Mùa thu Hà Nội không chỉ đẹp trong thơ ca, mà còn đi vào lòng người nhờ ẩm thực đa dạng. Du khách chỉ cần bước chân xuống phố là sẽ tìm thấy một "thiên đường" các món ăn bình dân mang đậm chất riêng của đất Tràng An. LeLa Journal gợi ý dưới đây một chuyến food tour mùa thu "ăn sập" phố cổ ở khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để độc giả có thể tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm du lịch ẩm thực trong một ngày chỉ với 400k/người.
Dù ngày nay, các nhà làm cốm đã có thể cung cấp mặt hàng này quanh năm, nhưng phải đúng độ giữa tháng 8 đến đầu tháng 10 hằng năm thì ăn cốm mới "đúng điệu". Cốm ngon tới từ Làng Vòng (quận Cầu Giấy) hay Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), do đây là những nơi chuyên nghề làm cốm có tiếng lâu đời. Trong phạm vi quận Hoàn Kiếm, bạn cũng có thể thưởng thức cốm ngon của hai làng này được bày bán tại những gánh hàng rong quanh khu vực Nhà Thờ Lớn.
Ngoài cốm tươi, các cô bác bán hàng cũng có món xôi cốm được bọc cẩn thận trong lá sen như một thức quà sáng chỉ có thể ăn vào mùa thu. Xôi cốm thường được nấu từ cốm tươi và nước cốt dừa, khi ăn sẽ bày ra cùng hạt sen, dừa nạo – những nguyên liệu của thời điểm giao mùa từ hạ sang thu.
Xôi cốm có hương thơm đặc trưng dậy mùi lúa non xen với dầu dừa bùi béo, hạt tơi chứ không dẻo quánh như các loại xôi khác. Người ăn thường dùng hai đầu ngón tay "véo" một miếng xôi cốm kèm vài cọng dừa nạo và một hai hạt sen để nhai cùng, khi ăn sẽ thấy ba thứ nguyên liệu sao lại hợp nhau đến thế.
Hạt sen bùi bở, dừa nạo sần sật hòa cùng vị xôi cốm phảng phất mùi lúa non vừa thanh vừa ngọt nhẹ như mang cả hồn quê Bắc Bộ vào một gói xôi. Ngồi quán cà phê vỉa hè hay hàng trà chanh Nhà Thờ, chia nhau gói xôi với đám bạn đi cùng, vừa thưởng thức món ngon vừa ngắm dòng người vào ngày mới cũng là một niềm vui thú vào sáng thu Hà Nội.
Với thế hệ những bạn trẻ, kem trứng đã trở thành một món ăn mang dấu ấn tuổi thơ. Nhân dịp hưởng mùa thu Hà Nội, hãy nhanh tay "mua một vé về tuổi thơ" tại hàng Kem trứng Bà Khanh. Đa phần mọi người đến với quán đều thích ngồi bên ngoài. Khách gọi món rồi chờ mang ra, thường sẽ mất khoảng 5 phút nếu quán vắng - mà trường hợp này… hiếm khi xảy ra.
Menu của quán khá đa dạng chứ không bị giới hạn trong món kem trứng truyền thống, khách có thể chọn kem trứng thêm cacao, vanilla, cà phê, trà xanh (matcha), đậu xanh hay… bia, tùy khẩu vị.
Dù là vị nào thì kem trứng của quán Bà Khanh cũng có chung một đặc điểm là lớp kem bông mịn, dùng chiếc thìa nhỏ múc lên quan sát sẽ thấy lớp bọt li ti vẫn còn nguyên, ăn đến khi "vét đáy" vẫn không lo kem tan.
Kem trứng ở đây có vị thanh và hương rất thơm chứ không bị quá ngọt và tanh mùi trứng, cho thấy trứng dùng để chế biến được tuyển chọn kỹ lưỡng và đều là trứng mới. Kem trứng của quán thường ăn kèm với bánh mỳ nướng giòn, mang ra đĩa vẫn còn nóng hôi hổi, người ăn khỏe thì một cốc kem trứng có thể chấm cùng hai - ba chiếc bánh mỳ, còn nếu dành bụng để đi food tour thì… một cái là đủ rồi. Ngoài ra quán cũng phục vụ các món đồ uống khác với mức giá khá dễ chịu.
Khoảng 10g sáng là thời điểm vàng để ra đường Phan Đình Phùng làm vài kiểu ảnh "nàng Thơ", "chàng thơ" với những xe chở hoa đủ sắc màu. Bạn có thể xin phép các cô các chị bán hàng được đứng bên cạnh chụp ảnh, nhưng thường thì mọi người sẽ chọn mua một bó sen hồng hoặc một bó cúc xinh xắn để ôm trên tay, tạo dáng sẽ đẹp hơn. Mỗi bó hoa có giá từ 60 – 100.000 đồng tùy loại.
Chụp ảnh ở Phan Đình Phùng xong, mang hoa đến những địa điểm tiếp theo để chụp ảnh "check-in" cũng là một ý hay, đúng không nào?
Dạo chơi quanh khu phố cổ tới trưa là bụng đói meo rồi. Vậy thì đã đến lúc bạn cần ghé quán phở gà Huyền Hương gọi một bán bún mọc cho bữa trưa rồi. Đây là hàng phở gà gia truyền trên phố Bảo Khánh, diện tích tuy nhỏ nhưng có hai tầng, khách thường xuyên ngồi kín tầng 1 nên bạn có thể lên tầng 2 cho thoải mái. Có lẽ khách thích ngồi ở tầng 1 là để ngắm quầy chế biến sạch sẽ, bày đủ các nguyên liệu tươi mới, với thịt gà luộc, lòng mề, bánh phở, bún, hành lá... Nguyên liệu được xếp gọn gàng một góc, bên cạnh là ba nồi nước dùng ninh từ xương gà dậy mùi thơm nức mũi. Menu của Huyền Hương phục vụ đa dạng các món như bún mọc gà, xôi gà, phở trộn, phở gà đùi lườn – đùi phao câu, phở gà đặc biệt...
Nếu mới đến lần đầu, bạn có thể gọi một phở gà thường hoặc bún mọc gà với mức giá "hạt dẻ" nhất là 80.000 đồng để thưởng thức. Một bát tương đối đầy đặn, có phở/bún, thịt gà và duy nhất một loại "topping" là hành lá xắt nhỏ và một cọng hành chẻ đúng kiểu truyền thống. Một điểm cộng của bún phở Huyền Hương là nước dùng trong, thơm nhưng không gây ngán, bánh phở và sợi bún trắng ngần, vừa dai vừa mềm nên nhai rất đã miệng.
Trong khi đó, những miếng thịt gà luộc được thái lát, thớ nào ra thớ ấy lấp ló trong lớp da gà vàng au, đưa lên cắn một miếng ngập chân răng mà cảm thấy thỏa mãn không ngờ bởi độ mềm và ngọt của thớ thịt gà ta.
Tuy mức giá 80k có vẻ "chát" với một bát phở gà hay bún gà mọc bình dân, song trải nghiệm thưởng thức tại quán lại đáng "đồng tiền bát gạo" vô cùng. Phở gà Huyền Hương nằm ngay sát Bờ Hồ, vậy nên ăn xong, bạn có thể kéo tụi bạn đi dạo một vòng hồ trước khi di chuyển đến địa điểm mới nhé.
Nhắc đến một tiệm bánh chuyên làm và bán các loại bánh dân tộc nằm nép mình sâu bên trong khu tập thể cũ trên phố Lý Nam Đế, người dân Hà Thành nghĩ ngay đến thương hiệu Gia Trịnh. Nếu bạn từ phương xa đến và muốn thưởng thức hương vị bánh cổ truyền của đất Tràng An, hãy ghé qua Gia Trịnh để chọn cho mình những chiếc bánh dân tộc đủ màu sắc được làm từ nhiều nguyên liệu độc đáo khác nhau nhé. Bánh được làm tươi theo từng ngày và gói thành những chiếc nhỏ xinh mũm mĩm to chừng hai đốt ngón tay, bên ngoài là lớp áo được tạo màu từ các nguyên liệu thiên nhiên như lá cẩm (đỏ), dành dành (màu vàng), hoa đậu biếc (màu xanh dương), đỏ cam (gấc), dừa (trắng)..., trong khi phần nhân được nhào nặn từ đỗ xanh, mít, cùi dừa...
Gia Trịnh thường bán bánh theo set 15 - 30 chiếc được bày trên mẹt hoặc hộp giấy, khách đến tiệm muốn ăn thử có thể mua lẻ vài chiếc cũng không sao.
Bóc lớp giấy gói ngoài, bạn sẽ bị mê hoặc bởi lớp vỏ núng nính màu mỡ của mỗi viên bánh, để rồi cắn một miếng mới thấy "đã cái nư" đến chừng nào: Lớp vỏ mềm và thơm mùi bột hòa cùng vị cây trái, vị nào ra vị ấy chứ không hề lẫn lộn. Nhân đỗ thì bùi bùi, nhân dừa lại sần sật, rất "vừa phải" nên cắn ngập cũng không thấy ngán.
Ăn một cái màu đỏ lại thèm cái màu xanh, ăn hết cái có nhân lại nhón cái "chín tầng mây" nhiều lớp tựa như bánh da lợn. Chiều thu man mát, bỏ mẹt bánh ra bàn, pha ấm trà mời ông bà, cha mẹ, anh chị em ngồi nhâm nhi thì còn gì vui thú hơn!
Sau khi thành công "ship" bánh và hoa sen về cho gia đình rồi thì chiếc bụng lại... hơi đói. Đã tới giờ ăn món nộm Mai Nga ở phố Hàm Long, thuộc danh sách "must-try". Khoảng 4g chiều trở đi là thời điểm tan học của các trường quanh khu vực và cũng là lúc các tín đồ ăn vặt tìm đến với quán nộm lâu đời này.
Không gian của quán khá chật, hơi tối và chỉ có mấy bộ bàn ghế nhựa xếp trong sân nhỏ, nhưng lúc nào quán mở cửa là khách khứa cũng ra vào tấp nập.
Bên cạnh các "topping" cơ bản, nước trộn nộm chính là "điểm 10 không-có-nhưng" của quán Mai Nga. Nhờ đó mà nộm của nhà Mai Nga có vị tổng thể hoàn hảo, đủ chua – cay – mặn – ngọt không lẫn đi đâu được. Ngoài món nộm thập cẩm trứ danh, hàng Mai Nga còn bán thêm nộm bò gan, nộm chim, bánh bột lọc, bánh tráng cuốn thường và bánh tráng cuốn thịt bò. Thực khách có thể gọi thêm món nếu thấy nộm thập cẩm chưa "xi-nhê" gì với chiếc bụng đói của mình.
Tiết trời thu Hà Nội trở nên lành lạnh về chiều tối, thôi thúc mọi người tìm đến với những món giòn giòn, nóng sốt cho ấm cái bụng. Nay bạn thử chuyển ăn món phở cuốn hoặc phở chiên phồng xem nào. Nói đến món ăn này, người Hà Nội sẽ nhắc ngay đến những hàng phở cuốn tại Ngũ Xã (có người gọi là Ngũ Xá) thuộc quận Ba Đình. Hiện quán Phở cuốn Hương Mai đã có cửa hàng tại phố Nguyễn Khắc Cần, quận Hoàn Kiếm.
Khoảng 7g tối là thời điểm phù hợp để bạn ghé quán, gọi cho mình một suất phở chiên phồng đầy đặn với những miếng phở chiên vàng ươm, giòn rụm mới ra lò, bày cùng thịt bò xào rau cải và mấy lát cà chua, tạo nên một món ăn hấp dẫn cả thị giác lẫn vị giác.
Quán phục vụ mỗi thực khách một bát mắm chấm kèm vài lát đu đủ để bạn có thể chọn ăn món này theo hai cách: chấm với nước sốt từ món thịt bò xào được tưới đẫm lên mặt bánh, hoặc chấm riêng với bát mắm có vị thanh dịu ở ngoài nếu sợ đồ chiên xào bị ngấy. Bên cạnh đó, Hương Mai cũng "đắt khách" với món phở cuốn thịt bò rau thơm. Thường thì thực khách đi theo nhóm sẽ gọi món phở chiên phồng và bánh phở cuốn để ăn cùng nhau. Ngoài ra, quán cũng bán chả ngan nướng, ngô chiên và một số món ăn phụ khác để bạn có thêm sự lựa chọn cho bữa tối của mình.
Khởi động food tour Hoàn Kiếm với món xôi cốm được bán quanh Nhà Thờ Lớn, giờ bạn cũng cần kết thúc một ngày "ăn sập" phố cổ với bữa ăn đêm tại hàng nem nướng phố Ấu Triệu kế đó. Có hai hàng nem nướng dễ bị nhầm lẫn ở cùng khu vực này, đó là nem nướng em Thúy với hàng ghế đỏ và nem nướng cô Phượng đặc trưng bởi hàng ghế xanh. Bạn có thể ghé một trong hai hàng tùy theo ý muốn của mình, vì theo cảm nhận của nhiều khách du lịch ghé cả hai quán thì chất lượng món ăn không có khác biệt lớn.
Nằm ở khu vực trung tâm nên quán bị hạn chế về mặt bằng, thực tế thì không gian thực khách ngồi là một con ngõ dẫn vào khu nhà dân, người bán xếp ghế nhựa dọc chiều dài con ngõ để mọi người có chỗ đi lại nên nhiều tín đồ ăn vặt có thể sẽ thấy không thoải mái khi đi ăn trong hoàn cảnh này. Bù lại, menu của quán sẽ không làm bạn thất vọng: Món nem nướng tại đây chính là nem chua nướng, được coi như món "signature" với lớp thịt màu hồng tươi bắt mắt, vốn là loại nem chua xiên que và nướng trực tiếp trên than hoa, khi chín sẽ hơi cháy xém đôi chỗ.
Nem chua nướng ăn cùng một loại nước chấm đặc biệt theo công thức bí mật của quán, cắn một miếng rồi bạn sẽ cảm nhận được vị chua dìu dịu, bùi béo của thịt heo lên men mà không ngấy, hòa cùng vị nước chấm cay nhẹ hơi tê tê đầu lưỡi.
Món này sẽ thăng hoa lên đôi phần nếu dùng kèm củ đậu, xoài xanh thái lát, hoặc nếu bạn đi theo nhóm, hãy gọi thêm cá chỉ vàng, cá bò khô nướng, đĩa khoai tây chiên để "mâm tiệc" bình dân thêm phần hấp dẫn vị giác.
Vậy là chỉ với chưa đầy 400k/người, bạn có thể tận hưởng một chuyến food tour đậm chất mùa thu Hà Nội rồi. LeLa Journal hy vọng độc giả sẽ có những trải nghiệm du lịch mới mẻ nhờ vào những bài viết của trang.
Mẹo nhỏ: Food tour này giúp tiết kiệm chi phí hơn nếu bạn đi theo nhóm cùng người thân, bạn bè... nhờ đó, có thể trải nghiệm được nhiều món ăn trong một menu hay chia nhau cùng thưởng thức một phần ăn cỡ lớn. |
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?