Bạn có bao giờ thấy chú cún của mình đột nhiên ốm bất thường, hay đột nhiên bị đau chân, nhưng sau đó bỗng nhiên lành lặn một cách "thần kỳ". Có nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận rằng có thể trong một số trường hợp, thú cưng đang giả vờ bệnh để làm nũng đấy. Vậy phải làm sao khi cún cưng giả vờ?
Từ bài trước với tựa đề Đời sống tình cảm của chó: Khoa học đã phát hiện được điều gì?, LeLa Journal đã phân tích về việc những chú cún có sự gắn bó rất mạnh mẽ với chủ. Thậm chí, chúng còn cố hoà hợp với người chủ của mình. Monique Udell, nhà nghiên cứu hành vi động vật, Phó Giáo sư Khoa học Động vật tại Oregon, cho biết rằng: "Chúng tôi biết rằng chó và con người đồng bộ hóa hành vi của mình - chó sẽ hoà hợp với chuyển động tự nhiên của chủ nhân - vì vậy việc chúng đồng bộ hóa cảm xúc của mình không có gì đáng ngạc nhiên" (1).
Đặc biệt, bỗng nhiên bạn thấy chú chó của mình ho, bỗng nhiên uể oải, hoặc bị đau một chân, đi lại khó khăn. Nhưng chỉ khi bạn dành thời gian an ủi chúng, chúng sẽ bình thường trở lại một cách thần kỳ. Nhiều trường hợp đã kể rằng họ thậm chí đã tức tốc đưa thú cưng đến trạm y tế nhưng lại không phát hiện ra vấn đề gì và ngày hôm sau sự việc lại tiếp diễn.
Nếu bạn đã từng gặp phải trường hợp như thế thì có thể cún cưng đang giả vờ đấy, còn nguyên nhân chỉ có thể là chú ta mong muốn được chủ quan tâm nhiều hơn thôi. Tất nhiên, không phải mọi trường hợp khám không ra bệnh hay khỏi thần kỳ đều là giả vờ, nhưng không thể phủ nhận là trường hợp này có tồn tại.
Trong một báo cáo vào năm 2017 về mối liên hệ giữa sự quan tâm của chủ nuôi và biểu cảm của cún cưng, kết quả đã chỉ ra rằng: khi con người đối mặt với một chú chó, nó sẽ đưa ra nhiều biểu cảm gương mặt hơn là khi ta quay lưng lại với chúng. Điều này cho thấy rằng chó nhạy cảm với sự chú ý của con người và sử dụng biểu cảm khuôn mặt của chúng để giao tiếp với con người.
Điều quan trọng nhất mà nghiên cứu này chỉ ra được là nét mặt của chó không chỉ là những biểu hiện cảm xúc tự phát, mà còn là những nỗ lực tích cực để giao tiếp với con người. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng loài chó có thể đã học cách sử dụng nét mặt như một cách để tác động đến hành vi của con người, cũng như để đạt được điều chúng muốn (1).
Việc học hỏi được cách bày tỏ cảm xúc từ chủ nhân, cún cưng cũng dần biết cách "giả vờ" để vòi vĩnh.
Một nghiên cứu khác đến từ các nhà khoa học tại Đại học Zurich và Đại học Thú y Vienna. Họ đã kiểm tra xem liệu loài chó có thể lừa được con người để có được những thứ chúng muốn, như thức ăn hoặc trò chơi hay không (2). Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thực nghiệm với 27 chú chó và hai chiếc hộp, với một hộp chứa xúc xích ngon lành và một hộp chứa thức ăn ít hấp dẫn hơn. Chú chó sẽ được ghép đôi với đối tác - người sẽ cho chúng ăn, hoặc đối thủ - người không cho chúng ăn.
Kết quả cho thấy loài chó có xu hướng dẫn đối tác đến hộp xúc xích và đối thủ đến hộp thức ăn ít hấp dẫn. Điều đó cho thấy chúng có thể điều chỉnh hành vi của mình theo hoàn cảnh xã hội và kết quả mà chúng mong muốn.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng chó có thể có chiến thuật đánh lừa, bao gồm việc sử dụng tín hiệu giả để thay đổi hành vi của chủ. Họ cũng cho rằng loài chó có thể học được kỹ năng này thông qua việc thuần hóa và giao tiếp xã hội với con người. Điều đó cho thấy chú chó cưng của bạn rất thông minh và hoàn toàn học được cách thức để sử dụng nét mặt nhằm đạt được điều chúng mong muốn.
Bạn nghĩ bạn đang làm chủ chú chó nhưng sự thật không phải vậy đâu. Hóa ra không chỉ mèo mới có thể thao túng thế giới, mà chó cũng thao túng chủ nuôi nữa.
Tiến sĩ Richard Pitcairn, tác giả cuốn sách Natural Health for Dogs and Cats, từng chia sẻ rằng: "Giả sử con chó của bạn đang cảm thấy cô đơn vì bạn đã đi làm cả ngày và khi trở về, bạn không nhiều thời gian dành cho nó như trước nữa. Chẳng bao lâu, chú chó của bạn xuất hiện một triệu chứng nhỏ như là ho - khiến bạn lo lắng. Mỗi khi nó ho, bạn lao tới, vuốt ve nó và thì thầm những lời an ủi…" (3).
Thực tế là những chú chó thường có hành vi "giả vờ" với những bệnh nhẹ như đi khập khiễng, ho, hắt hơi, sụt sịt, ngứa... Còn lại, chó không thể bắt chước phần lớn các triệu chứng như sốt, tiêu chảy hoặc viêm da.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận trường hợp không tìm ra nguyên nhân của bệnh tại các cơ sở thú ý tiêu chuẩn, chẳng hạn như các bệnh rối loạn chức năng tuyến tụy nội tiết (EPI), cơ bắp trọng yếu (MG), nhiễm trùng do ký sinh trùng não và tủy sống do côn trùng,... (4), (5). May mắn là những chú chó này đều có những biểu hiện rất rõ ràng về chấn thương nặng để chủ nuôi sớm có giải pháp điều trị kịp thời.
Do đó, nếu khám mà chưa ra bệnh thì bạn hãy khoan kết luận là cún cưng đang "giả vờ" nhé.
Còn nếu đó thực sự chỉ là giả bệnh, cách tốt nhất để chấm dứt tình trạng này vẫn phải là dành nhiều sự quan tâm cho cún cưng hơn.
Bạn không nên an ủi cún cưng quá nhiều hoặc đối xử quá mức vì điều này sẽ củng cố hành vi giả bệnh. Thay vào đó, bạn nên đưa ra nhiều sự kích thích về tinh thần và thể chất hơn, chẳng hạn như đồ chơi, trò chơi, đi dạo hoặc huấn luyện. Bạn cũng nên đảm bảo rằng cún cưng có một môi trường thoải mái và không căng thẳng.
Ngoài ra, nếu chú cún cưng đang giả bệnh do lo lắng hoặc căng thẳng, bạn nên cố gắng xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục, ví dụ như tiếng động lớn, người lạ, động vật lạ...
Về điều này, mời độc giả tham khảo bài viết với tựa đề 5 cách để yêu chiều cún cưng: Khi cún cũng thích được "rót mật vào tai" đã được đăng tải trên LeLa Journal.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.