Bồ câu được con người sử dụng để liên lạc với nhau từ thời Ai Cập cổ đại, và phải mất hàng ngàn năm thì công ăn việc làm của những chú chim này mới bị thay thế bởi công nghệ thông tin. Mặc dù vậy, người ta vẫn tìm thấy những giá trị khác từ việc huấn luyện chim bồ câu, như là... tổ chức các cuộc đua.
1. Được thử thách qua chặng đường rất dài: Điểm độc đáo đầu tiên của môn thể thao này nằm ở chiều dài quãng đường. Các cuộc đua marathon do con người tổ chức thường có chiều dài trung bình khoảng 42km, thỉnh thoảng lên đến 200km (2). Trong khi đó, quãng đường của các giải đua bồ câu thường trong khoảng 1.000 km và có thể lên đến 2.000 km (3).
Tuy nhiên, không phải chú bồ câu nào cũng có thể tham gia thi thố tốc độ, bởi lẽ bồ câu đua là một giống riêng được huấn luyện chuyên biệt bằng cách thả ở những địa điểm khác nhau để chúng lặp đi lặp lại chặng đường bay trở về càng nhanh càng tốt (4).
Đây còn là một môn thể thao mang lại trải nghiệm rất đặc biệt bởi sau khi thả chim ở một khoảng cách rất xa, người huấn luyện sẽ quay trở về và chờ đợi bồ câu của mình trong sự hồi hộp lo lắng.
Vì không chỉ phải tìm đường về nhà, bồ câu còn phải chống chọi lại với sự khắc nghiệt từ thiên nhiên - nơi mà đại bàng, diều hâu hay chim ưng hoàn toàn có thể khiến các "tay đua" này bỏ mạng.
2. Được ưa thích ở nhiều khu vực: Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực thông tin liên lạc đã lâu nhưng bồ câu chính thức trở thành những tay đua hợp pháp vào năm 1818 tại Bỉ - nơi lần đầu tiên tổ chức cuộc tranh tài giữa các chú chim với quãng đường 160km. Bỉ cũng được xem là khu vực nổi tiếng nhất về lĩnh vực này khi ngôi làng nào cũng có một Société Colombophile (câu lạc bộ yêu thích chim bồ câu) (4). Sau đó, những giải đua này nhanh chóng lan ra các khu vực trên thế giới vì tính hấp dẫn riêng của nó.
Năm 2021, Hội chợ chim bồ câu đua Quốc tế lần thứ 13 diễn ra tại Ba Lan thu hút các tay đua từ khắp thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, đã cho thấy tình yêu dành cho những chú chim này vẫn được duy trì ở nhiều nơi (5).
3. Được nhà vô địch quyền Anh mê mẩn: Thú chơi này được biết đến rộng rãi hơn nhờ cựu vô địch quyền Anh thế giới Mike Tyson. Trong một bộ phim tài liệu dài 6 tập có tên "Taking of Tyson", Mike chia sẻ rằng anh không chỉ dành thời gian để tập luyện trên võ đài mà còn ở trong... chuồng chim.
"Thứ đầu tiên tôi yêu thích trên đời là chim bồ câu. Mặc dù không rõ lý do nhưng tôi cảm thấy buồn cười khi phải giải thích về chuyện này". Anh cũng tâm sự rằng chim bồ câu là nguyên nhân dẫn đến trận đấu đầu tiên của anh năm 16 tuổi với một gã hàng xóm (6) (7).
Mike cũng được cho là sở hữu hơn 2.500 chim bồ câu các loại, trong đó có 300 con dành riêng để huấn luyện cho các cuộc đua. Mức giá cao nhất mà anh từng chi trả cho một chú chim là hơn 400.000 USD (8). Sau khi bộ phim tài liệu về Mike và chim bồ câu được phát sóng, thú chơi chim này được biết đến nhiều hơn trên toàn thế giới.
4. Được cân nhắc trở thành cơ hội đầu tư: Một số nhà lai tạo coi bồ câu đua là khoản đầu tư và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho những chú chim có thành tích tốt.
Theo các báo cáo gần đây của nhà lai tạo nổi tiếng người Bỉ Leo Heremans, ngành công nghiệp chim bồ câu đua hiện đang chứng kiến sự bùng nổ lớn mạnh mẽ. Năm 2021 ghi nhận một số thương vụ mua chim bồ câu đua lên đến 1,9 triệu USD/con (10).
Năm 1931, Việt Nam là nơi ghi nhận hành trình dài nhất của một chú chim bồ câu khi nó xuất phát ở Arras (Pháp), bay qua 11.800km và có mặt ở Sài Gòn sau 24 ngày (9). Tuy nhiên, phải đến năm 2000 thì thú vui tao nhã này mới xuất hiện trong nước với sự ra đời của hai diễn đàn Bồ Câu Đua và Bồ Câu Việt Nam.
1. Không sử dụng nhiều các thiết bị công nghệ: Thông thường ở nước ngoài, khi bắt đầu cuộc đua, những chú chim thi đấu được gắn thiết bị đo thời gian và thả cùng một lúc, chúng hoàn thành quãng đường bằng cách chui qua cửa sập - nơi thiết bị được giữ lại và tính toán vận tốc bay trung bình của từng con (10). Tuy nhiên, ở trong nước thì việc phân định thắng thua ít phụ thuộc vào công nghệ.
2. Công tác tập huấn, huấn luyện chim còn gặp nhiều trở ngại: Cách duy nhất để giúp một chú bồ câu nâng cao thành tích là phải được tập luyện. Tức là thả nó ở khoảng cách xa dần, từ 300-400km, có khi lên đến 1.000km. Di chuyển một quãng đường khá xa như vậy chỉ để thả một vài chú chim không phải là điều dễ dàng với nhiều người. Thế nên trong nước đã ra đời một dịch vụ chuyên nghiệp dành cho những người có nhu cầu này gọi là "dượt chim" - những người có nhiệm vụ thu gom chim của người chơi và đem đi thả tại các địa điểm chỉ định (11).
3. Khó kiếm tiền hơn: Người chơi bồ câu ở nước ngoài có thể xem môn thể thao này là một cơ hội làm giàu khi ngoài đầu tư vào việc lai giống, họ có thể nhắm đến các khoản thưởng từ giải đấu hay... cá cược. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Hành xử Đạo đức với Động vật (PETA) thì 15 triệu USD là khoản tiền thu được từ các dịch vụ bất hợp pháp liên quan đến cá độ trong các giải đua chim bồ câu (12). Còn ở trong nước, đây được xem làm một thú vui giải trí nhiều hơn bởi chi phí bỏ ra so với tiền thưởng từ các giải đấu có sự chênh lệch khá lớn.
4. Vẫn còn nhiều rủi ro: Theo thống kê từ các thành viên trong các hội nhóm, tỷ lệ mất mát chim bồ câu sau mỗi cuộc đua là 20% (11). Tuy nhiên đáng mừng là nó thấp hơn ở nước ngoài vì theo PETA tỷ lệ này ở châu Âu là 60% (12). Nguyên nhân chính là do thiên nhiên tại đó vốn khắc nghiệt và hoang dã hơn cùng với sự hiện diện của rất nhiều loài chim ăn thịt luôn lăm le các giải đua bồ câu làm cơ hội béo bở để săn mồi (13).
5. Hiểu biết của mọi người còn hạn chế: Đây là nguyên nhân dẫn đến sự mất mát chim bồ câu do bàn tay con người. Điển hình là tại Nghệ An vào năm 2016, một trường hợp chim bồ câu đua bị bắn hạ bằng súng cao su được đưa lên báo (14).
Mặc dù vậy, những khó khăn trên không cản bước được những người có niềm đam mê với những chú chim là biểu tượng của hoà bình này. Bằng chứng là từ năm 2020 đến nay đã có rất nhiều cuộc đua chim bồ câu được tổ chức khắp mọi miền đất nước. Ngoài việc chia sẻ thông tin đến nhiều người có cùng sở thích, chúng ta có thể giúp đỡ những "tay đua bồ câu" cùng chủ nhân của chúng bằng cách như sau:
Khi bắt gặp một một chú chim bồ câu có đeo vòng cổ ở chân, đang bị thương hoặc có dấu hiệu bị lạc, bạn có thể:
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.