Dọn dẹp nhà cửa lộn xộn, dọn lại hỗn độn đời mình: Làm sao để nhà sạch ngăn nắp, đời sống an vui?
Nhà cửa bừa bộn hoặc có quá nhiều vật dụng không dùng đến sẽ khiến cuộc sống của chúng ta - bao gồm sức khỏe tinh thần, mức độ tập trung và chất lượng giấc ngủ - bị suy giảm đáng kể. Để bắt tay vào dọn dẹp, trước hết chúng ta cần tìm hiểu lý do vì sao mình tích trữ và không chịu vứt bỏ đồ đạc.
Lộn xộn khiến ta trì hoãn, mất tập trung và không thỏa mãn với cuộc sống
Từ "lộn xộn" (clutter) được dùng để chỉ việc bày biện những món đồ không cần thiết và không còn sử dụng khắp nơi trong nhà - một cách không có tổ chức. Một số người chủ tâm để nhà cửa bừa bộn theo một chủ ý xếp đặt nào đó, nhưng cũng có những người vô tình không để ý đến những món đồ đã quá lâu không đụng đến.
Hãy tự hỏi bản thân những câu sau đây xem bạn có đang gặp phải vấn đề này:
Bạn có đang sở hữu món đồ nào mà lâu nay không sử dụng, như quần áo không mặc vừa hoặc các thiết bị điện tử cũ?
Bạn có cần một “ngăn tủ dư thừa” để chứa những món đồ mà bạn nghĩ là cần thiết, nhưng lại chưa bao giờ dùng đến?
Bạn có thường mua thêm đồ mới để thay thế những món mình đã làm mất?
Bạn có cảm thấy ngại khi mời ai đó đến nhà vì nó quá lộn xộn?
Nếu trả lời có cho bất kỳ câu hỏi nào, có thể nhà chúng ta đang khá bừa bộn ở một mức độ nào đó.
Bày bừa đồ đạc lộn xộn thường dễ bị xem là một vấn đề không đáng quan tâm, đặc biệt là đối với những người bận rộn. Nhưng điều đó lại tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của chúng ta, điển hình như việc tăng mức độ căng thẳng, khó tập trung, liên tục trì hoãn và thậm chí là khó kiểm soát bản thân.
Một số nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của không gian sống lộn xộn bao gồm:
Các đối tượng sống trong nhà cửa bừa bộn có nồng độ hormone căng thẳng cortisol cao hơn trong ngày so với những người có ít đồ đạc hơn (1).
Bộ não con người chỉ có thể tập trung vào một vài tác nhân kích thích (stimuli) ở một thời điểm. Nếu phải làm việc ở môi trường không gọn gàng, chúng ta sẽ cảm thấy khó tập trung và suy nghĩ thiếu rõ ràng (2).
Những người để mặc cho đồ đạc trong nhà lộn xộn cũng thường có xu hướng trì hoãn các nhiệm vụ quan trọng (3).
Môi trường bày bừa cùng với trạng thái tâm trí mất kiểm soát có thể dẫn đến các hành vi ăn uống không lành mạnh. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ khó kiểm soát những cảm xúc bốc đồng hoặc tiêu cực của bản thân khi đang ở trong một không gian căng thẳng và hỗn loạn (4).
Những người ngủ trong căn phòng bừa bộn và có nguy cơ mắc chứng “rối loạn tích trữ” cao cũng sẽ gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ, thường bị mệt mỏi vào sáng hôm sau (5).
Sự lộn xộn cũng có khả năng làm giảm cảm giác hài lòng về cuộc sống (3).
Vì sao mọi người bỏ mặc nhà cửa bề bộn?
1. Không chắc nên giữ hay nên bỏ: Đôi khi sẽ khó phân biệt giữa đồ dùng cần thiết và những thứ dư thừa. Ví dụ, một món đồ dù rất quý nhưng lại không hữu dụng có thể trở thành “vật cần vứt bỏ”. Bạn từng cần đến nó trong quá khứ nhưng hiện tại không còn dùng đến và không chắc khi nào mình nên bỏ đi, hoặc cảm giác buộc phải níu kéo càng nhiều đồ càng tốt cũng sẽ khiến chúng ta vô tình tích lũy đồ đạc trong không gian sống.
Nên làm gì?
Luôn đặt các câu hỏi kiểm tra mức độ cần thiết của đồ dùng trong nhà đối với bạn: Món đồ này có hữu ích vào thời điểm này không? Bạn có sẵn sàng sửa chữa nó khi bị hỏng? Bạn có cảm thấy tội lỗi khi bỏ hoặc tặng đồ dùng này đi và vì sao?...
Khi dọn dẹp, bạn có thể chia làm 4 nhóm đồ: nhóm đầu tiên là giữ lại, nhóm thứ hai là cho đi hoặc quyên góp, nhóm thứ ba là bỏ đi. Nếu gặp khó khăn, hãy đặt chúng vào nhóm thứ tư để quyết định sau.
Quần áo sờn rách, bạc màu hoặc không mặc vừa nên được bỏ đi để tránh việc chất đầy tủ của bạn. Điều đó tương tự với thực phẩm hết hạn, mỹ phẩm cũ, chén bát sứt mẻ hoặc bất cứ đồ dùng nào bị hỏng mà không thể sửa chữa.
Những món quà tặng đã đóng bụi, không còn giá trị hoặc không giúp ích cho bạn sẽ khiến không gian căn phòng trở nên chật chội. Hãy lọc lại từng món xem bạn có thể tái chế chúng, quyên góp cho ai đó hoặc bỏ bớt đi không.
Tranh thủ tìm kiếm những tổ chức từ thiện thu gom vật dụng cũng là một cách tái chế ý nghĩa dành cho bạn. Những người nghèo khó và chưa đủ điều kiện thường thiếu nhiều quần áo, sách vở và đồ dùng sinh hoạt… quyên góp sẽ giúp bạn dễ dàng cho đi món đồ bởi nó giúp ích được cho cộng đồng.
2. Chưa thiết lập được “lịch trình dọn dẹp”: Sự bừa bộn xảy ra do quá trình tích tụ ngày một tăng dần chứ không phải do một hoặc hai lần bày bừa đồ đạc không đúng chỗ. Nếu không có một lịch trình dọn dẹp cụ thể và thường xuyên, chúng ta sẽ khó bảo đảm môi trường sống luôn ngăn nắp và sạch sẽ.
Nên làm gì?
Thiết lập các thói quen hằng ngày để duy trì một ngôi nhà không còn “hỗn độn”, chẳng hạn như quét/lau nhà mỗi ngày 15 phút.
Thói quen hằng tuần cũng không kém phần quan trọng. Dọn phòng ngủ, phòng bếp hoặc phòng khách mỗi tuần vừa giúp bạn sắp xếp lại căn nhà, phòng tránh việc chất đồ theo thời gian, vừa giúp tâm trí chúng ta thư giãn thoải mái sau một tuần làm việc.
Sắp xếp đồ đạc dựa trên mức độ sử dụng (những gì cần dùng hằng ngày để ở nơi dễ lấy, những gì chưa/ít dùng có thể cất vào tủ/kho).
Cố gắng giữ cho các bề mặt như mặt bàn ăn và bàn làm việc không có đồ đạc.
Cân nhắc mua các thùng lưu trữ để cất gọn đồ dùng nếu cần thiết, tuy nhiên hãy cẩn thận để không mua quá nhiều.
Quay lại việc giảm số lượng đồ dùng bất cứ khi nào bạn cảm thấy không gian bắt đầu lộn xộn và chứa quá nhiều thứ.
Hãy để ý cảm giác của bạn sau khi dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, bạn có thấy mọi thứ tốt hơn? Cảm giác này sẽ là động lực để chúng ta tiếp tục lược bớt đồ đạc trong những lần tới.
3. Mua sắm vì mong muốn nhất thời: Khi nhìn thấy hàng giảm giá hoặc những thứ mới nổi theo trào lưu, chúng ta sẽ dễ bị cám dỗ phải sở hữu bằng được và thu thập nhiều thứ mà bản thân có thể không bao giờ cần đến. Tuy nhiên, có nhiều vật chất không làm ta hạnh phúc hay thấy tiện nghi hơn như trên quảng cáo vẫn thường nói, mà đây chính là nguồn cơn cho nhiều căng thẳng, lo lắng vì có quá nhiều thứ cần phải giữ, cần phải để tâm đến trong môi trường sinh hoạt.
Mặt khác, khi mua một món đồ với sự chọn lựa cẩn thận, cân nhắc về giá trị sử dụng của nó, chúng ta sẽ trân trọng và cảm thấy yêu thích hơn. Khác với việc chọn một lần 4, 5 cái áo nhưng cuối cùng có thể chúng ta sẽ chỉ thích mặc một trong số đó.
Nên làm gì?
Hãy đặt ra một số quy tắc mua sắm cho mình: Nếu không cần sử dụng một món đồ giảm giá ngay lập tức, hoặc không phải để tặng cho ai, tốt nhất là không nên mua nó; Xác định danh sách/số lượng đồ dùng cần mua trước ở nhà và dự tính sẽ đặt chúng ở đâu…
Trước khi mua gì đó, hãy nghĩ kỹ xem bạn có thực sự cần nó không, liệu món đồ có chiếm thêm nhiều không gian nhà ở... Nếu đang do dự, bạn có thể mượn tạm của bạn bè hoặc thuê về dùng thử (nếu được) ít nhất là vài tuần để chắc chắn. Bằng cách lưu tâm hơn về những thứ đem về nhà (cùng những món định bỏ đi), chúng ta đang dần tạo thói quen xây dựng một môi trường không bừa bộn, mang đến cảm giác yên bình và thanh lọc tâm trí (6).
Không phải ai cũng giữ được nhà cửa luôn ngăn nắp và chỉ chứa đồ dùng cần thiết bởi thói quen này khá khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thời gian thích nghi trước khi mang lại kết quả. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong nếp sống thay vì chỉ trích bản thân trong quá trình dọn dẹp. Bạn cũng có thể tự thưởng cho những nỗ lực đáng trân trọng của mình sau mỗi lần dọn dẹp hoặc cho đi bớt đồ. Nó sẽ giúp chúng ta kiên trì hơn theo thời gian để đạt được những mục tiêu dài hạn (7).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Không Gian Sống?
Hoa NguyenTrong nhiều năm làm việc ở bộ phận truyền thông của các công ty và tổ chức khác nhau, Hoa Nguyễn đã tích góp được những kinh nghiệm hữu ích để xây dựng hình ảnh thương hiệu và lan tỏa những giá trị nhân văn đến cho xã hội. Cô nhận thấy rằng, để thay đổi nhận thức của cộng đồng và hướng mỗi người đến một lối sống tốt đẹp, chúng ta cần tạo nên những câu chữ, bài viết về các chủ đề hữu ích, khoa học và nêu bật những vấn đề cần giải quyết của xã hội. Bởi khi tư duy đã thay đổi, chúng ta sẽ thay đổi được hành động theo hướng tích cực hơn. Một cá nhân thay đổi sẽ góp phần vào thay đổi chung của toàn thế giới.