Trước những tác động tiêu cực của quá trình sản xuất sữa bò đối với thiên nhiên, ngày càng có nhiều người chọn sữa thực vật cho khẩu phần hàng ngày. Thế nhưng, các loại sữa hạt có thực sự "thân thiện" với môi trường khi quá trình sản xuất vẫn phát thải một lượng carbon nhất định?
Để tạo ra một lít sữa bò chúng ta phải tiêu tốn 8.95 m2 đất, 628 lít nước và phát thải 1.23 kg CO2 (1). Nghiên cứu mang tựa đề Milk and Health của Tiến sĩ Walter C. Willett năm 2020 cũng công bố nhiều kết luận quan trọng. Sữa bò chứa nhiều chất dinh dưỡng, tuy nhiên, tất cả các chất bổ này hoàn toàn có thể được lấy từ các nguồn khác. Đối với người lớn, không có bằng chứng vững chắc cho thấy uống sữa có thể giảm gãy xương. Trong khi đó, tiêu thụ nhiều thực phẩm từ sữa bò tuy làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng nhưng lại làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và ung thư nội mạc tử cung (2).
Để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể đồng thời bảo vệ môi trường, không ít người đã chọn sữa hạt vào thực đơn của mình. Có ba tiêu chí chính đánh giá tính thân thiện với môi trường của các sản phẩm sữa: Lượng nước tiêu thụ, lượng đất sử dụng và lượng carbon thải ra xuyên suốt quá trình sản xuất sữa. Ngoài ra ảnh hưởng của quá trình sản xuất sữa đến sự phì dưỡng (eutrophication) cũng là một yếu tố đáng cân nhắc. Dựa trên sự tác động của một số loại sữa hạt đối với thiên nhiên, bạn có thể cân nhắc lựa chọn các sản phẩm này theo nhu cầu và quan điểm của mình.
Mặc dù từng loại sữa thực vật có sự khác biệt trong các chỉ số, điểm chung là chúng đều chỉ tiêu tốn một phần rất nhỏ các tài nguyên môi trường so với sữa bò, đặc biệt là ở lượng đất sử dụng.
Loại sữa hạt phổ biến nhất hiện nay chính là sữa hạnh nhân với mức độ phát thải khí nhà kính thấp nhất trong các loại sữa nhờ khả năng lưu giữ carbon thông qua rễ cây. Mặt khác các phụ phẩm từ hạnh nhân như vỏ trấu, vỏ hạt có thể được sử dụng làm khí đốt hoặc thức ăn cho vậy nuôi, khiến sữa hạnh nhân có thể trung hòa hoặc thậm chí là phát thải âm carbon (3).
Một số thương hiệu sữa hạnh nhân mà độc giả có thể tham khảo: Sữa hạnh nhân Koita của Ý có chứng nhận hữu cơ từ châu Âu, Sữa hạnh nhân Degrees, Sữa hạnh nhân nguyên chất Natrue…
So với sữa hạnh nhân thì sữa dừa không cần sử dụng quá nhiều nước trong quá trình sản xuất, tuy nhiên cây dừa cần canh tác theo hình thức độc canh nên dễ dẫn đến nạn tàn phá rừng. Thêm vào đó, 80% diện tích trồng dừa hiện nay chủ yếu phân bổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vậy nên, quá trình xuất khẩu sữa dừa sang các khu vực khác có thể khiến dấu chân carbon của loại thức uống này tăng lên (4).
Để hạn chế phát thải carbon, các độc giả có thể lựa chọn các sản phẩm sữa dừa được sản xuất ngay tại Việt Nam như Sữa dừa hữu cơ Vietcoco thay vì hàng nhập khẩu.
Phổ biến không kém sữa hạnh nhân chính là sữa yến mạch đặc biệt thân thiện với môi trường. So với sữa bò, chúng thải ra lượng carbon ít hơn 80%, sử dụng quỹ đất ít hơn 80% và tiết kiệm 60% nguồn năng lượng để sản xuất. Đặc biệt quá trình làm sữa yến mạch chỉ cần 13% lượng nước so với sữa hạnh nhân và 7.5% lượng nước so với sữa bò. Điểm yếu lớn nhất của yến mạch là nguy cơ tồn đọng dư lượng thuốc trừ sâu và diệt cỏ (5).
Thương hiệu sữa yến mạch lớn nhất thế giới Oatly không sử dụng thuốc trừ sâu hiện đã có mặt tại Việt Nam có thể là một lựa chọn cho bạn.
Sữa gạo dễ dàng được chế biến từ loại lương thực hàng ngày của người châu Á và tiêu tốn rất ít đất đai trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên loại sữa quen thuộc này lại phát thải nhiều khí nhà kính nhất trong các loại sữa thực vật bởi các vi khuẩn trên đồng ruộng phát thải rất nhiều khí methane (6).
Chưa kể, sữa gạo còn loại thức uống gây ra hiện tượng phì dưỡng (eutrophication) cho đất chỉ sau sữa bò do quá trình canh tác lúa. Phì dưỡng là phản ứng của hệ sinh thái khi có quá nhiều chất dinh dưỡng từ phân bón bị thải vào môi trường nước, làm gia tăng đột biến các thực vật phù du (7).
Loại sữa này phát thải khí nhà kính ngang bằng với sữa hạnh nhân nhưng chỉ sử dụng 1/10 lượng nước. Cây đậu nành còn là "nhà máy nitrogen tự nhiên" với khả năng chuyển đổi nitrogen trong khí quyển thành dạng hợp chất mà động thực vật có thể sử dụng, giúp cải tạo đất trồng (8). "Đậu nành là "thực vật thần kỳ" vì nó không những chứa tất cả các axit amin thiết yếu mà con người cần mà còn giúp cố định đạm cho đất" - Giáo sư Dora Marinova của Đại học Curtin phát biểu trên tạp chí National Geographic (9).
Để có thể tự làm các loại sữa hạt thơm ngon tại nhà, các độc giả có thể tham khảo các máy làm sữa hạt đến từ các thương hiệu như Kalite, Bluestone...
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Ăn Uống?
Bài viết về rượu vang, trà, cà phê, địa điểm ăn uống và đầu bếp tài năng.