bằng và bình đẳng toàn cầu. Chính tư duy nhạy bén giúp thế hệ này các góc nhìn đa chiều về các vấn đề xã hội để giảm thiểu sự chênh lệch và tạo ra một thế giới công bằng cho tất cả mọi người.
5. Hòa bình và an ninh toàn cầu: Trong thế giới VUCA, nguy cơ xung đột và xung đột quốc tế có thể tăng cao. Công dân toàn cầu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu thông qua việc tham gia vào các hoạt động hòa bình, sự tôn trọng đối tác quốc tế và việc hỗ trợ các nỗ lực xây dựng hòa bình.
Tựu trung, trong tình thế hiện nay, công dân toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế giới đoàn kết, bền vững và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Tư duy của một công dân toàn cầu sẽ giúp thế hệ trẻ thích nghi với mọi biến đổi nhanh chóng của đời sống và có những thành tựu nhất định để ghi dấu của riêng mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.