Nổi lên như một trào lưu du lịch mới trong những năm gần đây, những chuyến đi để trải nghiệm ẩm thực địa phương – còn được biết đến với tên gọi "food tour" – đã trở thành một chủ đề "viral" được cộng đồng mạng hưởng ứng nhiệt liệt và trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhà sáng tạo nội dung (content creator) và travel blogger (người viết blog chuyên về du lịch) khai phá trong các sản phẩm đăng tải trên mạng xã hội. Đằng sau sức hấp dẫn của food tour là những bằng chứng khoa học thuyết phục về phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với đồ ăn và trải nghiệm du lịch.
Đã từ lâu, du lịch không còn gói gọn trong hoạt động "xách balo lên và đi" để chinh mục những miền đất mới, gặp gỡ những con người mới hay trải nghiệm những nền văn hóa mới. Du lịch hiện nay còn là dịp để các tín đồ ẩm thực khám phá hằng hà sa số các món ăn mang bản sắc địa phương. Theo một khảo sát của Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới, 53% số du khách cho biết họ đi du lịch để trải nghiệm đồ ăn ở những miền đất mới. Trung bình, trải nghiệm du lịch ẩm thực đóng góp khoảng 25% tổng giá trị doanh thu cho nền kinh tế địa phương (1).
Trên thực tế, du lịch ẩm thực ("food tourism" hay "culinary tourism") không đơn thuần chỉ là chuyện du khách tới những cửa tiệm, nhà hàng địa phương để thưởng thức đồ ăn. Mô hình du lịch này vốn gắn với 4 hình thức trải nghiệm phổ biến gồm (2):
Trong số những hình thức du lịch ẩm thực nêu trên, food tour là loại hình "được lòng" các tín đồ mê xê dịch nhất bởi sức hấp dẫn không thể phủ nhận của loại hình này, đặc biệt là sau khi ngành du lịch thế giới phục hồi hậu đại dịch COVID-19.
Nếu coi việc khám phá những địa danh "hot" là du lịch bằng đôi chân không biết mỏi mệt, thì phải chăng, chúng ta nên công nhận food tour là hình thức du lịch bằng… đường dạ dày?
LeLa Journal gợi ý một cung đường "tiêu biểu" cho độc giả thủ đô thử trải nghiệm Food tour mùa thu Hà Nội: "Ăn sập" phố cổ chỉ với 400k.
Thưởng thức ẩm thực từ lâu đã là một phần quan trọng khi đi du lịch, nhưng chỉ tới khi những nội dung chia sẻ về trải nghiệm ăn uống trở nên phủ sóng qua các trang mạng xã hội, khái niệm food tour mới được người trẻ biết đến và đón nhận nhiệt tình. Để đi tìm lời giải cho sức hút của food tour, LeLa Journal tổng hợp 3 nguyên nhân chính dưới đây:
Tầm quan trọng của thực phẩm là điều không thể phủ định. Từ xa xưa, thú vui ẩm thực được xếp vào hàng tứ khoái bên cạnh việc ngủ, bài tiết và tình dục. Ăn uống cũng là một nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống trước khi tìm đến với những nhu cầu cao hơn (3). Nhiều nghiên cứu khoa học đã kết luận rằng con người luôn có xu hướng tìm kiếm đồ ăn bất kể phạm vi địa lý. Bản năng này đã góp phần khiến chúng ta đam mê khám phá food tour (4), (5).
Du khách thường tìm hiểu về ẩm thực tại vùng đất mới qua các kênh thông tin trước khi khởi hành, trong khi hình ảnh về các chuyến food tour lan tỏa trên mạng xã hội thường được biên tập, cắt ghép để tạo nên những hiệu ứng hấp dẫn về mặt thị giác như màu sắc món ăn, độ tươi ngon, cách bài trí... Những yếu tố này kích thích não bộ đưa ra nhận xét chủ quan rằng món ăn được bày biện hấp dẫn hơn (thông tin tiếp nhận qua thị giác) chắc chắn sẽ ngon hơn (thông tin phản hồi đến vị giác) (6).
Việc này kích thích người xem như một hiệu ứng tâm lý, khiến họ muốn trải nghiệm điều tương tự với những món ăn đã được giới thiệu.
Bên cạnh đó, nghiên cứu về khoa học thần kinh cũng chứng minh rằng việc theo dõi các hình ảnh quay chụp lại đồ ăn có tác động không nhỏ đến hoạt động thần kinh (neural activity), phản ứng sinh lý (physiological response), phản ứng tâm lý (psychological response) và sự chú ý về mặt thị giác (visual attention). Cụ thể hơn, hình ảnh đồ ăn trên các không gian số khiến người xem có xu hướng rơi vào hiện tượng "đói con mắt" (visual hunger), do đó, chúng ta sẽ bị thôi thúc tìm đến food tour để thỏa cơn đói về mặt thị giác trước khi thực sự làm… no cái bụng (7), (8).
So với chi phí mua vé vào cửa các địa điểm danh lam thắng cảnh, công viên giải trí, v.v.., số tiền bỏ ra để đầu tư cho một chuyến food tour thường thấp hơn nhiều. Do các món ăn được chế biết từ nguyên liệu địa phương và đa phần được bán trong các cửa tiệm bình dân hoặc quán ăn ven đường, do đó ngay cả những du khách chưa có thu nhập như học sinh, sinh viên hoặc có mức thu nhập thấp như người mới đi làm, người dân lao động phổ thông... cũng có thể "ăn sập" cả thành phố.
Chẳng, một chuyến food tour trong 2 ngày tại Hải Phòng để thưởng thức 10 món trứ danh tại đây chỉ tốn 1 triệu đồng/người, trong khi du khách có thể sẽ phải bỏ ra chi phí cao hơn nhiều lần nếu đi biển, nghỉ dưỡng tại các resort, vào tham quan di tích lịch sử... trong thành phố (9).
Để có một chuyến food tour "no bụng" và tiết kiệm cả về kinh tế và thời gian, du khách cần có chiến lược di chuyển và sắp xếp lịch trình phù hợp trước khi lên đường. LeLa Journal gợi ý 5 điều dưới đây để giúp độc giả có thêm trải nghiệm food tour thú vị hơn.
Trước khi khởi hành, hãy tìm hiểu xem nơi bạn sẽ đến du lịch có những món ăn nào độc đáo khiến bạn muốn nếm thử. Cách đơn giản nhất là tham khảo những người đi trước, thông qua các bài giới thiệu trên mạng xã hội hoặc trang thông tin chính thống về du lịch của địa phương đó. Một số chuyên trang cung cấp những danh sách món ngon đặc sản của các địa phương và quốc gia mà bạn có thể tham khảo bao gồm:
- Giới thiệu ẩm thực tại Việt Nam: Ninh Titô, Hôm Nay Ăn Gì – Schannel, Pít Ham Ăn.
- Giới thiệu ẩm thực tại nước ngoài: Nếu bạn là một thực khách sành ăn và chịu chi, Michelin Guide có thể giới thiệu những nhà hàng phù hợp với túi tiền của bạn tại mọi nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thưởng thức đồ ăn với những chuyến food tour bình dân nếu đi du lịch tự túc. Một số trang ẩm thực có thể giúp bạn thiết kế food tour tại những quốc gia sau:
Những người chuyên làm công việc thưởng thức và đánh giá đồ ăn – hay food reviewer thường cập nhật những chuyến food tour của mình trên các trang mạng xã hội phổ biến của họ. Mỗi người cũng sẽ có những nhận định khác nhau về các món ăn và phong cách phục vụ của tiệm do khẩu vị, thời điểm trải nghiệm... của mỗi food reviewer không giống nhau. Do đó, bạn nên cân nhắc tham khảo những lời đánh giá trước khi đưa ra quyết định chứ không nhất thiết phải nghe theo hoàn toàn.
Vì dẫu sao, food tour cũng là để trải nghiệm mà.
Bạn cần tính toán xem khả năng tài chính cho phép mình chi ra bao nhiêu tiền cho một chuyến đi, trong đó, cần lưu ý về thời lượng và phương tiện đi lại. Thông thường, giá thành của các món ăn trong food tour thường khá "dễ chịu" và đã được giới thiệu trong các bài đánh giá chất lượng của các food reviewer, bạn có thể tính ra số tiền dự trù gần sát tương ứng với số lượng món ăn và suất ăn mình muốn thưởng thức.
Tuy nhiên, nên để một "quỹ dự phòng" tương ứng với 20 - 30% tổng kinh phí dự trù để đảm bảo trường hợp phát sinh các khoản ngoài dự kiến.
Các hàng quán phục vụ đồ ăn thường sẽ tập trung trong một khu vực sinh hoạt chung của cộng đồng người dân địa phương như chợ, khu dân cư... hoặc sẽ nằm rải rác ở những địa chỉ khác nhau trong phạm vi thành phố mà bạn ghé thăm. Khi tới một nơi mới mà không có bạn bè "thổ địa" dẫn đường, bạn nên lưu lại bản đồ thành phố trên smartphone. Trong đó, bạn có thể đánh dấu những địa điểm mình muốn ghé qua để tính toán thời gian và lựa chọn phương tiện đi lại (thuê xe, đi taxi, đi xe buýt, đi metro...) để tối ưu hóa thời gian và chi phí. Chiến lược phù hợp nhất là ưu tiên thưởng thức các món ăn cùng một khu vực (chợ, khu dân cư, quận...) trong một khoảng thời gian rồi tiếp tục di chuyển sang khu vực khác.
Nếu muốn thuê xe để tự mình rong ruổi khám phá thành phố, bạn cần nhớ luôn mang theo căn cước công dân/hộ chiếu và bằng lái xe (bằng lái xe quốc tế nếu thuê xe tại nước ngoài) mọi lúc ra đường.
Một mẹo "mách nhỏ" cho bạn khi đi food tour tại nước ngoài mà gặp rào cản ngôn ngữ, đó là hãy chụp lại màn hình thông tin về món ăn và địa chỉ bằng tiếng bản ngữ để hỏi đường người dân địa phương khi cần và cũng để phòng trường hợp… vào nhầm quán.
Bên cạnh đó, nếu bạn muốn thử những quán độc lạ như quán giới hạn số lượng bàn và khung giờ phục vụ, quán có nghệ nhân chỉ nấu cho một số khách nhất định, "hidden bar"... thì hãy cố gắng đặt bàn trước và tính toán kỹ hình thức và thời gian di chuyển trước nhé.
Chúng ta luôn hy vọng chuyến food tour sẽ kết thúc tốt đẹp với "cái bụng no nê", được thỏa mãn về cả vị giác lẫn thị giác. Tuy nhiên, có thể sẽ có trường hợp không mong muốn xảy ra với hệ tiêu hóa của bạn như dị ứng thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo... dẫn đến rối loạn tiêu hóa hoặc nặng hơn là ngộ độc. Hãy kiểm tra trước menu, sẵn sàng hỏi về thành phần thực phẩm và luôn chuẩn bị sẵn các loại thuốc "chữa cháy" cho những tình huống đặc biệt này nhé!
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?