Nguồn cung cấp chất đạm (protein) dồi dào nhất cho cơ thể con người lại đến từ thịt, cá, trứng, sữa - các sản phẩm từ động vật tạo ra lượng lớn khí thải hiện nay. Cụ thể, những thực phẩm chứa protein nào có mức thải carbon cao nhất? Cách tốt nhất để giảm lượng khí thải trong chế độ ăn uống là gì?
Theo số liệu mới nhất, sản xuất lương thực toàn cầu chịu trách nhiệm cho 37% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra (tương đương 17,3 tỷ tấn carbon dioxit mỗi năm) (1). Hoạt động chăn nuôi không chỉ phát thải carbon dioxit (CO2) mà còn tạo ra khí metan (CH4) và nitơ oxit (N2O). Mặc dù metan và nitơ oxit không tồn tại trong khí quyển lâu như CO2 nhưng chúng làm gia tăng nhiệt độ nhiều hơn. Sau 20 năm đi vào bầu khí quyển, metan sẽ trở nên nóng gấp 80 lần khí CO2 (2).
Lượng khí thải trong chăn nuôi chủ yếu đến từ các yếu tố như: sản xuất thức ăn chăn nuôi (58%); động vật tạo ra khí thải trong quá trình tiêu hóa (31%, động vật nhai lại như bò, cừu, dê thường tạo ra lượng lớn khí metan); chế biến và vận chuyển (7%); lưu trữ phân (4%) (3).
Trong khi đó, các sản phẩm từ động vật lại là nguồn cung cấp protein (chất đạm) chính yếu trong các hộ gia đình ngày nay. Việc bổ sung đủ đạm cũng rất quan trọng để cơ thể phát triển toàn diện. Thế nhưng, một chế độ ăn uống phụ thuộc phần lớn vào protein động vật - đặc biệt là thịt bò - mang lại không ít tác động tiêu cực đến môi trường.
Để đo lường mức phát thải carbon của từng nguồn protein, nhà nghiên cứu Joseph Poore và Thomas Nemecek đã phân tích dữ liệu về hệ thống thực phẩm và đưa ra số liệu trong bảng dưới đây (4).
| Nguồn protein | Lượng carbon dioxit tương đương* (CO2e) phát thải ra môi trường trên mỗi 100 gram protein |
Sản phẩm từ động vật | Thịt bò | 49,9 kg CO2e (khoảng 4 miếng bít tết) |
| Thịt cừu | 19,9 kg CO2e |
| Tôm nuôi | 18,2 kg CO2e |
| Phô mai | 10,8 kg CO2e |
| Sữa | 9,5 kg CO2e |
| Thịt lợn | 7,6 kg CO2e |
| Gạo | 6,2 kg CO2e |
| Cá nuôi | 6 kg CO2e |
| Thịt gà | 5,7 kg CO2e |
| Trứng | 4,2 kg CO2e |
| Sữa chua | 2,7 kg CO2e |
Sản phẩm từ thực vật | Khoai tây | 2,7 kg CO2e |
| Đậu phụ | 2 kg CO2e |
| Bắp | 1,8 kg CO2e |
| Lúa mì | 1,3 kg CO2e |
| Đậu lăng | 0,8 kg CO2e |
| Đậu Hà Lan | 0,4 kg CO2e |
| Các loại hạt | 0,3 kg CO2e |
*CO2e hay carbon dioxit (carbon dioxide equivalent) là đơn vị chung dùng để đo lường các loại khí thải nhà kính khác nhau có khả năng làm ấm bầu khí quyển khiến Trái đất nóng lên.
Có thể thấy, thịt bò đứng đầu trong danh sách các nguồn thực phẩm phát thải - chỉ 4 miếng bít tết đã tạo ra 49,9 kg CO2e. Tiếp đến là thịt cừu, nguồn protein có dấu vết carbon lớn thứ hai - 19,9 kg CO2e trên mỗi 100 gram thịt.
Bò, cừu và dê đều là động vật nhai lại - các loài có quá trình tiêu hóa thức ăn chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn thứ nhất, chúng ăn thức ăn thô và nuốt vào dạ dày, sau đó ợ thức ăn đã phân hủy một phần trong dạ dày trở lại miệng để nhai lại vào giai đoạn thứ hai. Trong lúc ợ, chúng thải ra lượng lớn khí metan - loại khí làm nóng bầu khí quyển gấp nhiều lần so với carbon dioxit.
Thịt từ các động vật nhỏ, không nhai lại như gà, thỏ và vịt có lượng khí thải thấp hơn nhiều so với thịt bò và cừu, điển hình như thịt gà phát thải carbon thấp hơn 9 lần thịt bò, với mức 5,7 kg CO2e trên mỗi 100 gram protein.
Phô mai thường không được chú ý nhiều, nhưng nó tạo ra lượng khí thải cao thứ ba trong ngành chăn nuôi, chỉ sau thịt bò và thịt cừu. Lượng carbon của phô mai cao gần gấp đôi so với thịt gà, đồng thời cao hơn thịt lợn và trứng.
Tùy vào từng loại thực phẩm sẽ có lượng phát thải khác nhau. Các loại phô mai cứng có mức carbon cao hơn vì chúng làm từ nhiều sữa hơn. Phô mai mềm chứa nhiều nước nên có mức carbon thấp. Ví dụ, phô mai tươi có nhiều nước gấp đôi so với phô mai cheddar. Sữa chua lại có hàm lượng carbon thấp đáng ngạc nhiên, chỉ phát thải khoảng 2,7 kg CO2e trên 100 gram protein vì không cần nhiều sữa để sản xuất.
Sản phẩm từ động vật tạo ra lượng khí thải gần gấp đôi so với sản phẩm từ thực vật. Lựa chọn phát thải thấp nhất chính là áp dụng chế độ thuần chay, cắt bỏ hoàn toàn thịt và sữa.
Theo nghiên cứu của trường Oxford Martin, nếu cả thế giới ăn chay, lượng khí thải liên quan đến thực phẩm toàn cầu sẽ giảm đến 70% vào năm 2050 (5).
Chẳng hạn như chế độ ăn nhiều đậu Hà Lan và các loại hạt lại có mức thải carbon cực kỳ thấp, ít hơn gần 90 lần so với việc tiêu thụ cùng một lượng protein từ thịt bò.
Sophie Marbach, nhà vật lý và nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp cho rằng, có nhiều cách để giảm lượng khí thải trong khi vẫn nhận được lượng protein đầy đủ. Mặc dù cắt giảm thức ăn từ động vật sẽ rất hiệu quả, nhưng thay đổi loại thịt cũng có thể tạo ra sự khác biệt (6).
“Nếu bạn không muốn cắt bỏ hoàn toàn protein động vật thì điều tốt nhất chính là áp dụng chế độ ăn kiêng chỉ ăn động vật nhỏ (gà, vịt), trứng và sữa chua. Bằng cách tuân theo "chế độ ăn giàu protein nhưng ít phát thải CO2" này, một người sẽ giảm được 50% lượng khí thải carbon cá nhân của họ.
Trong khi đó, chế độ ăn chay gồm nhiều sản phẩm từ sữa, cụ thể là pho mát, gần như không hiệu quả bằng lựa chọn “ít phát thải CO2”. Nó chỉ giúp giảm 20% lượng khí thải trong lựa chọn dinh dưỡng của một người.
Như đã biết, những gì chúng ta ăn có ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái xung quanh và tình trạng biến đổi khí hậu. Trên thực tế, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã khẳng định rằng: “Điều này rất quan trọng nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu khí hậu dài hạn và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C”.
Điều quan trọng là, chỉ xê dịch 0,5 độ cũng tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn. Các nhà khoa học đã chạy thuật toán mô phỏng cho những trường hợp tăng lên 1,5 và 2 độ C. Họ nhận được kết quả không mấy khả quan. Nhiệt độ toàn cầu đã tăng ít nhất 1 độ kể từ thời tiền công nghiệp. Nếu lượng phát thải của loài người không giảm xuống, nhiệt độ Trái Đất sẽ tiếp tục tăng lên từ 1,5 đến 3 độ C vào giữa thế kỷ này và từ 4 đến 8 độ C vào cuối thế kỷ 21 (2). Nhìn chung, việc giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm từ động vật sẽ làm giảm "dấu vết carbon" tổng thể của mỗi người góp vào môi trường, giúp bảo vệ hành tinh xanh duy nhất của chúng ta.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giáo Dục?
Cập nhật những thông tin mới nhất về giáo dục.