Chó là loài động vật xã hội đã chung sống cùng con người trong hàng nghìn năm. Chúng đặc biệt yêu quý loài người và có sự liên kết cảm xúc chặt chẽ với họ. Vốn là một loài vật thông minh, thân thiện và hòa đồng, chó sở hữu khả năng tuyệt vời để đọc vị những xúc cảm của chủ nhân và truyền tải những gì chúng đang cảm nhận.
Chúng ta gọi chó là động vật xã hội vì trước đây chúng thường sống theo bầy đàn. Khoảng 40.000 năm trước, chó sói - tổ tiên của loài chó và con người đã sống cùng nhau theo các nhóm săn mồi. Sau đó, con người thuần hóa chó sói qua nhiều thế hệ để chúng trở thành chó nhà ngày nay. Chó và người có mối liên hệ mật thiết với nhau ngay từ thuở xa xưa, nhưng một nghiên cứu gần đây đã chứng minh tình yêu của chó đối với con người thậm chí còn lớn hơn chúng ta tưởng.
Trong một loạt thí nghiệm quan sát cách chó phản ứng, nhà thần kinh học Gregory Berns phát hiện trung tâm tưởng thưởng (reward center) trong não của chó sẽ hoạt động tích cực lúc chó được khen ngợi hoặc tặng bánh hotdog, chứng tỏ chúng thích thức ăn, nhưng nếu được yêu cầu chọn giữa một bát thức ăn và chủ nhân của chúng, phần lớn những chú chó đã chọn chủ nhân, kể cả khi chủ nhân không đưa gì ngon cho chúng (1), (2).
Thí nghiệm này cho thấy mối quan hệ giữa chó và người chăm sóc không đơn thuần chỉ là cho ăn và chó có thể ưu tiên chúng ta mà bỏ qua "chiếc bụng đói".
Chó đặc biệt giỏi trong việc nắm bắt cảm xúc chủ nhân. Giống như những đứa trẻ mới biết đi nhìn vào cha mẹ để tìm hiểu cách phản ứng của con người với thế giới, những chú chó cũng nhìn vào cảm xúc chủ nhân để nhận biết tình hình xung quanh. Nếu người chủ tỏ ra bình tĩnh và tự tin, chó sẽ xem đây là môi trường an toàn, không có nguy hiểm.
Giáo sư Tâm lý học Clive Wynne cho biết: "Sự kết nối cảm xúc là nền tảng cơ bản của mối quan hệ giữa chó và người. Chó là động vật xã hội đáng kinh ngạc - chúng dễ dàng "lây" cảm xúc hân hoan và ấm áp từ con người, và cũng dễ bị ảnh hưởng nếu chủ nhân cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng" (3).
Khi nhìn thấy trẻ sơ sinh khóc, phản ứng thông thường trong cơ thể con người là gia tăng mức độ cortisol, hormone căng thẳng và đề cao cảnh giác. Đây là một biểu hiện của sự lây lan cảm xúc dựa trên cảm giác đồng cảm. Nghiên cứu cho thấy rằng tương tự như vậy, lượng cortisol của chó cũng tăng lên khi nghe thấy tiếng khóc, chúng phản hồi lại bằng cách quan sát, tiếp cận, liếm và rúc vào người của trẻ (4).
Sự đồng cảm còn thể hiện qua tiến trình giải phóng oxytocin - hormone đại diện cho tình yêu, sự tin tưởng và lòng vị tha khi chó tương tác với con người. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chất dẫn truyền thần kinh này sẽ khiến chó chảy nước mắt bất cứ khi nào chúng cảm thấy hạnh phúc và phấn khích, chẳng hạn lúc nhìn thấy người thân về nhà (5). Những hành động tương tác như chơi, vuốt ve, nói chuyện với chó, thậm chí chỉ cần nhìn vào mắt nhau sẽ làm tăng oxytocin cho cả hai bên, giúp mối quan hệ gắn bó bền chặt theo thời gian.
Càng gắn bó và sống lâu năm với chủ nhân, chó càng dễ nhận diện và đồng cảm với những cảm xúc của chúng ta hơn.
Khoa học cho thấy chó có khả năng nhận biết cảm xúc con người, chúng còn hiểu được ngôn ngữ của chúng ta (ít nhất là 89 từ và nhiều nhất là 200 từ - tương đương vốn từ vựng của một em bé hai tuổi) (5). Nhưng làm thế nào chúng ta biết chó đang có cảm nhận gì?
Đời sống tình cảm của chó không quá phức tạp như con người, chúng có thể trải qua một số trạng thái cảm xúc cơ bản. Dưới đây là những dấu hiệu bạn nên lưu ý khi quan sát một chú chó:
1. Hạnh phúc: Chó cảm thấy hạnh phúc khi chúng hào hứng tham gia các hoạt động như đi dạo hoặc chơi với chủ. Những dấu hiệu điển hình của một chú chó vui vẻ là giành sự chú ý của bạn; liếm; tai vểnh lên; cơ thể thư giãn (không bị căng thẳng hoặc cứng đơ); vẫy đuôi (tùy trường hợp, đuôi vẫy cao chứng tỏ chó đang thấy gì đó thu hút, đuôi hạ thấp cho thấy chó đang sợ hãi hoặc lo lắng). Đồng thời, chó khi hạnh phúc thường không có hành vi phá hoại vì đây là dấu hiệu của cảm giác căng thẳng.
2. Sợ hãi: Cảm xúc này tất cả các loài đều trải qua vì nó cần thiết cho sự sinh tồn. Chó thường sợ hãi khi bị kích động bởi tiếng ồn lớn; người, động vật và đồ vật lạ hoặc tình huống đòi hỏi kỹ năng mới. Chúng thể hiện nỗi sợ qua các biểu hiện như: trốn tránh; run rẩy; thu mình lại; thở hổn hển; bất động; cụp đuôi… Những dấu hiệu tinh tế hơn là chỉ cúi đầu và nhìn đi chỗ khác khi không thoải mái với một tương tác xã hội, hoặc ban đầu để bạn vuốt ve nhưng sau đó lảng tránh bằng cách lùi lại, gầm gừ hoặc cắn.
3. Tức giận: Chó cảm thấy tức giận khi bị thất vọng hoặc đe dọa, chúng có thể hành động gây hấn - bắt đầu bằng sự cảnh báo và lên đỉnh điểm bằng việc tấn công. Chẳng hạn, chuỗi hành vi này diễn ra theo trình tự như sau: tránh giao tiếp bằng mắt (nheo mắt lại), quay đầu và cơ thể đi để tránh xa mối đe dọa -> ngáp hoặc liếm môi -> hạ thấp người -> đóng băng -> gầm gừ -> cắn.
4. Buồn: Chó cực kỳ gắn bó với con người và những vật nuôi khác, vì vậy khi các mối quan hệ này thay đổi hoặc một thành viên/con vật trong gia đình mất đi, chó sẽ cảm thấy buồn bã và thu mình. Một số biểu hiện của chú chó đang buồn là giảm cảm giác thèm ăn và mức độ vận động thể chất; ngủ nhiều hơn bình thường; không muốn tương tác chơi đùa; đi lại trong nhà một cách bồn chồn; trốn dưới gầm giường, trong tủ; liếm chân (một phương pháp làm dịu cảm xúc, tự an ủi của nhiều chú chó).
5. Yêu thương: Khi cần bày tỏ tình yêu đối với con người hoặc con vật khác, chó thường có những hành động như vẫy đuôi, liếm láp và gối đầu lên người bạn (chứng tỏ chó đang muốn ở gần chúng ta để nghỉ ngơi hoặc chơi đùa). Một số hành vi thể hiện yêu thương điển hình khác là sủa và nhảy lên khi thấy chủ nhân bước qua cửa nhà; chia sẻ đồ chơi yêu thích của chúng cho bạn như một món quà; thích nằm cạnh chủ nhân ngủ (dấu hiệu chúng cảm thấy an toàn và xem bạn như một phần trong "bầy đàn" của mình); thường xuyên giao tiếp bằng ánh mắt và theo bạn đi khắp nơi.
Chó yêu con người - điều này đã được chứng minh hết lần này đến lần khác trong nhiều nghiên cứu khoa học - và thực sự là người bạn tốt nhất của chúng ta. Hiểu về đời sống tình cảm của những chú chó là một hành trình còn nhiều thách thức nhưng lại cần thiết để ngày càng trở nên gắn kết với loài vật thông minh và trung thành với con người này.
Mời độc giả đọc thêm một số bài viết cùng chủ đề đã đăng tải trên LeLa Journal:
Khứu giác: "Chiếc la bàn" giúp chó nhận biết tâm trạng và trấn an cảm xúc cho chủ nhân
Chó mèo sẽ nhớ chúng ta trong bao lâu?
Vì sao chó hay "nhìn chằm chằm" vào bạn?
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.