Khi đã hình dung được bức tranh toàn cảnh về thị trường đồng hồ hạng sang cả về lợi nhuận lẫn rủi ro, điều tiếp theo mà nhà đầu tư cần nắm rõ trước khi "rót vốn" chính là hiểu được những yếu tố làm nên giá trị thật sự cho những chiếc đồng hồ "tiền tỷ" sẽ nằm trong bộ sưu tập xa xỉ phẩm của mình trong tương lai.
Giá trị của những chiếc đồng hồ xa xỉ không phụ thuộc vào giá trị sử dụng, mà nằm ở giá trị thặng dư. Điều này đến từ nhiều yếu tố như: độ hiếm, độ tinh xảo, tuổi đời, tình trạng và cuối cùng mới là xu hướng của thị trường.
Những mẫu được săn tìm nhiều thường là các dòng đồng hồ thuộc phiên bản giới hạn, hiếm thấy trên thị trường. Bởi tương tự như các loại tài sản đầu tư khác, đồng hồ sang và hiếm sẽ tăng giá trị khi cung không đủ cầu, độ hiếm càng cao thì giá trị càng lớn. Tuy nhiên, những chiếc đồng hồ hiếm có khó tìm như vậy không nên là một hướng đầu tư dành cho người mới bắt đầu, bởi nguyên nhân là mức giá "trên trời" và không hề dễ để mua vào
Trong top những chiếc đồng hồ đắt đỏ nhất, chỉ có số ít là "đắt xắt ra miếng" theo đúng nghĩa đen do được đính toàn kim cương, đá quý... Những chiếc còn lại sở dĩ có giá trị cao, một phần là vì tính lịch sử hoặc những câu chuyện khoác lên (1). Chiếc Patek Philippe Grandmaster Chime Ref. 6300A-010 là một ví dụ.
Được chế tạo với mục đích kỷ niệm 175 năm thành lập hãng Patek Philippe, Grandmaster Chime Ref. 6300A-010 là chiếc đồng hồ đeo tay phức tạp nhất của thương hiệu từng được sản xuất. Nó có đến 20 chức năng trên cả hai mặt số. Chưa hết, Grandmaster Chime còn nắm giữ sáu bằng sáng chế - trở thành chiếc đồng hồ đắt đỏ thứ ba trên thế giới (được trả 31 triệu USD trong một phiên đấu giá), xếp phía sau Graff Diamonds The Fascination (40 triệu USD) và Graff Diamonds Hallucination (55 triệu USD) (2).
Độ quý hiếm là yếu tố hàng đầu để xác định giá trị của một chiếc đồng hồ - như trường hợp kể trên - và các hãng xa xỉ phẩm cũng thường tập trung sản xuất một chiếc đồng hồ như vậy để kỷ niệm những dịp đặc biệt hoặc dành tặng một "quý nhân" đặc biệt nào đó. Họ vận dụng tất cả những công nghệ cũng như nhân công có tay nghề tốt nhất để hoàn thiện sản phẩm, điều này làm nên yếu tố tiếp theo để đánh giá giá trị của một chiếc đồng hồ, đó chính là sự tinh xảo trong thiết kế và gia công.
Nguyên liệu chế tác: Một vài chiếc đồng hồ được đánh giá là có độ hoàn thiện cao nhờ vào đặc điểm độc đáo về nguyên liệu chế tác. Tuy nhiên, không cần thiết phải nạm đá quý hay kim cương, vật liệu chế tạo đồng hồ cũng chia làm nhiều loại để có thể đáp ứng linh hoạt các kỹ thuật cao khi gia công.
Kể từ 2003, Rolex đã chuyển từ hợp kim thép 316L sang hợp kim thép không gỉ 904L để tăng khả năng chống trầy và hao mòn. Hợp kim mới này tuy có nhiều ưu điểm nhưng khó gia công hơn, giá trị vì thế mà tăng lên. Ngoài ra, Rolex cũng là đơn vị sản xuất đồng hồ duy nhất có cả xưởng nấu chảy và đúc vàng cho các chi tiết máy của họ (3).
Kỹ thuật gia công: Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến chiếc đồng hồ được nâng tầm giá trị. Với độ hoàn hảo và tinh xảo được yêu cầu ở mức cực kỳ cao, các mẫu đồng hồ xa xỉ có thể mất trung bình đến sáu năm ròng để sản xuất (5), thế nên về độ hiếm và giá trị thặng dư là không phải bàn đến.
Chẳng hạn, mẫu Patek Philippe 5205G có khả năng chống thấm nước ở độ sâu lên đến 30 mét. Mẫu đồng hồ này được thiết kế hết sức tinh xảo với kim giờ mạ vàng, bộ khung bezel lõm làm từ vàng trắng và mặt quay số có thiết kế sunburst màu lam. Từng chi tiết tinh tế góp lại ấy đã làm nên giá trị hiện tại của Patek Philippe 5205G với mức giá dao động từ 60.000 USD (6).
Tính năng: Càng nhiều tính năng thì giá thành cũng sẽ tăng, tuy nhiên việc đó lại không đóng vai trò then chốt, mà chỉ được xem là kết quả của kỹ thuật gia công đồng hồ mà thôi. Bởi lẽ, đa số người mua đều không dùng hết các tính năng vì đồng hồ xa xỉ thường được xem như trang sức hoặc một khoản đầu tư.
Các dòng máy sở hữu cơ chế split-seconds (hai bộ đếm giờ vận hành cùng lúc), lịch vạn niên tự động (perpetual calendars), hay mặt đếm số siêu phẳng (ultra-flat faces) sẽ có giá cao hơn một chút. Hoặc một số đồng hồ lặn (dive watches) có trang bị tính năng chống thấm nước dành riêng cho thợ lặn chuyên nghiệp cũng được nhiều người săn đón hơn.
Được giới thiệu vào năm 1953, Rolex Submariner là chiếc đồng hồ lặn đầu tiên có khả năng chịu nước ở độ sâu 100 mét. Đồng hồ được trang bị một khung hẹn giờ xoay 60 phút để giúp thợ lặn theo dõi thời gian họ đã ở dưới nước và mặt số được trang bị nhiều vật liệu dạ quang để đảm bảo có thể đọc được ở những vùng nước tối tăm nhất (7).
Đương nhiên đồng hồ càng cổ thì càng có giá, nhưng khác với "vàng lỏng" thường nằm trong tủ đựng rượu, một chiếc đồng hồ sẽ trải qua "sương gió" nhiều hơn trong quá trình sử dụng. Vậy nên lâu đời thì đúng là có giá trị, nhưng cũng cũng phải đi kèm với tình trạng hoạt động ổn định. Do việc kiểm tra, thẩm định những chiếc đồng hồ cũ mất rất nhiều công đoạn nên những năm trước đây, các hãng đồng hồ không đứng ra trực tiếp mua bán qua tay.
Thông thường với các hãng đồ hồ xa xỉ, thời gian bảo hành cho một chiếc đồng hồ là khoảng hai năm. Tuy nhiên, với các hãng lớn như Omega hay Rolex, con số này có thể lên đến năm năm (8).
Thông thường, những chiếc đồng hồ hỏng hóc, cũ nát sẽ không còn giá trị, nhưng trong một vài trường hợp đặc biệt dưới đây thì nó lại lên giá, ví có liên quan đến khái niệm "xu hướng thời trang".
Thiết kế và xu hướng thời trang cũng đóng vai trò quan trọng trong giá trị của một chiếc đồng hồ. Những chiếc đồng hồ lạ mắt mang kiểu dáng mới thường sẽ có giá nhỉnh hơn, hoặc tăng lên nếu một người nổi tiếng đeo nó tại một sự kiện hoặc buổi trình diễn thời trang quan trọng.
Chiếc Omega Seamaster "Planet Ocean" từng nổi đình nổi đám sau cảnh đấu súng trong sòng bạc xuất hiện ở tập phim "Casino Royale" về Điệp viên 007, do Daniel Craig thủ vai James Bond. Dẫu khi được đấu giá, chiếc đồng hồ không còn trong tình trạng hoàn hảo vì nhiều vết xước, bụi và cát trong quá trình quay phim hành động. Song, vì đó là chiếc đồng hồ của James Bond nên nó vẫn được bán với mức giá 255.565 USD (8). Những chiếc Omega Seamaster "Planet Ocean" sau này cũng vì thế mà đội giá cao hơn.
Một nhà đầu tư cần tư duy khác một nhà sưu tầm, bạn nên cân nhắc kỹ giữa tính thẩm mỹ và khả năng sinh lời của nó. Nhiều mẫu có thiết kế độc lạ, nhưng nếu nó không làm từ chất liệu quý giá, thiếu đi tính độc đáo tinh xảo thì không đáng công để bỏ tiền vào. Cũng đừng va vào những chiếc đồng hồ không rõ nguồn gốc, không phải chính hãng hoặc không tìm được giấy tờ xác minh cho câu chuyện đằng sau - thứ mà nhiều người bán đang cố tình thêu dệt. Điều này càng đúng khi bạn chọn ngách đồng hồ "vintage" second-hand tầm trung.
Một ví dụ khác là chiếc Omega Speedmaster đã làm nên cuộc cách mạng trong giới và trở thành chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng nhất thế giới khi khoác lên mình danh hiệu là "đồng hồ đầu tiên có mặt tại Mặt trăng". Vì thế nên chiếc Omega Speedmaster đáng đầu tư trong thời điểm hiện tại là những chiếc sử dụng bộ máy Caliber 321 chứ không phải nhiều dòng mới ra như các trang bán lẻ thổi phồng (9).
Câu chuyện thổi giá của nhiều dealer là một trong những vấn đề nhức nhối mà người mới bắt đầu "chơi" đồng hồ thường gặp phải. Vậy để chen chân vào thị trường tràn ngập các tay chơi sành sỏi như thế này thì cần phải lưu ý những điều gì?
1. Có thể cân nhắc mua mới để đầu tư: Giống như bài viết kỳ trước đã phân tích, những chiếc đồng hỗ cũ có giá cao hơn mua mới, nên nếu mục đích là để sinh lời chứ không phải khao khát sở hữu nhanh chóng thì bạn có thể thử vận may - bằng cách điền tên mình vào danh sách chờ của những nhãn hàng nổi tiếng. Tuy nhiên, việc đặt hàng là mất thời gian nên vay mượn để đầu tư cho những trường hợp như vậy là không nên.
Nhưng, liệu bất kỳ thương hiệu đồng hồ nổi tiếng nào cũng đều mang lại lợi nhuận cao ngất ngưởng? Câu trả lời là không. Thử nhìn vào bảng dưới đây để thấy sự khác biệt.
ROI là viết tắt của Return on Investment, chỉ số đo lường khả năng thu được lợi nhuận từ một khoản đầu tư
2. "Chọn mặt gửi vàng": Lựa chọn thương hiệu để đầu tư là một điều rất quan trọng cho những người mới. Lấy Hublot làm ví dụ, trong biểu đồ phía trên chúng ta có thể thấy, ROI của hãng này là 8% - thấp hơn 12 lần so với Rolex và 26 lần so với Patek Philippe. Và vào năm 2020, ROI của Hublot thậm chí còn âm.
Trong khi đó, ROI của Patek Philippe dòng 57111A là 788% (2017 đến năm 2022) - đây là một con số khổng lồ và được dự đoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng (11).
Các mẫu đồng hồ từ các thương hiệu như Hublot hoặc Piaget thường không có ROI cao theo thời gian. Điều đó không có nghĩa là Hublot chế tạo ra những chiếc đồng hồ kém cỏi hơn Patek Philippe hay Rolex, mà đơn giản chỉ là đồng hồ của hãng này không phải những sản phẩm sinh lời tốt nhất trên "thị trường đầu tư" đồng hồ xa xỉ.
3. Cẩn thận mua phải hàng nhái, hàng giả
Theo báo cáo của McKinsey, thị trường mua bán đồng hồ đã qua sử dụng đang phát triển nhanh chóng và dự kiến sẽ tăng doanh thu từ 29 tỷ USD của năm 2021 đến 32 tỷ USD vào năm 2025 (12).
Xác định những giá trị mà Lela Journal kể trên sẽ giúp chúng ta đưa ra kết luận về tính hợp lý về giá bán lẻ của đồng hồ khi muốn "thử sức" ở lĩnh vực đầu tư này. Tuy vậy, để hạn chế bất kỳ sai sót hoặc rủi ro nào, ngoài việc "nằm gai nếm mật" trên thương trường thì hãy trang bị thêm cho bản thân một số kiến thức khoa học nhất định.
Qua 1.000 bức ảnh màu ngoạn mục trong nghiên cứu có tên "100 Years of Vintage Watches", tác giả Dean Judy cung cấp cho độc giả những lời khuyên thiết thực về sở thích sưu tầm đồng hồ cổ, cũng như những lưu ý về các loại đồng hồ nên tránh mua bán. Điều này có thể phần nào giúp người đọc xác định và định giá bộ sưu tập của chính họ (13).
4. Học cách bảo quản đồng hồ: Như đã nói, một trong các tiêu chí định giá trị của đồng hồ xa xỉ dòng cổ điển (vintage) là tình trạng bảo quản của nó, thế nên bạn cần học cách bảo quản tài sản đầu tư của mình.
Để tránh làm trầy xước hay hao mòn, nên đặt mặt kính nằm ngửa lên trên và bảo quản trong các hộp chống ẩm, ngăn kéo chuyên dụng, hộp chính hãng, đồng thời tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng Mặt trời. Đối với đồng hồ tự động, nên cất chúng trong hộp vặn dây cót (watch winder) để đảm bảo mọi chức năng đều hoạt động ổn định.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về LeLa Shopping?