Con người thường ít khi thỏa mãn với những gì mình đang có. Sau khi đạt được các tiến bộ vượt bậc trong công nghệ, và khi tỷ lệ tử vong do nạn đói, bệnh dịch, chiến tranh đã giảm - giờ chúng ta sẽ hướng đến những mục tiêu táo bạo và khó chinh phục hơn. Vào thế kỷ XXI, rất có thể nhân loại sẽ nỗ lực nghiêm túc để chống lại tuổi già, thậm chí cả cái chết.
Theo các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America), ngành công nghiệp kéo dài tuổi thọ dự kiến sẽ có trị giá ít nhất 600 tỷ USD vào năm 2025. Đây có lẽ là một trong những cơ hội đầu tư lớn nhất trong thập kỷ tới (1).
Sự hiểu biết về y học của nhân loại ngày càng được nâng tầm sâu rộng. Cùng với đó, những tiến bộ về công nghệ di truyền (genetic technology), công nghệ nano (nanotechnology), dược phẩm tái tạo (regenerative medicine), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) và dữ liệu lớn (big data/AI health)... khiến việc đưa cuộc sống con người lên những giới hạn mới không còn là khoa học viễn tưởng và có thể trở thành một thị trường kiếm tiền hấp dẫn.
Trong cuốn sách Homo Deus: Lược sử tương lai, Yuval Noah Harari (tác giả cuốn Sapiens: Lược sử loài người được nhiều độc giả Việt Nam ưa chuộng) đã viết: "Một số chuyên gia tin rằng loài người sẽ không phải đối mặt với cái chết vào năm 2200, thậm chí là năm 2100 theo vài người dự đoán" (2).
Mới đây, Ray Kurzweil - cựu kỹ sư Google được biết tới với tỷ lệ dự đoán thành công 86%, lạc quan cho rằng con người sẽ đạt đến sự bất tử trong vòng 8 năm tới (2030), chủ yếu nhờ vào những nanobot đảo ngược tuổi tác siêu nhỏ (3).
Sam Altman - chuyên gia khởi nghiệp và giám đốc điều hành của OpenAI đã rút hết tài khoản ngân hàng của mình để tài trợ cho hai mục tiêu không kém phần tham vọng, đó là năng lượng vô tận và tuổi thọ kéo dài. Trong đó, khoản đầu tư 180 triệu USD của Altman được rót vào Retro Bioscatics, công ty với sứ mệnh táo bạo tăng thêm 10 năm tuổi thọ trung bình của con người (4).
Nghe có vẻ xa vời, nhưng các nhà khoa học đã nghiên cứu trong nhiều năm để tìm ra cách giúp con người đạt được cuộc sống vĩnh hằng. Những ý tưởng kỳ lạ nhất có thể kể đến là bất tử kỹ thuật số (electronic immortality), đông lạnh não (cryogenically freezing the brain), trẻ hóa tế bào (cell rejuvenation) và hồi sinh não (brain reanimation)...
Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ Nectome đang tìm cách bảo quản bộ não con người ở mức độ tinh xảo đến từng chi tiết bằng cách sử dụng quy trình ướp xác công nghệ cao (5). Họ dùng dung dịch hóa chất giữ cho bộ não nguyên vẹn trong hàng trăm năm, có thể lên đến hàng nghìn năm, giống như một bức tượng đông lạnh, sau đó sao lưu dữ kiện trong não lên đám mây.
Một ngày nào đó, các nhà khoa học sẽ quét bộ não cục gạch của bạn và biến nó thành mô phỏng trên máy tính (một dạng bất tử kỹ thuật số). Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn đang trong giai đoạn sơ khai vì để mô hình của Nectome hoạt động, họ cần đến não tươi của người còn sống.
Người ta thậm chí còn đông lạnh não bộ của con người sau khi chết, với hy vọng giúp họ "sống lại" trong tương lai (6). Công ty KrioRus của Nga hiện đang tiến hành bảo quản 91 người ở -320,8 độ F (-196 độ C) để cơ thể họ không bị hư hại. Nhiệt độ này đủ lạnh để tạm dừng mọi chức năng của tế bào và duy trì tạm thời trạng thái cơ thể cho đến khi rã đông.
Trong tương lai, khi khoa học đủ tiến bộ để chữa khỏi mọi căn bệnh mà con người có khả năng mắc phải - kể cả cái chết - những người này sẽ được hồi sinh trở lại. Dù vậy, chúng ta chưa thể biết được thời điểm xuất hiện công nghệ "đánh thức" bệnh nhân và nó vẫn đang được xem như một giấc mộng viển vông.
Tiến sĩ Michael Hendricks - nhà sinh vật học tại Đại học McGill ở Canada cho rằng, điều tạo nên tính cách, ý thức về bản thân, khả năng ra quyết định và tâm trạng hằng ngày của một người là những kết nối nhỏ giữa các tế bào. Nhưng công nghệ hiện tại không có cách nào lưu trữ hoàn hảo các tế bào này, và những tác động lên chúng, về cơ bản, sẽ thay đổi luôn việc "bạn là ai" (7).
Những bước tiến thực tế hơn trong công cuộc làm chậm cái chết, chẳng hạn như nội tạng in 3D (3D-printed organs), tái tạo nội tạng hoặc mô (organ or tissue regeneration), thuốc chống lão hóa (anti-aging drug), nanobot loại bỏ mảng bám (plaque-removing nanobots)..., đã đóng góp không nhỏ trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh.
Chúng ta có thể không tìm ra một viên thuốc thần kỳ giúp trẻ mãi không già, hoặc một công nghệ khiến bạn trường sinh bất tử, nhưng tất cả những tiến bộ này kết hợp lại sẽ làm gia tăng tính khả thi trong việc kéo dài sự sống.
Một ví dụ gần đây của việc ứng dụng công nghệ cao trong y học là trường hợp cấy ghép não để người bị liệt đi lại bằng suy nghĩ của mình (8). Các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ mô tả bộ phận được cấy ghép trong não này là một "cầu nối kỹ thuật số" giữa não và tủy sống người liệt.
Giao diện não - cột sống này sử dụng bộ giải mã suy nghĩ dựa trên AI để đọc ý định của bệnh nhân (dưới dạng tín hiệu điện trong não) và khớp chúng với các chuyển động của cơ. Công nghệ này giữ vững được nguyên lý chuyển động tự nhiên của con người - từ suy nghĩ đến ý định và từ ý định đến hành động.
Ở Việt Nam, một bệnh viện đã sử dụng robot mổ não thế hệ mới Modus V Synaptive để mổ mô phỏng 3D trước khi mổ chính thức. Điều này cho phép các bác sĩ thấy rõ hình ảnh 3D của khối u, các bó sợi thần kinh… trước, trong và sau ca mổ để tránh làm tổn thương các mô não lành.
Theo bác sĩ Chu Tấn Sĩ - trưởng khoa ngoại thần kinh của bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: "Robot giúp tránh biến chứng tối đa, bảo toàn chức năng cho người bệnh nhờ việc không cắt nhầm bó sợi thần kinh và các vùng não quan trọng, tránh những di chứng như liệt tay chân, giảm thị lực, khó nói, giảm khả năng tư duy… mà các kỹ thuật mổ kinh điển trước đây thường gặp phải" (9).
Về sau, thế giới sẽ phổ biến hơn các công nghệ tiên tiến giúp dây chằng đầu gối tự lành (thay vì thay thế bằng gân từ bộ phận khác hoặc từ người, động vật khác); tạo ra trái tim và cấy vào cơ thể người; đưa robot nano siêu nhỏ vào mạch máu để tìm và loại bỏ mảng bám, hỗ trợ điều trị các cơn đau tim… (10). Thế nhưng, việc tăng tuổi thọ trung bình (lên 150 tuổi như một số dự đoán) lại không mấy khả thi trong tương lai gần.
Nhà sử học Yuval Noah Harari nhận định: "Trong thế kỷ XX, chúng ta đã tăng gấp đôi tuổi thọ trung bình từ 40 lên 70… Mặc dù tuổi thọ trung bình của con người đã tăng gấp đôi trong vòng một trăm năm qua, nhưng sẽ không xác đáng khi kết luận rằng chúng ta có thể lại tăng gấp đôi tuổi thọ lên 150 tuổi trong một trăm năm tới" (2). Và có thể, cuộc chạy đua giành tuổi trẻ vĩnh hằng này sẽ gây ra nhiều tranh chấp, bất bình đẳng giữa các tầng lớp trên thế giới.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.