Kỳ nghỉ dài là một thời điểm vàng để những người đang mệt mỏi, kiệt quệ với công việc có những giờ phút nghỉ ngơi thoải mái. Có người chọn về quê cùng gia đình, có người chọn nằm dài ở nhà ôm mèo ngủ nướng, có người chọn đi du lịch thăm thú khắp nơi… và cũng có rất nhiều người lựa chọn cho mình một hình thức trải nghiệm mới đang rộ lên trong những năm gần đây, đó là đi bộ đường trường băng rừng lội suối (trekking, hiking). Hãy cùng LeLa Journal khám phá điều này qua câu chuyện của anh Gió - một tourguide đã dẫn hàng ngàn người "tìm về với thiên nhiên".
Một độc giả đã chia sẻ với LeLa Journal rằng anh bắt đầu cuộc hành trình của mình từ khi xem bộ phim Into The Wild. Đây là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật kể về Christopher Johnson McCandless - một sinh viên người Hoa Kỳ. Đứng trước nhiều cơ hội lớn lao để học tập cũng như thăng tiến trong sự nghiệp nhưng anh nói không.
Christopher Johnson McCandless đã quyết định từ bỏ tất cả, đốt hết giấy tờ và tiền bạc, thông tin cá nhân... để bắt đầu một chuyến đi về với thiên nhiên. Câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng đến hàng triệu người trên thế giới bước vào hành trình khám phá tâm hồn, trong đó có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam.
Nhưng tất nhiên là LeLa Journal không gợi ý các bạn những phương án cực đoan như đốt bỏ giấy tờ đâu nhé. Bài viết này chỉ tập trung vào những điểm tích cực của việc đi bộ và khám phá bản thân thôi.
Vào khoảng cuối những năm 2014, Nguyễn Tân, lúc bấy giờ đang là vừa mới ra trường và bắt đầu đi vào rừng thăm thú. Theo lời kể của anh, thời gian đó ở Việt Nam chưa hề có tour du lịch nhiều như bây giờ, nên anh cùng mấy người bạn chỉ đơn giản là đi vào rừng khám phá. Sau vài lần lạc, anh cũng đã thông thuộc địa hình, rồi nhiều người biết tới hơn và nhờ dẫn đi, khi ấy các bạn gọi anh là "Gió - người dẫn đường". Qua mỗi chuyến đi, mọi người lại có thêm những câu chuyện mà cho đến vài năm sau kể lại vẫn không quên, không chán. Anh tâm sự thêm:
"Mọi người, ai ai cũng thích cảm giác được ở trong rừng, buổi chiều ngồi trên đồi đón gió ngắm hoàng hôn, buổi đêm thì nằm ngang dòng suối ngắm trăng sao, tự do thoát được khỏi bộn bề cuộc sống. Những trải nghiệm thú vị này được truyền tai nhau kèm thêm những tấm hình lung linh về các cung đường như Tà Năng - Phan Dũng, cực Đông, Ma Thiên Lãnh… Từ đó, mọi người bắt đầu rủ rê nhau đi "hành xác" nhiều hơn. Gọi là hành xác vì các bạn trong đoàn tự mang đồ, thử tưởng tượng xem vác khoảng 10kg đồ đạc trên người rồi cuộc bộ 50 - 60km lên núi xuống ghềnh thì không "hành" mới lạ…"
Anh Gió kể thêm rằng lúc mới bắt đầu, mọi người đa phần là sinh viên mới ra trường, các bạn có thể lực nên đồ đạc của nhóm có thể tự chia nhau mang đi để tiết kiệm chi phí. Dần dần, "dân văn phòng" tham gia nhiều hơn nhưng thể lực không được tốt nên có một số chuyến đi gặp nhiều khó khăn. Anh bắt đầu tính đến chuyện thuê thêm một số anh người đồng bào khỏe mạnh để mang đồ đạc phụ, vừa tạo thêm công việc (porter) cho người dân, vừa giúp chuyến đi thuận tiện.
"Từ đó, các dịch vụ bắt đầu ra đời nhiều hơn, phù hợp với nhiều đối tượng tham gia hơn và mình đã trở thành tourguide lúc nào không hay".
Về sự nở rộ của loại hình du lịch này, theo anh Gió, đó là đến từ nhu cầu ngày càng tăng về số lượng, vậy nên, truyền thông bắt đầu quan tâm nhiều hơn, thậm chí vừa rồi còn có cả một bộ phim về cung đường Tà Năng - Phan Dũng nữa. Thế nhưng, với những ai chưa đi thì không nên quá lo lắng vì mọi thứ không diễn ra "kịch tích" như trong phim.
"Ở ngoài đời, các nhà tour tìm hiểu và tiền trạm nhiều lần nên chuyên đi cực kỳ an toàn. Những tình huống bất ngờ về thời tiết, thiên nhiên như lũ quét, sạt lở… cũng có thể xảy ra nhưng rất hy hữu" - anh Gió cười khi được hỏi về những nguy hiểm có thể xảy ra khi trekking, hikking.
Với những ai đã trải nghiệm qua du lịch hành xác, những lợi ích về tinh thần mà nó mang lại khó có thể kê hết được. Thế nhưng, để tìm hiểu về lợi ích sức khỏe thể chất từ hoạt động này thì LeLa Journal một lần nữa tìm đến các nghiên cứu khoa học để kiểm chứng. Và đúng là giống như a Gió có đề cập, các học giả cũng trình bày rất rõ ràng những lợi ích của việc này, đầu tiên là giúp cơ thể có cơ hoạt động - điều ít gặp ở những người làm văn phòng.
Theo các nhà nghiên cứu, con người ban đầu có thể đã đi bộ tới 12 dặm một ngày để tìm thức ăn, khám phá và tìm nơi trú ẩn. Hoạt động này cung cấp cho cơ và xương của chúng ta thể chất dồi dào và đảm bảo bộ não có đủ oxy để tiếp tục phát triển các tế bào thần kinh (1). Sự thiếu vắng các hoạt động như vậy là nguyên nhân chiếm khoảng 6% đến 10% tổng số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chính (2) và 9% số ca tử vong sớm trên toàn thế giới (3).
Việc đi bộ đường trường trong môi trường thiên nhiên còn giúp chúng ta cải thiện vóc dáng, có một trái tim khỏe mạnh, tăng cường chất lượng giấc ngủ và gắn kết các mối quan hệ trong cộng đồng (4). Ở nhiều nơi trên thế giới, các hoạt động đi bộ đường trường như trekking, hikking được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến khích bệnh nhân của mình tham gia (5).
Và để giúp cho những trải nghiệm này đến với mọi người một cách trọn vẹn nhất, anh Gió chia sẻ với LeLa Journal một số điều cần lưu ý, nhất là với những ai đang có dự định tham gia những chuyến đi này trong những ngày nghỉ sắp tới.
1. Lựa chọn cung đường: Theo anh Gió có rất nhiều cung đường để trek và đã không còn "hành xác" như trước nữa và đáp ứng cho tất cả những bạn có nhu cầu. Ở phía nam, địa hình không quá khó như ngoài bắc và có nhiều tuyến đường nặng nhẹ khác nhau, phù hợp cho những bạn từ sinh viên đến văn phòng, hoặc là cho cả gia đình cùng tham gia.
"Nhẹ thì có Chứa Chan, Núi Bà Đen, Tà Giang, Tà Năng, Cực Đông, Bù Gia Mập, Tám Nàng Tiên, Pasol. Nặng thì có Bidoup, Chư Yang Lak, Núi Chúa, Bidoup-Tà Giang, Chư Mư, Tà Năng-Phan Dũng hướng thác Yavly. Các bạn có thể tim hiểu và lựa chọn một cung phù hợp với thể lực và nhu cầu của mình" - anh Gió chia sẻ.
2. Lựa chọn dịch vụ: Hiện nay, ngoài trekking và hikking thì đã có nhiều dịch vụ khác nhau giúp mọi người có những trải nghiệm phong phú hơn, phù hợp với mục đích của mình. Các dịch vụ rất phong phú có thể kể đến như glamping (cắm trại kiểu sang trọng), biking (đạp xe băng rừng), chèo SUP (chèo thuyền ở hồ, sông, suối)...
3. Chuẩn bị thể lực: Để đảm bảo an toàn cho chuyến đi, anh Gió nhắc nhở rằng mọi người cần nghe lời dặn dò của các nhà tour. Có thể lực là một lợi thế, còn bạn nào không có thể lực có thể tập luyện với các hoạt động thể dục thể thao như chạy bộ, đạp xe…
Anh lưu ý thêm: "Theo cá nhân mình thì các bạn nên tập patin giúp chân dẻo dai và có phản xạ tốt, dễ dàng ứng phó lúc gặp đường trơn hoặc địa hình khó khi trek. Ngoài ra hành trang gọn gàng giúp các bạn di chuyển dễ dàng và đỡ mất sức hơn".
4. Ý thức bảo vệ môi trường: Điều cuối cùng, anh Gió chia sẻ rằng bảo vệ môi trường là điều nên làm của tất cả mọi người, không riêng gì những người tham gia trekking. Mặc dù hầu hết ý thức của các bạn tham gia các chuyến đi cũng rất cao, những đâu đó cũng có những trường hợp vì bị "hành" quá mệt mà lén lút xả rác bừa bãi.
"Vậy nên trước khi xuất phát, mình luôn nhắc nhở mọi người về việc phân loại và không xả rác trên đường đi. Mỗi lần sau ngồi nghỉ ngơi minh lại nhắc các bạn kiểm tra xung quanh khu vực để đảm bảo không có để lại gì trong rừng ngoài những "dấu chân". Đoàn sẽ gom rác lại đưa cho các bạn porter vác ra khỏi rừng".
Như vậy, có thể thấy rằng qua một chuyến đi về với núi rừng, chúng ta có thể mang về rất nhiều thứ. Từ những bức hình đẹp cho đến những câu chuyện hay, từ sức khỏe thể chất cho đến tinh thần, từ việc một mình trên con đường dài đến việc có thêm những người bạn, những người có chung tinh thần với chúng ta trên hành trình khám phá cuộc sống. LeLa Journal hy vọng những người đang có ý định "hành xác" tìm thấy một lý do để trải nghiệm loại hình du lịch được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Du Lịch?