Với nhiều người, rất khó để cảm nhận sự thân quen của cao lầu khi ăn ở những vùng miền khác. Đặc biệt là với ẩm thực chay, chế biến làm sao để giữ hương vị giống với nguyên bản lại càng là một thách thức. Thế nhưng, ở một nhà hàng cách không xa chợ Bến Thành, các đầu bếp đã khéo léo tái tạo lại được hương vị đặc trưng, vốn in sâu trong ký ức của nhiều người mê cao lầu phố Hội.
Cao lầu thực chất là một món mì, nhưng có tên gọi như vậy là bởi từng được xem như là cao lương mĩ vị chuyên phục vụ trên... lầu cao. Cũng dễ hiểu bởi món ăn được ra đời vào thời Trịnh - Nguyễn, khi mà Hội An là một thương cảng sầm uất, việc đặt một cái tên sao cho thật "kêu" thì càng được dễ được du khách khắp nơi ghi nhớ.
Mặc dù nghe qua thì hơi giống món "Tàu", nhìn gần lại na ná Udon của Nhật, nhưng ăn thử thì cao lầu đích thị là món Việt. Bởi hương vị từ sợi mì và nước sốt sệt sệt đậm đà chính là một nét đặc trưng khó lẫn vào các "món nước" khác.
Sở dĩ nói rằng cao lầu là đặc sản của Hội An cũng không ngoa, bởi vì không có nơi nào làm cao lầu ngon như cách làm của người dân phố Hội. Mà điểm đặc biệt, chính là sợi mì được chế biến một cách công phu độc đáo.
Tìm hiểu thêm về cách chế biến sợi mì cao lầu, chúng ta sẽ thấy rằng nó được thực hiện với nhiều công đoạn và cầu kỳ hơn so với cách làm "phần bánh" của những món nước khác.
Cụ thể, người ta sẽ đem ngâm gạo trong nước tro (tro của một loại cây ở Cù Lao Chàm) để sợi mì có độ dẻo giòn. Tiếp theo, gạo được xay thành bột, quá trình này cũng dùng nước giếng Bá Lễ - một giếng nước lâu đời ở Hội An. Sau đó, hỗn hợp bột vừa xay được lọc qua nhiều lần để loại bỏ tạp chất và giúp cho bột có kết cấu đặc trưng (khô và dẻo) trước khi cán thành miếng và cắt thành từng sợi. Cuối cùng, sợi được đem hấp nhiều lần để tạo ra mì cao lầu (thường có màu hơi sẫm và đục).
Với quá trình công phu và tỉ mỉ, đi kèm cùng với những điều kiện ngặt nghèo như vậy thì thành quả đem lại là khi nhai, ta cảm thấy một cảm giác rất riêng, rất "cao lầu". Và quả thực, nếu đã nếm mì cao lầu ở phố cổ thì dù có ăn ở nhiều nơi khác cũng khó mà hài lòng với món tương tự. Đấy cũng là lý do, mà nhiều thực khách (trong đó có cả người viết) từng có thành kiến với món cao lầu nhưng không ăn ở "lầu cao" phố Hội, cho đến khi được giới thiệu đến với nhà hàng Sanouva.
Chỉ cách chợ Bến Thành vài phút đi bộ, nhà hàng Sanouva nằm ngay giữa trái tim của thành phố, tạo điểm đến lý tưởng cho những ai mong muốn kết hợp giữa trải nghiệm ẩm thực độc đáo và sự thuận tiện của vị trí trung tâm. Điểm đặc biệt tiếp theo là không gian bài trí ở đây, với thiết kế tạo cảm giác thoải mái và trang nhã, nhà hàng rất phù hợp làm nơi thưởng thức cao lầu.
Khi món ăn được dọn ra, điểm ấn tượng đầu tiên của người viết là sợi mì rất đúng màu. Hỏi ra mới biết, đây là sợi cao lầu tươi được nhập từ Hội An. Nó có màu nâu nhạt, giòn và dai khác với màu vàng nghệ của sợi mì Quảng. Khi ăn, chúng ta cảm thấy ngay sự tổng hòa của hương liệu, từ sợi cao lầu dai mềm thoảng mùi tro, nước sốt đậm đà cùng rau thơm tươi mát, ram chiên giòn rụm.
Vì yêu thích cao lầu ở sợi mì nên với người viết, thịt xá xíu - vốn là một thành phần trong món cao lầu gốc - trở nên không còn quan trọng. Mà cái quan trọng là ở sợi mì cùng và nước sốt thì đầu bếp đã thực hiện rất hoàn hảo, góp phần làm nên linh hồn cho món ăn trở nên hài hòa - vị ngọt bùi cay mặn đủ cả.
Một điểm cộng nho nhỏ mà người viết thấy món cao lầu Sanouva khác với những nhà hàng khác chính là rau thơm. Nếu ai sinh ra và lớn lên ở miền Trung, chắc hẳn sẽ cảm nhận được sự khác biệt của gia vị ăn kèm quen thuộc với người Việt này.
Không biết do đất đai cằn cỗi, hay khí hậu khắc nghiệt, mà rau thơm ở khu vực miền Trung phát triển nhỏ hơn so với những khu vực khác, nhưng mùi vị thì mạnh và thơm hơn rất nhiều. Những rau húng, diếp cá, lộc quế, rau mùi ở Sanouva đều có hương nồng nồng cay cay, phù hợp cho những ai kỹ tính về khoản hương liệu.
Vì mục đích thưởng thức món cao lầu chay, cho nên người viết không thể "dành bụng" cho món chay khác như ramen, rau củ kho (giống món bò kho). Chắc để dịp sau, sẽ quay lại thưởng thức và "review" cho độc giả. Nhưng với những gì bỏ ra ngày hôm nay, đây hoàn toàn là một trải nghiệm xứng đáng. Đặc biệt là khi nán lại, người viết được đầu bếp từ Sanouva chia sẻ thêm về tâm huyết của anh:
"Tôi mong muốn rằng đây không chỉ là món ăn mà khách hàng chọn lựa vào những ngày rằm hay mùng 1, mà sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thực đơn hàng ngày của mọi người. Vốn biến tấu dựa trên những nguyên liệu thuần chay, anh luôn cố gắng làm sao để món ăn mang được hết tình hoa Hội An đến cho những tín đồ ẩm thực ăn chay trên đất Sài Gòn".
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Ăn Uống?
Bài viết về rượu vang, trà, cà phê, địa điểm ăn uống và đầu bếp tài năng.