Có rất nhiều công trình khoa học vượt xa khỏi tầm hiểu biết của chúng ta về độ... "xàm xí", và Ig Nobel chính là giải thường để vinh danh những nghiên cứu "không cần kiểm chứng lại" như vậy. Với mục đích "tôn vinh" những thành tựu đó, lễ trao giải Ig Nobel luôn nhận được sự quan tâm từ giới giải trí (và cả khoa học nữa). Hôm nay, hãy cùng LeLa Journal điểm mặt 10 nghiên cứu "xà lơ" nhất từng chiến thắng, để chúng ta chuẩn bị cho Lễ trao giải Ig Nobel 2023 diễn ra vào ngày 14 tháng 9.
Tuy Giải Ig Nobel (hay còn được viết tắt là Igs) là giải để "chê" những nghiên cứu, nhưng cũng được ưu ái tổ chức thường niên ở Hội trường Sanders tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ (1).
Vậy thì chủ nhân của các Giải Igs tuy hơi "độc lạ" nhưng thực tế là cũng được... "nở mày nở mặt", phải không nào? Tuy nhiên, đấy là so với người "bình thường" thôi, chứ so với những người nhận Giải Nobel tại Stockholm, Thụy Điển (quê hương của Alfred Bernhard Nobel - cha đẻ Giải Nobel danh giá) thì còn... khác xa.
Giải Ig Nobel Hóa học năm 2007 được trao cho nhà khoa học Nhật Bản Mayu Yamamoto vì đã phát hiện phương pháp chiết xuất vanillin (thành phần chính của vani) từ… phân bò (1).
Trong nghiên cứu của mình, Yamamoto lập luận rằng phương pháp sản xuất vanillin truyền thống (từ cây vani và bột gỗ) phức tạp hơn và kém hiệu quả hơn so với phương pháp chiết xuất từ phân. Ngoài ra, vì phân chăn nuôi là một vấn đề môi trường ở Nhật Bản nên việc tái sử dụng phân thành vani mang lại một giải pháp sinh thái hữu ích cho vấn đề này (2).
Nghiên cứu này ngay lập tức đã nhận được đề cử Ig Nobel vì đúng tiêu chí là khiến cho cộng đồng phì cười và sau đó là ngẫm nghĩ lại vì... không chắc hương vani trong tủ bếp của mình có nguồn gốc từ đâu. Không chỉ vậy, cửa hàng kem ngon nhất ở Cambridge, Massachusetts (Hoa Kỳ) đã tạo ra một hương vị kem mới để vinh danh Mayu Yamamoto và giới thiệu hương vị này tại lễ trao giải Ig Nobel, hương vị này được gọi là "Yum-a-Moto Vanilla Twist" (3).
Andre Geim và Sir Michael Berry được trao giải Ig Nobel Vật lý năm 2000 vì đã chứng minh rằng ông có thể khiến một con ếch bay lơ lửng trong không khí bằng cách sử dụng từ tính nội tại của nó.
Trường hợp này đặc biệt ở chỗ, một trong hai chủ nhân của giải thưởng Ig Nobel năm 2000 là Andre Geim cũng thắng giải Nobel Vật lý vào năm 2010 với tư cách người đồng nghiên cứu. Điều này khiến Geim trở thành trường hợp duy nhất trên thế giới đạt cả hai danh hiệu Nobel lẫn Ig Nobel (4).
Vậy nên có thể thấy rằng Ig Nobel cũng có thể là nguồn cảm hứng để dẫn tới những điều... vĩ đại hơn.
Nhiều phụ huynh thường xuyên quát mắng con em mình vì thói quen bẻ ngón tay của chúng, lý do mà họ đưa ra là vì nó không tốt và có thể dẫn đến viêm khớp, tuy nhiên chưa có một bằng chứng khoa học nào kiểm tra điều này. Để đưa ra kết luận, Tiến sĩ Donald L. Unger thuộc Thousand Oaks, California đã dành 60 năm để tìm câu trả lời và nó đã mang lại cho ông giải Ig Nobel Y học năm 2009.
Phương pháp nghiên cứu khá đơn giản, Tiến sĩ Unger chỉ bẻ các đốt ngón tay trên bàn tay trái ít nhất hai lần một ngày và không bao giờ bẻ các đốt trên bàn tay phải. Do đó, các đốt ngón tay bên trái bị bẻ ít nhất 36.500 lần còn các ngón tay phải không bị bẻ lần nào. Sau 60 năm bẻ ngon tay, Tiến sĩ Unger phát hiện ra rằng "không có bệnh viêm khớp nào cả" (5).
Tuy nhiên LeLa Journal thấy rằng, có một điều nữa mà Tiến sĩ Unger quên chưa khám phá, đó là không biết việc bẻ ngón tay như vậy có khiến cho tay bị to ra (hay xấu đi) - như giai thoại mà nhiều người vẫn nhắc đến hay không. Rất tiếc là khó để ông có thể dành thêm 60 năm nữa trả lời, tuy nhiên việc này cũng vô tình mở ra một ý tưởng nghiên cứu mới cho chúng ta. Bạn có muốn trở thành người Việt đầu tiên mang giải Ig Nobel về cho nước nhà không? Hãy thử tiến hành bẻ ngón tay và cống hiến cho khoa học trong 60 năm tiếp theo nào.
Bộ ba nhà nghiên cứu người Mỹ chuyên vuốt râu là Ethan Beseris, Steven Naleway và David Carrier đã đưa ra một giả thuyết khá kỳ quặc rằng con người "tiến hóa" râu để bảo vệ khuôn mặt.
Để kiểm tra điều này, họ đã sử dụng một mô hình mô xương người, phủ nó bằng da cừu có lớp lông dày khác nhau và thả 20 mẫu như vậy từ các độ cao riêng biệt. Kết quả là da có lông hấp thụ lực va chạm nhiều hơn, củng cố thêm một chút lý thuyết cho rằng râu tiến hóa để ngăn ngừa thương tích, vết cắt hoặc bầm tím (6).
Sự tiến hóa này khá "vi diệu" vì dự án nghiên cứu này đã được trao giải Ig Nobel Hòa bình (7).
Ig Nobels đã nhiều lần công nhận "khoa học về mèo", đặc biệt là vào năm 2014 khi Giải thưởng Ig Nobel về Y tế Công cộng được trao cho một nhóm nghiên cứu đa quốc gia (CH Séc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật) với công trình về chủ đề "Nuôi mèo có gây nguy hiểm cho sức khỏe tinh thần loài người hay không?" (8). Và trong năm 2021, Giải thưởng Sinh học cũng được trao cho các nhà khoa học đến từ Thụy Điển vì đã phân tích "mẫu giọng nói" của mèo trong giao tiếp với con người (9).
Các học giả đưa ra kết luận rằng cuộc sống với một con mèo sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu người ta thường xuyên giao tiếp với chúng một cách hiệu quả.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác liên quan đến mèo đó là việc tìm hiểu giai thoại "liệu mèo là chất rắn hay chất lỏng" cũng được trao giải Ig Nobel Vật lý năm 2017 (10).♡
Năm 2001, giải Ig Nobel về Vật lý thiên văn được trao cho một số... nhà truyền giáo vì đã khám phá ra rằng các hỗ đen vũ trụ về cơ bản là vị trí của Địa ngục (11). Một số người có thể coi Địa ngục nằm ở lõi Trái đất hoặc đâu đó tại rãnh sâu nhất thế giới Mariana, nhưng dường như khám phá Ig Nobel này được công nhận rộng rãi hơn.
Nếu giả thuyết này là sự thực thì hành trình di chuyển đến Quỷ Môn Quan của linh hồn chúng ta sau khi rời bỏ thần xác có vẻ sẽ gặp kha khá khó khăn. Bởi khoảng cách giữa hố đen gần nhất với Trái Đất lên đến 1.560 năm ánh sáng.
Thì ra khi tới Địa ngục, thứ gây khổ đau nhất lại chính là hành trình chứ không phải đích đến. Nếu tới Địa ngục khó quá thì thôi, chúng ta cố gắng lên Thiên đường cho... gần được không?
Giải thưởng Y học năm 2021 đã được trao cho một nhóm người Đức và Anh bởi công trình nghiên cứu cho thấy cực khoái có thể là thuốc... thông mũi hiệu quả (12). Tác giả chính là Giáo sư Cem Bulut ở Heilbronn (Đức) đã tuyển một số đồng nghiệp để điều tra trên 18 cặp khác giới. Họ sử dụng một thiết bị có thể đo luồng không khí qua mũi trước khi quan hệ, ngay sau khi lên đỉnh và sau nửa tiếng, một và 5 tiếng. Kết quả đã xác nhận những gì Giáo sư Bulut nghi ngờ.
Nhóm nghiên cứu viết trong bài báo của họ: "Hơi thở bằng mũi được cải thiện đáng kể sau khi quan hệ tình dục đạt cực khoái, ở mức độ tương tự như sau khi bôi thuốc nghẹt mũi. Tuy nhiên, hơi thở sẽ lại nghẹt sau ba giờ quan hệ, trong khi nó tiếp tục được cải thiện lâu hơn bằng cách bôi thuốc" (13).
Tuy nhiên cơ chế cho hiện tượng này chưa được tìm ra và đây có thể là tiền đề cho những... chủ nhân Giải Ig Nobel sắp tới.
Xuất phát từ một nghiên cứu của Chittaranjan Andrade và BS Srihari thuộc Viện Sức khỏe Tâm thần ở Bangalore (Ấn Độ). Ban đầu, dự định của họ là quan tâm đến đời sống thanh thiếu niên nhưng sau đó, họ nhận thấy một điểm chung giữa những bạn trẻ này - đó là việc ngoáy mũi.
Nghiên cứu của họ sau đó báo cáo rằng, "trong 200 thanh thiếu niên từ 4 trường học ở thành thị, và hầu hết đều ngoáy mũi, với tần suất trung bình 4 lần mỗi ngày" (14).
Họ đã giành được giải Ig Nobel Y tế Công cộng năm 2001 vì đã đột phá vào thói quen ngoáy mũi bắt buộc của giới trẻ (15). Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng đã giải đáp câu hỏi muôn thuở của nhiều người là liệu hoa hậu, người nổi tiếng và người mẫu có... ngoáy mũi hay không?
Nếu tắt chuông báo thức là một phần thói quen hàng ngày của bạn, Clocky có thể giải quyết vấn đề này. Chiếc đồng hồ báo thức có bánh xe này tự động này có thể di chuyển xa khỏi tầm tay của chúng ta, rơi xuống sàn và ẩn nấp, buộc chúng ta phải ra khỏi giường, tìm và tắt nó đi. Gauri Nanda, lúc đó là sinh viên tốt nghiệp tại MIT, đã đoạt giải Ig Nobel về Kinh tế năm 2005 nhờ phát minh ra Clocky (16).
Chúng ta đã từng nghe nói về những người cùng nhận một giải thưởng Nobel, đó là về những công trình nghiên cứu độc lập nhưng cùng cho ra một kết quả. Và Ig Nobel cũng vậy. Vào năm 2016, cả Charles Foster và Thomas Thwaites đều là những nhà khoa học người Anh chiến thắng Ig Nobel về việc "sống như động vật". Hai nhà khoa học đã dành thời gian dài sống như động vật để hiểu rõ hơn về lối sống của các sinh vật trên hành tinh của chúng ta.
Cụ thể, Foster đã "cosplay" một con lửng, rái cá, nai, cáo và một con chim, ăn theo cách chúng ăn và sống như cách chúng sống; còn Thwaites thì tạo ra các bộ phận chân tay giả để có thể đi lang thang trên những ngọn đồi giữa những con dê.
Cả hai người đàn ông đều viết sách về những trải nghiệm của mình và được vinh danh vì sự đóng góp của họ cho các mối quan hệ giữa các loài. Quả là "ý tưởng lớn gặp nhau".
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?