Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng "làm việc tại nhà (WFH - work from home) đã tăng nhiều so với những năm trước. Những công việc tự do (gọi chung là "freelance jobs") vì thế cũng trở thành một bến đỗ lý tưởng cho những ai mong muốn tìm kiếm sự thoải mái về thời gian nhưng vẫn có thu nhập ổn định. Vậy đằng sau xu hướng công việc phổ biến nhất hiện nay là những ưu-khuyết gì? Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu thêm để có cái nhìn đa chiều về nghề freelancer nhé.
Freelancer là một khái niệm dùng để chỉ những người làm việc tự do, được trả tiền để thực hiện công việc theo thỏa thuận nhất định với khách hàng mà không có sự ràng buộc về mặt địa điểm hay thời gian làm việc, miễn bạn hoàn thành đúng thời hạn cam kết giữa đôi bên.
Để trở thành một freelancer chuyên nghiệp, bạn cần phải có những kỹ năng chuyên môn và đặc thù về công việc mà bạn đảm nhiệm. Thông thường, nếu bạn hiểu rõ hoặc có thế mạnh về công việc gì thì có thể làm freelancer ở lĩnh vực đó. Những ngành nghề tự do được nhiều bạn trẻ lựa chọn nhất hiện nay bao gồm: thiết kế website, lập trình, kiến trúc, viết lách, mỹ thuật…
Chia sẻ với LeLa Journal, bạn Dung Nguyễn với hơn 10 năm hoạt động trong ngành thiết kế thương hiệu và vẽ minh họa, cho biết: “Trước đây, mình cũng đi làm ổn định tại một công ty ở Hà Nội, nhưng sau đó quyết định rời xa môi trường công sở ồn ào và tất bật. Một là để dư dả về mặt thời gian lo cho con cái, hai là cũng để tránh khỏi những phức tạp không cần thiết trong công việc. May mắn là trong những năm đi làm tại các doanh nghiệp, mình cũng đã học hỏi rất nhiều từ các anh chị đi trước rồi tự bản thân đúc kết kinh nghiệm, nên khi ra làm tự do, cũng không quá bỡ ngỡ. Theo mình, thiết kế cũng không phải một nghề khó tìm việc. Bạn chỉ cần có kiến thức nền tảng, biết cập nhật xu hướng, tham gia các diễn đàn chia sẻ (như Pinterest, Behance...), những nơi kết nối nhà thiết kế với khách hàng (như Freelancer, 99design…).
Dung Nguyễn đúc kết: "Khi chưa có nhiều kỹ năng, bạn có thể nhận các công việc ngắn hạn và hãy thật có tâm với khách hàng. Nếu khách hàng hài lòng, họ sẽ giới thiệu bạn bè, đối tác mới cho bạn. Đó cũng là cách giúp bạn mở rộng vòng tròn mối quan hệ của mình khi làm nghề tự do.
Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, Dung Nguyễn cũng nhận định: “Trong quan điểm của mình thì freelancer cũng chỉ là một sự lựa chọn. Nghĩa là nó cũng có những ưu, khuyết điểm như bao ngành nghề khác mà thôi. Quan trọng nhất là mình nên chọn cái tốt để phát huy, để lấy đó làm kim chỉ nam mà theo đuổi tới cùng. Còn với những mặt chưa tốt, cũng phải chuẩn bị tâm lý vững vàng để vượt qua".
Khi con người ta được tự do làm mọi thứ thì cũng đồng nghĩa với việc tự do lựa chọn trở nên tốt hơn hay tự làm mình tệ đi. Được tự chủ và thoải mái về mọi thứ nên nếu không biết cách quản lý chi tiêu, kiểm soát thời gian, nghiêm khắc với bản thân thì rất dễ bị thụt lùi, lười biếng, vô trách nhiệm với công việc, bỏ rơi khách hàng hoặc thậm chí là bỏ cuộc nửa chừng. Vì không có sự ràng buộc, nên cũng rất khó để mọi thứ đi vào nề nếp. Thế nên, tự mỗi người phải có ý thức và đấu tranh cho điều đó mà thôi.
Một vấn đề nữa là khi làm freelancer chính là không có các chế độ như khi làm tại doanh nghiệp. Do đó, mỗi người phải biết chủ động về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các vấn đề về thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, còn phải trang bị thêm kiến thức về pháp luật, ví dụ như: luật lao động, luật bản quyền, luật sở hữu trí tuệ để có thể làm hợp đồng với khách hàng hay bảo vệ quyền lợi khi có rủi ro xảy ra.
Còn đối với Louise Nguyen, người vừa bắt đầu công việc vẽ và biên dịch ở nhiều mảng nội dung khác nhau thì áp lực lớn nhất khi “làm chủ” bản thân chính là sợ không hoàn thành được deadline mà khách hàng đưa ra: “Mình vẫn hay lo sợ bị thất nghiệp, sợ không được trả lương hoặc nhiều việc quá mà không kham nổi… nhưng vì bản thân phải tự lo cho cuộc sống nên phải cố gắng vượt qua chứ không thể bị nó nhấn chìm".
Chia sẻ thêm về những lo toan ở tuổi 22, cô cho biết: "Mang danh con ngoan trò giỏi từ bé, mình đạt được học bổng du học từ sớm và sau đó chọn học Đại học Y ở London (Anh quốc). May mắn là khoảng thời gian đó, mình cũng có cơ hội thực tập dài hạn ở các phòng nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhưng những năm va chạm tại đất khách quê người khiến mình không còn muốn đi theo sự kỳ vọng của gia đình. Mình đã quyết định thoát khỏi những định kiến để có thể sống theo ý mình, chứ không phải mang vác bất kỳ nhãn mác, danh hiệu nào như trước nữa".
Và tự lập ở độ tuổi đôi mươi không phải là điều dễ dàng với bất kỳ ai.
Việc khiến Louise băn khoăn kế tiếp chính là phải tự chủ động tìm hiểu hết mọi thứ. Không có nhiều chi phí đăng ký khóa học thiết kế, vẽ chuyên nghiệp thì bản thân cô phải tự lên lộ trình học. Vừa đi làm phục vụ để trang trải cuộc sống, vừa làm trợ giảng tiếng Anh để có thêm nguồn thu nhập chủ động. Louise cũng dành thời gian còn lại để tham khảo các chương trình học miễn phí từ nước ngoài, tham gia những dự án phi lợi nhuận về thiết kế để có thể có thêm kinh nghiệm thực tế. Khi có kiến thức nhất định, cô bắt đầu xin công việc thực tập không lương tại các trường và công ty thiết kế nhỏ để làm cho thạo nghề.
Những gì liên quan tới công việc freelance, những người làm nghề tự do đều phải tự chủ động. Không có cơ hội thì tự tạo cơ hội, không có người dẫn dắt thì tự mày mò. Louise kể lại: "Mình dành nhiều thì giờ để tìm kiếm khách hàng, công việc trên các nền tảng mạng xã hội. Và đôi khi, khách hàng cũ cũng giới thiệu khách mới cho mình nữa. Quá trình này sẽ mất thời gian hơn so với khi bạn vào công ty có quy trình đào tạo chính thống. Nên nếu không đủ đam mê với nghề hoặc không đủ kiên nhẫn thì cũng khó có thể theo tới cùng được".
Những điều này nó vừa là áp lực nhưng cũng là điều các freelancer cần phải trải qua để tự nhắc nhở bản thân phải có tư duy sống chủ động khi chọn theo đuổi những công việc không theo khuôn khổ. Tuổi trẻ vốn là hành trình "Mình tự do, do tự mình", nên sau những bài học về cách xoay xở, đối diện với khó khăn, nhiều người vẫn thấy sự lựa chọn "làm freelancer" là phù hợp với lối sống của mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.